MANG SÁCH ĐẾN VỚI NHIỀU NGƯỜI
Tôi được phúc hưởng nhiều cơ duyên, nhưng với tôi đây là cơ duyên gây dấu ấn sâu đậm nhất đời người. Tôi được vào thắp nhang trong lăng vua Gia Long khi ôm trong tay quyển “Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long” của TS. Phang Đăng Thanh và LS. Trương Thị Hòa mới xuất bản. NKP
- Quê tôi còn nhiều di tích của chúa Nguyễn Vương
Tôi là người Đồng Tháp – vùng đất mới đã được các chúa Nguyễn khai phá vào khoản thế kỷ XVII. Địa danh nhiều làng xã ở đây từ xưa thường gắn liền với chữ “Long” như Long Hưng, Long Thắng, Long Hậu, Hòa Long… như để nhắc nhở đời sau nhớ có những ngày tháng chúa Nguyễn Vương bôn ba lánh nạn Tây Sơn ở đây, sau lên ngôi vị Gia Long – vua khai sáng triều Nguyễn.
Tương truyền, địa danh “Lấp Vò” – tên một huyện phía Nam của tỉnh Đồng Tháp, bắt nguồn từ di tích của vua. Lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi, khi đi qua vùng đất này, quân chúa để lại nhiều dấu chân, rất dễ bị địch lần theo. Đêm đó, Nguyễn Vương khấn rằng: “Nếu số mạng của quân ta chưa tận, xin hãy lấp dấu chân đi để kẻ địch không thể truy tìm”. Sáng ra thì trời mưa to, mọi vết tích của đoàn quân không còn nữa. Và người ta cứ gọi địa danh đó là “Lấp Vò” – Cách nói trại từ âm địa phương “lấp giò” nghĩa là lấp dấu chân, dấu giò(1).
Cũng trong thời gian chúa đóng quân ở vùng này, Nguyễn Vương đã cho lập hai căn cứ quân sự tại nơi mà ngày nay là huyện Lai Vung, với mục đích trấn thủ hai vị trí chiến lược dẫn ra sông Tiền và sông Hậu. Hai căn cứ đó gọi tên là “Bảo Tiền” và “Bảo Hậu”, ngày nay chỉ còn phế tích. Tại Bảo Tiền, còn miếu thờ Gia Long và cây cổ thụ mấy trăm năm(2).
Tại xã Long Hưng hiện nay có ngôi mộ của một người cha nuôi có công giúp đỡ chúa lúc bôn tẩu. Ông là một điền chủ hào phú tên gọi ông Bỏ (Nguyễn Văn Hậu).
Vùng Sa Đéc nay còn ngôi chùa cổ Phước Thạnh do vua cho Bộ Công của triều đình về xây dựng với sắc chỉ của Gia Long: “Nguyễn triều Gia Long Hoàng đế kiến tạo Phước Thạnh tự.”
Ở Đồng Tháp, miếu thờ vua Gia Long “Cao Hoàng Thái miếu” ở xã Long Hưng A cúng giỗ hàng năm vào ngày 18-19 tháng Chạp (ngày mất của vua Gia Long). Hàng tháng còn có hai ngày cúng vào ngày 16 cúng mặn và ngày 29 cúng chay. Dân địa phương rất sùng bái công đức của vua qua việc thờ phụng, cúng vái, lễ nhạc…
Miếu Gia Long gắn liền với địa danh “cây đa bến ngự”. Trước miếu có một cây đa lớn độ 5, 6 người ôm, tương truyền đó là “cây đa bến ngự” vì nơi đó chúa Nguyễn Ánh trong thời gian trú ngụ tại đây, thường ra ngồi câu cá…
- Từ mê truyện “Gia Long tẩu quốc” đến đọc sách “Nhân quyền của người Việt…”
Từ nhỏ, có thể nói gia đình tôi ai cũng đam mê đọc truyện Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc, cùng với mấy bộ truyện Tàu như Đông Châu liệt quốc, Phong kiếm xuân thu, Tam quốc chí diễn nghĩa, Tây Du ký…
Gia Long tẩu quốc là bộ tiểu thuyết dã sử của tác giả Nguyễn Hữu Ngởi (biệt hiệu là Tân Dân Tử) xuất bản lần đầu ở Sài Gòn – Chợ Lớn vào năm 1930. Bộ truyện gồm 5 quyển, chia ra làm 27 hồi. Theo tác giả, nội dung có kê cứu theo chính sử Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Histoire d’Annam của Pétrus Ký, Description de Gia Định của Aubaret…
Truyện kể theo kiểu “truyện tàu”, với phong cách hành văn hấp dẫn “người thường đọc đến ắc phải hoan nghinh, người rộng học xem vào cũng có lý thú, nghĩa là toàn quốc có thể xem mà không tiếc ngày giờ”, về công cuộc bôn tẩu lánh “giặc” Tây Sơn của chúa Nguyễn Ánh ở khắp nơi miền Tây Nam Bộ, vùng sông nước Cửu Long, ra cầu viện nước ngoài, từ năm Ất Mùi (1775) về sau. Theo Đại Nam thực lục sau thất trận Rạch Gầm – Xoài Mút ở Mỹ Tho vào cuối năm Giáp Thìn (đầu năm 1785), Nguyễn Vương lánh sang Xiêm một thời gian rồi kéo quân về đóng ở Hồi Oa (Nước Xoáy) tức “vùng đất Sa Đéc” – Lấp Vò thuộc tỉnh Đồng Tháp ngày nay trong các năm 1787 – 1788, sau đó về đóng ở Bát Tiên (Vĩnh Long)… Chạy đến đâu chúa cũng được dân chúng thương yêu, đùm bọc; thậm chí đến cả các hiện tượng thiên nhiên quỷ thần, các loại vật thú cũng ra sức che chở, bảo vệ an toàn cho chúa tai qua nạn khỏi. Vua Gia Long và các vua kế vị ông về sau đều ban cho các vị thần linh, loài vật ấy làm thần thờ ở các đình của các xã địa phương như: Thành Hoàng Bổn Cảnh, Lang lại Đại Tướng Quân (Rái cá cứu vua), Nam Hải Đại Tướng Quân (Cá ông cứu chúa).
Khi chiến đấu giành được thắng lợi, giang sơn thu về một mối đấng minh quân thiên tử đã ban hành bộ luật của triều đại mình mà theo quyển sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long, tôi càng thấy rõ thêm tính nhân bản và quang minh chính đạo của vương triều Nguyễn. Kế thừa Bộ luật Hồng Đức của nhà Hậu Lê, thông qua Hoàng Việt luật lệ, vua Gia Long ban cho thần dân nhiều quyền làm người mà lúc đó ở các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, khái niệm về nhân quyền chưa phải nước nào cũng có. Mãi đến năm 1948 loài người tiến bộ mới có Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền và nửa sau thế kỷ XX mới ra đời các Công ước về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa để bảo vệ phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, quyền của người phạm tội, quyền biện tội, quyền được xét xử công bằng…
Nhà Nguyễn quả là một nhà nước do dân mà có và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Ngay từ thế kỷ XV, dù đất nước phong kiến nhưng người trị vì ở nước ta (nhà Hậu Lê) đã biết quan tâm đến đời sống người dân trong xã hội.
Từ truyền thuyết dân gian, tập tục lâu đời của địa phương dân tộc, từ các truyện Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc mà tôi say mê đọc từ nhỏ, các tài liệu địa phương chí của các tỉnh cho đến Bộ luật Gia Long tôi có dịp tìm hiểu cặn kẽ qua quyển sách “Nhân quyền của người Việt…”, tôi đã thấy rõ những nhận xét không tốt lâu nay phê phán Bộ luật Gia Long, vua Gia Long và triều Nguyễn, phần đông đều không có cơ sở khách quan và không thật công bằng.
- Một chuyến đi cố đô Huế thú vị
Tôi thật sự biết ơn và trân trọng công việc nghiên cứu, chắt lọc tư liệu để hoàn thành cuốn sách “Nhân quyền của người Việt…” của hai đồng tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa.
Tháng 11-2023, tôi đi xe tốc hành làm một cuộc du khảo tự do từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Huế. Trên đường đi tôi có ghé Quảng Ngãi cúng mộ ông Tạ Thu Thâu – một nhà yêu nước đồng hương cùng xứ với tôi ở Lấp Vò. Đến nơi, tôi ghé thăm nhà một nhà Huế học để xin địa chỉ của mấy nhà nghiên cứu cần đến. Tôi nhờ chú xe ôm đưa đi thăm được cả thảy gần 10 người và đến trao tặng sách tại Khoa Lịch sử Trường Đại học Huế. Khi đến biếu sách cho một nhà nghiên cứu thuộc Nguyễn Phúc tộc, tôi may mắn được mời dự đám giỗ 140 năm của vua Hiệp Hòa…
Ngày hôm ấy, tôi đã đến thăm Thiên Thọ lăng (lăng của vua Gia Long) và dâng lên bàn thờ trước mộ vua quyển sách “Nhân quyền của người Việt…”để bày tỏ lòng ngưỡng vọng biết ơn đối với người đã khuất.
Tôi đã có một cuộc du ngoạn thật thú vị, có thể nói là cơ duyên sâu đậm nhất đời tôi. Vừa đi tôi vừa thầm cám ơn hai tác giả đã tạo điều kiện cho tôi được góp phần nhỏ vào việc truyền bá di sản của tiền nhân.
Bà Nguyễn Kiều Phương đem sách “Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long” đến viếng và kính dâng tại Lăng Gia Long (Huế) để tỏ lòng tri ân công đức của vua.
NGUYỄN KIỀU PHƯƠNG*
Kiều Phương dự đám cúng giỗ 140 năm của vua Hiệp Hòa (người nữ đứng giữa)