“ĐAU ĐẾN LƠ NGƠ” CÙNG NGUYỄN ĐỨC HẠNH

Ngày đăng: 26/07/2024 12:11:27 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đọc bài thơ “Thái Nguyên Ngày Mưa Vỡ” của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Đức Hạnh, bên cạnh những câu thơ lạ về tứ, mới về ngôn từ và độc, lạ, đẹp về thi ảnh khiến người đọc thích thú: “Tôi về cắn giọt em vừa qua phố / Mưa ngàn năm nhuộm trắng mái đầu“, “Dốc Nhà Bò, núi Cô Kê, quán Ba Trăm lay mòn sách cũ / Bao người đẹp thành bà cụ đi bộ toàn vấp gió“, “Người tôi yêu thành giọt mưa vỡ / Lăn trăm năm trong một tiếng thở dài …”… thì 2 câu thơ: “Cầu Gia Bảy nứt vì bom Mỹ / Vá víu rồi còn đau đến lơ ngơ” được tác giả sắp xếp câu chữ như viết rất chân chất tự nhiên lại làm người đọc phải chùng lòng bởi sự ám ảnh:

 CẦU GIA BẢY

 

THÁI NGUYÊN NGÀY MƯA VỠ.

Cà phê Xưa chỉ còn ly đầy gió 

Giọt ngày xưa rơi đắng bây giờ 

Cầu Gia Bảy nứt vì bom Mĩ 

Vá víu rồi còn đau đến lơ ngơ 

.

Sông Cầu qua đây e thẹn

Giấu xoáy ngầm gọi tím Bằng Lăng 

Yêu là thế! Tôi về cắn giọt em vừa qua phố

Mưa ngàn năm nhuộm trắng mái đầu 

.

Dốc Nhà Bò, núi Cô Kê, quán Ba Trăm lay mòn sách cũ 

Bao người đẹp thành bà cụ đi bộ toàn vấp gió 

Những xinh tươi vào Di chúc cả rồi 

Quả Sim nào lăn tím ngắt thơ tôi?

.

Về đến ngõ. Rung ngực. Thái Nguyên ơi 

Áo Chàm rơi thành Hồ Núi Cốc 

Người tôi yêu thành giọt mưa vỡ 

Lăn trăm năm trong một tiếng thở dài (NGUYỄN ĐỨC HẠNH)

Viết về nỗi đau hậu cuộc chiến giữa 2 miền Nam Bắc đã có quá nhiều nhà văn nhà thơ khai thác theo chủ đề xuyên suốt tác phẩm nhưng với “Thái Nguyên Ngày Mưa Vỡ” của Nguyễn Đức Hạnh thì không thế, chỉ là ông vô tình chợt thấy di chứng của cuộc chiến mà nỗi đau ám ảnh vào thơ. Cả bài 16 câu chỉ có 2 câu thơ: “Cầu Gia Bảy nứt vì bom Mỹ / Vá víu rồi còn đau đến lơ ngơ” gợi lại ký ức buồn về một chặng đường lịch sử của dân tộc với những chữ giản dị, mộc mạc như tự bật ra từ lồng ngực, từ trái tim nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Đức Hạnh.

Hai chữ “vá víu” đã lột tả thực trạng tâm, tầm và lực của lối suy nghĩ và cách hành xử của các cơ quan chức năng có trách nhiệm với “Cầu Gia Bảy nứt vì bom Mỹ“, rộng ra là với cuộc sống của người dân và với hiện trạng của đất nước.

Hai chữ “lơ ngơ” diễn tả nỗi đau khó nói thành lời với những chất vấn không hiểu tại sao lại có cuộc chiến 2 miền Nam Bắc? Tại sao di chứng chiến tranh lại để mãi kéo dài?… Hỏi đấy mà không thể có câu trả lời thỏa đáng vì những lý do đưa ra “không thể tin được“, “không thể hiểu được“… càng khiến người “chất vấn” thấy lạ lẫm, ngớ ngẩn đến khó hiểu! Nếu nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh thay 2 chữ “lơ ngơ” bằng các chữ khác như: ngẩn ngơxót xaquặn thắtđắng lòng,… thì câu thơ thật bình thường, không có gì để bàn vì câu thơ dễ trôi tuột, không để lại ám ảnh với người đọc!

Tôi thích cách dùng câu chữ chân chất tự nhiên ở 2 câu thơ này. Bốn chữ “vá víu“, “lơ ngơ” diễn tả được thật nhiều nỗi niềm!

Hà Nội, ngày 25 tháng 07-2024

ĐẶNG XUÂN XUYẾN .

(1)Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh vào nghề  với xuất phát điểm là thơ, ông đã in 4 tập thơ gồm: “Núi khát”, NXB Hội Nhà văn, năm 2000; “Vết thời gian”, Sở Văn hóa Thái Nguyên ( 2014); “Khoảng lặng”, NXB Đại học Thái Nguyên ( 2016) và “Thầm”, NXB Hội Nhà văn ( 2020). ông còn xuất bản 3 chuyên đề khảo cứu và phê bình văn học: “Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ 1965-1975 nhìn từ góc độ thể loại”; “Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Chu Lai và Văn học địa phương miền núi phía Bắc”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác