VỚI ĐÀO TẤN, CHUYỆN ĐỜI NHƯ KỊCH
Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài và một nhạc sĩ có tài nữa. Đào Tấn có trọn những tài ấy.. Phải nhìn Đào Tấn trong vị thế một tài năng tổng hợp, tầm vóc như thế mới thấy ông quý và hiếm đến như thế nào. Có một điều tôi hiểu và lấy làm ngạc nhiên: Tuồng là một loại hình sân khấu vừa mang tính dân tộc vừa mang tính khu vực, vừa bác học vừa dân dã, vừa classic vừa pop, đúng ra là pop – rock.
Các bạn thanh niên thử đi xem một buổi biểu diễn tuồng Đào Tấn mà coi. Nó cũng “phê” lắm, đã lắm đấy. Vậy mà lâu nay ở ta, tuồng cứ như nhạt bóng dần. Đời sống nghệ sĩ tuồng chật vật mà nhẽ ra nó phải hết sức thong thả, để người nghệ sĩ chỉ còn suy tư mỗi một chuyện thu hút trọn vẹn hồn vía khán giả. Cả người dân cũng cần có những hiểu biết căn bản về tuồng để có thể dễ dàng tiếp cận vở diễn. Những chuyện như thế chỉ nhà nước mới làm nổi.
Nếu người ta nhớ rằng Bertolt Brecht rất thích tuồng Nô Nhật Bản và ông đã học tập nhiều thứ từ tuồng ấy, cũng như Nazim Hikmet cực mê Kinh Kịch Trung Quốc, thì đôi khi người ta phải hối tiếc vì đã để cho tuồng Việt Nam mình bỏ mất cơ hội khi chậm vươn ra thế giới đến thế.
Sinh thời, Đào Tấn đã cảm nhận được bản chất của cuộc đời này: “Sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân” (Tạm dịch: Việc đời như kịch, há trong xứ giả bảo không chân) và chính cái nghịch – lý – thuận – lý đó là kịch, là tuồng, là đất dụng võ cho những nghệ sĩ có bản lĩnh và tài năng. “Thiên bất dữ nhàn, thã hướng mang trung tầm tiểu hạ” (Tạm dịch: Trời chẳng cho nhàn, vào bận rộn này tìm chút rỗi). Nghĩa là Đào tiên sinh đã chấp nhận tất cả để có thể làm một nghệ sĩ. Đào Tấn trong cuộc đời làm quan của mình có để lại nhiều lòng mến thương, đặc biệt do đã khí khái giúp đỡ những anh hùng thất cơ lỡ vận trong cuộc Cần Vương chống thực dân Pháp… Nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ cho người đời sau nhớ nhiều nếu Đào Tấn không phải là thầy tuồng. Ông đã chấp nhận, sung sướng chấp nhận đồng hành trong “bầy lũ” những “xướng ca vô loài” chỉ cốt để mua vui, mua buồn, mua đau xót, mua sự tự ý thức, tự thức tỉnh nơi những người xem tuồng, từ quan lại tới thứ dân, từ cung đình tới xóm xã.
Người ta thấy hình ảnh Phan Đình Phùng trong hình tượng Triệu Khánh Sanh ở tuồng Diễn võ đình, người ta thấy Trương Công Định trong Trương Phi ở tuồng Cổ Thành, người ta thấy Nguyễn Thân – tên phản bội gian ác trong hình tượng Tiết Bất Nghĩa ở tuồng Hộ sanh đàn… Người ta đã thấy cả đời sốngViệt Nam đang diễn trên sân khấu, với bao hỉ nộ ái ố ai lạc và trong phút chốc, người ta được giải thoát. Và đó cái tài của Đào Tấn. Còn một điểm đã được khẳng định, ở đây sẽ khá dài dòng nên tôi chỉ tóm tắt ấy là tư tưởng tuồng của Đào công đã vươn đến tầm nhân loại.
Hồi xưa, chưa có tivi, chưa có phim truyền hình nhiều tập, nhưng người dân quê tôi đã được xem tuồng – nhiều – tập của Đào Tấn, như pho tuồng Vạn bửu trình tường gồm 108 hồi, diễn hàng mấy chục đêm mới hết. Xem thế còn sướng hơn cả phim truyền hình nhiều tập chứ lại! Mà trong khi xem còn được giao lưu hay chí chóe với nhau, để rồi hể hả cùng nhau, càng tăng thêm tình làng nghĩa xóm. Ôi, “bao giờ cho tới ngày xưa”, để được xem tuồng cụ Đào, được ngồi xổm lê la trên bãi cỏ quê hương mà sướng mà khổ với từng nhân vật tuồng.
Đào Tấn là nhà cách tân nghệ thuật tuồng. Vốn là con đẻ của nông dân (cha mẹ Đào Tấn theo nghề nông), nhưng do chăm chỉ học hành, lại được giao du, sinh hoạt từ nhỏ trong không khí của nghệ thuật tuồng tại quê hương Tuy Phước, nên Đào Tấn ngay từ nhỏ đã có “máu” tuồng, đã có những năng khiếu đặc biệt về tuồng. Khi lớn lên, học hành đỗ đạt thành danh, đi làm quan lại gặp một ông vua mê tuồng là Tự Đức, nên Đào Tấn có điều kiện để “chơi” cái nghệ thuật của mình, để trau dồi và làm điêu luyện nghệ thuật ấy.
Nhưng Đào Tấn sẽ không bao giờ là nhà cách tân tuồng nếu ông không sống trong hoàn cảnh bi kịch của đất nước, nếu bản thân ông không thường xuyên sống trong nghịch cảnh, phải luôn tự dằn vặt mình, luôn phải đặt câu hỏi và phải tự tìm câu trả lời cho cuộc đời mình, đó cũng là câu trả lời cho nghệ thuật của mình. Người ta hay phân tích những mâu thuẫn trong thế giới quan của người nghệ sĩ, nhưng thực ra có điều này người ta khó biết, là người nghệ sĩ tự nguyện sống trong những mâu thuẫn ấy, chỉ vì nghệ thuật của họ. Luôn luôn, người nghệ sĩ phải đi giữa hai bờ của một dòng sông, luôn phải nghe những tiếng kêu từ hai phía và luôn phải tìm cách để vang vọng lại. Những dằn vặt, những rắc rối, những do dự, những nhiệt huyết can trường và những nghẹn ngào cam chịu… tất cả đều chung sống trong tâm hồn người nghệ sĩ Đào Tấn. Và chính từ đó, khi cầm bút viết tuồng, ông đã xây dựng được những nhân vật khác lạ, những tình huống kịch khác lạ, những “vào kịch” và “ra kịch” khác lạ. Đó là cách tân, đó là “đổi mới” như bây giờ chúng ta hay gọi một cách lạm dụng.
Hãy đọc một đoạn độc thoại của nhân vật Trương Phi trong Cổ Thành, ta sẽ thấy ngay cách tân ấy của Đào Tấn. Mà nếu được xem trực tiếp đoạn này do một nghệ sĩ tài ba đóng, thì ấn tượng còn sâu đậm đến chừng nào! Chỉ trong một đoạn độc thoại ngắn mà nhân vật đã trải qua đến ba, bốn tâm trạng, những tâm trạng cùng lúc hiện diện, vặn xoáy vào nhau, vật vã nhau. Một nhân vật, với những động tác múa, hát, nói đã thực sự làm thành một cuộc chiến đấu, mà bãi chiến trường chính là nội tâm. Hãy hình dung Hamlet của W. Shakespeare thế nào thì bãi chiến trường nội tâm của Trương Phi cũng thế ấy. Không hề kém. Dù vậy tuồng hơn kịch nói, kịch thơ ở chỗ nó còn dùng nghệ thuật múa. Và những động tác lặng lẽ đầy tính biểu hiện của nó, không phải trong nghệ thuật kịch nào cũng có được.
Sinh thời, Đào Tấn đã tự hiểu mình làm quan chỉ là “giả” mà làm tuồng mới là “thật”, nên ông đã di chúc lại: “Tàm quí nhân hô đế cựu thần” (Hổ thẹn khi người ta gọi mình là cựu thần). Ngược lại, chắc Đào Tấn rất tự hào khi người ta gọi ông là “thầy tuồng”, là nghệ sĩ tuồng, nhà viết kịch bản tuồng, nhà đạo diễn tuồng. Và là bậc thầy, là lớn, rất lớn.
Nếu William Shakespeare vĩ đại đã vừa viết kịch bản vừa đạo diễn vừa làm diễn viên thì Đào Tấn cũng làm như vậy. Và nếu W. Shakespeare viết kịch thơ thì Đào Tấn tiên sinh cũng viết kịch thơ – chẳng phải tuồng là một thứ kịch thơ hay sao! Tôi nghĩ nếu chúng ta làm công việc giới thiệu một cách “ngon lành” thì nhà soạn tuồng Đào Tấn của chúng ta sẽ có một vị trí khác trên tầm quốc tế. Bởi những nỗi ưu hoài, tâm tư của ông không chỉ là tâm tư, ưu hoài Việt Nam mà đã vươn đến tầm nhân loại.
THANH THẢO
Trích đoạn tuồng Quan Công phò nhị tẩu (trong vở tuồng Cổ Thành) của Đào Tấn, do Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) biểu diễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN