NHỚ VÕ CHÍ HIỀN
Một sáng, từ Nha Trang gọi vào báo tin anh Võ Chí Hiền mất, tôi tức tốc lên xe đi ngay ra nhà anh ổ Nhà Trang, tiễn anh lần cuối. Sau ngày ấy gần hai năm, tôi nhận được cuốn Mật Khải (The Prophet) do anh chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt thành thơ. Một tác phẩm tuyệt vời của Kahlil Gibran qua tay anh càng trở nên xuất chúng, và hơn thế nữa, tác phẩm chuyển thơ của Võ Chí Hiền ( bút danh Yên Hồng) càng đáng quý vì trong đây có toàn bộ tranh của họa sĩ Ký Thương Lê vẽ tặng minh hoạ.
Anh là người thông minh, tinh tế đầy kiến thức. Tôi gọi anh là quái kiệt, anh đưa hai bàn tay hai bàn chân đều sáu ngón của anh lên rồi nói: anh là quái nhân. Anh đặt tôi là Bắc Kiều Phong.
ĐÀ LẠT CÒN ĐÂU
Viết tặng anh Võ Chí Hiền (Hien Vo)
Một hồi chuông reo, “người bạn lớn” của tôi đang làm việc ở Đà Lạt gọi. Tôi và anh hẹn gặp nhau trước khi tôi về Sài gòn.
– Em tới cà phê Xoay nhé!
– Dạ, em đang tới!
Ngay ngoài hiên quán, anh đang ngồi nhìn chăm chú vào cái điện thoại, anh cận nặng. Tôi hơi khựng lại vì trên bàn anh có 2 ly cà phê sữa đá. Đúng là anh mà, tôi bước vào bàn, anh nói đã gọi sẵn cà phê cho tôi. Sự cả quyết của anh làm tôi thoải mái dù tôi không uống được cà phê sữa đá (nhưng tôi không nói gì). Tôi biết anh “đốt giai đoạn” chờ pha. Anh đối với tôi tự nhiên như một người thân. Tôi gặp anh trước khi về Sài Gòn và lần nào cũng vậy: anh hẹn lại học trò giờ lên lớp, tôi dời giờ ra xe… Tôi không có nhiều thời gian, nhưng dành cho những cuộc gặp gỡ thế này thì tôi có thể để tất cả công việc qua một bên. Dù anh và tôi chỉ nói với nhau về cuộc sống, về quan niệm tôn giáo. Anh gọi tôi là Kiều Phong. Tôi cười không phản đối.
Nhớ mùa đông năm trước. Trời vẫn còn mưa, tôi đang dự tất niên ở Ninh Hòa, nghe anh hẹn họp mặt ở Nha Trang, tôi thu xếp ra ngay. Từ Ninh Hòa về Nha Trang mưa cứ rơi tầm tã. Hôm ấy là một ngày vui, anh Phượng Hồng cứ hát rồi lại ngâm thơ, phần lớn là thơ Phạm Công Thiện. Phù Vân cười suốt buổi và ở lại toiws khuya với chúng tôi, càng khuya, mưa càng lớn. Lạ thật, mưa đêm mùa đông ngồi bên sông Cái mà sao lại ấm…
Tiệc tàn, anh bỗng hỏi tôi:
– Bây giờ em thích gì, em thích gì mấy anh chị làm cho em hết…
Tôi bảo tôi không thích gì cả dù tôi chưa hiểu anh muốn hỏi gì. Anh lặp lại:
– Anh nói thay cho mấy anh chị ở đây. Bây giờ em muốn gì, các anh sẽ làm cho em hết. Vì lát nữa đây mấy anh chị ai về nhà nấy hết rồi, chỉ còn mình thôi. Em ở chỗ lạ, lại xứ người, em về đâu?
Đêm cuối năm, mà sao mưa vẫn còn rơi tầm tã, nói gì đây khi tôi không thể thốt ra lời.
Không cần lời hoa mỹ
Mà giữ chân người đi
Chỉ vài tiếng thầm thì
“Em muốn gì nói đi”.
Nkp
Dù tôi đã dọn sẵn cho mình một chỗ “lui” khi quyết định “tiến” nhưng tôi vẫn bất ngờ và xúc động trước tấm chân tình của anh chị dành cho mình. Tôi không phải tuýp người dễ xúc động, tôi tự tin và biết “điều chỉnh” bản thân.
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu tôi về chốn này (Nha Trang), nhưng mỗi lần về, tôi cứ làm rơi vài kỷ niệm lại nơi đây.
Anh trong quán đi ra
Tôi trên xe bước xuống
Nhìn nhau sao luống cuống
Chiều xuân mưa cứ tuôn…
Nkp
Trở lại chuyện ở cà phê Đà Lạt.
Chia tay anh rồi tôi lang thang giữa trời Đà Lạt chờ xe. Đêm Đà Lạt mùa đông sao mà ấm. Tôi như đang đi giữa khoảng mênh mông. Tự dưng thấy lạc lõng lạ thường, như vừa bước ra khỏi một sự đùm bọc, chở che. Một cơn gió vụt ngang qua. Ồ lạ! Gió đêm cũng làm ta cay mắt.
Đêm Đà Lạt lạnh vừa đủ để ta thèm một vòng tay. Không gian phố đi bộ cuối tuần đông vừa đủ để mọi người đi sát vào nhau và cũng vừa đủ để lòng ta chạnh nhớ…Nghệ sĩ Violin đang so dây, tôi dừng lại nhìn. Anh chàng vội kéo nhanh bài “Thành phố buồn” quen thuộc. Bản nhạc giữ bước chân tôi đứng nghe đến hết bài. Choàng tay ôm nhau khi từ giã, tôi với nghệ sĩ như bạn cố tri. Câu chuyện chúng tôi kết thúc mà không cần một lời nào.
Đó là người sau cùng tôi từ biệt ở thành phố này và bản nhạc “Thành phố buồn” là bản nhạc cuối cùng tôi nghe ở đây.
NGUYỄN KIỀU PHƯƠNG