NGUYỄN TRỌNG TẠO, NHÀ THƠ ĐA TÀI

Ngày đăng: 5/04/2024 07:39:51 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình Nho học ở làng Trường khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách Việt Nam; nguyên Trưởng ban Biên tập báo Thơ thuộc Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam, 2003-2004) và là tác giả của những tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc); những bài hát “Làng Quan Họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”, tác giả Biểu tượng Ngày thơ Việt Nam, Cờ thơ.

Năm 1969, ông tham gia quân đội, thuộc Đoàn 22, Quân khu 4, rồi làm Đội trưởng Đội Tuyên truyền Văn hóa Đoàn 22B, Trưởng đoàn Văn công Xung kích Sư đoàn 341B.

Năm 1976, ông được Tổng cục Chính trị điều về Hà Nội tham gia Trại Viết văn Quân đội rồi vào học Trường Viết văn Nguyễn Du, Khóa I. Năm 1978 thì sự nghiệp âm nhạc của ông mới khởi sắc khi ca khúc Làng quan họ quê tôi do ông phổ nhạc đã nổi tiếng cả nước. Năm 1982, làm Trưởng ban Biên tập Nhà Văn hóa Quân khu IV. Năm 1988, chuyển về làm công tác biên tập xuất bản tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1990, cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà văn Nguyễn Quang Lập sáng lập Tạp chí Cửa Việt, làm biên tập và phụ trách mỹ thuật tạp chí này 17 số đầu tiên. Năm 1997, ông chuyển làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nguyễn Trọng Tạo còn là họa sĩ minh họa và trình bày mỹ thuật Tạp chí Cửa Việt, Tạp chí Âm nhạc, Báo Thơ, tác giả măng-sét Tạp chí Sông Hương, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Báo Thơ…

Nguyễn Trọng Tạo đã cho ra đời cả trăm bài thơ được bạn đọc yêu mến; xuất bản 11 tập thơ (không kể in chung) trong đó có 01 tập in song ngữ Việt – Anh; 02 trường ca; 03 tập truyện ngắn và 01 tập lý luận phê bình. Một thời gian, anh là Trưởng ban biên tập báo Thơ (thuộc báo Văn nghệ, sau là Tạp chí Thơ) và là Ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (khóa VI). Tài năng độc đáo, với những đóng góp nhiều mặt, Nguyễn Trọng Tạo đã có hàng chục giải thưởng danh giá từ trung ương đến địa phương; năm 2012, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt III (Tập thơ “Đồng dao cho người lớn” và Trường ca “Con đường của những vì sao” viết về Đồng Lộc anh hùng). Nguyễn Trọng Tạo còn là một họa sĩ rất có gu và đầy cá tính, nhiều năm phụ trách mỹ thuật, chuyên minh họa cho nhiều tờ báo và tạp chí danh giá. Ông thiết kế nhiều măng set có tiếng cho một số tạp chí văn nghệ được đánh giá cao, đồng thời còn là một họa sĩ làm bìa sách rất được ưa chuộng.

Tài năng thiên phú đâu chỉ có văn chương và hội họa, mà ở lĩnh vực âm nhạc cũng rất phong phú. Nguyễn Trọng Tạo là tác giả của nhiều ca khúc “đi cùng năm tháng”, như: “Làng quan họ quê tôi” (thơ Nguyễn Phan Hách), “Đôi mắt đò ngang”, “Khúc hát sông quê” (thơ Lê Huy Mậu), “Bản tình ca bên một dòng sông”… Đặc biệt, ca khúc “Ngợi ca đất nước”, nhạc và lời Nguyễn Trọng Tạo được Ban tổ chức cuộc thi sáng tác Quốc ca (1982) chọn vào vòng chung khảo, sánh vai cùng với 16 tác phẩm khác của các nhạc sĩ lừng danh, hạng “cây đa, cây đề” như: Đỗ Nhuận, Huy Du, Chu Minh, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân…

Năm 2000 đến 2005, ông là Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Trưởng ban Biên tập Báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ (2003-2004).

Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Năm 2012, nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với tập thơ Đồng dao cho người lớn và trường ca Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc)…

Nhà thơ mất ngày 7/1/2019 tại bệnh việt Bạch Mai, thọ 72 tuổi

PHẠM CƯỜNG

Nhận định

Thơ của Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt… Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi, và, lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt…(Hoàng Ngọc Hiến)

Nếu người đọc muốn tìm thấy ở thơ Nguyễn Trọng Tạo câu trả lời chức năng của thơ là gì thì khó mà có một lời giải đáp cụ thể. Ta thấy thơ anh không nhằm phục vụ một nhiệm vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại. Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào. Ngòi bút anh thoải mái với những điều không phải dễ nói ra…(Vũ Cao)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác