ĐÔNG – JUAN THỜI HIỆN ĐẠI
Đông-Juan là một nhân vật trong tác phẩm văn học của nhà văn Stendal. Đó là một mẫu đàn ông gợi tình, mạnh mẽ, táo bạo và có số “đào hoa”. Chính vẻ đẹp đầy nam tính, gợi tình và tham vọng chinh phục phụ nữ đã giúp anh ta giành được nhiều “chiến công” trong đời sống tình ái của mình. Stendal đã viết: “Đông-Juan luôn rũ bỏ mọi trách nhiệm trong các mối quan hệ tình cảm của anh ta. Trên “chiến trường” bao la rộng lớn, anh ta luôn luôn là kẻ đào hoa, luôn luôn chiến thắng mà không bao giờ chịu nếm mùi thất bại”. Như vậy, anh ta quả là tay săn lùng phụ nữ lạnh lùng, trơ trẽn và “hiệu quả”. Stendal đã xây dựng rất thành công nhân vật Đông-Juan để từ nhân vật Đông-Juan trong tác phẩm văn học, bước ra với cuộc đời, đại diện cho những gã Đông-Juan của đời thường: Lạnh lùng đến tàn nhẫn, trơ trẽn đến bỉ ổi.
Điểm chung cơ bản đầu tiên ở những gã Đông-Juan là sự đa tình, có mới nới cũ. Bản chất đa tình, háo sắc, lấy thú vui xác thịt làm lẽ sống đã khiến những gã Đông-Juan trở thành kẻ “săn tình” siêu hạng. Trong các cuộc phiêu lưu tình ái, các gã Đông-Juan không quan tâm tới tình cảm, nhân cách của người phụ nữ mà anh ta sẽ (đang hoặc đã) chiếm đoạt. Anh ta cũng không cần quan tâm cuộc chơi tình ái ấy kéo dài được mấy ngày, mấy tháng. Điều quan tâm duy nhất của anh ta là được thỏa mãn nhu cầu sinh lý đến mức bệnh hoạn của mình.
Tìm kiếm sự thủy chung ở những gã Đông-Juan thật không khác việc xuống đáy biển mò kim. Trong đời sống tình cảm của mình, những gã Đông-Juan luôn đề cao sự tận hưởng của thú vui xác thịt, coi đó là mục đích sống, là chiến công cần đạt được. Gã luôn thay đổi bạn tình kiểu như người ta thay áo. Đồng thời, gã biết dùng những mánh khóe đầy nghệ thuật, bằng sự thiên biến của mình và bằng sự sắp xếp những “ứng phó” rất tiểu xảo nhưng cũng rất nghệ thuật để tránh con mắt dò xét của thiên hạ. Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân khiến cho những người đàn ông này hành động như vậy là do họ thường cảm thấy bất an, yếu đuối và bất ổn về con người của họ nếu không tạo được mối quan hệ với nhiều phụ nữ.
Một điểm chung nữa thường thấy ở những gã Đông-Juan, là tính hiếu thắng, muốn chinh phục được bất kỳ người phụ nữ nào mà họ thích. Có hay không tình cảm thật sự với những người phụ nữ này, đối với họ điều đó không quan trọng, điều quan trọng với họ là bản danh sách những người phụ nữ đã bị họ, những gã trai lơ đĩ bợm, chinh phục là bao nhiêu?
Thông thường, cánh đàn ông coi việc chiếm đoạt trái tim phụ nữ như những cái mốc trong cuộc đời. Họ gán sự ham muốn tình dục của mình là do bẩm sinh, là nhu cầu chính đáng nên xã hội không có lý do gì để cấm kỵ. Như con thiêu thân, họ lao vào những cuộc tình chớp nhoáng, không đếm xỉa đến cảm xúc, không nghĩ đến hậu quả và không bận tâm đến dư luận nhìn nhận, đánh giá thế nào. Trong những cuộc “hội họp” của các gã Đông-Juan, những chuyện mà người khác nghe thấy thường là những cuộc phiêu lưu tình ái, mà ở đó, các chàng Đông-Juan luôn là người sắm vai chính, đảm đương vị trí của kẻ săn lùng.
Các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu làm cho sự xung động tình dục của các gã Đông-Juan – hay còn gọi là những gã trai lơ, đàng điếm – luôn mạnh mẽ là bởi sự mất cân bằng của nội tiết tố. Hệ thống thùy não dưới – tuyến yên – tuyến tình dục trong cơ thể chi phối toàn bộ hoạt động sinh sản và đời sống tình dục của con người. Nếu một khâu nào đó trong hệ thống này trục trặc, sẽ dẫn tới bất thường về đời sống tình dục, mà cơ bản, sự bất thường đó làm gia tăng ham muốn tình dục.
Qua giải phẫu và kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, các nhà tâm sinh lý tình dục cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác dẫn tới sự ham muốn tình dục gia tăng mạnh mẽ: Một khối u nào đó trong đầu, một bệnh nhân thần kinh do tâm lý khác thường, một người thích xem tranh ảnh khiêu dâm,… đều có thể làm cho hưng phấn tình dục quá mức bình thường, dẫn tới sự ham muốn tình dục gia tăng mạnh mẽ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người đàn ông hào hoa, phong nhã của chúng ta trở nên trăng hoa, đĩ điếm.
Một điểm chung nữa mà các chàng Đông-Juan thường có, đó là càng khao khát tình yêu thì họ càng cố buộc người khác phải phục tùng, thậm chí còn áp đặt người khác phải nghe theo và làm theo sở thích bệnh hoạn song hành cùng tính hiếu thắng của mình.
Tham vọng quyền lực của các chàng Đông-Juan nằm sau ham muốn tình dục. Mỗi thành công mới trên bước đường chinh phục mỹ nhân là mỗi lần thỏa mãn tính hiếu thắng của anh ta, và là cách các chàng Đông-Juan cho rằng để khẳng định về sức mạnh đàn ông và ý nghĩa giá trị (tính đực) của con người mình.
Chúng ta, chắc khá nhiều người biết nam ca sỹ Nguyễn Ngọc là người bị tai tiếng về tình ái như thế nào. Với vẻ đẹp đàn ông rất phong trần, hoang dại và giọng ca mượt mà, truyền cảm, Nguyễn Ngọc là thần tượng của nhiều cô gái trẻ. Lợi dụng tình cảm khán giả nữ dành cho mình, Nguyễn Ngọc luôn tạo mọi cơ hội để chinh phục những cô bé “nhẹ dạ” sau những đêm lưu diễn. Mới 10 năm vào nghề nhưng số “nạn nhân” bởi đặc tính Đông-Juan của Nguyễn Ngọc thì không thống kê nổi. Gần đây, sau cái tát “trời giáng” của một “bé con Hà Nội” khi Nguyễn Ngọc định giở trò Đông-Juan, phần nào đã làm anh thức tỉnh. Không biết cái tát ấy có làm cho Nguyễn Ngọc từ bỏ hẳn câu “châm ngôn” cửa miệng: “Tình dục là nhu cầu chính đáng của mỗi người nên xã hội không có lý do gì để khoanh vùng cấm kỵ” hay không, nhưng những lần xuất hiện gần đây, người ta thấy Nguyễn Ngọc trầm hẳn.
Nghiên cứu về tâm sinh lý người đàn ông, người ta thấy sự “gồng mình đến khổ sở” của đấng mày râu khi buộc phải trả lời các câu hỏi: Người đàn ông là gì? Tính nam là gì? Thế nào mới được gọi là người đàn ông đích thực?…. Giáo sư Elisabeth Badinter đã viết: “Khi đề cao hình ảnh không thể với tới được về tính nam, người ta gây ra một ý thức đau đớn: Ý thức là một người đàn ông không hoàn tất. Để đấu tranh chống lại tình cảm bất an thường trực, một số đàn ông nghĩ rằng đã tìm thấy phương thuốc trong việc đề cao một tính siêu đực. Thực ra, họ lại bị cầm tù bởi một tính nam ám ảnh và xung năng, nó không bao giờ để họ được yên ổn. Trái lại, nó là nguồn gốc của sự tự hủy hoại và hung hăng tấn công chống lại tất cả những ai đe dọa làm rơi tấm mặt nạ.” (Nhân dạng nam, trang 271, Nhà xuất bản Phụ Nữ, 1999, Nguyễn Xuân Khánh dịch). Đây cũng chính là một trong những căn nguyên khiến người đàn ông phong độ, hào hoa, coi sự “chiếm đoạt và thống trị phụ nữ” là tố chất của người đàn ông trở nên đàng điếm.
Trên thực tế, sự ham muốn tình dục thường tăng lên khi chịu ảnh hưởng của sự lo lắng vì sự bất ổn nào đó về tâm sinh lý trong sâu thẳm con người. Và với những chàng Đông-Juan thì nỗi hãi sợ sự cô đơn và sợ thằng đàn ông yếu đuối trong chính con người mình đã bật dậy nổi loạn bằng những cuộc tình chóng vánh và nhạt thếch, vô vị. Lydia Flem thật xác đáng khi nhận xét: “Về mặt cơ bản người nam là hoang sơ và cô đơn, dù có sự đánh giá cao cái tượng dương, anh ta là và vẫn còn là một kẻ bất lực về tình cảm.”
Một điểm chung nữa thường thấy ở các chàng Đông-Juan là sự trau chuốt về trang phục và hình thể. Không giống sự “trau chuốt” của người đàn ông đỏm dáng (thường cầu kỳ nhưng lại tùy tiện trong chọn lựa trang phục nên nhiều khi trở thành lố bịch), sự đỏm dáng của các chàng Đông-Juan lại thiên về trang phục thể hiện sự mạnh mẽ, phóng khoáng của người đàn ông và “tôn vinh” vẻ đẹp rất đàn ông, rất gợi tình của mình (gần giống gu ăn mặc của các chàng đồng tính). Công bằng mà nói, các chàng Đông-Juan rất có khiếu về ăn mặc. Lợi thế về hình thể đẹp, cộng thêm cách ăn mặc rất đặc trưng giống đực và khả năng tán gái hơn người, các chàng Đông-Juan thực sự trở thành “tiêu điểm” để phụ nữ ngước nhìn. Đây cũng là một điểm chung cơ bản của những chàng Đông-Juan thời hiện đại: Khéo léo và biết cách chinh phục lòng người.
Giống như người đàn ông đỏm dáng, các gã Đông-Juan hiện đại cũng rất quan tâm tới việc chăm sóc hình thể. Anh ta sẵn sàng bỏ ra cả ngày để đến các Salon làm đẹp, nhưng anh ta không chấp nhận kiểu làm đẹp nhờ “son phấn” như người đàn ông đỏm dáng hoặc người đàn ông đồng tính… Đây có thể coi là ưu điểm của các chàng Đông-Juan vì anh ta đã đề cao sự nam tính của người đàn ông, dù chỉ trong nhận thức hay ở vẻ bề ngoài.
Mặc dù đề cao tính nam nhưng trong thực tế, hình ảnh người đàn ông hào hoa của chúng ta những năm gần đây đã mềm yếu đi khá nhiều. Những người bảo lưu khuôn mẫu người đàn ông truyền thống không thể tìm thấy hình ảnh người đàn ông phong trần, đậm đặc chất đực, liền quay sang đổ lỗi cho các hãng thời trang đã làm “mềm yếu tính nam của người đàn ông” khi đưa những siêu sao như David Beckam, Richard Gere, Takuya…. trong chiến lược quảng cáo sản phẩm của mình. Người ta lo lắng, giận dữ và phán quyết quá lời rằng: Chính hình ảnh thần tượng của giới trẻ đang “trau chuốt làm đẹp” trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên cuộc cách mạng về khuôn mẫu người đàn ông của thế kỷ XXI – trong đó có cả các gã trai lơ, đĩ bơm – làm biến dạng người đàn ông cương cường, dũng mãnh thành kẻ lập dị, nữ tính đến mềm oặt.
Thực ra chúng ta đều rõ, trong bất kỳ người đàn ông nào cũng tồn tại “chất nữ nguyên thủy”. Hơn nữa, chuẩn mực về người đàn ông trong xã hội hiện đại đã có những biến đổi quan trọng: Sự thành đạt và bản chất “hiền lành”, tử tế là ưu tiên số 1 dành cho người đàn ông hiện đại. Đó chính là căn nguyên “buộc” người đàn ông luôn có ý thức đề cao tính đực phải “nghiêm túc” thay đổi phong cách để thể hiện mình.
Với vẻ đẹp ngang tàng, đầy nam tính đã giúp các Đông-Juan thực hiện được các cuộc nổi loạn mà các chuyên gia tâm lý gọi đó là cuộc nổi loạn chống lại chính mình, bằng những cuộc tình vô vị, tẻ nhạt, bằng những ham muốn giả tạo, bệnh hoạn. Văn học (và cả phim ảnh) Mỹ những năm đầu thế kỷ XX đã làm ngây ngất hàng triệu trái tim thiếu nữ khi xây dựng nhân vật chính là những chàng cao bồi miền Tây, cũng với hình thể và tính cách như những chàng Đông-Juan mà Stendal đã xây dựng. Những gã cao bồi miền Tây, trên bước đường chinh phục phái đẹp, trái tim của họ luôn luôn vô cảm. Họ “là hiện thân của mọi kiểu người rập khuôn nam giới (…) về một cuộc săn đuổi không ngừng của những người đàn ông đi tìm tính đực của mình. Khẩu súng côn, rượu và ngựa là những thứ phụ tùng bắt buộc của hắn, và những người đàn bà chỉ đóng những vai trò phụ” (Nhân dạng nam, trang 268). Hình ảnh gã cao bồi ngang tàng, đầy nam tính với thanh kiếm (hoặc khẩu súng côn) trên tay, rong ruổi trên lưng ngựa, bất chấp sự khắc nghiệt của ngoại cảnh đã thách thức nhân loại bằng câu hỏi: Phải chăng đó là biểu tượng cho sự mạnh mẽ của người đàn ông đích thực? Hay chính là vũ khí cần thiết buộc phải có để bảo vệ tố chất người đàn ông đang bị xâm phạm trầm trọng? Rong ruổi trên cao nguyên rộng lớn với trái tim không cảm xúc, không mục đích, không lý tưởng và không hiểu mình đi đâu, làm gì và vì cái gì của các chàng cao bồi như lời cảnh báo của các nhà văn hóa về sự khủng hoảng nhân dạng người đàn ông hiện đại.
Nghiên cứu về đời sống tình dục của các gã Đông-Juan, các nhà tâm lý tình dục cho rằng: Ham muốn tình dục của người đàn ông Đông-Juan luôn mạnh mẽ và hưng vượng. Sự xung động tình dục của anh ta mạnh tới mức không kể thân sơ, không chọn đối tượng, không cần giữ thể diện, miễn sao anh ta được thỏa mãn cơn ghiền xác thịt. Đông y gọi anh ta là kẻ “dâm loạn”, còn Tây y gọi anh ta là người ham muốn tình dục quá mức. Sự hưng phấn tình dục quá mạnh và bản chất lấy thú vui xác thịt làm lẽ sống đã biến anh ta thành kẻ lưỡng tính luyến ái, có nghĩa anh ta thèm muốn thỏa mãn sinh lý với cả đàn ông và đàn bà. Trong các cuộc phiêu lưu tình ái đồng giới, anh ta luôn là người giữ thế “chủ động”. Đây là trường hợp rất hiếm sảy ra với những chàng Đông-Juan dị tính nhưng lại thường xuyên với những gã Đông-Juan lưỡng tính. Trớ trêu thay, theo kết quả điều tra xã hội học của các nhà tâm lý, tình dục (ở các nước phương Tây) thì trong số các chàng Đông-Juan – thường rơi vào các chàng Đông-Juan có ngoại hình “hoàn hảo”- có khá nhiều người là dân đồng tính.
Chúng ta, những người được “mệnh danh là phái mạnh”, không ít người “đã giật mình” rồi tỏ ra tức giận khi nghe lời tuyên bố “xanh rờn” của cô người mẫu “đỏng đảnh” Hồ Ngọc Hà về hình ảnh và tính cách người đàn ông hiện đại. Chúng ta thể hiện sự bất bình đó bằng những lời ác cảm, “thóa mạ” nhân cách của cô vì không thể chấp nhận được lời nhận xét “hết sức phiến diện và cực đoan” của cô: “Đàn ông giàu có thường hay đem tiền ra mua chuộc phụ nữ đẹp. Còn đàn ông đẹp trai quá thì chắc gì anh ta đã là một người đàn ông thực sự, có khi là đồng tính đấy.” (theo VnEXpress thø 1/4/2004: Tôi hơi coi thường đàn ông). Nhưng công bằng mà nói, ở chừng mực nào đó lời nhận xét của cô không hẳn là không có căn cứ.
Như chúng tôi đã trình bày, những gã Đông-Juan lưỡng tính, hay gọi đúng tên là những gã Đông-Juan đồng tính, sau những cuộc tình chớp nhoáng với những người phụ nữ nhẹ dạ lại thích tìm đến những người đàn ông khác để được yêu thương, chở che như tình chồng vợ. Trong các cuộc tình đồng giới ấy, những gã Đông-Juan thực sự đóng các vai trò là các “thím”, các “mợ” với đầy đủ đức tính của những “bà chằn”. Trong thế giới người mẫu, không ít chàng bảnh chọe, đầy nam tính và gợi cảm đã tự biến mình thành điếm đực của cả quý ông và quý bà. Họ chụp ảnh “khoe thân thể 100%” rồi tung lên mạng với lời quảng cáo “kết bạn” để săn lùng những kẻ háo sắc, bệnh hoạn. Kè kè bên họ trước công chúng là những tiểu thư xinh đẹp đài các, nay một nàng, mai một nàng với những biểu hiện thật tình tứ, lãng mạn nhưng khi đêm về họ lại cung cúc chiều chuộng những gã trai còn hơn những bà vợ yêu chiều chồng nhất. Những gã Đông-Juan kiểu này tạo ra muôn vàn lý do để ngụy biện cho hành động khác thường và được người đời chấp nhận, coi đó là bình thường vì cho rằng nhu cầu “chuyện ấy” quá cao của chàng “quá đẹp trai” nên mới có chuyện tình “oái oăm” như thế (hoặc không nhận thấy những chuyện khác người bởi sự che chắn rất giỏi của các gã Đông-Juan), mà không nhận ra rằng: Thực ra những chàng Đông-Juan lại là những người đàn ông yếu đuối và rất nữ tính.
Một dạo dư luận bàn tán ầm ĩ về chuyện tình giữa nam ca sỹ Trần Minh và nam người mẫu Vũ Bình với nhiều thông tin trái ngược. Người thì bảo Trần Minh là “con gà trống” thực thụ bị Vũ Binh làm cho thân tàn danh bại vì lòng trắc ẩn, người lại bảo Vũ Bình là nạn nhận trong vụ tai tiếng về giới tính này. Những người hiểu rõ thì chỉ chép miệng lắc đầu. Họ không biết nên lý giải thế nào về chuyện hai người đàn ông rất nam tính lại vướng vào chuyện cấm kỵ, khinh khi của xã hội. Cả hai chàng trai đều còn rất trẻ, đều từng có những cuộc tình trai gái làm tốn bao giấy mực của những người cầm bút. Và cũng mới đó không lâu, ca sỹ Trần Minh phải lẳng lặng đưa bạn gái đi “giải quyết” hậu quả làm rùm beng dư luận nhưng những cử chỉ nũng nịu, trìu mến hai người dành cho nhau và cảnh hai người sống với nhau như vợ như chồng thì chỉ có tạo hóa mới hiểu nổi…
Tệ hơn nữa, có những gã Đông-Juan còn coi quan hệ “xác thịt” với cả 2 giới là mốt của giới quý tộc, không phải ai cũng “vinh dự” có được. Nhà đạo diễn tài ba nọ, sau vài phim “nổi đình nổi đám” đã ỡm ờ chia sẻ với công chúng mình là người “đa hệ”, là “bóng”, là thích sưu tầm “màu tím”, kẹo socola, búp bê… Không cải chính, không phản đối những bài viết về thói đỏng đảnh, cong cớn của mình, nhà đạo diễn tài ba nọ cứ nhẩn nha tung ra những hé lộ “tin tức” làm “chao đảo” dư luận về con người thực của mình và những cuộc tình “cực kỳ hấp dẫn, cực kỳ lãng mạn” mà người bình thường không thể có được. Lật lại những trang tình sử của nhà đạo diễn, người ta giật mình vì số nhân tình cả 2 giới của nhà đạo diễn lên tới vài trăm. Có thế dư luận mới bàn tán: Muốn nhận vai diễn trong phim (của đạo diễn này) chỉ cần ngoại hình đẹp và chịu “tay trong tay, chân trong chân” với đạo diễn là được.
Hay như câu chuyện về nam diễn viên K. T là một ví dụ cho sự băng hoại về đạo đức trong con người các gã Đông-Juan thời hiện đại.
Là một diễn viên tài sắc vẹn toàn, K.T là gương mặt “sáng giá” của điện ảnh nước nhà. Không ít thiếu nữ dù biết anh đã có gia đình nhưng vẫn thầm yêu trộm nhớ, thậm chí có khán giả vì mến mộ anh, tìm mọi cách tiếp cận để được “gần gũi một lần” với anh làm “kỷ niệm”. T.T – vợ anh – không ít lần nuốt lệ vì thói trăng hoa, đàng điếm của chồng, nhưng vì yêu chồng, muốn giữ thanh danh cho chồng, chị âm thầm chịu đựng. Như kẻ bệnh hoạn, anh cặp bồ với bất cứ phụ nữ nào coi anh là “thần tượng”. Tệ hơn, K.T còn đón nhận nồng nhiệt tình cảm của những khán giả nam và coi đó là “chiến tích đặc biệt” của mình. Ban đầu chứng kiến cảnh khán giả nam ôm hôn say đắm chồng mình, T.T choáng váng nhưng rồi chị tin vào sự rõ ràng về giới tính của chồng bởi những cuộc tình “chóng đến nhanh đi” của anh với khán giả nữ, nhất là lời phân trần của K.T khi chị căn vặn: “Anh chỉ cho họ ôm hôn vì “thương hại” họ và anh không muốn mất khán giả của mình nên em đừng nghĩ ngợi gì.”. Nhưng một lần do quên đồ, nữ nghệ sỹ T.T quay về nhà, vừa bước chân vào phòng ngủ, chị sững người khi thấy chồng cùng một bạn diễn nam đang làm cái chuyện mà chỉ có hai người khác giới mới làm. Chị vội vàng khăn gói nữ trang, hành lý dời khỏi ngôi nhà đã gần mười năm mặn nồng tình chồng vợ. Trước tòa chị lạnh lùng: “Tôi không thể sống chung với anh ta được. Thật là kinh tởm. Tôi không thể hiểu nổi tại sao hai thằng đàn ông rất nam tính ấy, cũng rất yêu vợ thương con như thế lại làm những việc bẩn thỉu hết chỗ nói. Thì ra lũ họ chỉ đóng kịch để lừa dối chị em phụ nữ chúng tôi.”. Từ đó đến nay, nữ nghệ sỹ T.T đã 2 lần “lên xe hoa” nhưng vẫn “lặng lẽ một mình” vì chị không còn tin vào tình yêu của người khác giới. (Còn nam nghệ sỹ K.T, sau đó một thời gian, anh lên “xe hoa” với một khán giả yêu anh, chấp nhận con người thực của anh, đến giờ hạnh phúc của họ không hiểu có được viên mãn hay không nhưng chuyện tình kiểu “thời thượng” của K.T không làm dư luận ầm ĩ thêm nữa.).
Với đặc tính của những kẻ đa tình, háo sắc, các chàng Đông-Juan cho dù đã có vợ trẻ đẹp, tháo vát, yêu chồng thương con hết mực vẫn “hăm hở” kiếm tìm những cô gái trẻ người non dạ để tạo dựng mối quan hệ sặc mùi xác thịt. Không ít gã đàn ông kiểu này đã làm khổ vợ khổ con vì tính trăng hoa, đàng điếm của mình. Thực tế cuộc sống cho thấy 90% những bà vợ có chồng thuộc nhóm các chàng Đông-Juan đều bất mãn với tính đĩ điếm của chồng và cuộc sống gia đình của họ luôn rơi vào cảnh hoặc “cơm không lành canh không không ngọt”, hoặc phải đưa nhau ra tòa. Thường thì trong những gia đình như vậy, người bố không có được sự kính trọng của con cái, nếu phải đưa nhau ra tòa thì phần đông con cái không chịu sống cùng người bố. Trong suy nghĩ của những đứa con, hình ảnh người bố không mấy tốt đẹp ấy là nguyên nhân dẫn đến những thua thiệt, khổ cực mà chúng phải gánh chịu.
Trái ngược với những gã Đông-Juan như vậy, trong cuộc sống, không ít gã Đông-Juan mặc dù là người thành đạt, rất yêu vợ yêu con nhưng trước tình yêu “mù quáng” của một số phụ nữ đã lợi dụng “diễn kịch” là kẻ bất hạnh trong cuộc sống gia đình, để biến những người phụ nữ đáng thương đó trở thành “nô lệ tự nguyện”, phục vụ vô điều kiện không chỉ cho riêng gã mà còn cả vợ con gã bằng thái độ tận tụy, bằng niềm trung thành tuyệt đối.
Quay trở lại câu chuyện của nữ nghệ sỹ T.T để bạn đọc hiểu thêm về tính đĩ điếm của các gã Đông-Juan đã gây ra hậu quả tai hại cho người thân như thế nào.
Sau khi chia tay K.T, nữ nghệ sỹ T.T nhận lời cầu hôn của một nghệ sỹ cùng đoàn. Cuộc hôn nhân kết thúc cũng nhanh như thời gian hai người tìm hiểu. Chừng năm sau, chị lần nữa “gá nghĩa” cùng một doanh nhân với niềm tin đây sẽ là bến đậu bình an của đời chị. Thật oái oăm, cuộc hôn nhân này cũng chỉ tồn tại tám, chín tháng. Chị tâm sự với mọi người: “Tôi yêu anh K (tên nhà doanh nghiệp) nhưng lại sợ phải làm “chuyện ấy” với chồng. Tôi thật sự không còn hứng thú. Chồng tôi là nhà kinh doanh, anh ấy rất hiểu vì sao tôi lại thế nên rất tâm lý an ủi, động viên nhưng tôi vẫn không thể. Cứ mỗi lần anh ấy muốn “gần gũi” là hình ảnh nhớp nháp của K.T với bạn diễn nam lại làm tôi hãi sợ. Chồng tôi là người đáng kính, anh ấy rất tuyệt vời nên tôi chủ động chia tay, giải phóng cho anh ấy. Tôi không thể để anh ấy vì tôi mà khổ sở.”
Hậu quả từ việc trăng hoa, đàng điếm của những gã Đông-Juan không chỉ để lại “di chứng” trầm kha cho người vợ mà còn làm bất hạnh cho cuộc sống lứa đôi của con cái sau này. Câu chuyện của Trà Mi là một ví dụ.
Năm lên mười tuổi, bố mẹ chia tay, Trà Mi ở với mẹ. Sau đó, mẹ đi bước nữa, Trà Mi phải chứng kiến những trận đòn vô cớ mẹ phải gánh chịu từ người bố dượng. Không chỉ vậy, hắn còn lôi người tình về nhà, bắt mẹ con cô đứng xem hắn làm trò thú vật. Khốn nạn hơn, tên bố dượng còn chiếm đoạt cô khi cô vừa bước sang tuổi mười bốn. Căm hận, mẹ Trà Mi làm đơn ly dị và kiện hắn về tội cưỡng hiếp trẻ vị thành niên. Hắn đã phải trả giá trước pháp luật nhưng vết thương lòng của Trà Mi không có thuốc nào chữa lành được. Trở thành thiếu nữ, dù khá xinh đẹp, lại chăm chỉ, ngoan ngoãn, được nhiều người theo đuổi nhưng cô vẫn dửng dưng với chuyện xây dựng gia đình. Trước thúc ép của người mẹ, ngoài ba mươi tuổi cô mới chấp nhận lấy chồng. Đêm tân hôn, khi chồng háo hức “yêu đương”, cô lạnh lùng như một khúc gỗ. Những ám ảnh của quá khứ làm cô ghê tởm “chuyện ấy” với cả chồng mình. Nhìn vẻ mặt sợ hãi của Trà Mi, chồng cô rã rời dời phòng ngủ. Cô yêu và thương chồng nhưng cô không thể làm được bổn phận của người vợ. Ban ngày cô vui vẻ với chồng bao nhiêu thì đếm đến cô lại lo sợ khi nằm cạnh chồng bấy nhiêu. Anh càng gần gũi, cô càng kiếm cớ xa lánh để khỏi phải làm “chuyện ấy”. Chồng thắc mắc, thậm chí cáu gắt cô cũng chỉ im lặng ngồi khóc. Cô không thể nói rõ cho chồng nỗi hãi sợ của mình. Cô càng không đủ can đảm để nói cho chồng biết nỗi đau mà cô và mẹ cô phải chịu đựng. Cứ như vậy, sau một năm “làm vợ người ta”, Trà Mi lặng lẽ quay trở về sống âm thầm bên mẹ.
Như vậy, các chàng Đông-Juan của chúng ta còn là những kẻ thất bại trên con đường kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc.
Thương thay hỡi các chàng Đông-Juan thời hiện đại. Các chàng nghĩ sao khi đọc xong điểm yếu này?
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
———-
(trích từ ĐIỂM YẾU CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG HIỆN ĐẠI của Đặng Xuân Xuyến,
Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2006)