50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt

Ngày đăng: 19/02/2024 10:43:10 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô phải đi vì lẽ sống. Dì của cô đang ở Mỹ nói rằng hãy cố vượt thoát và dì sẽ đợi, bảo lãnh cho cô. Năm đó Thảo chỉ mới 24 tuổi. Cô không có bằng đại học như những người trẻ tuổi bình thường khác trên thế giới, bởi gia đình cô bị xem là công dân loại hai, cha của cô đang ở trong trại cải tạo, mẹ cô tập buôn bán và xoay sở khó khăn để nuôi gia đình. Tự do là một lẽ, nhưng cô sẽ làm gì sống trên vùng đất mới xa lạ nếu đến được? Đó là câu hỏi mà Thảo cứ dằn vặt lo âu, mơ về một cuộc sống khác.

Một năm sau, khi Thảo đến được đất Mỹ, người dì đón cô và gặp ngay câu hỏi treo lơ lửng trong đầu cô suốt từ đó đến giờ. “Con có thể làm nghề gì đển kiếm tiền vậy dì?”. Kiếm tiền là một mệnh lệnh: Để tồn tại ở một quê hương thứ hai, gửi về cho gia đình, chia sẻ khó khăn với mẹ và em, trợ giúp cho cha đang bị giam cầm không biết khi nào mới về được. Nói nhanh và dứt khoát, dì của Thảo nói “làm nail”.

Cái nghề hết sức mới mẻ với người Việt Nam, đã khởi sự từ năm 1975 ở California. Không chỉ Thảo mà hàng ngàn, hàng chục ngàn người Việt đã đến và làm nghề để nuôi sống mình, nuôi sống gia đình ở Mỹ và ở cả Việt Nam. Trước khi người Việt Nam đến và dần chiếm lĩnh ngành công nghiệp làm đẹp trị giá ước tính đến $8 tỷ; người Mỹ, người Hoa và người Đại Hàn cùng chia nhau thị phần này. Thế nhưng cuộc lật đổ diễn ra trong hai thập niên. Đến 1995, người ta nhìn thấy các salon làm nail, cung cấp các thiết bị cho ngành nail, nhân lực lành nghề… đều do người Việt chiếm giữ.

Bà Tippi Hedren (phải) cùng minh tinh Kiều Chinh (trái) và đạo diễn Jan Arnold trong chương trình diễu hành Tết tại Westminster, California năm 2016 (ảnh: Rachel Murray/Getty Images)

Khác với các ngành nghề khác của người Việt, luôn có ngày để tưởng niệm tổ nghề. Thế nhưng “tổ” nghề nail lại là một người còn sống và vẫn ghi nhớ câu chuyện kỳ lạ và xúc động này. Đó là nữ diễn viên người Mỹ Tippi Hedren, người mẫu và người tranh đấu bảo vệ động vật. Khi bài viết này (năm 2023) đến với người đọc, bà đã vào tuổi 93. Ngoài việc bất ngờ trở thành “tổ” nghề nail của người Việt tỵ nạn Hoa Kỳ, Tippi Hedren còn được biết đến là người đã hết lòng vận động để đưa nữ diễn viên Kiều Chinh sang Mỹ khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, và cưu mang một thời gian.

Câu chuyện bắt đầu từ những người phụ nữ Việt Nam mệt mỏi chạy từ quê nhà đến trại tỵ nạn ở Sacramento từ những ngày cuối Tháng Tư 1975. Hầu hết đều là vợ con của các sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trước giờ, họ chỉ làm việc nội trợ, buôn bán… chứ ít khi bước vào làm việc tay chân. Hơn nữa, để bắt đầu kiếm sống và đòi hỏi phải lưu loát ngôn ngữ địa phương, đối với họ quả là đầy cam go.

Là một người hoạt động xã hội, và là thành viên của phong trào thiện nguyện Food for the Hungry, bà Tippi Hedren đã ghé qua trại và được yêu cầu là tìm hiểu gấp tình hình, tìm cách giúp hướng dẫn học nghề và tìm việc cho những phụ nữ Việt Nam đang lo âu. Trong một thiên phóng sự của đài BBC, bà Tippi Hedren kể rằng đi một vòng, bà nghĩ rằng những nghề học ngắn hạn, và có vẻ phù hợp với những người Châu Á là may vá và đánh máy văn phòng. Cuộc thử nghiệm bắt đầu. Hóa ra những thứ như may thì đòi hỏi phải giỏi mới có thể kiếm sống, còn gõ chữ thì lại đòi hỏi phải biết tiếng Anh, nhất là trong các trường hợp nghe băng ghi âm để đánh máy ra văn bản.

Trong lúc đi xem các mẫu may và văn bản của những người phụ nữ Việt Nam, lòng đang hụt hẫng, thì bà Tippi Hedren lại thấy nhiều người cứ chăm chú nhìn vào đôi bàn tay đã sơn giũa kỹ lưỡng của bà. “Móng tay bà làm đẹp quá, tụi tôi ít khi thấy được như vậy”, một người phụ nữ Việt Nam nói.

Lúc đó, trong đầu bà Hedren bừng sáng, bà nghĩ đến chuyện họ yêu thích cái gì đó, thì có thể sẽ chú tâm và làm giỏi. Lập tức bà Tippi Hedren thay đổi lựa chọn. Bà giao cho một trường thẩm mỹ địa phương đến, để giúp dạy nghề nail cho phụ nữ. Lúc đó, trại tỵ nạn có tên là Hope Village – Làng Hy Vọng, nằm ở Bắc California gần Sacramento. Khi những phụ nữ Việt Nam tốt nghiệp học phần làm nail, Hedren đã giúp họ kiếm việc làm tận cả miền Nam California.

Ông Binh Nguyen (phải), một trong những chủ tiệm nail thành công ở Falls Church, Virginia (ảnh: Dayna Smith/for the Washington Post)

“Tôi thương những người phụ nữ này nhiều đến mức tôi muốn điều gì đó tốt đẹp cho họ, nhất là sau khi họ mất tất cả mọi thứ, theo đúng nghĩa đen”, bà Tippi Hedren nói trong chương trình tài liệu của BBC. Qua những thước phim, người ta nhìn thấy bà vui và hãnh diện về điều mà mình làm được đến mức dựng một bảo tàng nhỏ, bên cạnh nhà mình. Bảo tàng bao gồm những kỷ vật của Hollywood, những  bức ảnh của những người phụ nữ ở Hope Village, cùng những giải thưởng từ ngành chăm sóc móng tay.

Nói với BBC, bà Tippi Hedren ngậm ngùi “nhiều người trong số họ đã mất cả gia đình và tất cả những gì họ có ở Việt Nam: nhà cửa, công việc, bạn bè của họ – mọi thứ đã biến mất. Họ mất cả quê hương của mình”.

Nhưng bà Tippi Hedren không biết rằng từ sự chia sẻ và yêu thương đó, bà đã góp phần làm thay đổi ngoạn mục ngành công nghiệp làm đẹp – làm nail trị giá hàng tỷ đô la của nước Mỹ. Chỉ với 20 người đầu tiên tốt nghiệp ngành nail, sau đó con số thợ nghề giỏi người Việt đã phát triển khắp nơi, nâng cấp thẩm mỹ và cải tiến quy trình làm đẹp, cũng như khiến giá cả làm nail không còn quá xa vời với những mọi phụ nữ có thu nhập bình thường.

Dù có đôi chút chạnh lòng, nhưng người Mỹ đến trước, lập nghiệp trước cũng buộc phải nhìn nhận rằng người Việt Nam đã mang lại cho ngành kinh doanh tiệm nail một cuộc lột xác hoàn toàn. Vào những năm 1970, việc làm móng tay và móng chân có giá khoảng $50 – đó là cái giá có thể chấp nhận được đối với các ngôi sao Hollywood, nhưng với 80% phụ nữ ở Mỹ (bao gồm mọi sắc dân), đều là ngoài tầm với. Ngày nay, giá cơ bản ở các tiệm Việt Nam chỉ còn khoảng $20, mặt bằng hạ xuống do phần lớn là do các tiệm của người Mỹ gốc Việt tính phí thấp hơn 30-50% so với các tiệm khác, tạp chí NAILS khảo sát và ghi nhận.

Tài tử Amelia Gray Hamlin trong một tiệm nail của người Việt ở Los Angeles (ảnh: BG002/Bauer-Griffin/GC Images)

Tuy nhiên, việc hạ giá không thể cưỡng lại từ cuối thập niên 1980, khiến các tiệm nail được quản lý từ những người Mỹ đã nảy sinh các cuộc tranh luận, được cả CNN tường thuật. Sự thành công nhanh chóng của những tiệm nail người Việt đã khiến các chủ tiệm da trắng phẫn nộ, những người cảm cho rằng khách hàng của họ đang bị đánh cắp và công việc kinh doanh của họ bị đóng băng.

Liên minh nhiều chủ tiệm nail người Mỹ từng tuyên bố rằng cộng đồng làm nail Việt Nam đang đe dọa sự sống còn của ngành công nghiệp làm đẹp này trên nước Mỹ. Cuộc tấn công thứ hai bắt đầu với những định kiến phân biệt chủng tộc và coi các chủ tiệm nail người Việt là tham lam và không giữ vệ sinh. Nhưng các cuộc canh tranh về giá suốt thập niên 1980 và 1990 về giá và tay nghề, cuối cùng thì người Việt chiếm thế thượng phong.

Linn Nguyen, một thợ làm móng ở Greenville, South Carolina (ảnh: Mark Makela/Getty Images)

Một chi tiết khác được đề cập tới, vượt qua nhiều định kiến cạnh tranh của giới làm nail của Hoa Kỳ: Tay nghề người Việt đặc biệt xuất sắc, vượt trội các chủng tộc khác và thậm chí được các chủ tiệm nail người Mỹ da trắng yêu thích. Có vẻ như khi cánh cửa quê hương tự do của họ đóng lại, Thượng đế đã mở ra một cánh cửa khác, riêng cho những con người đi tìm lẽ sống, và tạo cho họ một vận hội khác.

Sau hơn bốn thập niên, kể từ khi Sài Gòn sụp đổ, 51% thợ nail ở Hoa Kỳ – và khoảng 80% ở California – là người gốc Việt. Nhiều người trong số này là hậu duệ trực tiếp từ lớp phụ nữ đầu tiên được truyền cảm hứng nghề làm móng – nail, từ một diễn viên Mỹ tóc vàng, nổi danh với phim Birds của Hitchcock.

“Tất nhiên tôi biết Tippi Hedren là ai! Cô ấy là Mẹ đỡ đầu của ngành làm móng”, Tâm Nguyễn, chủ tịch của Advance Beauty College, do cha mẹ anh thành lập, nói. Câu chuyện lịch sử này không phải tiệm dạy nail nào cũng biết để truyền lại cho những người làm nghề mới. “Mẹ tôi là bạn thân của Thuận Lê, một trong những học trò đầu tiên của Tippi. Chính Thuận đã khuyến khích mẹ tôi tham gia kinh doanh”.

Tâm Nguyễn được sinh ra ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ. Ở Việt Nam, cha anh là một sĩ quan quân đội và mẹ anh là thợ làm tóc. Vào những ngày tháng êm đềm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cha mẹ của Tâm Nguyễn mong muốn con mình trở thành một bác sĩ, nhưng sau đó khi đến Mỹ, Tâm quyết định  chọn lựa kinh doanh móng tay. “Nó làm tan nát trái tim của mẹ tôi”, anh nói.

Nhưng rồi sự thành công nhanh của nghề làm nail đã khiến mẹ của Tâm Nguyễn nhận ra điều cần phải làm, và ủng hộ việc tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình cùng với chị gái của anh. Bây giờ họ điều hành hai trường thẩm mỹ và đang mở một trường khác. Tất cả các khóa học của họ được giảng dạy đồng thời bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Cũng như cô Thảo, khi chân ướt chân ráo đến Mỹ, nhiều người Việt nhận ra rằng họ có thể kiếm sống và có cuộc đời tương đối ổn định từ việc làm nail, cũng như tham gia vào thế giới kiểm soát ngành công nghiệp này với dấu ấn người Việt.

Minh tinh Jennifer Garner trong một tiệm nail ở Los Angeles (ảnh: BG004/Bauer-Griffin/GC Images)

Người này nói với người kia, các cá nhân này bắt đầu lan truyền tin tức về cơ hội này cho những người tỵ nạn Việt Nam khác và mở tiệm làm móng của riêng họ: Đây là nghề bạn chỉ cần khéo tay và nụ cười đón khách, chứ không cần phải giỏi bản ngữ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các tiệm làm móng đã trở thành nền tảng cho nền kinh tế của cộng đồng người Việt. Các doanh nhân Việt Nam đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành bằng cách cung cấp những dịch vụ giảm giá giúp các tiệm nail dễ tiếp cận hơn và do đó được dân chúng biết đến nhiều hơn.

Nhưng nhiều người Mỹ, Đại Hàn… làm trong ngành nail, ít khi biết rằng, đối với người tị nạn Việt Nam, đây là cơ hội nhanh kiếm tiền để gửi về cho gia đình ở Việt Nam, mang lại một nền giáo dục chất lượng và cuộc sống tốt hơn cho con cái họ, đồng thời tồn tại ở nước ngoài. Nhiều năm nay, kiều hối gửi từ cộng đồng làm nail gửi về nước luôn chiếm ở mức 8% (hoặc quy đổi là khoảng $14 tỷ), góp phần quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Nghề làm nail là một giấc mơ Mỹ khác của người Việt. Đối với nhiều bậc cha mẹ Việt Nam, sự thành công của con cái họ là tối quan trọng. Mặc dù nail có thể là một công việc tạm thời tốt và hấp dẫn, nhưng đó là cứu cánh cho rất nhiều gia đình để bảo đảm cho việc con cái được học hành cao. Giáo dục đã đóng vai trò là ngọn hải đăng của sự phát triển và cơ hội và luôn là ưu tiên số một đối với phần lớn cộng đồng người Việt. Và làm nail, đôi khi là hy sinh phần đời mình để vun trồng cho con cái. Rất nhiều phân tích của các nhà kinh tế Hoa Kỳ khi nghiên cứu sự bùng nổ việc thống trị của ngành nail người Việt, đã nhận ra rằng đằng sau những tấm cửa kính tiệm nail, là những con người đang cố gắng tạo ra một cuộc sống khác, không chỉ cho bản thân họ mà cả gia đình họ.

Minh tinh Sharon Stone trong một tiệm nail của người Việt tại Los Angeles (ảnh: BG002/Bauer-Griffin/GC Images)

Nhiều thế hệ thành đạt, nổi bật, đem lại niềm hãnh diện cho người Việt ở Mỹ, cũng từ những đồng tiền của cha, mẹ hay anh chị của họ tận tụy với công việc làm nail. “Những gì tôi biết là tiệm nail không chỉ là nơi làm việc và tôn thờ cái đẹp, nó còn là nơi nuôi dạy con cái chúng ta”, Ocean Vương, tài năng văn chương được nước Mỹ vinh danh, viết trong On Earth We’re Briefly Gorgeous (trang 78).

Nghề nail đôi khi bị che đậy, vì có những lý lẽ cho đó là nghề tay chân, không sang trọng. Nhưng những gì tốt nhất, đã từng được bàn tay làm nail của người đi trước không quản khó nhọc và vun trồng. Có những gia đình hãnh diện nói cha mẹ, ông bà của họ đã giúp họ lớn lên, có đủ điều kiện để theo đuổi những câu chuyện cao quý  như khoa học hay triết học. Những thế hệ người Việt Nam chọn nghề nail đã im lặng chấp nhận việc lao lụng để xây đắp trí tuệ của con cháu đời sau, và mỉm cười qua khốn khó như những điều đương nhiên.

Nó là một phận lịch sử tỵ nạn của người Việt, nó là trái tim chia sớt âm thầm nhưng lớn lao cho gia đình, cho bạn bè… Nghề nail hôm nay không còn tiếng tranh cãi, và đã giành được sự chấp nhận toàn phần của công nghiệp làm đẹp, như đóa hoa nở muộn trong lịch sử di dân của Hoa Kỳ. Và như Ocean Vương viết: “Suốt một thời gian dài, con cứ tự nhủ rằng chúng ta là những thế hệ được sinh ra từ chiến tranh – nhưng con đã nhầm, mẹ ơi. Chúng ta được sinh ra từ vẻ đẹp” (trang 221).

16-2-2024

TUẤN KHANH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác