ĐỘC ĐÁO MỘT MIỀN QUÊ SÔNG NƯỚC
Phùng Quang Thuận quê ở Bạc Liêu, là cựu sinh viên Đại học Văn khoa, Viện Đại học Sài Gòn. Sau 1975, ông trải từng rất nhiều thăng trầm đời sống, từ đó đã tích luỹ cho mình nhiều chuyện đời và lẽ đời, để làm chất liệu sống động kiến tạo bản sắc chữ nghĩa trong mỗi tác phẩm. Ở địa hạt văn xuôi, theo lời giới thiệu của Nxb tổng hợp TP HCM, tập truyện ký Bạc Liêu truyện năm 2022 và bây giờ là tiểu thuyết Miền đất mặn là một bước tiến mới trên hành trình văn chương hơn hai mươi năm qua của nhà văn Phùng Quang Thuận. Riêng ở Miền đất mặn, tác giả đã phát triển cả về dung lượng trang viết, trữ lượng hiện thực được phản ảnh và độ chín muồi về nghệ thuật trần thuật.
Nơi đây không chỉ là “kho thông tin” mà còn là “trường lực văn hoá” giúp bạn đọc cộng hưởng cùng hồn quê, tình yêu quê hương sâu đậm trong tự thân cũng như tấm chân tình của nhà văn Phùng Quang Thuận dành cho quê hương Bạc Liêu và sông nước miền Tây Nam bộ nói chung.
Miền Đất Mặn, là tựa đề tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Phùng Quang Thuận, do Nxb tổng hợp TP HCM vừa ấn hành (tháng 11/2023). Sách dày 440 tr. Khổ 13x20cm. Trước đó, Phùng Quang Thuận từng được bạn đọc biết đến qua tập truyện ký Bạc Liêu truyện (Nxb tổng hợp TP HCM 2022) và một số tập thơ đậm tình quê hương như: Mưa ký ức (NXB Hội nhà văn, 2018), Mặc mưa bay (NXB Hội nhà văn, 2019), Bến vắng (NXB tổng hợpTP Hồ Chí Minh, 2021)…
Ngay ở phần mở đầu Miền đất mặn, các trích đoạn bài ca vọng cổ Tân Quỳnh khóc bạn, rồi lại Tống tửu đơn hùng tín (bốn lớp xuân tình) của sọan giả Viễn Châu, với những lời lẽ bi hùng từ giọng ca khi thống thiết, bi tráng, khi thì trầm hùng, mạnh mẽ… dội cả một khúc sông khuya làm thổn thức bao tâm hồn dân khẩn hoang lập điền mở cõi phương Nam…, để rồi dẫn đến cuộc gặp gỡ của : Năm Quới và Hai Tín – hai người đàn ông vốn mang nặng những vết thương lòng, những bơ vơ, đau đớn của bao kiếp đời luân lạc nơi bên khách. Nhân vật Năm Quới tự giới thiệu về mình : “ Tui ở Bạc Liêu xuống đây khoảng tháng Chạp năm bảy lăm, tui đi kiếm đứa con trai, con dâu và đứa cháu nội trai mười lăm tuổi mất tích dưới dưới rừng này vào mùa gió lồng trung tháng Tám năm đó…”. Còn Hai Tín, gã trung niên, người gốc ở vàm Tà Niên bên Rạch Giá, là hậu duệ nhiều đời của ông lớn Nguyễn Trung Trực, hồi chiến tranh chạy ra Hòn theo ghe lưới, trốn quân dịch rồi cưới người vợ ngoài đó. Tình cảnh của vợ chồng Hai Tín hiện có hai đứa con trai, thằng lớn lúc mới hoà bình đi theo ghe cào Rạch Giá, mần ở Hòn Chuối, Hòn Khoai rồi mất tích luôn. Giờ đây thằng nhỏ đã mười tám tuổi, mà chưa có sự nghiệp gì. Hoàn cảnh gia đình hai người đàn ông giang hồ hạ bạc thật giống nhau, nên không cần nhiều lời hoa mỹ, họ kết nghĩa anh em sau những câu chuyện tưởng chừng thoáng qua bên ly rượu mà thấm thía nghĩa tình biết bao!
Cứ như thế, bằng lối kể chuyện chậm rãi, tác giả dẫn dắt người đọc tưởng chừng lênh đênh trên mạn thuyền, hết chặng sông này sang chặng sông khác và tiếp tục gặp những nhân vật liên quan như: Quế Lan (cháu nội Năm Quới), Tư Hữu (con trai Hai Tín), cô Ba Am ( người ăn chay trường, nuôi dưỡng tâm từ bi…), Xa Ly (người vợ Khmer đã mất của Năm Quới). Cần nói thêm, Xa Ly dù đã khuất bóng nhưng vẫn luôn hiện diện trong tâm tưởng Năm Quới, trong từng chương sách. Ông thường ngủ một mình mà vẫn tưởng có bà bên cạnh. Ông thường uống một chút rượu vấn một điếu thuốc và nhớ tới người vợ bạc mệnh. Ông đứng im trước mộ bà Xa Ly nói một mình: “ Bà ơi, tui chưa tìm được tung tích con trai, con dâu và cháu nội cho bà nên tui xấu hổ mà chưa dám dìa gặp bà dù tui nhớ bà lắm”… Trong Miền đất mặn, chúng ta không chỉ xúc động với những phận người “trượng nghĩa khinh tài” đặc trưng tính cách Nam Bộ, mỗi tranh sách còn cung cấp nguồn tri thức tươi rói về cuộc sống hạ bạc (từ cảnh trên ghe, các món ăn dân dã sông nước, từng cơn gió chướng cửa biển đến những nỗi tâm tình gửi gắm trong bài ca vọng cổ). Và theo đó, Phùng Quang Thuận đã khai thác cảnh đời hạ bạc theo chiều sâu tâm thức khi ông phản ảnh một cách thấm thía từng cung bậc cảm xúc tinh tế trong tâm hồn người luân lạch trên sóng nước Cửu Long.
Qua vô vàn những tình huống ly kỳ diễn ra trên miền sông nước, cuối cùng, là đám cưới của Quế Lan và Tư Hữu diễn ra như một ngày trọng đại, một đại hỉ của trại biển,trại đáy và trại câu, “ như hôn lễ thánh thần nơi biển vắng/ Chỉ hai người làm chứng một vầng trăng/ trong hoang vắng mùi xạ hương ngây ngất/ Đêm uyên nguyên trời đất một chữ đông….”(PQT)
Câu chuyện được kết thúc khá bất ngờ, khi ông Năm Quới lưa chọn con đường trở về quê nhà Bạc Liêu. Nơi ấy, Năm Quới không còn người thân nào, cũng không còn nhà, nhưng nơi đó có phần mộ cha mẹ tổ tiên của ông, có mộ của bà Xa Ly, tháp tro đứa con gái đầu lòng của ông, và cũng là để ngóng chờ tin tức gia đình đứa con trai … Ông quyết định cất lại nhà trên nền đất cũ để ở một mình. Thế rồi, điều kỳ diệu đã đến với Năm Quới : một ngày nọ, có người khách lạ đem thơ của con ông từ Tây Úc gởi về. Thơ cho biết, hồi ở quê, trong lần đi đốn cây làm nhà, vô tình gặp một chiếc ghe vượt biên bị phá nức tấp vào bờ bở sửa chũa, họ sợ bị lộ nên ép gia đình Thành đi luôn. Đầu tiên đi đến Mã Lai, sau đó được đưa về đảo Bi Đông, đến năm 1979 thì cả gia đình được chính phủ Úc chấp nhận cho định cư.
Điều thú vị, Miền đất mặn cuốí cùng rồi dẫn đến một kết thúc có hậu. Năm Quới đưa lá thơ của con trai đọc một đoạn đoạn rồi hạ xuống, đưa tay cầm ly rượu lên uống một ngụm; ông ngồi bên mộ vợ, nắng chiều vương trên mái tóc muối tiêu sương gió của ông: “….Bây giờ vợ chồng thằng Ba Thành đã thiệt ổn, thằng Thanh Hải đã trưởng thành, con Quế Lan cũng yên bề gia thất…tui mãn nguyện rồi!”
Có thể nói, tiểu thuyết Miền đất mặn là tác phẩm tiếp nối hoài vọng của Phùng Quang Thuận trên con đường trở về với văn hoá xứ sở, thể hiện tình cảm nồng nàn của nhà văn đối với vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn của người Bạc Liêu nói riêng cũng như vùng văn hoá Tây Nam Bộ, mà hiện nay không dễ tìm được những tác phẩm như vậy./.
TRẦN TRUNG SÁNG
H2 Lương Minh được tác giả Phùng Quang Thuận tặng sách