TRỞ LẠI BAN MÊ- ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN

Ngày đăng: 13/12/2023 11:33:29 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tác giả tại Tịnh xá Ngọc Quang

Tôi trở lại Ban Mê (Thành phố Ban Mê Thuột) mùa thu năm Quý Mão, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tập San Vô Ưu.  Đây là lần thứ tư, thứ năm, gì đó….tôi đến với cao nguyên bạt ngàn nắng gió, kể từ lần đầu tiên vào năm 1983. Mới đó đã bốn mươi năm, tôi còn nhớ rất rõ những con đường đất đỏ, hai bên đường cây cỏ cũng ám đầy bụi đỏ quạch. Đi đâu về thì bộ áo quần, xe cộ, túi xách ,…đều nhuốm màu đỏ của bụi đường. Trời mưa đất dẻo quánh, sền sệt dính chặt vào giày dép và bánh xe. Di chuyển trong địa phương thời đó, phương tiện cá nhân chủ yếu là xe đạp, vì thế gặp trời mưa, đất đỏ dẻo bám vào không chạy được nên cứ đi một đoạn thi phải dừng lại khều ra mới đi tiếp. Nhưng ấn tượng là cà phê rất ngon, đất đai phì nhiêu nên cây cối tốt tươi.

Thời gian sau đó cứ dăm bảy năm, khi có dịp, tôi lại lên Ban Mê. Khi thì đi cùng đồng nghiệp do trường tổ chức, tham quan trong dịp hè, khi thăm người thân hay đi đám cưới,…Mỗi lần trở lại Ban Mê thăm thú, tôi không khỏi ngạc nhiên vì tốc độ phát triển nhanh chóng, đã làm cho diện mạo thành phố đổi sắc, thay da. Như vậy, tiềm năng, thế mạnh, nơi đây đã được các nhà hoạch định, phát hiện, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ và không ngừng phát triển theo nhịp sống hiện đại. Thành phố Ba Mê ngày càng sầm uất, trù phú.

Cuối tháng 9 năm 2023, tôi nhận được giấy mời họp mặt của Ban tổ chức (BTC)  tập san Vô Ưu. Kế hoạch này đã được thông báo. BTC đã bàn bạc, xây dựng kế hoạch, công bố chương trình và được in trong tâp san Vô Ưu số 78 (tháng 8/2023). Từ đó chúng tôi đã có sự chuẩn bị bài vở và tinh thần để tham gia sự kiện này.

Thành phần tham dự gồm có cơ quan quản lý báo chí, Truyền thông và Hoằng Pháp của Tỉnh Đăk Lăk  và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, ban thông tin truyền thông và hoằng pháp của 5 tỉnh Tây Nguyên, các Báo, Tạp chí, Tập san,… của các Ban, viện Trung Ương và tỉnh thành, Tác giả, cộng tác viên, Văn nghệ sĩ Phật giáo, phát hành viên của ấn Phẩm Vô Ưu trong và ngoài tỉnh, các Chư Tôn Giáo Phẩm, Đức Tăng Ni, cư sĩ,…

Chương trình diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 10 năm 2023. Nhưng ngay từ ngày 13 tháng 11, đã được các thành viên BTC đón tiếp khách ngoại tỉnh, dùng cơm chiều thân mật, tại Tịnh Xá Ngọc Quang ( ở số 22 Đoàn Thị Điểm, TP Ban Mê Thuột )

Chúng tôi đến Ban Mê Thuột vào chiều tối ngày 13 tháng10, khách ngoại tỉnh đã về trong hai khách sạn (KS Hoàng Gia và KS Thành Công) nghỉ ngơi. Tôi đến nơi thì đã hơn 9 giờ  tối, được nhà thơ Dzạ Lữ Kiều trong BTC đón và hướng dẫn địa chỉ khách sạn. Anh lấy chìa khóa nhận phòng cho tôi tại KS Hoàng Gia. Tại đây đã có sư Giác Thăng ở Huyện Kroong Pac và các anh chị văn nghệ sĩ của đoàn Đà Lạt và đoàn Thừa Thiên Huế. Tôi lần đầu được gặp nhà thơ Dzạ Lữ Kiều- một người anh trong giới cầm bút, gốc Huế. Trước đó hai anh em đã  gặp nhau trên một vài
Website văn học nghệ thuật, giao lưu thơ văn trên fb! Và tôi cũng được hân hạnh đọc hầu hết các tác phẩm anh đã xuất bản. Anh em văn nghệ hiểu nhau qua câu chữ nhiều hơn ngoài đời thực. Nhờ dịp này, anh em mới có dịp hội ngộ. Vui mừng chào, thăm hỏi anh xong tôi xin phép anh về phòng nghỉ ngơi vì đi xe đường dài nên khá mệt. Anh cũng nhận một phòng cạnh phòng của sư thầy. Anh còn chu đáo dặn dò, ngủ sớm mai 6 h sáng có xe đến đón ở sảnh khách sạn để đi tham quan. Anh sợ tôi đi đường mệt, ngủ quên nên chưa 6 giờ đã nghe anh gõ cửa, bảo chuẩn bị xuống sảnh chờ xe cùng đi với sư thầy và anh chị của đoàn Huế, Đà Lạt và Nha Trang,…

 Sáu giờ xe của sư thầy chở chúng tôi đến Tịnh Xá Ngọc Quang để ăn sáng, uống cà phê, sau đó có 2 chiếc xe lớn và một số xe cá nhân lên đường đi tham quan  Hồ lắk và Vườn thiền Ngọc Dũng. Đó là những thắng cảnh với vẻ đẹp yên bình, thanh tịnh và nên thơ. Hai bên đường những rừng cây bạt ngàn xanh tươi, Mây trắng vườn quanh lưng chừng núi thật đẹp. Có vị sư nữ chuyên chụp ảnh săn mây. Sư nữ Tịnh Diệu gọi là ảnh “săn mây” cô cho tôi xem những bức hình thật đẹp, thật lãng mạn nên thơ với nhiều hình ngộ nghĩnh, thú vị!

Vườn thiền Ngọc Dũng

Chúng tôi tham quan, ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm  rồi ăn trưa tại nhà hàng của Hồ Lăc, và dĩ nhiên là bao gồm các món chay nhẹ nhàng, thanh tao và ngon miệng. Ra về sư nữ Tịnh Diệu lái xe riêng, rũ tôi cùng về, trên xe chở sư nữ-nhà văn Lam Khê và nhà thơ Dạ Lữ Kiều về Tịnh Xá Ngọc Quang. Còn Phái đoàn thì ai đi xe gì, trở về bằng xe đó.

Phần lớn mọi người về khách sạn nghỉ ngơi chiều lại tới để xem triển lãm và tọa đàm, còn tôi thì cùng hai vị sư nữ lên phòng khách trên lầu của Tịnh Xá nghỉ trưa.  chiều khai mạc triển lãm ảnh hoạt động của Vô Ưu trong 25 năm qua.

Tọa đàm “Phát triển Vô Ưu trong dòng chảy  Văn Hóa PG hiện nay”

Hội trường được trang hoàng đẹp, trang trọng. Hoa cờ rực rỡ, đặc biệt nhiều cơ quan, ban ngành, công ty,… gửi lẵng hoa chúc mừng. Nội dung buổi tọa đàm: báo cáo hoạt động, lịch sử hình thành, thuận lợi và khó khăn, thành tựu đạt được. Có nhiều tham luận và ý kiến chỉ đạo, hướng phát triển của tập san trong thời gian tới!

Chiều 14 /10, chúng tôi dùng buffet chay tại Tịnh Xá với nhiều món ngon, trình bày bắt mắt đủ các loại bánh trái,…Tối đó diễn ra buổi giao lưu thơ nhạc của chủ nhà (anh chị em văn nghệ sĩ trong tỉnh) và khách mời văn nghệ sĩ các tỉnh. Sân khấu được dàn dựng công phu, các tiết mục giao lưu diễn ra vui vẻ mang bản sắc văn hóa vùng miền rất ấn tượng!

Kết thúc đêm văn nghệ, chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi, hôm sau, chúng tôi được đưa tới Tịnh Xá ăn sáng, uống cà phê ; người không dùng cà phê thì dùng sữa đậu nành, sữa bắp tùy thích!

Tám giờ, hội trường diễn ra buổi lễ kỷ niệm theo chương trình với sự tham dự của chính quyền địa phương, quí vị nhân sĩ, thiện tri thức, anh chị em công tác viên tâm huyết, các phát hành viên tích cực và đại diện các đơn vị Phật giáo trong và ngoài tỉnh. Có một điều đặc biệt với tôi là nghe giọng Huế ấm áp khá nhiều, từ các nhà văn, nhà thơ gốc Huế hiện sống tại Đà Lạt hay Ban Mê như các anh: Mai Nguyễn, Phan Xuân An, Dzạ Lữ Kiều, Lê Tất Sĩ, Hạnh Phương,…thành viên sở tại trong ban biên tập hay thành viên BTC, Có ai đó nói “người Huế” (Thừa Thiên Huế nói vui là xứ thừa trời thiếu đất) có mặt nhiều nơi trên trái đất và khắp trên mọi miền Tổ quốc. Quả đúng vậy, nghe giọng nói đặc trưng vùng miền có đủ âm vực lên bổng xuống trầm rất chi là…“sáu vài mười hai nhịp” và dòng nước sông Hương.

Tính đến nay Ấn phẩm Vô ưu đã phát hành được78 số và thêm một số đặc biệt hôm nay. Từ số lượng 500 cuốn/kỳ đến nay đã lên tới 4000 cuốn/kỳ, phạm vi phát hành nhiều tỉnh thành,  độ lan tỏa đến với các đơn vị có nhu cầu từ Huế trở vào: Gồm 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), Tp HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang,.. Nội dung tập san phong phú và độ dày của trang và hình thức thể hiện ngày càng cải thiện hấp dẫn bắt mắt hơn. Với sự tham gia của hơn 50 cộng tác viên gồm các tăng ni, các học giả, các nhà nghiên cứu, nhà văn nhà thơ, nhà báo,…đã đồng hành cùng Vô Ưu trong suôt 25 năm qua. Đúng là BBT Vô Ưu đã quy tụ, thu hút những cây bút tên tuổi nhiều tỉnh thành trong nước chung tay làm nên diện mạo riêng của Vô Ưu! Tưa ngày 15 diễn ra tiệc chay liên hoan và tặng kỷ niệm chương và quà lưu niệm cho khách mời!

Họp mặt kỷ niêm tâp san Vô Ưu thành công tốt đẹp, thật vui và ý nghĩa! Đây cũng là dịp hội ngộ, gặp gỡ của Ban biên tập với những cộng tác viên lâu năm cùng các cây bút trẻ của tập san. Đây cũng là dịp các anh chị em văn nghệ – giới cầm bút gặp gỡ với nhau thực sự ngoài đời.

Tạm biệt thành phố cao nguyên lộng gió, chúng tôi lên xe ra về, lòng xao động, không khỏi bồi hồi quyến luyến tình đất tình người nơi đây! Với nhiều cảm xúc thật đẹp. Cảm tạ tấm thịnh tình của chủ nhà sở tại. Hình ảnh những hoạt động sôi nổi và ý nghĩa của những ngày họp mặt kỷ niệm để lại những ấn tượng đẹp trong mỗi tâm hồn chúng tôi- những khách mời- cộng tác viên sẽ nhớ mãi dấu ấn Vô Ưu 25!

Sài Gòn ngày 11/10/2023
Hoàng Thị Bích Hà.

 

Hình 4. Một cảnh trong vườn thiền

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác