NHÀ BÁO TRẦN ĐỨC TUẤN TRONG TÔI.

Ngày đăng: 3/07/2023 04:10:04 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Nhà báo – nhà biên kịch phim truyền hình tài ba Trần Đức Tuấn đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 2/7/2023, sau 82 năm vụt đến với cõi đời. Tôi không muốn dùng chữ “hưởng thọ” vì luôn thấy ở ông sự nhiệt huyết, tận cùng đam mê với công việc, với cuộc sống. Gặp ông là thấy cuồn cuộn những dự định, những khám phá, những kỷ niệm, những tâm đắc về thi ca, lịch sử và lòng người.

Nhà báo Trần Đức Tuấn quê ở Nam Định. Ông bôn ba từ nhỏ bởi chiến tranh và đấy đưa của số phận. Tốt nghiệp đại học tại Cu Ba, ông có khoảng 5 năm làm phát thanh viên Ban tiếng Việt của Đài Phát thanh Moskva. Sau đó về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV).

NB Trần Đức Tuấn (đứng giữa)

Hàng chục năm làm ở HTV, rất tiếc là ông lại được/bị phân công làm Phó Tổng Biên tập, kiêm Trưởng Ban Chương trình. Công việc như nuôi con mọn, bận bịu tối ngày. Chỉ khi bắt đầu nghỉ hưu năm 2001, rũ bỏ mọi húy toái, ông mới thực hiện được mong ước lớn của đời mình. Hàng trăm tập phim tài liệu, ký sự truyền hình của HTV đã ra đời, trong đó ông là “linh hồn” với vai trò tác giả kịch bản, lời bình, thậm chí nhiều tập là người thể hiện lời bình, bởi chất giọng rõ ràng, mực thước và truyền cảm. Có thể kể như Mê Kông ký sự (92 tập), Trung Hoa du ký (23 tập), Huyền bí sông Hằng (50 tập), Hành trình theo chân Bác (110 tập), Ký sự hỏa xa – Hành trình xuyên lục địa (75 tập), v.v… và nhiều phim tài liệu riêng biệt giá trị khác. Ông cũng là tác giả của các tập sách nổi tiếng như Đi dọc dòng sông Phật giáo, Ký sự Hành trình theo chân Bác.

Điều gì khiến các tập phim mà nhà báo Trần Đức Tuấn là đồng tác giả đã thu hút hàng triệu khán giả truyền hình? Đó chính là đề tài và hình ảnh độc đáo, luôn mang tính khám phá. Đặc biệt hơn nữa đó là chất lượng của lời bình mà ông là tác giả. Lời bình của ông luôn đầy ắp thông tin, xác đáng, bay bổng và gợi mở. Đó là kết quả của một quá trình tích lũy kiến thức đáng kinh ngạc (dù ông không sử dụng máy tính), một tầm nhìn trong trẻo với trí tuệ uyên bác, một tấm lòng cực kỳ nhân ái. Trong viết lách, ông hết sức cẩn trọng từng câu chữ, từng dấu chấm phẩy. Tôi nhớ, đã hơn một lần ông “càu nhàu” với tôi rằng, trong một tập phim tài liệu, người duyệt bài đã sửa hai chữ “hãi hùng” ông viết, thành “hào hùng”. Ông bảo: “Hào hùng là hô khẩu hiệu. Hãi hùng mới đúng lòng người. Sửa vậy thì… vứt phim cho rồi”.

Tôi có may mắn là đồng nghiệp, cộng sự trong một số phim, là bạn với nhà báo Trần Đức Tuấn. Chúng tôi đã có rất nhiều chuyến rong ruổi cùng nhau, từ Nam ra Bắc. Rồi bao phen la cà với ông bên tách cà-phê, ly rượu. (Nhiều lần, ông đem theo chai rượu thuốc tự chế mang tên “Mê Kông ký sự tửu”, ngon vừa thôi nhưng cực kỳ cám dỗ). Ngồi bên nhau luôn là những câu chuyện về các xứ sở xa xăm đầy bí ẩn, về thơ Đường thâm thúy, về âm nhạc cổ điển và tiền chiến lãng mạn, về các mong ước làm phim nóng bỏng. Góc nhìn của ông luôn mới lạ, đầy hàm lượng tri thức, chan chứa lòng nhân ái và hài hước. Có lần tôi còn được nghe ông tranh luận về vật lý, thiên văn và toán học. Toàn những kiến thức rất sâu rộng, gây bất ngờ và lạ lẫm.

Nhớ lại lần lãng du dài ngày cùng ông lên Hà Giang. Trí tuệ cực kỳ minh mẫn nhưng sức ông đã suy giảm. Leo lên căn nhà đầu tiên nơi địa đầu đất nước, ông trượt chân té. Tưởng chết. Niềm đam mê phiêu lãng giúp ông tiếp tục và say đắm với hành trình.

Tôi nhớ mãi một hình ảnh đáng yêu của ông trên cao nguyên đá. Giữa đêm khuya, ông đi bộ, tay xách bịch ny-lông chứa mấy lon bia và đá lạnh về khách sạn tâm giao. Mải mê suy nghĩ điều gì không rõ, bịch ny-lông bục đáy, đá và bia rơi ra, rải dài xuống đường phía sau, mà ông vẫn không hề hay biết. Những viên đá lạnh như dấu chân, như hình hài ông dần tan vào đất mẹ. Chỉ còn đau đáu dáng hình ông: một người thầy, người anh, người bạn kính yêu.

Ông ra đi, để lại cả một khoảng trống vắng ám ảnh trong lòng tôi.

TRẦN VỌNG ĐỨC

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác