Nhà văn Trần Văn Thưởng: “Quý ông tuổi 40 yên một chỗ đi khắp 5 châu”
Nhà văn Trần Văn Thưởng (sinh năm 1974 tại Bình Định) hiện là chuyên viên truyền thông của một tập đoàn du lịch tại TP.HCM và là trưởng ban biên tập tạp chí Savour Vietnam. Đầu tháng 4, Thưởng giới thiệu đến công chúng cuốn sách “Quý ông tuổi 40” đang xôn xao đường sách Nguyễn Văn Bình.Trước đó, tác phẩm bút ký “Yên một chỗ đi khắp 5 châu” của anh cũng được bạn đọc đón nhận. Bài này là do anh trả lời vói nhà báo Lê Việt Nhân của báo Đồng Nai cuối tuần.. Trang nhà xin phép chia sẻ lại những thông tin này (LM)
SÁCH LIFESTYLE BOOK DÀNH CHO NAM GIỚI
–-Xin được mở đầu bằng câu hỏi “Bước ngoặt nào để anh viết “Quý ông tuổi 40”?
– Nhà văn Trần Văn Thưởng: Đây là một cơ duyên. Mọi thứ bắt đầu từ một chương trong cuốn sách “Yên một chỗ đi khắp 5 châu” của tôi, có tên “Trâu già Ố 40” (“Ố” là “over” trong tiếng Anh). Tôi thấy có thể tiếp tục chia sẻ với mọi người về cuộc sống đa diện của những người đàn ông ở nhóm tuổi 40 như bản thân mình. Đến khi đặt bút viết, từ “trâu già” mang tính trào lộng ban đầu được nâng lên thành “quý ông” để sắc thái ngữ nghĩa được tích cực hơn, và hứa hẹn sẽ hấp dẫn độc giả hơn. Tính từ lúc tìm được tựa sách ưng ý đến khi hoàn thành nội dung cuốn sách “Quý ông tuổi 40”, tôi mất đúng hai năm. Cuốn sách này như một lời tâm tình vừa dành cho chính mình, vừa dành cho những người đàn ông trung niên cùng nhóm tuổi 40, bắt đầu từ năm vừa tròn 40 tuổi cho đến năm 49 tuổi.
–-“Quý ông tuổi 40” được xem như sách dành cho đàn ông. Anh có nghĩ đây là xuất phát điểm để “cân bằng giới” trong sáng tác khi hiện nay trên thị trường sách về nữ giới rất nhiều?
-“Quý ông tuổi 40” là dạng sách tâm lý, lối sống (lifestyle book), nên tôi chỉ viết về những gì mình đã trải nghiệm, viết từ vốn sống và quan sát của mình.
Theo tìm hiểu của tôi, trên thị trường sách Việt Nam hiện nay, dòng sách lifestyle book dành cho nữ giới trong nhóm tuổi trung niên thì có nhiều, bao gồm cả sách dịch và sách bản ngữ. Nhưng sách cùng loại dành cho nam giới ở độ tuổi này vẫn còn khiêm tốn, trong khi đời sống vật chất, tinh thần, những đổi thay về mặt tâm, sinh lý của họ lại mang tải nhiều câu chuyện thú vị, hấp dẫn để kể lại. Và đó cũng chính là xuất phát điểm để tôi nỗ lực thực hiện cuốn sách không chỉ dành cho riêng mình.
––Mọi người nói tác phẩm của anh là sự trải nghiệm rõ ràng của cuộc sống. Anh muốn bạn đọc nhận ra điều gì khi viết “Quý ông tuổi 40”?
-Theo nghiên cứu của mình, tôi nhận thấy đàn ông ở độ tuổi 40 có tính tự chủ cao, khi đã xác lập một cuộc sống ổn định sau hành trình tạo dựng sự nghiệp, nếm trải những thử thách của cuộc đời và đã đạt tới độ chín trong nếp nghĩ, lối sống, cách đối nhân xử thế. Dù vậy, họ cũng luôn phải đối diện với những cạm bẫy của cuộc đời cùng với việc sửa soạn tâm thế để bước vào những cuộc phiêu lưu mới, kể cả việc bắt đầu lại cuộc sống hôn nhân hay một công việc mới. Trong cuốn sách, nhiều chủ đề thu hút sự quan tâm của nam giới ở nhóm tuổi 40 như “Có phải nhiều tiền mới sống vui?”, “Bóng ma ly hôn”, “Tình ngoài cửa sổ”, “Đàn ông với chuyện thời cuộc”, các mối quan hệ xã hội, sự cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần… đã được tác giả mổ xẻ qua những trang viết tích hợp cả yếu tố cảm xúc và chất trải nghiệm.
––Những phần “khó nhằn” nhất khi viết tác phẩm này là gì, thưa anh?
-Đó chính là những vấn đề mang tính truy vấn như hôn nhân và gia đình, những ngóc ngách trong tâm tư, tình cảm hay vấn đề về tinh thần phụng sự xã hội. Đó đều là những câu chuyện nhạy cảm, dễ rơi vào tình trạng nửa vời nếu viết hời hợt, nói suông theo kiểu giáo điều. Còn nếu viết trực diện quá thì sẽ gây tổn thương đến những người liên quan trong câu chuyện. Và tôi đã chọn cách viết dung hòa, đặt vấn đề theo hướng gợi mở, đối thoại. Để tăng thêm gia vị cho cuốn sách, bên cạnh việc khai thác những câu chuyện, trải nghiệm, tâm tư của chính mình, tôi còn thực hiện những cuộc khảo sát, phỏng vấn những người đàn ông cùng nhóm tuổi 40, rồi cả những người ở nhóm tuổi 60-70 để họ nói về thời 40 của mình trước đây như thế nào.
YẾU TỐ QUAN TRỌNG LÀ CHINH PHỤC ĐỘC GIẢ
Trần Văn Thưởng trả lời báo Đồng Nai cuối tuần
–-Được biết, ngoài vai trò tác giả, anh còn đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong việc quảng bá tác phẩm của chính mình?
-Khác với việc xuất bản một cuốn sách thông thường, quá trình thực hiện “Quý ông tuổi 40” có thể được xem như chuỗi vận hành một dự án độc lập. Tức là cũng có bảng đo lường hiệu quả của dự án, từ việc chọn nội dung để sáng tạo, đầu tư, xúc tiến xuất bản, in ấn, phát hành, truyền thông… đến cả việc đóng góp cho cộng đồng từ nguồn phát hành sách. Bản thân tôi đã đảm trách thực hiện tất tần tật những công đoạn này. Để làm được những điều đó, tôi ghi nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ hết lòng từ phía bạn bè, đồng nghiệp.
Tôi nhớ nhất là buổi ghi hình talk show ra mắt tác phẩm được thực hiện vào cuối năm 2021. Lúc đó, thành phố mới mở cửa hạn chế sau dịch Covid-19, mọi giao tiếp bên ngoài cũng khá dè dặt. Nhưng sách vừa mới in ra, mình phải làm truyền thông cho nó thì mới phát hành được. Lúc đó, may mắn có anh bạn học cũ thời sinh viên nhận hỗ trợ chụp hình, quay phim buổi talk show tác giả, tác phẩm. Có cô em gái kết nghĩa nhận làm MC để tương tác với tác giả. Tuân thủ quy định về giãn cách xã hội, talk show hôm đó vỏn vẹn chỉ có 5 người, bao gồm tác giả, MC, quay phim và 2 khách mời dự khán.
–– Xin lùi lại một chút, mấy năm trước khi tác phẩm “Yên một chỗ đi khắp 5 châu” của anh ra mắt cũng được giới thiệu bài bản trên báo, đài truyền hình đều là do anh tự làm truyền thông?
-Theo tử vi, tôi là người có “quý nhân phù trợ” trong nhiều việc. Với chuyện xuất bản sách của mình cũng vậy. Tôi viết văn, làm báo, may mắn được nhiều đồng nghiệp trước đây từng là bạn học thời sinh viên, nay đang làm việc tại các báo, đài hỗ trợ viết bài giới thiệu sách, làm phim phóng sự về tác giả, tác phẩm. Cuốn “Yên một chỗ đi khắp 5 châu” hồi mới ra đã tạo sự tò mò với độc giả ngay từ tiêu đề tác phẩm. Thực ra, đây là một cách chơi chữ để nói về một phần công việc của tôi trong suốt 15 năm. Tôi làm biên tập cho các tạp chí du lịch, tức là “yên một chỗ”, lại có cơ hội được đọc, xem vô số bài viết, hình ảnh du lịch ở khắp 5 châu lúc xử lý các bài viết gửi đến cộng tác với tạp chí của mình.
––Mọi người nhận xét, nhà văn Trần Văn Thưởng thích sống chậm và… viết chậm?
-Riêng về lĩnh vực sáng tác văn học, tôi chỉ tìm đến trang viết khi có một vấn đề, tác động hay trải nghiệm nào đó khiến mình phải ưu tư, khắc khoải hoặc hứng thú. Tôi hầu như chỉ viết được những gì xảy ra trong cuộc sống có tôi dự phần. Khi đó, viết cũng là một cách để trải lòng. Mà tôi thì đâu có nhiều chuyện để viết, nên viết ít, viết chậm là phải! Tôi còn nhớ, hồi làm việc cho một tờ báo du lịch song ngữ Anh-Việt, cô bạn đồng nghiệp người Philippines có nhận xét tôi thuộc kiểu người “slowly but surely” (chậm mà chắc). Tôi thích nhìn ngắm và tận hưởng cuộc sống một cách chậm rãi để có trải nghiệm thật sâu.
–-Trong vòng hơn 20 năm, anh chỉ cho ra mắt một lượng tác phẩm rất khiêm tốn nhưng tác phẩm của anh cô đọng, súc tích như tính người, khiêm nhường, chậm rãi, có phần như “cụ non” của anh?
–Với trường hợp của riêng mình, tôi nghĩ không nhất thiết phải viết nhiều. Viết ít nhưng những gì mình viết ra có thể chạm đến trái tim người đọc từ những nỗi niềm, khắc khoải của mình, và nhận được sự đồng cảm, thế là hạnh phúc rồi. Từ lúc viết văn đến nay, danh mục tác phẩm của tôi vỏn vẹn như thế này thôi: “Phố mơ” (tập truyện ngắn, xuất bản năm 2000), “Bác sĩ hôn học” (tập truyện ngắn, xuất bản trên kênh online năm 2015), “Yên một chỗ đi khắp 5 châu” (bút ký, năm 2019), “Quý ông tuổi 40” (xuất bản năm 2021) và đang viết thật chậm cuốn tiểu thuyết đầu tay “Chuyến tàu xuyên không”.
–-Công việc hiện tại có ảnh hưởng đến lối sống chậm (nghiên cứu về Thiền) của anh?
-Thật ra, cả hai điều này không loại trừ lẫn nhau. Bản thân tôi yêu thích nền văn hóa và dòng văn học Thiền. Trong cuộc sống đời thường, tôi là mẫu người cổ điển, chuộng lối sống chậm, “đi là đi, chứ không phải đi là để đến”. Tôi dành khoảng thời gian rảnh rỗi cho việc tập thở, lắng đi những tạp niệm do cuộc sống xô bồ tạo ra, tìm sự bình an trong lòng mình. Tôi cũng thích đi du lịch, nên chọn làm việc chuyên môn tại các công ty du lịch.
–– Nghề viết của anh có kỷ niệm đáng nhớ nào về vùng đất Đồng Nai? Anh muốn viết gì về vùng đất này ?
-Tôi yêu mảnh đất Đồng Nai, trong đó thành phố Biên Hòa khiến cho tôi nhớ đến thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), nơi tôi có 3 năm học ở trường Quốc học Quy Nhơn. Cả hai thành phố đều xinh đẹp, có nhiều con phố nhỏ yên tĩnh, người dân địa phương hiền hòa, dễ mến. Với Đồng Nai, tôi có một chút kỷ niệm. Hồi mới tốt nghiệp Đại học, chập chững viết văn, tôi và hai nhà văn cùng thế hệ 7X là Trần Nhã Thụy và Trần Thu Hằng thường đi đi, về về giữa TP.HCM và Biên Hòa tham gia một số hội nghị, sinh hoạt của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Nếu có viết gì đó về nơi này, tôi nghĩ mình có thể viết một tập biên khảo lịch sử về Cù lao Phố, với dòng chảy thời gian từ quá khứ huy hoàng, những năm tháng “tàn tro” đến những đổi thay thời đương đại.
Lê Việt Nhân (Thực hiện)