NGỌN GIÓ ĐẾN TỪ HƯ KHÔNG
Tất cả chúng ta đều sinh ra với hai bàn tay trắng, lìa đời cũng chẳng mang được gì theo, nhưng giữa hai thời điểm sinh và tử chúng ta luôn tranh cãi, chiến đấu và dùng mọi thủ đoạn để sở hữu thật nhiều của cải.
Vừa u mê vừa điên đảo, con người luôn quay cuồng trong vòng xoáy của lòng tham. Phần lớn mọi hoạt động đều có một mục đích là chiếm hữu, xem vật chất như một cứu cánh, bất kể nó phát sinh ra một xã hội toàn cầu có nhiều bất ổn và bất công.
Trong những năm tháng hiện nay và sắp tới, hơn hẳn các thế kỷ vừa qua, tiền đang là điều quan tâm của thế giới, và có lẽ con sẽ rất khó hiểu là cái điều không hiện hữu đang ngự trị trên sự hiện hữu của chúng ta.
Tiền là gì, nó là gì đối với con?
Bằng trí tuệ được cho là siêu việt, các nhà kinh tế của các siêu cường đã nghĩ ra và hình thành một hệ thống kinh tế để dẫn dắt toàn thế giới. Nhưng cái hệ thống kinh tế được cho là vô địch này đã và đang gây ra nhiều tai họa.
Có lẽ con sẽ xem thế hệ của ba là một lũ cuồng điên? Để có thể hiểu rõ quá khứ, con cần phải giải mã những ký hiệu như ngôn ngữ tượng hình của người Ai Cập: bề ngoài xem có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế là những điều bí ẩn như LTRO (long-term refinancing operation), IM (International monetary fund), ESM (European stablity meccanism), ECB (European Central Bank)… Nếu đã cố gắng nhưng con vẫn chưa hiểu, đừng có bận tâm, nó chỉ là những ký hiệu, chỉ là những ký hiệu và nó chính là Tiền, chỉ là Tiền. Nền văn minh, lý tưởng, lòng nhân ái… không nằm trong các chữ viết tắt đó. Ba hy vọng là lớn lên con sẽ có nhiều tư tưởng hay ho trong đầu chứ không phải là những định nghĩa vớ vẩn, nhưng có sức mạnh siêu nhiên và gây áp lực lên đời sống của con người.
Thật ra tiền không xấu. Ngay cả các nền văn hóa cao cấp nhất của nhân loại cũng nhờ vả rất nhiều vào tiền bạc và quyền lực của các nhà bảo trợ. Không có hoàng tử Colloredo hay công tước Waldstein, chúng ta sẽ không thưởng thức được Mozart và Beethoven. Không có Maceratismo trong đế chế của Florentine à các nhà tài trợ nghệ sĩ ta sẽ tìm đâu ra các tác phẩm nghệ thuật của Da Vinci hay Michelangelo? Trường thiên “Les trois mousquetaires” được Dumas dựng nên từ những cảm hứng của triều đại Louis XIII.
Nhưng đó là chuyện của một thời. Thời mà đồng tiền là thước đo đạo đức và tư tưởng phục vụ xã hội. Còn hiện nay là bè phái, thế lực, đang toa rập thành những âm mưu để cướp của một cách khoa học.
Trong hệ thống kinh tế hiện đại có một việc buôn tiền mà người ta gọi là Thị trường Chứng khoán. Các công ty trên thế giới mang nhiều tên tuổi khác nhau nhưng thực chất nó là một gia đình. Các chủ tịch hội đồng quản trị doanh
nghiệp quen biết nhau như bạn hữu lâu đời. Họ hiện diện khắp nơi. Vừa ở công ty bán, vừa ở công ty mua. Vừa ở công ty thành viên, vừa ở công ty kiểm soát.
Nghĩa là họ tự bán cho nhau. Tự mua và bán… chính mình. Sáng, thành viên; Chiều quản lý; Tối nằm mơ. Mơ sáng hôm sau thâu tóm cổ phiếu sinh lời…
Đó chính là bản đồ và cuộc chơi của quyền lực. Các chuyên gia và các nhà kinh tế là những nhà thần học của tôn giáo thị trường luôn có một đức tin rằng thị trường sẽ tự động điều chỉnh được mọi thứ. Nhưng khủng hoảng ngày càng lan rộng và thỉnh thoảng xuất hiện dưới dạng chứng khoán lao dốc rồi sau đó lại được điều chỉnh. Cuộc chơi lại tiếp diễn.
Hiện nay chỉ có một số ít quyết định mọi thăng trầm của toàn xã hội. Kết quả là chưa bao giờ, y tế, giáo dục, văn hóa làm tổn thương xã hội toàn thế giới như những năm tháng hiện nay. Tất cả các chính sách, các hoạch định, các cuộc hiến tranh hầu hết đều xoay quanh mỗi chữ tiền….
Ba vừa nói là có một cái gì đó không hiện hữu đang chi phối sự hiện hữu của loài người. Tuy vô hình, không hình không bóng nhưng nó lại là chủ đạo của mọi diễn biến, là động lực thúc đẩy xã hội. Ba muốn nói với con về hệ thống ngân hàng “tay không bắt giặc” trên toàn thế giới.
Năm 1961 nhà văn Anh Ballard xuất bản quyển sách "Ngọn gió đến từ hư không" (The wind from nowhere). Trong tác phẩm viết về khoa học giả tưởng đó kể một trận gió… không biết từ đâu thổi đến nhưng mỗi ngày một mạnh.Cường độ gió tăng dần và bắt đầu làm tê liệt mọi hoạt động của con người.
Gió tiếp tục thổi, gây chết chóc và tàn phá. Một số người nghĩ là có thể xâymột lâu đài vững chắc có thể ngăn được gió. Nhưng gió cứ tăng cường độ làm xáo trộn mọi sinh hoạt trên trái đất. Tuy vậy cuối cùng người ta cũng xây
được một kim tự tháp để có thể trú ẩn.
Nhưng gió vẫn cứ tiếp tục tăng và tàn phá hết mọi công trình xây dựng của con người. Và gió chỉ ngừng thổi khi tòa cao ốc hình kim tự tháp cuối cùng của loài người trên trái đất bị đổ ập.
Ngọn gió đó, hôm nay chính là đồng tiền. Đồng tiền đến từ hư không và nó đang lây nhiễm hệ thống kinh tế và có thể sắp quật ngã tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tiền từ hư không chính là cái mà các tập đoàn tài chánh đã tạo ra từ một cơ chế ngân hàng gọi là dự trữ phân đoạn (Fractional reserve banking).
Theo cơ chế này, khi cho vay một khoản tiền, ngân hàng phải giữ lại một khoản tiền để bảo đảm. Giả sử ngân hàng có 1000 đồng, và dự trữ bắt buộc cho một khoản vay là 10 % thì ngân hàng đó có thể cho vay tối đa là 10000 đồng mặc dù họ chỉ có 1000 đồng. Họ đã tạo ra 9000 đồng từ hư không.
Vậy nếu tất cả các khách hàng của bất kỳ một ngân hàng nào quyết định rút tiền đã ký gửi thì sẽ phát hiện là số tiền ấy không có. Ngân hàng phải phá sản.
Số tiền đang lưu hành không liên quan gì đến thực tế.Các chuyên gia tính rằng hiện nay cả thế giới đang mắc nợ chừng 200 nghìn tỷ USD trong khi PIL của toàn thế giới chỉ bằng 1/3 (tương đương 70 nghìn tỉ USD). Một cái bong bóng khổng lồ như thế trước hay sau gì cũng phải nổ.
Để thoát khỏi tình trạng này chỉ có thể thay số tiền được tạo ra từ hệ thống ngân hàng bằng tiền các nhà nước phải in ra và bắt buộc các ngân hàng phải bảo đảm bằng tiền sở hữu khi cho vay.
Hiện tại thì chúng ta đang ngồi trên miệng núi lửa và hậu quả của nó có kích thước lớn hơn những gì mà trí óc con người có thể tưởng tượng.
Nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Maurice Allais, cho rằng: “Sự tạo ra đồng tiền từ hư không của hệ thống ngân hàng hiện nay giống hệt sự đúc tiền của kẻ làm tiền giả. Sự khác biệt duy nhất là có rất nhiều nhóm lợi ích đang trục lợi”. Đồng tiền từ hư không chỉ có thể chấm dứt bằng sự tàn phá tất cả các nhà nước. Như một ngọn gió. Và chỉ dừng khi mọi thứ đã tan hoang.
Nói với con bây giờ thì có lẽ còn quá sớm nhưng khi con lớn lên ba không biết con sẽ nhìn ba với đôi mắt nào? Con sẽ phán xét ba và thế hệ của ba như thế nào, 20, 30 năm sau, khi đã trưởng thành, con, đứa con của một thời đại khác.
Ba biết con sẽ không phán quyết nhẹ nhàng.
Hình ảnh nhạt mờ của giới lãnh đạo thế giới hiện nay, những người lớn đang lăng xăng hoạch định tương lai của con, sẽ bị con đánh giá như là những con người không có tầm nhìn. Thế nhưng họ đang nắm quyền vẽ vời, như một tên nghệ sĩ tồi, đang tạo nên cái hiện tại và tương lai u tối của con.
Trương Văn Dân.
(Trích tiểu thuyết TRÒ CHUYỆN VỚI THIÊN THẦN – trang 316-319)
NXB Tổng Hợp, 62 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM.
H1
H2