TƯỞNG NHỚ THẦY ĐÀO KHÁNH THỌ,

Ngày đăng: 5/04/2022 07:54:09 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Chỉ còn khoảng hơn hai tuần lễ nữa là đến ngày giỗ lần thứ chín của Thầy Đào Khánh Thọ, cựu hiệu trưởng trường trung học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long, ngôi trường do chính Thầy đã một thời góp sức phát triển và đào tạo không biết bao nhiêu là thế hệ ưu tú cho vùng đất Vĩnh Long. Hôm nay, tôi viết bài nầy vừa để tưởng nhớ Thầy mà cũng vừa ôn lại những kỷ niệm đẹp, hết sức đẹp của một cựu học sinh Tống Phước Hiệp đã từng có với thầy. Thầy Đào Khánh Thọ, sinh ngày 12 tháng 01 năm 1937, tại Mỹ Tho, Cựu Hiệu trưởng trường Tống Phước Hiêp, Vĩnh Long.

Thầy là một nhà giáo đã cống hiến rất nhiều cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, đặc biệt cho sự giáo dục của nhiều thế hệ học sinh trung học tại tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc và Trà Vinh. Năm 1961, Thầy được bổ nhiệm về làm Giáo sư Vạn Vật tại trường Trung Học Tống Phước Hiệp(TPH) tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, vào năm 1964, thầy được bổ nhiệm vào chức vụ Hiệu Trưởng trường Trung Học TPH cho đến năm 1972, thầy được bổ nhiệm vào chức vụ Chánh Sở Học Chánh Quân Khu IV tại Cần Thơ. Trong gần một thập niên phục vụ trong ngành giáo dục tại Vĩnh Long, thầy Đào Khánh Thọ đã đóng góp rất nhiều cho ngành giáo dục của tỉnh Vĩnh Long. Bên cạnh đó, thầy Đào Khánh Thọ cùng với giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cũng là những thành viên đầu tiên khởi xướng việc thành lập trường Đại Học Cần Thơ cho học sinh miền Tây Nam Phần. Ngoài chức vụ Hiệu Trưởng trường trung học TPH và Trưởng Khu Học Chánh vùng 4, Thầy Đào Khánh Thọ còn là  Giám Đốc Nha Nghiên Cứu Kế Hoạch Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên VNCH.

Cô Dung tại đám tang chồng năm 2013

Riêng cá nhân tôi  đã chịu quá nhiều những công ơn của thầy, từ công ơn dạy dỗ, cho đến những công ơn khuyến tấn và an ủi tôi trong những lúc mưa dồn sóng vỗ của cuộc đời. Tôi còn nhớ mùa Giáng Sinh năm 1968 khi tôi đến nhà Thầy ở góc trường Tống Phước Hiệp để báo cho thầy biết về quyết định nghỉ học để đi lính của mình. Thầy vỗ nhẹ lên vai tôi với vẻ mặt buồn buồn, thầy nói: “Có cần phải đến nỗi bỏ học không em? Em là một trong những đứa học trò mà thầy rất hãnh diện trong những năm qua và luôn kỳ vọng trong tương lai. Phải chi em học không ra gì mà bỏ học nửa chừng thì cũng cam. Đằng này, thầy còn nhớ rất rõ, từ năm 1962 đến nay đã 6 năm em tòng học tại ngôi trường nầy. Có tháng nào mà thầy không phát Bằng Tưởng Lệ cho em đâu? Có năm nào mà em không được lãnh thưởng và lãnh học bổng đâu? Rồi khoá thi Tú Tài I mới vừa rồi đây em lại đậu hạng Bình… Thế mà hôm nay em tới báo tin cho thầy biết là em quyết định nghỉ học để đi lính. Thầy muốn không tin những gì thầy mới vừa nghe từ em. Nếu em có cần thầy cô giúp gì về tài chánh, thầy cô sẵn sàng, nhưng thầy khuyên em nên bỏ ý định nghỉ học nầy đi.” Tôi hết sức cảm động được nghe tâm tư và sự kỳ vọng của thầy đối với những đứa học trò của ngôi trường mà thầy đang làm hiệu trưởng. Tôi nói với thầy: “Gia cảnh em hiện tại quá nghèo lại thêm anh chị em quá đông, chị Hai của em đã nghỉ học để phụ giúp mẹ cha từ năm chị vừa mới lên mười tuổi. Bây giờ em nghĩ đã tới phiên em phải theo chân chị Hai thì mới mong giúp cho gia đình khá hơn được. Một lần nữa, em rất cám ơn công lao dạy dỗ, khuyến tấn và sự giúp đỡ về mặt tinh thần của thầy cô dành cho em trong suốt sáu năm học tập vừa qua. Em hứa với thầy là em sẽ tiếp tục học hàm thụ bất cứ khi nào có thể được để không phụ lòng mong mỏi và kỳ vọng của thầy cô.” Tôi cũng báo cho thầy biết là trước khi vào quân đội, nhờ các sách lãnh thưởng vừa rồi, tôi đã tự học xong hết chương trình Toán và Lý Hoá của năm đệ nhất và hứa với thầy năm sau sẽ từ quân trường ra thi Tú Tài II. Năm 1969, trước lúc khi lên đường đi học bay tại Hoa Kỳ, tôi đã từ quân trường ra thi và đã đậu xong phần II. Ngày tôi báo cho thầy biết kết quả, thầy mừng lắm. Lúc từ quân trường ra thi phần II tại Hội Đồng B2 Sài Gòn, tôi đã đến trễ mất hơn một tiếng đồng hồ, may phước gặp được Thầy Nguyễn Độ làm Chánh Chủ Khảo Hội Đồng B2, thầy chẳng những cho phép tôi vào thi mà còn cho tôi ngồi lại thi bù gần 2 tiếng đã mất. Trước khi tôi lên đường đi Mỹ, tôi có ghé lại thăm thầy Nguyễn Độ tại trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Trong thời gian tôi đang học tại Mỹ, chính thầy Nguyễn Độ là người đã giúp ghi danh cho tôi tại trường Luật do thầy làm Khoa Trưởng và gửi bài học hàm thụ qua Mỹ cho tôi. Rồi trải qua bao cuộc bể dâu, tang điền thương hải, tôi mất liên lạc hoàn toàn với hai vị thầy thân yêu mà tôi vừa kể trên.

Sau năm 1975, thầy Đào Khánh Thọ và gia đình ra hải ngoại, sống bên Đức và Canada một thời gian. Đến khoảng năm 2003, thầy cùng gia đình qua định cư tại miền Nam California cho đến khi qua đời vào năm 2013. Sau gần 30 năm sống nơi hải ngoại, vào năm 2003, do có duyên may tại California, thầy Đào Khánh Thọ đã cùng phu nhân là cô Võ thị Ngoc Dung thành lập Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Tống phước Hiệp, nhờ đó mà các cựu học sinh và thầy cô TPH mới có cơ hội gặp lại nhau nơi đất khách quê người. Trong thời gian gặp gỡ lại thầy Đào Khánh Thọ và cô Võ thị Ngoc Dung ở miền Nam California, thầy cô đã để lại cho anh chị em cựu học sinh TPH chúng tôi không biết bao nhiêu là những kỷ niệm tha hương tuyệt đẹp. Chúng tôi thường hay đến nhà thầy cô mỗi cuối tuần để cùng thầy cô vừa uống trà hay cà phê, vừa ôn lại những kỷ niệm của trường Tống vài thập niên về trước. Nhớ nhất là khi thầy tâm sự với các anh chị cựu học sinh về những kỷ niệm mà thầy còn nhớ về ngôi trường và về những em học trò ngày ấy của thầy. Khi nói đến tôi thì gương mặt thầy có vẻ hơi buồn buồn, thầy nói thầy tiếc vì đã không làm gì được để níu kéo cho tôi đừng bỏ học hồi năm 1968, tuy nhiên, thầy cũng tâm sự là bây giờ thầy cảm thấy rất vui và hãnh diện vì đã từng phục vụ tại ngôi trường mang tên Tống Phước Hiệp ấy, vì sau mấy thập niên đã có không biết bao nhiêu thế hệ trẻ Vĩnh Long đã thành đạt về mọi phương diện. Rất nhiều lần thầy nhắc tới hoàn cảnh của những học sinh nghèo, học giỏi nhưng phải bỏ học nửa chừng, trong đó có tôi. Thầy nói: “Cái cậu Ngọc Em nầy thầy biết và để ý tới cậu từ năm 1962, khi biết gia cảnh của cậu quá nghèo, chị cậu học cũng giỏi nhưng phải bỏ học từ năm mới lên mười tuổi, ở nhà phụ việc với ba mẹ để nuôi dạy em út. Chính vì vậy mà hồi đó tháng nào thầy cũng kêu cậu ấy lên gặp riêng thầy để xem coi có cần thầy cô và nhà trường giúp đở gì không. Nói về chuyện bài vở trong lớp, thầy cũng có rất nhiều kỷ niệm với cậu ta. Cậu học trò nầy làm sao thầy quên được, cậu học giỏi và năm nào cũng được lãnh thưởng, nhiều năm được lãnh thưởng toàn trường nữa chứ, vậy mà mấy anh chị có biết cậu ta có biệt tài gì hôn? Thấy không ai trả lời được, thầy liền nói: cậu có cái biệt tài là chưa bao giờ thuộc bài Vạn Vật của thầy và Sử Địa của cô Dung. Ngày đó, thầy có kêu cậu lên trả bài vài lần, nhưng không lần nào cậu thuộc bài. Vậy nên từ đó về sau, thầy tha luôn không kêu nữa. Cô Dung cũng vậy, không kêu cậu trả bài Sử Địa của cô nữa.”

Phải thật tình mà nói, ra hải ngoại mà lại có cơ duyên được gần gũi Thầy Thọ và Cô Dung trong hơn một thập niên phải nói là một may mắn rất lớn, một đại duyên, vì coi như anh chị em cựu học sinh chúng tôi lúc đó nhà nào cũng có hai vị cố vấn về mọi vấn đề. Ngoài việc thành lập hội Ái Hữu Cựu Học Sinh TPH để kết nối anh chị em cựu học sinh TPH khắp năm châu bốn bể, Thầy cô lúc nào cũng khuyến tấn và giúp đỡ cho anh chị em chúng tôi làm được rất nhiều việc. Riêng tôi, những thành tựu mà tôi có được hôm nay cũng nhờ nơi sự khuyến tấn và giúp đỡ về mặt tinh thần của Thầy rất nhiều. Năm 2003, thầy Đào Khánh Thọ đã tham dự vào Tiểu Ban Duyệt đọc bộ Từ Điển Phật Học Việt-Anh của tôi được in tại Đài Loan vào năm 2005. Nói là ở trong Ban Duyệt Đọc, chứ thật sự, thầy Thọ là một trong những cố vấn giáo lý, đã giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn tất bộ từ điển này. Đến tháng 9, 2007, thầy Đào Khánh Thọ đã khích lệ tôi cố gắng hoàn tất bộ từ điển Phật Học Anh-Việt cho giới trẻ tại hải ngoại và chính Thầy cũng đã viết lời giới thiệu cho bộ sách nầy của tôi. Từ năm 2008 cho đến khi qua đời vào tháng 4 năm 2013, thầy đã dùng hết thời giờ có được để chuyên tu Thiền Quán và thanh tịnh thân tâm.

Khi hay tin Thầy đau nặng và đang nằm tại bệnh viện Saint Joseph, hai vợ chồng chúng tôi đã tháp Tùng một số anh chị em cựu học sinh Tống Phước Hiệp thăm Thầy. Lúc gặp thầy tại bệnh viện, thấy gương mặt vui của thầy mình cảm thấy đỡ lo. Tuy nhiên, nói chuyện với thầy một lúc, mình lại cảm thấy hơi lo vì Thầy không còn nói chuyện mạch lạc như lúc trước nữa. Sau đó, mình đến thăm thầy được vài lần nữa là thầy qua đời. Bây giờ mỗi lần hồi tưởng đến những lần đến thăm nhà thầy, lần nào cũng như lần nào, cả thầy lẫn cô đều với gương mặt rạng rỡ vui mừng lúc tiếp đón học trò đến thăm, rồi thầy cô cùng ngồi vừa uống trà hay nước ngọt vừa kể chuyện xa xưa dưới mái trường Tống Phước Hiệp ngày nào. Riêng Thầy cứ tiếp tục mang thêm đủ thứ các món trái cây để tiếp đãi học trò. Đặc biệt, lần nào tới nhà thầy cũng được thầy đãi món yaourt trái cây do chính tay Cô làm để đãi đám học trò chúng tôi. Nhớ lại lúc đó có khi mỗi tuần tụi nầy tới thăm nhà thầy đến hai hay ba lần. Lúc nào tụi em cũng thấy nụ cười rất hiền hòa, luôn hết lòng yểm trợ các em cựu học sinh TPH và gia gia đình gặp khó khăn khắp nơi trên thế giới. Hễ nghe em nào có khó khăn là thầy họp anh chị em trong hội ngay để xin trích tiền quỹ ra cứu giúp. Bây giờ dầu Thầy Cô đã không còn, nhưng những ký ức vui vẻ bên Thầy bên Cô và hình ảnh của hai vị hiệu trưởng khả kính vẫn luôn in đậm và sẽ mãi còn đây với đám học trò tụi em.

Thầy từ trần vào lúc 1 giờ ngày 20/4/2013 (tức 15 giờ Việt Nam), tại bệnh viện Sain Joseph, Orange County, California , hưởng thọ 77 tuổi. Lúc sinh thời, thầy đã quy y Tam Bảo và đã sống tu với giáo lý tuyệt vời của đức Phật trong hơn ba thập niên với Pháp danh Tuệ Khánh. Tang lễ của thầy Thọ được cử hành tại nhà quàn Peek Family, Orange country, Nam California, Hoa Kỳ. Ngày thầy vĩnh viễn ra đi, thật sự là một mất mát quá lớn đối với anh chị em cựu học sinh Tống Phước Hiệp chúng tôi. Nhân dịp viết bài tưởng niệm lần giỗ thứ IX của Thầy, để tưởng nhớ thầy, tôi xin ghi lại đây bài điếu văn tiễn biệt mà tôi đã viết và đã đại diện cho toàn thể anh chị em cựu học sinh Tống Phước Hiệp đọc trước linh cửu Thầy khi tiễn đưa Thầy lần sau cuối tại Peek Family, Westminster, California, vì trong đời tôi, ngoài cảm giác mất cha mất mẹ ra, có lẽ hiếm có lần nào tôi có cái cảm giác mất mát lớn lao như cái lần đưa tiễn Thầy ra đi ngày hôm ấy.

 

“Kính thưa Thầy kính yêu của chúng em, Dẫu biết đời là vô thường, là sinh ký tử quy, là cõi tạm đi về, nhưng chúng em không thể nào tránh được sự ngậm ngùi thương tiếc khi “Mây lành đang phủ, ai ngờ trong phút chốc gió tạt về Tây” đưa người Thầy kính yêu của chúng em về cõi xa xăm khác. Thầy ôi! Tâm nguyện một đời phụng sự cho nền giáo dục của Thầy không chỉ thể hiện trong hai thập niên Thầy dạy học ở Việt Nam, mà khi ra đến hải ngoại, trong suốt hơn mười năm trôi qua, Thầy chính là ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho chúng em trong những lúc mưa dồn sóng vỗ nơi đất khách quê người nầy. Dù thời gian có qua đi, hay dù không gian có đổi thay, sự cống hiến của thầy cho công cuộc giáo dục và công ơn dạy dỗ của Thầy đối với chúng em sẽ còn là ngọn đuốc vẫn còn tiếp tục soi đường cho nhiều thế hệ về sau nầy nữa. Thầy ôi! Thầy đã yên lành ra đi về cõi Cực Lạc Vĩnh Hằng, thời gian ngừng lại từ đây, thiên thu khoảnh khắc giờ nầy trăm năm. Không còn đâu nữa những ngày Thầy trò mình hội họp, không còn đâu nữa nụ cười lúc nào cũng chợt nở trên khuôn mặt nhân hậu của Thầy. Nhưng Thầy ôi! Bóng Thầy sẽ mãi mãi tỏa khắp trong chúng em trên suốt phần còn lại của cuộc đời nầy. Thầy ôi! Giây phút nầy chúng em biết nói gì đây khi nỗi buồn dâng tràn khôn tả vì “Ơn dạy dỗ một đời nên sự nghiệp, nghĩa tình Thầy muôn thuở khó đáp đền.” Làm sao chúng em có thể quên được hình bóng của một người Thầy đạo đức khả kính, lúc nào cũng hết lòng vì đàn hậu bối. Thầy ôi! Dẫu biết ‘vô thường sanh lão bệnh tử không chừa một ai,’ nhưng sự đột ngột ra đi của Thầy trong lúc nầy thật là một mất mát quá lớn, chẳng những đối với Cô và gia quyến, mà cũng là một mất mát không gì có thể bù đắp được đối với chúng em. Đây quả là nỗi đau buồn và kích động quá lớn đối với chúng em, và kể từ đây chúng em sẽ không còn bóng mát của cây đại thụ mà một thuở chúng em đã cùng rủ nhau về tắm mát trong đó. Giờ đây trước phút giây thiên thu Vĩnh biệt, chúng em ngậm ngùi thương tiếc, một phút giây mà gói em thu, chúng em xin cùng đốt nén tâm hương dâng lên Thầy với tất cả lòng thành, đồng khấn nguyện cho Thầy kính yêu của chúng em Vãng Sanh Cực Lạc. Thôi Vĩnh biệt! Ngàn Thu Vĩnh Biệt! Chào tạ từ chúng em thành kính tiễn Thầy đi! Đó! Đó chính là hình ảnh người Thầy kính yêu của chúng em! Bây giờ mỗi lần hội họp các anh chị em CHS TPH đã từng được thầy nhóm họp để dạy dỗ năm xưa, trong phút mặc niệm để tưởng nhớ Thầy, làm sao chúng em có thể tránh được cảm giác mất mát khi không còn đâu nữa những ngày Thầy nhóm họp chúng em lại để dạy bảo, không còn đâu nữa nụ cười lúc nào cũng chợt nở trên khuôn mặt nhân hậu của Thầy.”

 

Tưởng niệm Thầy Đào Khánh Thọ mà không nhắc đến cô Võ Thị Ngoc Dung quả là một thiếu sót lớn. Bốn năm sau ngày thầy Đào Khánh Thọ của chúng ta ra đi, nỗi bàng hoàng tiếc thương của mọi người còn đó chưa nguôi thì năm 2017, một lần nữa chúng ta lại khóc thương người kế nhiệm Thầy: Cô Võ thị Ngọc Dung, cựu GS, Hiệu trưởng trường. Cô là người bạn đời, cũng là một trợ viên đắc lực luôn sát cánh bên thầy Đào Khánh Thọ, đã hy sinh quãng đời còn lại hoạt động hăng say cho Hội Ái Hữu Cựu HS Trung Học TPH . Kể từ sau khi Thầy qua đời, toàn thể CHS TPH đã nhờ Cô đứng ra giúp đảm nhiệm vai trò Hội trưởng, Cô đã sẵn lòng nhận lời, dù biết đó là công việc khó khăn so với tuổi tác trong khi còn Cô chỉ lại một mình. Nhưng rồi với sự ưu ái của mọi người, Cô đã nhận thay Thầy tiếp nối điều hành Hội, với sự hổ trợ trực tiếp của các anh chị em có lòng; và luôn lấy đó làm niềm vui, niềm an ủi cho mình với bạn đồng nghiệp và các cựu HS TPH ở khắp mọi nơi trên thế giới. Giữ vững sự liên lạc và tình cảm của tất cả những người có cùng kỷ niệm bên nhau dưới mái trường xưa. Dù theo thời gian, sức khỏe ngày càng suy giảm kèm theo những rủi ro không ngớt xảy đến với bản thân mình, nhưng nào Cô cũng vẫn lạc quan, không chịu thua số phận vẫn cố gắng tổ chức các buổi Đại Hội thường niên, không kể những buổi họp mặt lẻ tẻ khi có các thầy cô hay cựu HS ở xa về chơi, để để mọi người được dịp gặp gỡ hàn huyên. Những quyển đặc san vẫn được cho ra mắt đều đặn như những lần Đại Hội thầy còn sanh tiền. Cô đã gói ghém để gởi đến tay mọi người dù gần hay xa bằng tất cả tình cảm ấm nồng của mình. Cô còn giúp đỡ, chia sẻ để mang lại niềm ủi an đến với biết bao cảnh đời khốn khó khác, và ưu tiên nhất vẫn là sự nâng đỡ dành cho cựu học sinh TPH bất hạnh của mình. Bất cứ ai ở cạnh Cô đều có thể cảm nhận được nơi Cô sự thoải mái, yêu đời. Cô đã bền lòng phục vụ cho dù những khó khăn thử thách; can đảm vượt qua biết bao tai nạn hết cái này đến cái khác. Những nỗi đau thể xác vẫn không khiến cho Cô thở than hay tỏ ra bi quan chán nản. Lúc nào Cô vẫn luôn tươi tắn với nụ cười bình thản đến lạc quan, cả trong ánh mắt. Sức chịu đựng dũng cảm của Cô thật không mấy ai có được.

Thắm thoát chín năm qua kể từ ngày Thầy Thọ vĩnh viễn đi xa, nhưng mãi mãi những cựu học sinh TPH chúng em không thể nào quên được hình bóng của một người Thầy đạo đức khả kính, lúc nào cũng hết lòng vì đàn hậu bối. Và mãi mãi bóng Thầy sẽ luôn tỏa khắp trong nhóm cựu học sinh TPH chúng em trên suốt phần còn lại của cuộc đời nầy. Nới xứ lạ trời xa, Cô và Thầy còn là viên gạch nối kết đám học trò đất Vĩnh lưu lạc tha phương tìm đến nhau. Tay trong tay khi gặp lại, tíu tít, rộn ràng như ngày nào còn cắp sách đến trường; với mỗi kỷ niệm là một niềm hạnh phúc sâu lắng trong từng người đã một thời được vui đùa dưới mái trườngTPH, dưới sự dẫn dắt và điều hành của Cô cùng Thầy. Nhân kỷ niệm lần giỗ thứ chín của Thầy, những cựu học sinh TPH chúng em xin cầu nguyện cho hương linh của Thầy Đào Khánh Thọ và Cô Võ Thị Ngọc Dung sớm vãng sanh Miền Cực Lạc.

NGƯỜI LONG HỒ

 Nguyễn Hoàng Hưng tại đám tang

Các CHS. TPH đều mang băng tang trắng trên cánh tay phải .

Tác giả Người Long Hồ (bên phải) trong tang lễ

Hình ảnh họp mặt tất niên 2005 và 2010 của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh TPH.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác