VUI ĐẾN PHÚT CUỐI
Từ khi có gia đình, có nhà cửa riêng cho đến giờ này tôi đã dời nhà ba lần.
Lần đầu tiên từ quê lên Sài Gòn tìm việc làm. Có việc làm, thuê nhà ngụ tại đây nên tài sản ở quê không có gì đáng giá để mang theo, vật dụng trong nhà sau này có tiền sắm hoàn toàn mới.
Lần dọn nhà kế tiếp về quận 12 thì Tủ lạnh, TV tủ quần áo, bàn ghế cái nào còn dùng được thì mang đi, món nào cũ thì bỏ lại cho người chủ mới.
Điều làm tôi khổ tâm nhất trong lúc dọn nhà đi là tủ sách. Tủ sách giá trị không lớn so với vật dụng khác trong nhà nhưng phải mang cho bằng được. Bởi nó vừa là vật kỷ niệm, vừa là thú vui của mình, được xem là cổ vật cũng như giới sưu tầm yêu chuộng vì đôi lúc có tiền không mua được. Một tủ lạnh, một TV , một máy vi tính bỏ đi, có tiền ta có thể mua lại cái khác tốt hơn , nhưng sách vở thì khó mà tìm lại được vì sách xuất bản ra rồi, cuốn tái bản có thể đẹp hơn, đầy đủ hơn nhưng giới chơi sách không đánh giá là tốt hơn !
Tôi là dân mê sách, chưa phải là dân sưu tầm sách cổ nhưng mất vài cuốn sách quý là lòng cảm thấy đau khổ mấy hôm liền. Ba mươi năm trước. đi làm xa , có lúc về nhà thấy sách bị mối ăn hàng loạt phải đốt bỏ, buồn mấy hôm, tự an ủi dù sao cũng còn đỡ hơn cháy nhà , nếu hỏa hoạn xảy ra thì không còn cuốn nào hết.
Ở Sài Gòn đi làm, mỗi tuần đến nhà sách mua một ít, lật sách ra từng trang xem nội dung có phù hợp với mình không. Sách được bạn bè giới thiệu chỉ đọc tựa thì lấy về, bỏ qua khâu thẩm định. Mặc dù sách mua về có cuốn đọc, có cuốn không, nhưng cũng có duyên nên rất quý, rồi thì bạn bè thân tặng sách có chữ ký tác giả , làm sao mà bỏ đi cho đặng !
Trong các tài sản được liệt vào gia sản có cây kiểng, đồ gốm sứ, tủ thờ , trường kỷ. Cây kiểng để ngoài nhà; cổ vật, tranh vẽ để trưng bày hoặc giấu kỷ trong phòng, giá trị tổng gộp có đến bạc tỷ, riêng sách vở xưa không phải rẻ nhưng không thanh khoản chút nào vì không có ai mua cả tủ sách ngoại trừ dân buôn bán sách. Mà bán gộp, bán mão để lấy tiền liền thì giá chưa đến một phần năm lúc mua ban đầu. Thỉnh thoảng nghe nói quyển sách cũ xuất bản năm 1960 kêu giá hai triệu đồng, tưởng đâu ngon ăn thật ra quy đổi giá vàng cùng thời và giá vàng hiện tại thì cũng không phải là lời!
Vừa qua tôi có chị bạn là giáo viên hơn bảy mươi tuổi mà không có con cháu, chị có nhà nhưng cần bán đi để có tiền dưỡng già, thuê lại căn nhà nhỏ để ở. Nhà chị có ba tủ sách lớn, kêu người bán sách cũ lại thu gom giúp, còn một tủ là sách chọn lọc, sách bạn bè tặng chị don theo về nhà mới.
Một anh bạn giảng viên, sắp sửa theo con đi đinh cư nước ngoài, anh hiến cho thư viện chùa bốn tủ sách quý. Còn thì chỉ mang đi vài cuốn vì qua bên đó không thể kiếm được. Theo anh, ở Mỹ nếu có tiền thì mua thứ gì cũng có còn sách tiếng Việt thì không phải dễ tìm. Anh không có sự lựa chọn vì máy bay chỉ cho mỗi người mang theo một ít trọng lượng quy định.
Tôi không có ý dời nhà ra nước ngoài, nên tôi có nhiều chọn lựa tài sản nào phải giữ, cái nào bỏ đi được. Đó là nổi khổ! Do vậy, như đã nói ở trên tủ sách càng phình ra là nổi khổ của tôi càng lớn. Có lúc tôi định không mua sách nữa vì con cháu không có sở thích giống mình, chúng đọc trên mạng mà trên đó thì cái gì cũng có , sách vở mà chi cho lỉnh kỉnh.
Có lần tôi nghĩ mình thì trụ ở thế gian không còn bao lâu, mua sách thêm làm gì? Tôi tâm sự với anh bạn, anh ta khuyên tôi cứ mua, cứ chơi như một thú vui, lúc nào còn sống thì đừng để thú vui của mình phải bị kết thúc. Ông nội của anh chơi kiểng, ba anh chơi đá gà cho đến cuối đời, khi già yếu không xách “thần kê” đi đá nhưng ông cũng nuôi cả chục con gà nòi để sáng ngồi ngắm uống trà , bình minh nghe tiếng gáy.
Có lời khích lệ, tôi như uống xong thang thuốc bổ, cuối tuần đi đường sách mang về nhà những thứ mà làm cho mình vui. Có người tưởng tượng nói với tôi: Anh là người hạnh phúc nhất nếu lúc đang đọc sách mõi mệt ngủ luôn không dậy.
Đúng rồi ! vui sướng đến phút cuối cùng !
LƯƠNG MINH
bài đăng báo xuân Kiến Trúc& Đời sống 2022