TẢN MẠN VỀ VĨNH LONG TRONG TUỔI THƠ TÔI (P.3)

Ngày đăng: 22/12/2021 11:18:53 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Trước khi tiếp tục phần 3, tôi xin đính chánh sự nhầm lẫn giữa tiệm Chú Thòn và tiệm thuốc Bắc Thầy Thùng. Chị La Thị Hiền có nhắc là ở Ngã Tư Phan Thanh Giản & Võ Tánh là tiệm Chú Thòn, còn tiệm thuốc Bắc Thầy Thùng thì ở góc đường Phan Thanh Giản & Hùng Vương. Tiệm Chú Thòn là của ông Dương Xây Đường, ba của bạn Dương Xây Há, một người bạn thuở thiếu thời của người viết bài nầy. Vì mình rời Vĩnh Long cũng khá lâu nên hơi lộn xộn giữa hai ngã tư Chú Thòn và ngã tư Thầy Thùng, xin mọi người thông cảm. Đây là nguyên văn lời nhắc nhở của chị La Thị Hiền: “Có lẽ anh Ngọc Em nhớ nhầm, Nhà thầy Thàn, tiệm mộc Trần Văn nằm trên đại lộ Lê Thái Tổ ( xeo xéo đường Quận Nghĩa ) . Ngang nhà sách Minh Trí là tiệm kem Thanh Bình ( sau này là hiệu sách của Cty sách thiết bị trường học ). kế nhà sách Minh Trí là tiệm may Mỹ Trang ( dâu của ông chủ tiệm uốn tóc Nam Hiệp ) rồi đến bán đồ sắt Vĩnh Phát , kế là nhà thuốc tây Phan Thanh Giản , ngay góc ngã tư là phòng mạch BS Lê văn Thiệt. băng qua đường Trưng Nữ Vương là BV Vĩnh Long ,kế đó băng qua đường Lê Lai là công viên sau này xây nhà tiền chế làm trường mẫu giáo ( nay là Sở Giáo dục VL ). Tiệm thuốc bắc ở ngã tư Phan Thanh Giản – Võ Tánh là tiệm Chú Thòn . Tiệm thuốc bắc của thầy Thùng ở góc ngã tư Phan Thanh Giản – Hùng Vương ( đầu chợ ) nay vẫn còn.”

Ở khoảng giữa đường Hùng Vương (giữa 2 con đường Trương Vĩnh Ký và Đồng Khánh) có rất nhiều thầy giáo nổi tiếng như thầy giáo Trạch, hiệu trưởng trường Nam Tỉnh Lỵ Vĩnh Long, thầy Phạm Văn Còn, ông Thanh Tra Lê Văn Sâm mà dân Vĩnh Long thường gọi là thầy giáo Sâm, thầy Lê Văn Sĩ dạy Vẽ, thầy Du Ngọc Tứ dạy trung học Nguyễn Thông, thầy Vương Kim Liên, hiệu trưởng trường Tiểu học Long Hồ, là thân phụ của anh Vương Văn Huệ, một người bạn học cùng xóm rất thân thuở thiếu thời của người viết bài nầy. Phải nói mấy vị thầy mà tôi vừa kể trên là thầy của thầy, vì tại trường Sư Phạm Vĩnh Long, các vị thầy nầy đã từng đào tạo ra rất nhiều thầy cô giáo sau nầy cho tỉnh Vĩnh Long cũng như cho nhiều tỉnh khác trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Sân Vận Động cũ nằm giữa hai đường Hùng Vương và Trưng Nữ Vương, trước mặt sân vận động là trường Nữ Tiểu Học và Nhà Đèn cũ của tỉnh Vĩnh Long. Về sau nầy người ta dời sân vận động lên đại lộ Nguyễn Huệ, gần trường Sư Phạm để xây cất Toà Hành Chánh trên khu đất của sân vận động cũ. Phía sau lưng sân vận động cũ là xóm Vườn Còng, có trường trung học tư thục Huỳnh Văn do thầy Huỳnh Văn Cẩn làm hiệu trưởng. Đối diện bên kia xóm Vườn Còng là phòng mạch của Bác Sĩ Quang. Từ cầu Cái Cá đi về hướng trường Nguyễn Trường Tộ là đường Nguyễn Trường Tộ, nếu đi về hướng chợ Vĩnh Long, chúng ta sẽ tới Xóm Đập, rồi tới trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ, ngó ra dòng Cổ Chiên, phía trước trường có hiệu bán văn phòng phẩm Lê Công Danh. Khu Xóm Đập cũng là một trong những khu nổi tiếng là nơi cư ngụ của các vị thầy giáo như thầy Nguyễn Hữu Nghĩa dạy trường bán công Nguyễn Thông; thầy Võ Văn Đại dạy trường Nam Tiểu Học; thầy Nguyễn Văn Huê dạy trường Nam Tiểu Học, là thầy dạy năm lớp ba của người viết bài nầy; vợ chồng thầy Phan Phú Lộc và cô Nguyễn Ngọc Lan đều dạy trường Tống Phước Hiệp. Tại Xóm Đập nầy, người viết cũng có người bạn thời tiểu học là bạn Nguyễn Văn Vàng (em ruột thầy Nguyễn Văn Huê) chồng của cô Lê Thị Kim Phượng dạy học tại trường trung học Kỹ Thuật Vĩnh Long. Nếu từ hướng chợ đi ngã ba Cần Thơ qua ngã cầu Cái Cá, vừa qua khỏi cầu, phía bên tay phải có một con đường đi dọc theo bờ sông Cổ Chiên đến Xóm Búng và Xóm Chài, đến vàm rạch Bình Lữ thì con đường nầy lại chạy dọc theo rạch Bình Lữ ra đến lộ lớn ngay tại ngã ba Cần Thơ. Trên khoảng đường nầy, gần tới ngã ba Cần Thơ là nhà của thầy Liêm dạy Nhạc ở trường Tống Phước Hiệp. Trong Xóm Búng và Xóm Chài có một miếu thờ Cá Ông, nghe nói dân trong 2 xóm nầy hồi trước toàn làm nghề hạ bạc, nên khi gặp xác cá Ông là họ vớt lên chôn rồi làm miếu thờ.

Khoảng năm 1956, ty Công Chánh Vĩnh Long xây tại ngã ba Cần Thơ một bồn bông hình tròn nằm giữa ngã ba, đến khoảng năm 1967 thì chính quyền tỉnh Vĩnh Long cho xây một tượng đài tưởng niệm và tấm bia có ghi dòng chữ: “Tiền Triều Đại Thần Phan Thanh Giản” để tưởng nhớ công ơn của Ngài Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản, người đã tuẫn tiết theo thành Vĩnh Long khi thành bị quân Pháp tiến chiếm hồi năm 1867. Tượng đài có hình tháp tứ diện, đáy to đỉnh nhỏ, kiến trúc theo lối những kim tự thấy cổ bên Ai Cập, bốn mặt đều quay ra lộ. Từ xa các hướng người ta đều có thể nhìn thấy được tượng đài. Quanh tượng đài được bao bọc bởi vòng rào thấp với những cây cột bằng xi măng được đúc theo hình khẩu súng thần công loại cổ xưa. Trên đỉnh tháp có đặt một bức tượng bán thân bằng đồng của cụ Phan Thanh Giản, đầu đội mũ nạm bạch hổ, râu dài, mặc áo triều phục, với vẻ mặt có vẻ hài lòng với cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của đàn hậu bối. Đến năm 1968, sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, tượng đài bị hư hại nặng, nhưng chỉ vài tháng sau đó đã được sửa chữa lại toàn bộ. Tuy nhiên, bức tượng đồng của cụ Phan đã được đưa vào thờ trong Văn Thánh Miếu. Đứng ngay tượng đài nhìn về phía đại lộ Lê Thái Tổ, phía bên phải là nhà thờ Chánh Toà, mới được dựng lên để thay thế cho khu nhà thờ đang bị nước xoáy lở ở khu trường Nguyễn Trường Tộ. Tại khu ngã ba Cần thơ trước năm 1975 có phòng làm răng của ông Nguyễn Văn Tư, nhà máy xay lúa Khánh Phong, trạm xăng và căn biệt thự của nhà thầu khoán Huỳnh Phát. Từ ngã ba Cần Thơ, nếu đi về hướng Sa Đéc khoảng 1 cây số là căn cứ Hải Quân, nằm bên bờ sông Cổ Chiên, đi xa thêm một chút nữa là tới phi trường Vĩnh Long, được xây dựng ngay trên khu Đàn Tam Nông thời quan Phan còn làm Kinh Lược Sứ thành Vĩnh Long. Nếu đi thêm khoảng 7 hay 8 cây số nữa là tới Bắc Mỹ Thuận, nay là cầu Mỹ Thuận.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi chiếm thành Vĩnh Long, người Pháp cho san bằng thành trì và cho lập chợ ngay tại khu gần vàm sông Long Hồ, và ra lệnh ngăn cấm không cho dân chúng nhóm chợ Long Hồ cũ như ngày trước nữa. Tất cả những gì họ làm chỉ vì họ muốn xoá bỏ hết mọi dấu vết còn lại của triều đình. Theo lời ông ngoại (Trần Văn Tiếng) kể lại thì khi người Pháp mới lập chợ Vĩnh Long mới, người dân vẫn lén lút họp chợ bên kia sông, tức chợ Trường Xuân. Về sau nầy họ bị truy đuổi gắt gao quá nên họ đành họp chợ tại khu mới. Đến khoảng năm 1950, chính phủ cho xây dựng 2 khu: khu thứ nhất là khu nhà lồng chợ hiện nay, và khu thứ nhì là khu chợ cá. Đến năm 1955, lúc tôi mới bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa học đường thì bờ sông Cổ Chiên, khoảng trước của Toà Tỉnh Trưởng đã bắt đầu bị sạt lở nặng nề. Khoảng năm 1956, có lần ông ngoại tôi ra chơi ở khu Bồn Nước Vĩnh Long, tôi thấy họ đem đến hàng trăm chiếc xà lan cát và nhấn chìm toàn bộ ngay phía trước bờ sông gần trường Nguyễn Trường Tộ. Gần đó là khu Bến Đò Ngang, đưa khách từ tỉnh lỵ qua cù lao và ngược lại. Đi gần về phía chợ là Cầu Tàu Vĩnh Long, nghe ông ngoại nói lúc đầu cầu tàu được làm bằng cây, rồi thay bằng cầu sắt, nhưng sau đó cầu sắt bị nước xoáy cuốn đi. Vào khoảng năm 1905, người Pháp làm lại cây cầu tàu cũng bằng sắt, đồng thời cũng vào năm này người Pháp cũng làm một cái nhà thủy tạ phía sau lưng Bungalow. Không biết là cầu tàu được xây lại bằng xi măng vào năm nào, nhưng đến khoảng năm 1956 hay 1957, một lần nữa người ta tái thiết cây cầu bằng xi măng cốt sát. Từ cầu tàu đi tới chợ Vĩnh Long là Công Quán (Bungalow), nơi mà ngày trước người ta bán cà phê hay các món ăn cho các viên chức hay sĩ quan người Pháp.

Qua khỏi khu vực bờ sông Cổ Chiên là đại lộ Gia Long, chạy dọc theo bờ sông Long Hồ, nhưng đi trên đường người ta không thấy sông vì đã bị khuất sau dãy phố. Hai bên đường là hai dãy phố lầu, buôn bán đủ thứ và lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán, chứ không nhất thiết phải vào lúc nhóm chợ buổi sáng. Từ phía bờ sông Cổ Chiên đi về hướng Cầu Lầu trên đại lộ Gia Long, phía bên trái là một dãy các tiệm buôn bán hột gà hột vịt, phía bên phải là những tiệm bán đồ rạp hoá rất lớn. Chợ Vĩnh Long ngày ấy không lớn, nhưng đối với một cậu bé như tôi, như vậy cũng là lớn lắm rồi. Khu chợ bao gồm nhà lồng chợ, chợ cá, bến đò… Trong nhà lồng được phân ra thành từng khu riêng biệt từ khu bán vải vóc, quần áo may sẵn, đến khu bán thực phẩm khô, thực phẩm tươi như thịt heo, thịt bò, và rau, củ quả… qua khỏi khu chợ là tới những tiệm buôn nằm ngay góc đường Phân Thanh Giản và Gia Long là các tiệm Hiệp Thạnh, Lợi Hoà, Thiên Hưng, Hiệp Phát, Lý Sanh Mậu (Cô Ba Trà), phía bên kia đường là nhà thuốc Tây của dược sĩ Hà Hồng Lạc, người có một bà vợ người Pháp. Trước nhà thuốc Tây Hà Hồng Lạc, người ta để những cái tủ kiếng với những tấm bảng nhỏ sửa đồng hồ, kiếng mát, dây nịt, và sửa bút máy… Dãy phố từ nhà thuốc Hà Hồng Lạc đến đầu phố ngó qua trường Tống Phước Hiệp là tiệm phở Bắc Hồng Mai. Trên dãy phố nầy có rất nhiều tiệm rất nổi tiếng một thời như tiệm bánh in Thiên Thành, lúc nhỏ tuần nào tôi cũng được ông ngoại dắt ra đây mua bánh in. Chắc người Vĩnh Long không ai lại không biết hay không từng nghe nói về tiệm cà phê hủ tiếu Đồng Hính, trong tiệm có bán đủ loại mì, hủ tiếu, hoành thánh, lúc nào tiệm cũng đầy khách. Kế đó là một vài tiệm mà tôi vẫn còn nhớ tên như tiệm bán tạp hoá Vĩnh Sanh, tiệm trà Vưu Kim Huê, tiệm bán đủ thứ đồ vật dụng bằng điện Xuân Phát Lợi, Phúc Hưng… Phô tô Hà Nội, tiệm Công Bình, Bi Vinh Mậu, tiệm uốn tóc Nam Hiệp của cô Hai giám thị trường Tống Phước Hiệp. Còn phía bên kia đường cũng có rất nhiều tiệm khá nổi tiếng, nhưng tôi chỉ nhớ một vài tiệm như tiệm vàng Võ Văn Hưng, tiệm thuốc Bắc Tế Đức Đường, tiệm vải Vĩnh An, nhà thuốc Tây Nguyễn Viết Cảnh (khoảng năm 1985 tại Orange County, Mỹ, tôi có gặp một người con của ông dược sĩ Nguyễn Viết Ngươn, kêu ông Nguyễn viết Cảnh bằng bác, chúng tôi có nhắc lại chuyện những khu phố cũ của Vĩnh Long). Kế đó là tiệm vàng Lê Văn Sung, và nổi tiếng nhất là tiệm bán máy móc nông cụ của bác Huệ Hoà. Năm 1968, chính phủ cho xây dựng thêm khu Thương Xá, mà bây giờ người ta kêu là khu bách hoá tổng hợp. Cùng năm 1968, chính phủ lại cho xây thêm nhà lồng chợ bán rau, củ, quả.

(còn nữa)

NGƯỜI LONG HỒ

Hình 1: Bungalow (Công Quán) và nhà Thuỷ Tạ 1910.

Hình 2: Bungalow (Công Quán) & Con đường phía trước 1930.

Hình 3: Trước mặt dinh Tỉnh Trưởng VL, ngó ra sông Cổ Chiên 1957.

Hình 4: Có ai còn nhớ Nhà May Tín Thành nằm trên đường nào không?

Theo chị Trần Thị Sửu, một CHS TPH (61-68), chị hỏi người em gái thì được biết nhà may Tín Thành ở đường Gia long gần tiệm uốn tóc Nam Hiệp , hủ tiếu mì Đồng Hính, và Mỹ lợi, bây giờ là đường 30/4.

Hình 5: Chợ cá Vĩnh Long, phía sau là sông Thiềng Đức 1967.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác