TẢN MẠN VỀ VĨNH LONG TRONG TUỔI THƠ TÔI (2)

Ngày đăng: 16/12/2021 08:42:17 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Nếu từ ngã ba Cần Thơ đi thẳng thì sẽ đi vào tỉnh lỵ Vĩnh Long. Qua khỏi ngã ba Cần Thơ khoảng 200 mét là ngã ba Ông Cảnh. Tại đây nếu rẽ trái sẽ đi đến cầu Cái Cá rồi đi dọc theo bờ sông Tiền mà vào khu chợ Vĩnh Long. Nếu từ ngã ba Ông Cảnh đi thẳng trên đại lộ Lê Thái Tổ khoảng vài trăm mét nữa chúng ta sẽ quẹo trái qua Cầu Lộ cũng đi vào trung tâm tỉnh lỵ Vĩnh Long. Tại ngã ba Ông Cảnh (hướng đi về cầu Cái Cá) có một tiệm tạp hoá khá lớn của Chú Kẹo, bán đủ thứ thức ăn khô và đồ vật dụng trong nhà. Đây cũng là khu nhà của một số thầy giáo nổi tiếng của trường Nguyễn Thông như thầy Cao văn Thế và thầy Phạm văn Thàn. Bên trái là tiệm mộc Trần Văn và Lê Tấn là những tiệm mộc lớn nhất hồi những thập niên 1950s và 1960s. Trên đường Lê Thái Tổ cũng có những dãy phố của gia đình bà Thông Tiên, có người con trai là ông Phán Sanh, và người cháu nội là cô Phan Nguyệt Vân là giáo sư của trường Tống Phước Hiệp. Vừa tới dốc Cầu Lộ, phía bên phải người ta thấy tiệm ra dô Sóng Việt , ngay bên phải dọc theo bờ rạch Cái Cá lại có một con đường nhỏ là đường Quận Nghĩa đi tới cầu Ông Địa. Qua khỏi Cầu Lộ chúng ta bắt đầu đi vào đại lộ Phan Thanh Giản, qua khỏi ngã tư Thầy Thùng (nhà thuốc Bắc của Thầy Thùng), bên trái là nhà sách Minh Trí, về sau nầy có mở thêm một nhà sách gần đó lấy tên là Mình Lý. Trên đại lộ Phan Thanh Giản, hướng đi vào chợ Vĩnh Long, lúc gần tới chợ chúng ta thấy bên trái có tiệm trồng răng Thuận Nghĩa Tường, nhà thuốc Tây Phan Thanh Giản, trường Mẫu Giáo Vĩnh Long, bệnh viện Nguyễn Trung Trực, ty Bưu Điện, và đại lý sách báo Nam Cường, rồi đến bến xe cũ Vĩnh Long (đến khoảng năm 1957 bến xe dời lên khu ngã ba Cần Thơ). Lúc còn nhỏ tôi thích nhất là được ngắm tiệm bán sách báo và quà lưu niệm Mai Lan, ở gần bến xe cũ, không biết tại sao mà ngay từ thời còn rất nhỏ tôi đã thích lắm mùi sách báo mới. Bên kia góc đường Hùng Vương và Phan Thanh Giản là quán cơm Xã Hội Vĩnh Long, tôi thấy đa số dân lao động và học sinh nghèo thường vô đây ăn vì giá cả rất tượng trưng, chỉ cần 5 cắc là có một dĩa cơm và một ly nước đá. Lúc nầy chúng tôi xài tiền khác với bây giờ, hễ mua 5 cắc mà người ta không có tiền thối lại thì cứ lấy một đồng xé ra làm hai, đưa nửa miếng cho người bán, còn nửa miếng mình giữ lại để mua thứ khác.

Phía sau bệnh viện Nguyễn Trung Trục có một nhà Vĩnh Biệt (nhà xác) nằm trên một con đường nhỏ chạy song song với đường Phan Thanh Giản nhưng tôi không nhớ tên đường. Cám ơn bạn La thị Hiền, bạn học của bà xã tôi đã nhắc đó là đường Châu Văn Tiếp. Đường trong thành phố Vĩnh Long không nhiều như ở Sài Gòn, Cần Thơ hay Mỹ Tho, nên những ai đã từng ở đây một thời gian đều có thể nhớ rõ từng khu phố, từng con đường. Những con đường chạy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam và thẳng góc với dòng sông Long Hồ là đường đi từ ngã ba Ông Cảnh đến cầu Cái Cá rồi chạy dọc theo bờ sông Cổ Chiên, đại lộ Phan Thanh Giản đi từ Cầu Lộ tới Công Viên cũ của thành phố Vĩnh Long, nằm gần Toà Án Vĩnh Long. Nếu từ đại lộ Lê Thái Tổ qua dốc Cầu Lộ, bên phải là Toà Tổng Giám Mục Vĩnh Long, còn bên trái ngay dưới dốc cầu là nhà của thầy giám thị trường Tống Phước Hiệp là nhà của Nguyễn Văn Kỷ Mậu, thân phụ của thầy Nguyễn Văn Kỷ Cương. Có một con đường bên hông chạy dọc theo rạch Cái Cá, đó là đường Cổ Trì, bây giờ là đường à Trần Văn Ơn. Tôi còn nhớ lúc nhỏ có lần cái radio ở nhà bị hư, ông ngoại dắt tôi đi bộ lên tiệm sửa máy thu thanh Sóng Việt ở Cầu Lộ để sửa, khi đi ngang đường Cổ Trì tôi thấy tên đường nầy lạ hơn các tên đường khác nên hỏi ông ngoại xuất xứ của cái tên Cổ Trì, lúc đó ông ngoại có kể nhưng vì còn nhỏ quá nên chỉ ít lâu sau là tôi quên mất. Mai mà đến cuối năm 1984, tôi có gặp anh Hứa Hoành ở Bataan, Philippines, anh Hứa Hoành có nhắc lại trong lịch sử cũng như địa phương chí của Vĩnh Long thì không có nhân vật nào tên là Cổ Trì cả, như vậy rất có thể con đường nầy được xây dưng ngang qua đất hương hoả của gia đình ông Bác sĩ Cổ Quốc Gia, một trong những bác sĩ nổi tiếng gốc người Vĩnh Long của Việt Nam thời bấy giờ, và trưng dụng phần lớn đất của gia đình ông đã hiến tặng nên chính phủ lấy họ của gia đình ông mà đặt cho tên đường nầy là Cổ Trì để nhớ công ơn người đã hiến đất làm đường. Giả thuyết thứ hai của tên đường Cổ Trì có thể là tên của một vị tướng xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn tên là Phấn Cổ Trì Trương Phúc Phấn, người đã anh dũng bảo vệ luỹ Trường Dục thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Tuy nhiên, theo thiển ý thì thuyết lấy họ của gia đình bác sĩ Cổ Quốc Gia khi gia đình nầy hiến rất nhiều đất để làm con đường nầy thì có lý hơn. Trên đường Phan Thanh Giản, nếu chúng ta rẽ trái trên đường Cỏ Trì là xóm Lò Tương, còn quẹo phải thì đi về hướng nhà bảo sanh cô Mụ Chín. Trên con đường nầy có nhiều thầy giáo nổi tiếng như thầy Huỳnh Công Giác (thân phụ của bạn tôi hồi tiểu học là Huỳnh Công Hiền) giám thị trường trung học tư thục Long Hồ. Trên đại lộ Phan Thanh Giản, vừa qua đường Cổ Trì là đường Võ Tánh, cũng thẳng góc với đại lộ Phan Thanh Giản, người dân ở đây gọi ngã tư nầy là ngã tư Quốc Tế. Từ ngã tư Quốc Tế, rẽ trái thì đi về hướng khu nhà của thầy Lâm Phước Tàng, thầy Nguyễn văn Cai, thầy Nguyễn văn Hết, rồi tới rạp hát Lê Thanh, đi xa hơn một chút nữa là tới cầu Bà Điều. Bên kia dốc cầu Bà Điều có một ngôi biệt thự xưa rất đồ sộ, được xây cất theo lối kiến trúc cổ kính của Pháp, phía trước là một hàng bao lơn rất đẹp. Nếu từ ngã tư Quốc Tế rẽ phải là đi về hướng Cây Da Cửa Hữu (Miếu Bảy Bà) là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy qua trường bán công Nguyễn Thông, Thánh Thất Cao Đài, rồi đến cầu Kinh Cụt, bên phía trái có một dãy phố liền vách nhau, mặt tiền hướng về con lộ nhỏ lót gạch, còn phía sau là dãy nhà sàn trên bờ kênh. Đây là nhà của thầy Nhi, thân phụ của một người bạn tôi hồi tiểu học là bạn Nguyễn văn Hải. Vừa qua khỏi cầu Kinh Cụt, nếu quẹo phải là đi về hướng đình Tân Giai, rồi đi tới Cầu Vồng (ngã Ba Chiều Tím, có lẽ sở dĩ được gọi như vậy vì từ khi mới mở con lộ nầy, ngay tại ngã ba nầy có một quán cà phê và nước giải khát tên là Chiều Tím). Người viết có một người bạn học từ tiểu học lên trung học, đó là bạn Biện Công Danh, hiện đang ở Tân Tây Lan. Nếu rẽ trái sau khi xuống dốc cầu Kinh Cụt là con đường chạy dọc theo Kinh Cụt tới cầu Công Xi Heo. Đường Nhà Đèn đi từ Miễu Bảy Bà Cây Da Cửa Hữu đến góc phía Tây của trường Tống Phước Hiệp. Đường Trương Vĩnh Ký bắt đầu từ Viện Phước Thiện (gần bên trường Nam Tiểu Học, ngó xéo bên kia đường Nguyễn Thái Học là Đất Thánh An Nam mà về sau nầy người ta giải toả để xây khu xã hội) chạy ngang qua Đất Thánh Tây và chấm dứt ngay trước cửa lò bánh mì Phước Thành trên đại lộ Tống Phước Hiệp. Đường Đồng Khánh (Thất Kiều) đi từ cầu Công Xi Heo đến đầu cầu Thiềng Đức. Trong khi đó, những con đường chạy song song với Kinh Cụt và sông Long Hồ gồm có đại lộ Gia Long từ ngoài Cầu Tàu tới góc trường Tống Phước Hiệp, được nối dài bởi đại lộ Tống Phước Hiệp và chấm dứt tại dốc Cầu Lầu. Đường Hùng Vương chạy từ chợ Vĩnh Long qua Toà Án, qua ty Điền Địa, rồi chấm dứt khi gặp đường Đồng Khánh. Đường Trưng Nữ Vương bắt đầu từ chợ Vĩnh Long chạy ngang qua khu Vườn Còng đến cầu Khưu Văn Ba, bên kia cầu Khưu Văn Ba là đường Khưu Văn Ba (ngày nay là đường Phạm Thái Bường). Dân Vĩnh Long thường nghe nói tới khu phố của Bà Thông Vịnh, nằm thẳng góc với đường Trưng Nữ Vương. Đây là một khu phố khá cổ, được xây cất từ hồi tiền bán thế kỷ thứ XX, cư dân trong khu phố này đa số là những thầy giáo hay công chức nổi tiếng một thời của tỉnh Vĩnh Long như cá ông Trần Văn Phong, giám học trường tư thục Nguyễn Trường Tộ, thầy Huỳnh Tấn Sĩ, dạy Anh Văn, cũng là sư phụ Anh Văn của người viết bài nầy, thầy Trương Văn Tấn, hiệu trưởng trường tiểu học Ngô Tam Thông nằm bên kia cầu Công Xi Heo, có cô con gái là cô Trương Ngọc Bích dạy học ở trường Nữ Tiểu Học Vĩnh Long và chồng là ông Nguyễn Ngọc Long, phó ty Giáo Dục Vĩnh Long trước năm 1975.

(còn nữa)

NGƯỜI LONG HỒ

 

Hình 1: Phi trường Vĩnh Long 1969.

Hình 2: Cầu Lộ 1955.

Hình 3: Trường Tống Phước Hiệp (Internat Primaire) 1949.

Hình 4: Trường Tống Phước Hiệp 1969.

Hình 5: Đại lộ Phan Thanh Giản 1955.

Hình 6: Cầu Cái Cá 2010.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác