PHƯƠNG NGA, ĐÔI ĐIỀU…
Tôi đến với trang nhà Tống Phước Hiệp qua anh Lương Minh. Ở đó, tôi có dịp biết nhiều anh chị em, bạn bè là cựu học sinh trường Tống Phước Hiệp. Phải nói, không khí ở đây có phần ấm cúng, cùng sở thích yêu văn chương…Quả là hàng hiếm giữa cái xô bồ của hằng chục, hằng trăm trang web khác. Cái không khí ấy đã khiến tôi bớt đi nỗi ngại ngần ban đầu để “ xắn tay áo” nhập cuộc viết đủ thứ trên đời.
Rồi một ngày, tôi được mời dự tiệc sinh nhật trang nhà được tổ chức ở Saigon. Và, tôi gặp Phương Nga CHS trường cùng với con của cô ấy ở đây: nhà hàng sân vườn Dạ Phi Cơ, quận Tân Bình.
Phương Nga từ Mỹ về. Gặp em, chỉ một câu chào.. ngoại giao và, tan tiệc. Phương Nga viết ít, thi thoảng một vài bài, thể loại văn xuôi chứ không phải là thơ, nơi tôi thường viết lời giới thiệu.
Sau này, cũng có lúc, tôi lục lại bài của một số vị, đọc lại, trong đó có Phương Nga. Điểm nổi lên trong các trang viết của Phương Nga là tính chân thật. Nó thô mộc, thuần phát. Đây là lối viết khó, cả với người trong nghề. Nó đi từ chính tâm tư của người viết, không màu mè hoa lá. Tác giả khó vay mượn vốn lận lưng, khi bản thân không có chút vốn. Phương Nga thì có, nét văn hệch hạc nhưng đầy nội lực. Người đọc cũng thấy chút ngang bướng, ngông nghênh và tếu, yếu tố dẫn dắt người đọc hỉ hả cùng Nga đi suốt con đường mà cô đã vạch.
Trong một tản văn ngắn, nhân vật Nga tả cảnh đi chợ, thời bao cấp mà không một teng dính túi. Cô mua thịt, mua rau mà không cần phải nói trước là mình không tiền. Cô” bị” nài ép mua.. thiếu nhiều hơn(!) và tếu táo khiến người đọc phải bật cười khi cho rằng mình là người duy nhất của Vĩnh Long có thẻ!
Chi tiết đắt địa mà không phải ai cũng nghĩ ra được.
Nga về Việt Nam, theo chân bạn bè, đến Trà Vinh và đã điện thoại cho tôi. Cuộc gặp gỡ bất ngờ. Đúng là tuỳ duyên. Bữa cơm xứ này dường như lạ lẫm với người phương xa khi tôi thấy Nga vừa ăn vừa nghe hương Ấn trộn với hương đậu bắp chua…
Lên xe, tôi chưa kịp nói điều muốn nhắn. Nga ơi, hãy viết như những gì đã viết. Khi lâm vào cảnh túng cùng, ta vẫn tưởng mọi người cũng như mình. Ngớ ra, không phải thế. Và, vượt- thoát (*).
Dường như, trong cô gái này, tôi thấy có… duyên nghề. Có nát vỏ, vẫn nhớ bờ tre!
Trà Vinh, 03-11-2021
HỒNG BĂNG
(*) ý từ một tản văn của Phương Nga