LÀM VƯỜN NGÀY XƯA

Ngày đăng: 19/10/2021 10:02:36 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

“Mẹ mong gả thiếp về vườn/Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”

Câu ca dao nầy hay thì có hay nhưng xét về mặt ngữ nghĩa chưa được xác đáng lắm. Bông bí, dưa hường (trái dưa hấu non, ruột mới ửng hường) là sản phẩm của miệt rẫy, nơi chuyên trồng rau màu ngắn ngày. Vườn, chủ yếu để chỉ các nơi trồng cây ăn trái, một chu kỳ canh tác kéo dài 5-10 năm, có khi 40-50 năm, chẳng hạn như các vườn sầu riêng, măng cụt.

Tuy nhiên, rẫy và vườn cũng có chỗ giống nhau, đều canh tác các loại cây trồng cạn. Ngoài một số nơi làm rẫy chuyên canh như Hóc Môn, Bà Điểm…ở ngoại ô Sài Gòn, Vĩnh Châu (Sóc Trăng), đa số ở các nơi khác làm rẫy vài năm rồi cũng chuyển qua làm vườn.

Thực tế ngày xưa, trước khi có những khu, những vùng trồng cây ăn trái sầm uất như ngày nay ở miền Tây, thì đất đai nông nghiệp chủ yếu cũng là trồng lúa. Người dân cất nhà dọc theo sông rạch vì giao thông chính là đường thuỷ, chuyên chở hàng hoá nông sản bằng đường thuỷ thuận lợi và được nhiều hơn.

Nhưng vì đất thấp, muốn làm nền nhà người ta thường phải đào một cái ao, hồ sâu ở sau nhà để lấy đất. Cất nhà xong, có ao hồ nuôi cá. Để bớt nắng nóng khô hanh, chung quanh nhà, chung quanh ao, người ta trồng một vài loại cây ăn trái có tàng bóng lớn, như vú sữa, xoài, mận, nhãn…

Có những phú gia dành hẵn 5-10 công đất quanh nhà như vậy, không làm ruộng, trồng vườn tạo phong cảnh mát mẻ. Lần hồi cây cối cho trái, nhiều quá ăn không hết phải bán và nhu cầu trái cây của thị trường ngày một tăng lên, giá cả cũng tăng theo, người nông dân thấy có lời và quan tâm hơn tới việc làm vườn.

Tuy nhiên, khi các loại vật tư phục vụ nông nghiệp như: phân hoá học, thuốc trừ sâu bệnh chưa phổ biến, kỹ thuật làm cây giống chưa có thì việc làm vườn không mở rộng được. Nhà làm vườn cũng chỉ gói gọn trong 5-3 công đất. Làm nhiều không phân phướn thuốc men, 5-7 năm cây suy kém, phải lập vườn mới đâu có lời. Có người hỏi, sao không sử dụng phân hữu cơ? Dùng phân hữu cơ phải xài lượng lớn, tốn công nhiều và nguồn phân cũng không có đủ.

  • ĐÀO MƯƠNG LẬP LÍP, ĐẮP BỜ BAO

Những miếng vườn đầu tiên được lập lên từ những vùng nước ngập nông. Mùa nước rong chỉ ngập từ 1m trở xuống. Nhưng phải có đường thoát nước và lấy nước, nghĩa là phải thông ra một con rạch. Cây ăn trái không chịu nước ngập nên phải đào những con mương dùng cho việc tưới tiêu, đồng thời lấy đất nâng cao mặt líp. Những mương nước như thế, ban đầu chỉ có bề ngang 1m-1,5m, sâu khoảng 1m, tạo ra những líp rộng 8-10m. Cặp theo bờ ranh, người ta chừa một líp chạy dài và đắp một bờ đất có chiều cao cao hơn mức nước rong hàng năm, gọi là bao ngạn (bờ bao).

Tất cả những con mương trong vườn đều thông với nhau và cùng đổ về một nơi được chọn trước gọi là mặt đập, để mở ra sông rạch.

Tại mặt đập, đào một rãnh ngang sâu bằng đáy mương trong vườn. Cắt 2 đoạn thân dừa lão thẳng có chiều dài dài hơn mặt líp 1-2m, xẻ đôi thân dừa ra và khoét rỗng ruột để làm bọng (cống). Một bọng đặt sát đáy mương lấp đất lại, dặm đạp cho dẽ dặt. Lên chừng 0,5-0,7m, đặt ống bọng thứ hai rồi lấp đất cho bằng mặt líp. Dĩ nhiên cũng phải đắp khúc bờ bao ngang mặt đập.

Ống bọng dưới để giữ nước trong mương vườn nên thường được ém lại bằng rơm cỏ. Ống bọng trên để lấy và thoát nước, bên ngoài có nắp treo. Muốn lấy nước vô dở nắp lên, không muốn nước vô nữa thì bỏ nắp xuống.

Mùa nước rong, nắp bọng luôn bỏ xuống. Khi nước trong mương vườn nhiều quá, phải canh lúc nước ròng, rút cỏ ém ống bọng dưới cho nước cùng thoát ra nhanh.

Sau nầy kinh tế phát triển, nhiều người lập vườn lớn, việc làm đập bọng kỳ công hơn. Người ta phải đúc cống bọng mặt đập bằng bê tông, mới kiểm soát được nước nôi cho khu vườn.

Hệ thống mương vườn ngoài chức năng tưới tiêu còn mang lại 2 lợi ích lớn:

– Nơi chứa bùn đất do phù sa lắng đọng. 1-2 năm người ta vét mương một lần, lấy lớp bùn non phủ lên mặt líp, một hình thức bón phân hữu cơ và tăng cường độ phì nhiêu cho đất tuyệt vời.

– Nuôi giữ tôm cá: Cá tôm từ ngoài sông theo nước vào vườn, gặp môi trường yên tĩnh, ở lại và sinh sôi nảy nở. Hàng năm, tháo nước, tát vườn một hai lần, nhất là dịp Tết,dịp đám giỗ là một lần thu hoạch lớn.

Năm đó, vườn ông Tư Nhung ở xã Vĩnh Bình, Chợ Lách mới lập được một năm, đất còn phèn. Một trận mưa lớn đầu mùa xả nước phèn xuống mương. Ôi thôi, tôm cá bị ngộ độc phèn nổi lên cặp bờ, bà con xúm lại vớt không biết bao nhiêu mà nói.

  • TRỒNG CÂY

Đào mương lập líp xong, người ta chưa vội trồng cây lâu năm vì đất còn nhiều phèn. Thời gian chờ đợi đó họ trồng rẫy và một vài loại cây ngắn ngày. Đồng thời cũng là khoảng thời gian cần thiết dành cho việc chuẩn bị cây giống, trồng lâu dài sau nầy.

Thường thì vụ đầu tiên trên đất mới, sau một vài tháng phơi đất cho khô ráo, bà con canh Tết trồng một vụ dưa hấu. Mà ngộ, dưa hấu lại rất thích hợp trên đất mới còn phèn ít nhiều như thế. Trồng dưa hấu ngày xưa không có phân hoá học, chỉ bón cho đất thuần đầu vỏ tôm khô, cá khô, phân dơi, tro trấu. Có sâu rầy thì xịt trừ bằng rễ dây thuốc cá đâm vắt lấy nước. Nên trái dưa rất ngon. Bảo đảm dưa chín, lót giấy xẻ dưa, giấy không ướt.

Sau một vụ dưa như vậy có chủ vườn đưa chuối vào trồng. Có chủ vườn trồng một lứa đu đủ, dưới tàng đu đủ xen canh ớt..Qua một hai năm khai thác cây trung hạn nầy, người ta tỉa thưa, hoặc có khi dọn sạch hết, rồi đưa cây lâu năm vô trồng.

Làm mô đất trồng cây cũng ít được chú ý. Vì là vùng đất thấp nên không đào hố mà vun đất lên thành một mô cao, trồng cây vào đó. Không có bón lót. Sau mấy năm trồng rẫy độ màu của đất rất cao.

Tưới vườn cũng là việc quan trọng và cực nhọc. Khi trồng rẫy, gánh nước tưới bằng thùng vòi búp sen. Khi chuyển qua cây lớn, tưới bằng chiếc gàu tát nhỏ hình bánh ú có cán dài. Đứng ở mé mương tát nước lên líp. Vườn rộng nhiều người tưới và phân khu tưới luân phiên. Sau nầy có máy kohler, chế ổ bơm gắn ở đuôi tôm, việc tưới tắm cho cây nhẹ nhàng hơn.

  • CÂY GIỐNG

Ngày xưa chuyện cây giống cũng được bà con quan tâm nhưng do trình độ kỹ thuật còn giản đơn, các cách nhân giống vô tính chỉ mới biết chiết cành, nhánh ở một vài loại cây dễ ra rễ như chanh, ổi. Còn lại thường là ăn trái nào ngon thì chú ý lấy hột cây đó, ương làm giống luôn. Cũng may là trong một quần thể tương đối lớn, tỉ lệ trái lai và phân ly thấp, thị trường không khó tính, dễ chấp nhận.

Rất lâu về sau nầy, tầm những năm 60 với sự xuất hiện của các Trạm, Trại Nghiên cứu cây giống, các kỹ thuật tháp, ghép cành, tạo giống lai… được phổ biến, các vùng trồng cây ăn trái mới phát triển nhảy vọt.

Hột giống được lựa lấy từ những cây cho trái ngon. Trái và hột được chọn phải no, tròn và chín. Hột xoài ăn xong phải tách vỏ cứng và ươm liền, để hột khô cây lên yếu. Hột sầu riêng, hột mít cũng vậy. Nhưng hột vú sữa, hột mãng cầu xiêm, hột quýt, hột măng cụt… phải rửa sạch, phơi khô, cây mới lên mạnh.

Người ta làm một líp ương hột giống đủ dài để gieo các hột rời ra. Tưới nước và ủ đậy cho hột nẩy mầm. Khi cây con có đủ 1-2 lá thiệt thì bứng cây con để vô bầu đất có trộn tro, phân chuồng. Chăm sóc cho cây lớn vững vàng, thường mất cả năm, mới đưa ra vườn trồng thiệt thọ.

………

Trồng cây ăn trái ít có chuyên canh. Thông thường bà con trồng xen hai loại với nhau để khai thác hết các lợi thế. Các mô hình phổ biến ban đầu như:

– Giữa líp trồng một hàng xoài, hai bên mé mương trồng chanh, quýt.

– Giữa líp trồng một hàng sầu riêng, hai bên mé trồng quýt.

– Giữa líp trồng một hàng măng cụt, hai bên trồng bòn bon..

  • NUÔI KIẾN VÀNG

Nuôi kiến vàng là một biện pháp kỹ thuật rất hay của người làm vườn xưa. Nuôi kiến vàng để đánh đuổi kiến hôi, một loại kiến nhỏ, đen, lỡ rớt vô miệng, cay hôi rất khó chịu. Kiến hôi lại bảo vệ con rầy bông, rầy nhớt, làm trái cây bị chai, sơ. Kiến vàng đuổi kiến hôi, đuổi luôn rầy rệp.., làm ngọt trái.

Kiến vàng rất thích ăn thịt cá sống nhất là ruột gà vịt. Người ta gác lên cây những miếng miểng vùa, bỏ ruột gà vịt vào rồi dùng dây chuối nối tới tàng cây đang có kiến. Kiến vàng sẽ bắt hơi bò tới rồi vài ngày làm ổ mới luôn. Để giữ kiến phải thường thêm mồi.

Vườn nào mà thấy kiến vàng bỏ đi là báo hiệu vườn sắp suy. Cũng phải. Kiến vàng bỏ đi thì kiến hôi, sâu rầy kéo tới tàn phá cây trái, hổng suy sao được?

Thời gian từ khi trồng cho tới khi có trái chiếng (vụ trái đầu tiên), của mỗi loại cây khác nhau. Xoài 5 năm, sầu riêng 7-8 năm, còn bòn bon măng cụt thì khỏi nói. Có câu truyền miệng: măng cụt hụt ăn, bòn bon con ăn, thì biết chúng lâu cho trái cỡ nào, từ mười mấy năm trở lên không. Bởi vậy vườn bòn bon măng cụt có thể khai thác tới 40-50 năm, sầu riêng 20-30 năm, xoài 15-20 năm là lão.

….

Bây giờ với tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ thị trường, những chuyện vừa kể trên xưa lắm rồi, cổ lổ lắm rồi. Ghi chép lại để nhớ một thời khai mở vậy thôi.

Tháng 10/2021

ĐÀO DŨNG TIẾN

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác