LẶNG LẼ MÙA ĐI
Dường như, cứ đêm mười bốn tháng tám âm, là trời đổ mưa. Rả rít, dầm… Năm nay, giữa vùng covid hoành hành, vẫn mưa, mưa dai như giẻ rách, bóng bóng nổi, phập phồng. Gió liên tục đổi, hết nồm đến chướng.. Cái thứ gió làm biển êm như ru. Chúng đang giành ngọn, chuẩn bị cho buổi giao mùa. Chúng tập làm lễ bàn giao trước khi.. nhậm chức!
Tôi có một thời ở xứ biển. Bạn không thể hình dung nổi xứ này, vào những năm đầu, sau bảy lăm. Chiến tranh đã xoá trắng. Xe đạp, bàn, tủ, ghế, giường… đều không. Xe thì không có đường để chạy. Vật dụng, nhà cửa.. thì không trụ nỗi bởi B52! Tất cả là tạm bợ. Nhà là bộ khung cây rừng đóng tréo. Bàn giường cũng thế. Mặt bàn được kết từ bập lá dừa, ngọn cóc, vẹt. Thùng chứa nước được tạo bằng những miếng nhôm của bom.. Người dân cặp giồng sống bằng cách trồng khoai củ, ruộng muối. Ven biển, nắng khét da. Rừng ngập mặn âm u, đầy muỗi. Sốt rét hoành hành…
Vậy mà, người ta vẫn sống. Nghèo dữ lắm nghèo. Nghèo có truyền thống. Nghèo cha truyền con nối.. Nhưng, tuyệt nhiên không cướp bóc. Cả làng nhẵn mặt nhau. Người dân khát chữ, cái thứ mà bao đời họ chưa được hưởng thụ. Tấm lòng hào sãng vốn có của dân đầu sóng ngọn gió. Nghèo sao cũng chịu được, miễn dứt bặt tiếng bom. Rừng thiếu gì thứ để kiếm tìm. Đi vài phút là đầy giỏ cua cá.. Cái khó là gạo. Vài chục giạ muối mới đổi được giạ gạo. Phải chèo chống đi về cả buổi, cả ngày mới có gạo ăn. Những ngày rổi rảnh, đêm xuống, tôi với cây đèn ba khía, đi soi vì ham vui. Cũng tóm gọn, có chọn lọc vài con cá to. Tôi nói chọn lọc bởi cá nhiều vô kể! Vài chục con bạn chọn một thôi. Nước tràn láng, cá theo về. Nước ròng, về sông, về rừng ngập nước. Ở đó, cho tôi nhiều điều, chúng là mớ hành trang mà không phải ai cũng có được, dù thích hay không.
Tôi nhớ mùa trung thu một ngàn chín trăm bảy chín. Năm đó, muối được giá. Ghe muối lặc lè như bà mang bụng bầu, gần ngày khai nở. Chuyến về, người ta mua nhiều bánh trung thu. Thứ bánh mà trẻ con chưa hề biết! Người ta gọi bánh” nhưn ” thu. Tôi nghe, thoạt thấy có gì.. sai sai. Sau, nghiệm lại thì chẳng có gì sai cả! Có điều, giờ về lại xứ này, bạn không còn nghe từ này nữa rồi, bởi giờ, Duyên Hải, vùng cặp biển, đã là xứ trù phú. Cũng đồng nghĩa với sự giao lưu tứ xứ, có rất nhiều thứ bị rớt rơi đi, thay vào đó, những điều mới mẻ hơn mà biển cả vốn rộng lòng dung chứa.
Bánh nhưn thu! Nhưn, thường chỉ vị trí, nằm trong ruột, bên trong, chính giữa. Đứng làm nhưn là đứng giữa, bên trong một cái gì. Nhưn chuối, nhưn dừa…cùng nghĩa vậy. Bánh trung thu thì trung là giữa. Bánh giữa thu. Bánh nhưn thu cũng là bánh giữa thu thôi. Tiếc hùi hụi bởi giờ nó..chìm lút mị dưới biển. Nó nụp trong tán lá dầy của rừng ngập mặn. Nó theo tiếng xa quạt quay bay mất, nhường chỗ cho vuông tôm, nhà tường… tinh tươm.
Cuộc sống vốn vậy! Buông- Bắt. Được- Mất! Và, dù không muốn, mưa vẫn bay mù trời. Nắng vẫn khét da. Nắng, diêm dân mừng. Mưa, lúa xanh nhảy bụi.
Vô thường. Vô ngã và.. không khổ.
Tra Vinh đang ửng lên sắc sống. Chợ búa đã nhóm, kẻ bán người mua. Mấy hôm nay, số người nhiễm ít và trong trại cách ly. Nghĩa là, trong chừng mực, đã kiểm soát được. Hàng quán bán mang về. tám giờ tối vẫn giới nghiêm. Hy vọng những ngày tới, mặt trời nhô lên càng cao, đều khắp, sáng tươi…
Một trung thu lặng lẽ qua.
Tuổi thu tôi cũng lặng lẽ trong tháng ngày sáng nắng, chiều mưa. Đời người chớp mắt rồi về cội thôi.
Muốn là chiếc lá, trước khi rụng, bay vòng vèo vài đường, lả lướt, mềm mụp.. gọi là “lấy le”, trước khi cắm phập và rả tan.
Trung thu, Trà Vinh
15-8 âm lich
HỒNG BĂNG