THÀNH NGỮ ÔNG

Ngày đăng: 13/07/2021 06:01:03 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Trong văn học cổ cái Ông được nhắc đến nhiều nhất là ÔNG TƠ, là “Ông già se tơ” dưới trăng, nên chữ Nho gọi là Nguyệt Lão 月老, tức “Nguyệt Hạ Lão Nhân 月下老人” là “Ông Già Dưới Trăng” (mời đọc lại “Điển Tích Văn Học 2 : CHỈ HỒNG) để biết chuyện thư sinh Vi Cố đi tìm người hôn phối gặp được Nguyệt Lão là ông lão chuyên se tơ kết tóc cho trai gái nên duyên chồng vợ như thế nào. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã hai lần sử dụng đến “ÔNG TƠ” để ám chỉ tình duyên của đôi lứa. Khi hay tin Kim Trọng phải đi Liêu Dương hộ tang cho chú, Thúy Kiều đã than vản :

              Ông Tơ gàn quải chi nhau,

                           Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.

…và sau khi bị ép phải hầu rượu cho Hồ Tôn Hiến, để rồi sáng hôm sau Hồ sợ “Quan trên ngắm xuống người ta trông vào” nên ép Thúy Kiều phải lấy Thổ Quan khiến cho nàng lại buông lời oán trách :

 ÔNG TƠ thực nhẽ đa đoan !

                         Se tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên ?

Nói đến từ ÔNG thì không thể không nhắc đến thành ngữ “TÁI ÔNG THẤT Mà 塞翁失馬”, tiếng Nôm ta chỉ dịch hai chữ phía sau là “TÁI ÔNG MẤT NGỰA”. Theo sách Hoài Nam Tử, chương Nhân Gian Huấn 淮南子·人間訓 có ghi lại câu truyện như sau…

 Tái Ông là Ông già ở vùng biên tái, mà cũng có thể là Ông già họ TÁI, rất chuyên về ngựa. Một hôm, con ngựa quí nhà ông bỗng nhiên chạy mất. Hàng xóm mọi người cùng đến chia buồn. Ông cười bảo : Đây chưa chắc là việc không vui. Mấy hôm sau, con ngựa của ông trở về, lại dẫn theo một con ngựa quí khác. Mọi người hay tin lại đến chúc mừng. Ông bảo, đây chưa chắc là việc đáng mừng. Quả nhiên vài hôm sau đó, con ông tập cưởi con ngựa đó, bị nó quăng cho té què chân. Mọi người lại cùng đến an ủi, chia buồn. Ông lại bảo : Đây vị tất đã là chuyện buồn. Năm sau, giặc đánh vào vùng biên tái, tất cả thanh niên đều phải lên đường nhập ngũ tòng chinh, chỉ có con trai ông vì bị què chân nên được ở lại, khỏi phải ra chiến trường. 

Đây là câu truyện Ngụ ngôn trong sách Hoài Nam Tử, cho ta thấy chuyện đời may rủi vô chừng, họa phước khó mà lường trước được. Có lắm chuyện tưởng như rủi mà lại may, tưởng như phước mà lại là họa… cho nên ta phải để lòng rộng mở, khoáng đạt, bình tĩnh mà ứng phó những tình huống khôn lường trước được nầy. Trong văn thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có câu :

Hàn Tín nên công chưa cả mặt,

                           TÁI ÔNG THẤT MÃ há cau mày !?

Đỗ Chiêu Đức

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác