TÀU VẪN CHẠY MẶT TRỜI VẪN MỌC
Sáng hôm nay, thứ bảy ngày 03 tháng 7 năm 2021, những thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông được tập trung test dịch trước khi vào phòng thi vào vài ngày đến. Và tại Sài Gòn hôm nay, ngày mai vẫn tiến hành cấp tốc việc truy vết và test toàn thành phố để chống chõi với một thứ virus vô hình đang tung hoành khắp mọi hang cùng ngõ hẽm thành phố. Sự ngưng trệ hầu như hiện diện trên tất cả mọi hoạt động. Cơn giông của tiết mùa và cơn giông của đời đã làm nhân sinh bó gối chùn chân. Chúng tôi cũng không ngoại lệ. Số Quán Văn 81 đã xong từ giữa tháng trước. Đang chuẩn bị ra mắt thì Sài Gòn đã vào mùa giãn cách. Hơn một tháng chờ. anh Nguyên Minh vẫn cặm cụi làm tiếp tập san số 82.
“Tàu ơi hãy kéo còi liên tục
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu
Lay động những tầng mê sảng tối
Loài người hãy thức, thức cùng nhau”
(Tô Thùy Yên, Ta về)
Số 81 đọng lại, số 82 chuẩn bị in, thành phố im lìm phong bế. Có ai trong bằng hữu tôi không chạnh lòng nhớ những tiếng rộn ràng lao xao một lần ra mắt. Đã xa rồi một không gian ấm cúng tình thân hữu, và…biết đến bao giờ.
Tuần lễ trước anh Nguyên Minh gợi ý gặp nhau trên mạng…cho đỡ nhớ, và cũng là một cố gắng bứt phá để không chờ cơn giông đi qua, chuẩn bị cho tương lai. Hoàng Kim Oanh nghĩ ngay tới phòng zoom vốn quen thuộc với các thầy cô mùa dịch. Học trò thì dễ, nhưng không dễ với những người tuổi phần lớn trên 70. Tôi vưa bực bội vừa buồn cười nhớ những ngày chạy tới chạy lui nhà anh Chu Trầm Nguyên Minh để cầm tay chỉ cho anh những thử thuật đơn giản của word. Chỉ có copy và paste đã là một vấn đề, năm ấy anh Chu Trầm Nguyên Minh tuổi 72, suýt soát tuổi tôi bây giờ.
Chủ Biên Nguyên Minh
Ngày cận kề, Hoàng Kim Oanh kiểm tra lại các học trò già. Tội nghiệp như vịt nghe sấm. tôi nói ; “cả ngày mò rồi, bây giờ thôi thì thôi nhé đau đầu quá thôi “. Anh Tiết Hùng Thái sau khi loay hoay, than: “Kết luận: mình già rồi. Phòng họp ai trên 60 tuổi không được vào. Đăng xuất rồi. Thế là an toàn”. Bên Ý, Elena vào được, còn Trương văn Dân nói “ potay rui… hihi”. Tội nghiệp hai cô em Hoàng Kim Oanh và Ban Mai phải mở hai lớp “dạy kèm” từng chút cho mấy học trò khó nhớ mau quên này. Sau vài tiếng thực hành, 20g tối bắt đầu thi mãn khóa, thời may, trót lọt. Mãn khóa xong, Trương văn Dân còn thắc mắc: “Sáng mai làm sao vô”. Tôi hiến kế: “Vậy thì đừng tắt máy để mai xài luôn”. Thật là chân lý, nhưng ngẫm lại lý này không có chân.
TS Hoàng Kim Oanh
Sáng nay, tám giờ, bằng hữu từ bốn phương đã lần lượt online. Tôi đã thấy trên màn hình:Nguyên Minh, Nguyễn Vy Khanh, Thận Nhiên, Trương Đăng Dung, Trọng Nhân, Nguyễn Đăng Hưng, Nguyễn Phú Yên, Đoàn văn Khánh, Phan Trường Nghị, Lâm Nguyệt Nữ, Lê Ký Thương, Lê Ngọc Hân, Nguyên Cẩn, Trương văn Dân, Elena Pucillo Trương, Hoàng Kim Oanh, Dung Thị Vân, Ban Mai, Trần Thị Trúc Hạ, Quách Mạnh Kha, Đoàn Thị Kim Liên, Hoài Huyền Thanh, Mã Lam, Phạm Ngọc Dũ, Nguyễn Thụy Đan, Lương Minh, Kiều Huệ và Đặng Châu Long, Dĩ nhiên còn có một số bằng hữu khác cũng tham gia, như: Anh Ngô, Carol Kim, Hạnh….
Trong phần chính của ngày ra mắt số 81 tập san Quán Văn -chủ đề Ta Về, tưởng nhớ nhà thơ Tô Thùy Yên-, anh Nguyên Minh đã nhắc đến bi kịch trăm trứng, một nỗi niềm chưa bao giờ tròn vẹn của đất nước. Phải chăng những trăn trở đó cũng là nỗi niềm của Tô Thùy Yên, như Nhật Chiêu bình: “thơ Tô Thùy Yên khai giải oan ức để đưa lá rơi về cội, về với giang đầu, về với con người, với cội nguồn, về với nhân quần, không phải về với phe phái nào, bởi lẽ phải là sự tương tác, thương yêu nhau. Khai giải là phương pháp trị liệu vết thương nhân văn nhất”.. Cám ơn nhà thơ Trương Đăng Dung đã chúc mừng sự trụ vững của Quán Văn mười năm trên văn đàn. Dẫu chẳng lớn lao gì nhưng Quán Văn như một dòng sông ký ức. Anh đã ví von bằng câu: “tị nạn ngay trong chính ký ức của mình”.
Hôm nay có sự góp mặt của anh Nguyễn Vy Khanh. Anh là một trong những người nghiên cứu nhiều về thơ Tô Thùy Yên. Hôm nay anh nói khái quát những thi tính của thơ Tô Thùy Yên khiến tôi nhớ lại điều anh Nguyễn Vy Khanh từng viết: “Bùi Giáng bối rối ở những ngã ba tư tưởng, còn Tô Thùy Yên khi đến ngã ba đã thủ phận đi theo một lối đường hình như không lựa chọn. Làm con ngựa phi đường xa hay thân con dế giang hồ và con chim lạc bạn đều là thái độ thủ phận không thể tránh trong những nghịch cảnh: “Tôi òa khóc khi mây chiều xuống thấp / Treo khí giới trên cành tìm hiểu những ngôi sao…”. Đành “Ta về tắm lại dòng sông cũ / Luống những bình yên kiếp dã tràng”
Anh Nguyên Cẩn gợi lại hai từ Hóa giải trong phong cách thơ Tô Thùy Yên có lẽ không xa những câu Nguyễn Vy Khanh đã viết. Riêng anh Thận Nhiên đã góp thêm ba ghi nhận khi đọc thơ Tô Thùy Yên: “Thứ nhất, Tô Thùy Yên là tâm hồn lớn bắt nhịp được với thời đại. Thứ hai, Tô Thùy Yên là tài hoa lớn, Thứ ba, Tô Thùy Yên đã có được bối cảnh lịch sử”. Bấy nhiêu đã đủ vẽ một tài hoa.
Nhà văn trẻ tài năng Nguyễn Thụy Đan, người được anh Trần Hoài Thư ghé mắt xanh, tuy rất kiệm lời, nhưng từ Nguyễn Thụy Đan đã khơi gợi một câu chuyện về hiện trạng văn chương hải ngoại như một món quà cho buổi tọa đàm. Hóa ra văn chương dễ làm con người gần gũi nhanh hơn.
Các bạn tôi hôm nay thật vui vì đã thấy lại được nhau, thấy bình an từng người mà nhẹ lòng mong dẫu chưa trọn vẹn cất lên tiếng hát cùng nhau. Dường như quanh ta, trong giờ phút này đã xa lìa sự lo lắng bởi không khí nặng nề khắp mọi nơi. Sẻ chia nỗi niềm trong họa hoạn để thấy tất cả chỉ là vô thường. Đời cho ta thế thì cứ thế mà bước tới. Đạo là đường, nhưng trước khi là đường phải có người bước tới, bước tới cùng nhau:
“Nghe im lặng mà sống,
Nhìn trời đất mà vui.
Hãy như người từng trải mỏi mê về
Lúc tàn khuya,
Nhà hương hỏa tối mốc.
Còn ai không, có gọi chỉ thêm buồn.
Thôi, chẳng tiếc túi vàng đã phung phá
Mà mừng mẩu nến chợt tìm ra…”
Anh phải đi thôi, vì
“Chỗ tối tăm nằm ở phía dưới chân đèn,
Nỗi ngu muội nằm ngay trong ý thức.
Anh nhìn quanh kinh ngạc lạnh hồn:
Mọi người vẫn sống được.
Đáng tội cho anh có một cái đầu thong thống bốn bề….”
( Tô Thùy Yên, Giã Biệt)”
Cám ơn một ngày nồng ấm cùng mọi người. Cám ơn không còn ranh giới cho đất trời thông qua phòng zoom hôm ngay
03-07-2021
Những ngày trốn dịch
Bài và ảnh ĐẶNG CHÂU LONG
H4 Học giả Nguyễn Vy Khanh (Canada)
h5 Nhà văn Quang Đặng
h6 GS Nguyễn Đăng Hưng
h7 Lương Minh
h8