NGUYỄN AN BÌNH, MỘT ĐỜI NẶNG NỢ VỚI VĂN CHƯƠNG
Nguyễn An Bình, tên thật là Lương Mành. Anh sinh năm 1954 tại Cần Thơ, từng học Đại học Sư phạm Việt Hán, Đại học Khoa học Cần Thơ. Anh là nhà giáo, nhà văn. Hiện sống và viết tại TP Hồ Chí Minh. Anh bước vào văn giới khi còn là sinh viên từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Mời nhấn chuột vô đây đọc Tiểu sử văn học của Nguyễn An Bình
2.Tôi tiếp cận với thơ anh đã lâu, qua các trang viết của anh trên báo chí và các ấn phẩm. Mấy năm gần đây tôi và anh gặp nhau trên các trang web Văn học Nghệ thuật trong và ngoài nước, và rồi anh em chúng tôi có dịp gặp gỡ ở Sài Gòn, được chuyện trò với anh qua những buổi ra mắt các tạp chí và ấn phẩm VHNT. Tôi được anh tặng nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, các tập thơ phổ nhạc. Tôi ngồi nghiền ngẫm các tác phẩm của anh phải nói rằng cả tháng trời mới hết. Nội dung rất hấp dẫn và thú vị. Đọc sách của anh, tôi ngưỡng mộ, trân trọng kết quả lao động nghệ thuật nghiêm túc, bền bỉ đầy đam mê. Anh đã rút những sợ tơ lòng cống hiến cho độc giả những sản phẩm hữu ích để cho cuộc sống tinh thần phong phú, thêm yêu đời và yêu cuộc sống hơn!
Nhìn vào số lượng tác phẩm in riêng và góp mặt trên báo chí…chứng tỏ sự say mê cống hiến cho VHNT không mệt mỏi suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ kể từ khi anh còn là một cậu sinh viên có năng khiếu văn chương, nhiều ước mơ hoài bão. Đến nay, đã luống tuổi- đã bước sang bên kia triền dốc của cuộc đời, anh vẫn viết khỏe, bút lực vẫn sung sức với một tâm hồn trẻ trung yêu đời, yêu cuộc sống,chính vì vậy với sức viết không ngừng nghỉ vẫn có bài đăng đều đặn trên các tạp chí, các báo… và năm nào cũng cho ra đời 1-2 tác phẩm. Hiện nay anh cũng đang hoàn thành các bản thảo để đến cuối năm xuất bản 5 tập ca khúc phổ nhạc mỗi tập có 90 bài, 1 tập truyện ngắn, một tập thơ trữ tình, và thêm một tập thơ dịch từ thơ Đường của anh. Tôi đã đọc tập thơ dịch thứ nhất có tựa đề Đêm Trăng Đọc Thơ Đường, Nxb Hội Nhà Văn tháng 8/2020. Nói đến thơ dịch của anh. Tôi lại càng khâm phục vốn Hán Việt của anh khi dịch thơ Đường. anh dịch sát nghĩa mà câu thơ vẫn bay bỗng vẫn đảm bảo hồn cốt ý tứ của bài thơ. Thơ anh có những bài thơ hay, những câu thơ đẫm chất tài hoa đi vào lòng người. Như vậy tính đến nay, anh đã xuất bản hơn 20 tác phẩm. Vì vậy nói đến Nguyễn An Bình là nói đến người thơ một đời nặng nợ với văn chương
Những đóng góp cho hoạt động văn học và báo chí của anh như vậy, bút danh Nguyễn An Bình cho thơ (Bút danh Lương Thiếu Văn cho tản văn biên khảo, nhận định…) đã quen thuộc với nhiều bạn đọc trong nước và hải ngoại. Ở anh toát lên đức tính khiêm nhường, sáng tạo cần mẫn trên cánh đồng ngôn ngữ, anh xứng đáng được công chúng yêu văn học và giới chuyên môn ghi nhận nên đã có nhiều cây bút viết về tác giả và tác phẩm của anh.
3.Đi vào thế giới nội tâm của Nguyễn An Bình qua 20 tác phẩm của anh từ truyện ngắn, Đường Thi ngẫu dịch…đến nhiều tập thơ. Tác phẩm nào của anh cũng có dấu ấn nhất định bằng một góc nhìn riêng, hấp dẫn lôi cuốn tôi. Phong phú với nhiều thể loại sáng tác như truyện ngắn, tản văn, bút ký, dịch thơ Đường nhưng có lẽ anh lưu lại ở địa hạt thơ nhiều hơn cả. Chiếm phần lớn các sáng tác của anh là thi phẩm. Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến tác phẩm: Mười Năm Bóng Ngựa Qua Thềm Cũ – Nxb Hội nhà văn 2016. Tác phẩm với trên 90 bài thơ từ cảm hứng trữ tình, là những hoài niệm đẹp, nhiều man mác buâng khuâng. Nguyễn An Bình đã đưa độc giả đến với quãng đời tươi đẹp của một thời áo trắng – tuổi cắp sách đến trường đầy hoa mộng, trong trẻo với nhiều ước mơ hoài bão. Kỷ niệm ùa về vơi đầy với bạn cũ trường xưa, với bảng đen, phấn trắng và lời giảng của thầy cô vẫn còn đâu đây, cả những trò tinh nghịch tuổi thần tiên.
“Rồi một ngày tôi gởi lại trường xưa
Viên phấn trắng đã mòn theo năm tháng
Trong giọt nắng nghe thơm lừng lời giảng
Sáng long lanh ngời ánh mắt tuổi thơ”
(Như màu phấn bảng rơi)
Ngôn ngữ thơ Nguyễn An Bình trang nhã, bình dị mà đầy biểu cảm. Những vần thơ đầy sắc điệu trữ tình, thiết tha, sâu lắng, khơi dậy từ cảm xúc chân thành được anh rót lên câu chữ một cách chân phương và dung dị. Hồn thơ giàu cảm xúc, đẹp một cách tinh tế trong cảm nhận, từ dùng trong sáng, dể hiểu, dễ đi vào lòng người.
Tuổi học trò với biết bao kỷ niệm vui buồn và đáng nhớ nhưng rồi cũng phải trưởng thành, phải vào đời, phải đối diện với những lo toan và bộn bề cuộc sống. Bỏ lại đằng sau “tuổi bướm sầu”, lặng lẽ bước qua thời thơ mộng. Anh gợi lại giai đoạn từ giã học đường để vào đời bằng những câu thơ thật hàm súc, ít lời mà nhiều ý. Với nghệ thuật dùng câu hỏi tu từ rất ấn tượng, biểu cảm.
“Tuổi bướm sầu xóa nét chữ thơ ngây
Em lặng lẽ bước qua thời thơ mộng
Sao ngày xưa lại đuổi hình bắt bóng
Để cuối mùa đành lưu lạc tìm nhau”
(Giấc mơ giữa mùa hạ trắng)
Có điều gì mất mát, nuối tiếc ở nơi đây đã len cả vào tâm can của chúng ta? Tuổi trẻ thơ ngây, bồng bột và xốc nổi. Đôi khi không tránh khỏi những vội vàng, sai lạc trong lựa chọn nẻo vào đời. có cả”đuổi hình bắt bóng”để rồi lạc nhau nên cứ phải tìm nhau giữa dòng đời tấp nập và gió bụi.
Ai đã từng đi qua những năm tháng tuổi học trò có lẽ cũng đã một lần thầm yêu trộm nhớ, mối tình đầu thật đẹp cũng có thể chưa kịp ngỏ lời nhưng để lại trong mỗi chúng ta những kỷ niệm đầu đời thật đẹp, mãi là một ký ức khó quên, để lại nhiều nuối tiếc không nguôi. Nguyễn An Bình viết về tình yêu thật nhẹ nhàng và dịu ngọt thế thôi, như hương bưởi đầu mùa, hương ngọc lan dịu nhẹ, nhưng để lại dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Thơ anh đầy ắp tình người, tình đời, tình yêu quê hương tha thiết. Những địa danh mà thi nhân đã có dịp đặt chân tới trong dải đất hình chữ S thân thương đều để lại dấu ấn trong thơ Nguyễn An Bình.
“Chợ Mới cù lao mùa gió thổi
Em có về qua bắc An Hòa
Chuyến phà ngày ấy còn xuôi ngược
Cát lở, sông bồi tiếng sóng xa”
(An Giang ngày về)
“Đường ngày xưa gập ghềnh bao sỏi đá
Bụi mù bay con lộ tẻ Bằng Tăng
Em đi học một thời xuôi ngược bến
Tôi thương thầm, mùi hoa bưởi, hoa chanh”
(Về Thới Long nghe tiếng chim vườn cũ)
“Sau lưng lỡ hẹn sông Hàn
Chợt nghe tiếng sóng Hương Giang rì rầm”
(Khi qua đèo Hải Vân)
Tấm lòng của thi nhân yêu mến cả đất trời, những vùng miền nào trên Tổ quốc thân thương anh đều dành những vần thơ rất đỗi chân thành như thế với những nét phác họa tả người, tả cảnh cô đọng mà gợi được vẻ đẹp hữu tình của cảnh và người nơi đây.
“Chiều Ghềnh Ráng mưa bay mù phố biển
Em chờ ai trên đồi cỏ thi nhân?
Chiếc lá rơi nhẹ bước tưởng như gần
Tôi cứ ngỡ ai cười trong tiếng gió”
(Chiều Ghềnh Ráng mưa bay)
Thi nhân nhớ Đà Lạt với những đặc điểm về địa hình, những con đường phượng tím hay là hoa Mimosa vàng cả một trời mộng mị, rồi những giọt cà phê sóng sánh của một góc quán nào với bè bạn tri âm thể hiện qua những vần thơ tám chữ thật đẹp:
“Trong giấc mơ tôi có bốn mùa Đà Lạt
Cùng những con đường lên xuống thấp cao
Ngồi ở đây nhìn đèn phố muôn màu
Giọt cà phê nhỏ xuống đời tôi sóng sánh”
(Lãng đãng tình yêu Đà Lạt)
“Cành phượng tím đã tàn chưa em nhỉ
Đã bao năm anh chẳng nhớ nơi này
Mimosa vàng cả một trời mộng mị
Tôi bốn mùa vẫn giữ nụ tình phai”
(Cuối mùa phượng tím)
4. Thơ Nguyễn An Bình phong phú với nhiều thể loại, dù kế thừa thi pháp truyền thống, hay thi pháp hiện đại thì luôn giàu cảm xúc, ngôn từ trong sáng, biểu cảm, giàu tính nhạc.
Ở thể lục bát anh, anh có những vần thơ mượt mà, gieo vần chỉnh chu.
“Vẫn là trăng của ngày xưa
Mang theo nỗi nhớ tôi đưa tiễn người”
(Trăng cuối mùa)
Thể thơ bốn chữ:
– “Hình như hạt bụi
Rớt vào mắt ai
Hồn rưng rưng khóc
Thương cuộc tình phai”
(Hoa vàng mùa giáng sinh cũ)
Thể thơ năm chữ anh có những vần thơ thật đẹp:
“Bay về đâu nỗi nhớ
Cánh điệp vàng vừa rơi
Chia tay mùa hạ cuối
Có tình đầu của tôi”
Thi nhân cũng “đem mùa xuân xuống núi”bằng thể thơ sáu chữ rất gợi cảm:
“Ai đem mùa xuân xuống núi
Nghe lòng còn mãi tơ vương
Mầm xanh mang theo chồi biếc
Dẫu lìa sợi tóc còn thương” (Đem mùa xuân xuống núi)
Anh phác họa chân dung mình qua những vần thơ ở thể loại thơ bảy chữ với những từ dùng rất hợp, rất đúng chỗ cho thấy một
gương mặt đam mê văn chương. Anh thích làm thơ, thích xê dịch đây đó với tính tình đầy hào sảng, khí khái nam nhi trong tâm hồn thi sĩ. Trong đời thực lại hóm hỉnh bông đùa và cũng giản dị khiêm nhường. Qua các tác phẩm của anh và gặp anh ngoài đời, trò chuyện với anh một đôi lần ở các buổi ra mắt sách của Quán Văn và Ra khơi thì quả thật người thơ Nguyễn An Bình hiện ra rõ nét đủ để bạn đọc mến mộ con người và tác phẩm của anh qua 4 câu thơ sau đây tặng người bạn thơ Trúc Thanh Tâm:
“Thời trai trẻ bôn ba tứ xứ
Thích làm thơ nuôi mộng giang hồ
Giờ sao chịu quẩn quanh sông nước
Vẫn bông đùa hào sảng như xưa”
(Chiều biên giới)
5.Thơ Nguyễn An Bình chưa phải bài nào cũng hay nhưng với số lượng phong phú người ta dễ dàng tìm thấy nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ tài hoa. Có những bài đọc lên đã thấy hay nhưng có những bài cần đọc kỹ mới khám phá được tâm tình sẻ chia của tác giả. Bạn đọc yêu thơ có thể tìm thấy tiếng nói tri âm đồng điệu khi ít nhiều thấy bóng mình trong đó như tác giả đã nói hộ lòng mình.
Đọc các tác phẩm của Nguyễn An Bình, là người đọc chúng ta đã đi vào thế giới nội tâm của anh. Chúng ta thấy Nguyễn An Bình là một người nặng lòng với văn chương. Anh đã và đang viết miệt mài không ngừng nghỉ hơn nửa thế kỷ qua.Thời điểm hiện nay, sáng tác của anh vẫn góp mặt đều đặn trên các trang web văn học nghệ thuật và báo văn nghệ nhiều tỉnh thành và kể cả hải ngoại. Các ấn phẩm in riêng và in chung vẫn tiếp tục xuất bản.
Chúng tôi thuộc lớp đàn em, viết về anh và những tác phẩm của anh với một tấm lòng của hậu bối. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin ghi lại những nhận định của mình, góp một tiếng nói của người đọc yêu mến văn chương! Từ một góc nhìn có thể chưa thấu đáo. Nhưng đó là những nhận định chân thành, nghĩ sao nói vậy không sa vào ca tụng cũng không “bới lông tìm vết”.
6.Văn chương, suy cho cùng, là một hình thức trao đi không vụ lợi. Đơn thuần tôi chỉ là tín đồ của văn chương, nên đã đi vào khám phá thế giới tâm hồn của nhà thơ, qua các tác phẩm, qua các tài liệu liên quan, và nhất là được tiếp cận, trò chuyện, trao đổi cùng tác giả. Đó là lợi thế cho người viết về các tác giả đương đại.
Trong cảm nhận văn chương, bạn đọc có thể đồng tình với quan điểm, nhận định của chúng tôi hay không, điều đó còn tùy thuộc vào tâm trạng của người đọc, và cả sự đồng cảm hay giữa người đọc và người viết, kể cả cảm quan, đánh giá trong văn giới. Xin chúc nhà thơ, nhà văn Nguyễn An Bình luôn sức khỏe và sáng tạo không ngừng, tiếp tục có những đóng góp mới cho hoạt động văn học nghệ thuật.
Sài Gòn ngày 03/04/2021