ĐÌNH VÀ LÀNG BÌNH THỦY CỦA VĨNH THÔNG
Trưa này, ngồi nhà nhận được quà của Vĩnh Thông, cây bút trẻ của An Giang. Hộp quà gồm có tập thơ Khắc Khoải Nâu và cuốn Đình và Làng Bình Thủy . Quyển thơ Khắc Khoải Nâu XB Tháng 9/2018 đạt giải thưởng 2018 của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt nam. Tập thơ dày 85 trang , trong đó có 45 bài thơ và một bài thơ của tác giả được phổ nhạc. Là người không am hiểu về thơ ca nên chỉ giới thiệu sơ qua.
Quyển thứ hai là “Đình và Làng Bình Thủy” xuất bản quý II/2021 gồm 94 trang nội dung trong khổ sách 12 x 19cm (loại sách bỏ túi). Vĩnh Thông nghĩ là mình làm việc nhỏ, tức viết giới thiệu về một làng cổ xưa ở vùng đất Châu Phú, tỉnh An Giang, nhưng tôi thấy đây là việc làm công phu, tư liệu tham khảo ít, có chăng là tham vấn các vị bô lão, cộng với một số sách viết về Lục Tỉnh, Nam bộ trước đây của các học giả đi trước mà tác giả ghi chép tài liệu tham khảo một cách cẩn trọng. Theo đánh giá của các công ty du lịch thì đây là một trong những đình đẹp nhất Tây Nam bộ.
Sách chia làm 3 phần chính, Phần 1 nói về đình thần Bình Thủy, đương nhiên là giới thiệu lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật trang trí. Nếu như du khách đọc qua cuốn này trước khi đến đình thì chắc sẽ thích thú hơn nhiều bởi tác giả đã giải thích về nghệ thuật kiến trúc, dịch nghĩa một số câu đối chữ Hán Nôm . Vì sao đình có cách trang trí như vậy. Thông thường các đình Nam bộ có những nét tượng tợ nhau, do vậy đọc quyển này người đọc cũng có kiến thức khi đi xem các đình khác.
Phần 2 : Lễ hội Kỳ yên. Giới thiệu Mùa hội làng , trong đó có ngày giỗ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ngày mùng 9 tháng 5 âm lịch. Lễ thành Hầu chức to như vậy nhưng chỉ được “ở tạm” trong đình, trong khi đình thợ một vị ẩn danh nhưng được sắc phong của vua là Thần hoàng bổn cảnh”Đọc phần này ta biết thêm các nghi thức truyền thống trong đình.
Đình làng Bình Thủy còn có các cuộc thi tài hấp dẫn như : Tìm hiểu lịch sử đình Bình Thủy; Giải cờ tướng truyền thống; Trò chơ dân gian… Nhưng hấp dẫn và quy mô nhất là cuộc đua thuyền truyền thống không kém gì các cuộc đua ghe Ngo của người dân tộc.
Phần 3: Đất và người Bình Thủy. Nói về buổi đầu khai khẩn từ năm 1698 đến 1700. Sau đó một thời kỳ thay đổi liên tục như chính sử đã viết.
Đọc cuốn này để biết thêm về địa danh Năng Gù và các vùng địa lý chung quanh. Sách cũng không quên nhắc đến đời sống xã hội, về kinh tế, giáo dục, tôn giáo , văn học nghệ thuật và những di tích của làng Bình Thủy. Điều đáng chú ý là làng Bình Thủy này thuộc huyện Châu Phú (An Giang) khác với Phường Bình Thủy thuộc TP Cần Thơ
Với vỏn vẹn gần 100 trang, tác giả đã đưa người đọc đi khắp làng, hiểu những phong tục xưa còn giữ đến ngày nay. Theo tôi đây là quyển sách nhỏ nhưng có những thông tin rộng rãi của vùng Nam bộ, cần đọc để biết, mà Google chỉ giới thiệu tổng quát. Chân thành cám ơn tác giả.
Lương Minh.
Ảnh Báo An Giang