VỀ TẬP THƠ ”VẾT BẦM GIẤC MƠ” CỦA LÊ TUYẾT LAN
Tôi và chị Lan học cùng trường cấp 2, cùng trường cấp 3, cùng là học trò của Má Thủy, cùng theo đuổi văn học, nhưng chúng tôi chưa một lần gặp nhau ngoài đời. Tôi biết chị qua những câu chuyện của Má, như một điều gì đó rất giản dị và phi thường. Và sau này khi kết nối với nhau trên Facebook, tôi đọc những dòng tâm sự của chị, đọc thơ chi, thấy sao cái buồn nó mênh mông quá. Phải chăng giữa con người với nhau, khoảnh khắc lắng lòng nhất chính là khi ta kiên nhẫn trước những câu chuyện của người khác, tìm ra những điểm lặng, và từ đó sâu sắc hiểu rằng: à thì ra họ từng đi qua những xước xát như thế, nên nỗi đau cũng âm ỉ như một vết thương lâu lành.
Suốt những năm tháng dấn thân vào con đường học văn chương, tôi chưa hề nghĩ mình là con chiên ngoan đạo của thơ ca. Tôi không viết thơ, cũng chưa bao giờ cố thử, thậm chí có những khi tôi tự hỏi: người ta viết thơ trong tâm thái như thế nào? Tuy nhiên, thứ duy nhất thu hút tôi ở những vầng thơ, chính là cách mà người ta tự sự hoặc miểu tả một cách rất gãy gọn và cô đọng. Mà cái gì càng ngắn gọn, người ta càng dễ nhớ lâu. Không phải là kẻ đào sâu về thơ, nên tôi sẽ không bàn về nghệ thuật hay bất cứ điều gì về mặt chuyên môn. Vẫn là câu hỏi lúc nãy, tôi luôn tò mò về cách người ta ngủ với những nỗi niềm, mang nó vào giấc mộng, và rồi tỉnh giấc để biên lại thành thơ.
Ngày chị nói với tôi: ”Sắp tới vào Sài Gòn, chị hẹn em nhân dịp chị ra mắt quyển sách đầu tiên nhé”. Lúc đó tôi nghĩ mình còn vui sướng hơn cả việc hoàn thành cuốn sách của chính mình. Vì tôi hiểu, giấc mơ của chị phải trải qua rất nhiều khó khăn để chạm tới. Có những người sẽ đi 1 mạch, nhưng có những người phải vòng vòng mấy ngõ mới tới được trạm mơ. Chị Lan là kiểu người thứ 2 mà tôi vừa chia sẻ – dùng chính những trải nghiệm trên đoạn đường quanh co đó mà viết nên những vầng thơ trong ”Vết bầm giấc mơ”. Lần trước dịch bệnh có nguy cơ lan ra cộng đồng, chị nói với tôi, hay là mình thôi em ạ, chị mới mẻ quá cũng không có nhiều bạn nên cũng không nên làm buổi ra mắt sách. Tôi thì thấy sao cũng được, vì cơ bản niềm vui lớn nhất của người viết, là việc ngắm đứa con của mình được mọi người đón nhận, và người ta thật sự cảm được những gì mình viết. Nên mọi người có yêu thơ, yêu những chia sẻ chân thành, yêu những câu chuyện rất ngắn được vần điệu hóa, hãy liên hệ với chị Lan để lưu lại một quyển sách, ủng hộ tác giả, chắp cánh cho một giấc mơ.
Nguyễn Hoàng Mai Thy