GIỌT NƯỚC NGHIÊNG MÌNH
Khi thấy tựa đề cuốn sách là ‘Giọt Nước Nghiêng Mình’ tôi hơi lấy làm lạ, cho đây là một cách nói hiếm hoi, đồng thời lại thấy phảng phất quen thuộc. Cho đến khi giở đến truyện đầu tiên của cuốn sách, thấy hai câu thơ đề từ của Sơn Nam: Phong sương mấy độ qua đường phố,/Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê… thì mới vỡ lẽ là tác giả đã mượn hai chữ nghiêng mình của Sơn Nam, thay hai chữ hạt bụi thành giọt nước. Đột nhiên tôi cảm thấy cái không khí ‘nam kỳ lục tỉnh’ bao phủ cả không gian quanh tôi.
Càng đọc những truyện trong sách, không khí ấy càng dày đặc. Độc giả sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi biết tác giả Nguyễn Văn Sâm chính là một người con ưu tú của đất Nam Kỳ, trước 1975 đã từng nghiên cứu sâu về văn học miền Nam, giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và các đại học khác như Cần Thơ, Hòa Hảo, Cao Đài, Vạn Hạnh. Sau khi đến Mỹ vào năm 1979, song song với việc nghiên cứu các tác phẩm Hán Nôm và dạy học, tác giả bắt đầu sáng tác văn học. Tập truyện ngắn Giọt Nước Nghiêng Mình mà độc giả đang cầm trên tay là cuốn sách thứ bảy trong thể loại này, vào thời điểm năm 2020.
Nam Kỳ là vùng đất mới nhất của Việt Nam. Từ khi đất nước giành được quyền tự chủ từ thế kỷ thứ 10, cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam dưới nhiều hình thức đã tiếp tục hầu như không ngưng nghỉ, và chỉ được coi như là hoàn tất sau khi bình định xong miền đất cực nam vào thế kỷ 18. Một điều kỳ diệu là sau khi hoàn tất cuộc Nam tiến trải nhiều thế kỷ và qua nhiều cuộc gặp gỡ và chung sống với các dân tộc khác nhau, ngôn ngữ trên các vùng đất mới của dân Việt vẫn là tiếng Việt. Khi nhà Nguyễn thống nhất xong đất nước vào đầu thế kỷ 19, ngôn ngữ Việt được dùng từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau.
Và đến giữa thế kỷ thứ 19, chính tại đất Nam Kỳ, Trương Vĩnh Ký đã là người đầu tiên viết văn Việt bằng chữ quốc ngữ, đặt nền móng cho nền văn học quốc ngữ đồ sộ của Việt Nam hiện nay cho cả ba miền Bắc Trung Nam.
Khi đọc bản thảo Giọt Nước Nghiêng Mình của Nguyễn Văn Sâm tôi thấy mình bồi hồi cảm động như đang được tắm lại trong một dòng sông cũ, nơi phát nguyên dòng văn chương hiện đại của Việt Nam. Chính từ chỗ phát nguyên này, trong thế kỷ 20 tôi đã đọc Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên…, họ cùng nhiều bậc tiền bối nữa đã làm thành nền văn học miền Nam với tính chất riêng của nó. Từ khi còn rất trẻ, tôi đã để ý trong tiểu thuyết hay truyện ngắn mà mình đã học và đã đọc, hầu như có hai khuynh hướng: miền Bắc và miền Trung viết theo “ngôn ngữ thống nhất” , riêng miền Nam viết theo kiểu miền Nam. Mấy mươi năm sau Trương Vĩnh Ký các nhà văn miền Bắc mới bắt đầu sáng tác bằng chữ quốc ngữ, và với một thứ ngôn ngữ Việt Nam điêu luyện đã được trau dồi hàng mấy ngàn năm, họ đã nhanh chóng tạo ra những tác phẩm mượt mà được độc giả cả nước đón nhận. Trong khi “ngôn ngữ thống nhất” đó vẫn được dùng chung cho các nhà văn miền Bắc và miền Trung, hầu như nó đã dừng lại tại biên giới miền Nam. Nhà văn miền Trung viết theo phong cách miền Bắc, hầu như không bao giờ dùng thổ ngữ của miền mình trong tác phẩm, trừ một số ít những câu đối thoại. Nhưng các nhà văn miền Nam thì gần như tuyệt đối không bị ảnh hưởng đó, vì thật ra họ đã có một nền văn học riêng của họ, trước miền Bắc và miền Trung rất xa. Họ viết ngôn ngữ miền Nam một cách đầy tự tín, giữ sự độc lập đối với các tác phẩm miền Bắc miền Trung, vì thật ra chính các nhà văn miền Nam mới là những người khai sinh ra ngôn ngữ tiểu thuyết của Việt Nam.
Cho đến bây giờ, gần hai thế kỷ sau Trương Vĩnh Ký, tác phẩm mới nhất của Nguyễn Văn Sâm đã một lần nữa chứng tỏ sự độc lập đó của văn chương miền Nam. Giọt Nước Nghiêng Mình là một tập gồm 18 truyện ngắn, đây là sáng tác mới nhất của một nhà văn miền Nam mà tôi được đọc trong hiện tại. Hình thức và nội dung của cuốn truyện vẫn mang nặng tính cách ngôn ngữ và nếp văn hóa của miền Nam. Nếu những nhà văn miền Nam đi trước ông ghi lại những hồi ức thời dân Việt mới vào khai phá miền Nam, hoặc mô tả xã hội thời Pháp thuộc với những chủ điền và tá điền, những phong tục và sinh hoạt trong dân gian thời đó, rồi dần dần mới mẻ hơn trong thời Nam Kỳ đã trở về với chính quyền Việt Nam trong quãng giữa thế kỷ 20 trở về sau, thì đề tài sáng tác Nguyễn Văn Sâm vẫn vậy, vẫn gắn chặt với miền Nam, nhưng là một miền Nam của ngày hôm nay. Ông đã ghi rõ câu này trong một trang đầu của sách: “Những truyện ngắn viết trong khoảng 2013- 2020 từ những nỗi đau buồn của thời đại mà ai trong chúng ta cũng bị bắt buộc phải đau lòng chứng kiến.”
Về phương diện hình thức, cuốn Giọt Nước Nghiêng Mình có một ngôn ngữ “rất Nam Kỳ”, có khi còn am kỳ hơn Bình Nguyên Lộc hay Sơn Nam. Ví dụ những cách dùng chữ: “ngừng một lúc hèn lâu, nuốt nước miếng; mích lòng mích bề; phủi phủi ông nội ơi đừng nói gở; tôi biệt biết; làm thinh thiệt là lâu”, hay:
“Chà mầy đừng có lớ ngớ đứng ngoài vàm nữa nha, không múm vô vàm thì thiên hạ ẳm mất tiêu giờ”…
Những cách sử dụng ngôn ngữ rất địa phương như thế có thể khiến cho một số người miền Bắc hay miền Trung chưa từng tiếp xúc nhiều với miền Nam lấy làm khó hiểu. Tuy nhiên ngoài một số khẩu ngữ dùng trong văn một cách hồn nhiên, nói chung cách viết của tác giả cũng không quá cách xa với vùng ngoài.
Về nội dung, tôi nghĩ một số truyện mang tính cách luận đề, mượn câu chuyện để chuyên chở, phát biểu một biện giải triết lý hay tôn giáo. Ngoài ra là mô tả thực trạng nếp sống trong xã hội miền Nam Việt Nam trong những năm gần đây.
Giọt Nước Nghiêng Mình là truyện đầu tiên của cuốn sách, tên truyện được dùng làm tên sách. Truyện kể về một chuyến đi thăm chùa của một gia đình trên đất Mỹ. Giọt nước nghiêng mình là một hình ảnh khó hình dung một cách cụ thể, nhưng tác giả có vẻ tâm đắc với một ý nghĩa tượng trưng của nó, và dùng nhiều lần để diễn tả những khái niệm trừu tượng. Ví dụ lời lẽ của vị ni sư tu ở chùa:
“Ni sư đưa tay lượm vài cánh bông rơi rụng trên bàn bỏ vô dĩa đựng tách trà, ngó thẳng vô mặt người khách nữ, nói như khuyên giải:
‘Tiểu bang nầy lắm mưa, nhiều khi một mình ngồi ngó mưa rơi, ni nghĩ rằng từng giọt mưa là từng linh hồn con người nghiêng mình rớt xuống để nhập làm một với Đại Ngã là sông, biển. Chết là giai đoạn hủy xác, hồn về lại nơi phát sinh. Chết sống chỉ là những giai đoạn du hành rong chơi của tiểu linh hồn’.”
Luận đề của truyện tiếp tục phát triển trong lúc gia đình, gồm một người cha với con gái và chàng rể, lái xe ra về. Trên xe, người con gái nêu một thắc mắc với cha mình:
“Con thấy ni sư thông tuệ. Nhưng sự so sánh sông biển với cái Đại Ngã ba thấy có đúng không?”
Và từ câu hỏi đó câu chuyện trên xe giữa ba người trở nên hào hứng với những định nghĩa Đại Ngã khác nhau, nó có thể ví là đại dương, nó cũng có thể là hồn dân tộc, nền văn hóa của một sắc dân, hoặc là nguồn sống của một quốc gia. Để cuối cùng là:
“Điều quan trọng là mọi giọt nước đều nghiêng mình để bơi về hợp với vùng nước lớn, cách nầy hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp.”
Chuyến đi thăm chùa của gia đình ấy đã là một cái cớ cho một luận đề rộng lớn, với hình ảnh giọt nước như một tiểu ngã, nghiêng mình để nhập vào một vùng sông biển mênh mông có thể mệnh danh là đại ngã.
Phật giáo đã thấm đẫm trong đời sống của dân miền Nam theo một cách riêng. Khi những toán lưu dân di chuyển vào một vùng đất lạ trước mặt, ưu tiên của họ là ra sức khai phá vùng đất ấy để thành nơi định cư mới. Họ như những người tự do hoàn toàn, chưa có một định chế về hành chánh hay tôn giáo rõ rệt đi cùng họ để yểm trợ về việc tổ chức đời sống và sinh hoạt về tinh thần, tâm linh. Họ trôi giạt tự do, như Sơn Nam mô tả:
Tới Cà Mau – Rạch Giá
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Trong hoàn cảnh bắt đầu từ số không như vậy, họ tự tạo lập mọi cái cho đời sống của mình, với cái vốn liếng mang theo từ đôi tay và khối óc, với một số ký ức về nguồn gốc một nền văn hóa cũ có thể khá mù mờ, ngoài ngôn ngữ là tiếng Việt mà họ đang dùng. Họ tự chiêm nghiệm một nếp sống tâm linh mới, và các ông đạo ra đời. Đó có thể là một số ít trí thức lạc lõng trong đám di dân, giữa hoàn cảnh hoàn toàn mới, tự suy ngẫm những nguyên tắc sống có đạo lý để giúp cho các cộng đồng mới mẻ ấy một nề nếp lành mạnh. Tôn giáo truyền thống của dân tộc là Phật Giáo cũng theo người di dân mà phát triển theo cung cách mới mẻ phi truyền thống.
Nguyễn Văn Sâm đã mở đầu cuốn sách bằng cuộc đi viếng chùa, và giáo lý đạo Phật lại được bàn đến trong một số truyện khác, như là nối dài của một truyền thống tâm linh của dân tộc, với giai đoạn mới mẻ nhất, là sự hình thành của miền Nam.
Hương Vị Đời là một câu chuyện tình. Tôi thích truyện này vì tính chất dễ thương của đôi trai gái miền quê, mối tình chớm nở khi họ vừa đến tuổi thiếu niên vào khoảng đầu thập niên 1950, nhưng lại tan vỡ khi người con gái bỏ nhà vào bưng theo kháng chiến chống Pháp. Với lối văn hồn nhiên một cách mộc mạc tác giả đã khiến chúng ta yêu thích mối tình ấy, buồn vì sự gãy đổ bất ngờ của nó, và chấm hết khi người thiếu niên năm nào đã thành một người già đi xe lăn, qua đời trong một nhà dưỡng lão tại Hoa Kỳ. Những yếu tố rất Nam kỳ từ mối tình chơn chất của đôi trẻ, từ khung cảnh sống đến ngôn ngữ đã được tác giả khắc sâu trong từng tình tiết, làm thành sức quyến rũ của truyện.
Truyện Ông Đạo Chuối cũng là một truyện chuyên chở nhiều tư tưởng Phật giáo. Cốt truyện từ thời Pháp thuộc, xảy ra trong dãy núi Thất Sơn, nhưng câu chuyện có màu sắc lịch sử ấy chỉ là cái khung để tác giả luận về chủ đề đạo Phật. Hình ảnh và tên gọi Ông Đạo Chuối vọng lại một cung cách tu hành của một thời đã xa trong vùng đất mới của Nam Kỳ, thời của những “Ông Đạo”, hình ảnh một tu sĩ độc lập không thuộc một hệ thống giáo hội nào, đóng vai trò hướng dẫn mối đạo cho một số quần chúng quanh họ.
Tác giả đã cho chúng ta chân dung của một Ông Đạo, hình ảnh độc đáo của một thời xưa:
‘Chuối xứ của sư phụ trồng được đất quá, coi ngon ớn. Đó chắc là thứ chuối danh tiếng của xứ nầy nên người ta mới kêu là chuối xứ, xứ Thất Sơn vùng mình.’
Chính Ông Đạo Chuối đã đính chính cách gọi “chuối xứ” của một đệ tử thành từ ngữ đúng là “chuối sứ”:
Ông Đạo Chuối mỉn cười thân thiện, nhẹ nhàng:
“Ờ… ờ… thì cây trái bông huê thơm ngon mới được quí chuộng. Xưa những thổ sản quí người Xiêm La đem cống sứ cho vua Đại Nam Quốc nên chúng ta ngày nay mới có chuối sứ, bông sứ. Nhiều khi người ta kêu rõ ràng hơn bằng chữ xiêm như chuối xiêm, dừa xiêm, mãng cầu xiêm, vịt xiêm, tre xiêm…… Nói chung, những thứ sứ, thứ xiêm mới có ở xứ ta chừng một trăm năm nay thôi. Hồi trước bà nội của sư nói những thứ đó rất quí, đã ít có mà lại ngon. Mà nói về chuối thì mé sau vườn sư trồng ối thôi đủ thứ: nào là chuối cau, chuối cơm, chuối lá trắng, chuối lá đen, chuối hột, chuối ngà, chuối và tiên, chuối mật, chuối và lùn, chuối sen, chuối nanh heo… chỉ có chuối nước là sư chưa kiếm được giống. Vùng Thất Sơn mình núi non, đá nhiều, ít sông rạch nên chuối nước rất hiếm”.
Có thể nói Nguyễn Văn Sâm là một nhà văn của tư tưởng. Đọc ông đôi khi chúng ta có cảm tưởng truyện chỉ là một cái cớ để trình bày một triết lý, một suy nghĩ mà ông cưu mang và muốn truyền lại cho chúng ta. Ngoài triết thuyết nhà Phật, ông có nhiều suy tư về cuộc sống, đặc biệt liên quan đến xã hội Việt Nam hiện tại. Truyện của ông không mang kỹ thuật của lối viết truyện ngắn thông thường, mà giống như là một số chương trích ra từ một truyện dài, trong đó có những đoạn luận thuyết về một tư tưởng nào đó. Nắm bắt được những tư tưởng ấy, người đọc sẽ thấy mình trở nên phong phú hơn, thâm trầm hơn.
Đọc truyện Hoa Nhân Sinh chẳng hạn, chúng ta không hiểu tình hình các nhân vật thật sự liên hệ với nhau như thế nào, nhưng người đọc được thưởng thức những đoạn triết luận để hiểu thế nào là Hoa Nhân Sinh, theo tác giả. Người mẹ suy nghĩ về nguyên tắc dạy dỗ con mình:
“Có lo ngại cho tương lai bé nếu bé sống bằng tâm hồn nhân thiện trong xã hội nầy thiệt tình nhưng còn hơn để nó vô cảm, suy nghĩ trên những lợi lộc cực gần trước mắt, nhỏ mọn đến bần tiện vốn là điều tôi cho rằng kéo giá trị con người xuống thấp hèn dầu cho giàu có, quyền thế tới bực nào”.
Hoặc lời giảng của vị sư:
“Ta hãy coi thế giới nầy như một khu vườn bao la vô cùng tận mà mỗi con người, mỗi con vật, mỗi gốc cây, hòn đá, thậm chí một cụm mây trời hay một cơn gió thổi đều là một đóa Hoa Nhân Sinh có ý thức. Tất cả đều sản xuất hoa trái cho đời cách nầy hay cách khác. Với thuận duyên thì hoa cho quả tốt, tạo nên con người lương thiện hoặc thú vật hiền từ. Nghịch duyên thì cho quả sâu, úng thúi, thiên tai gió bão hay sanh ra con người tật nguyền, ác độc, vô cảm, nghĩa là một cái trái, cái quả có hại cho hoa trái chung quanh, cho đời nói chung.”
Câu chuyện còn kéo dài, cho đến khi tác giả để lộ ý của mình về Hoa Nhân Sinh như một nhận xét lên án chế độ đang cai trị đất nước và con người Việt Nam hiện nay. Tôi có cảm tưởng cả câu chuyện này là cốt để dẫn tới một nhận định mà tác giả muốn gửi gắm một cách thâm tình đến người đọc:
“Còn tôi hợp ý với bài học mới vừa thủ đắc nên mang thêm một nỗi xót xa nặng nề khi nghĩ tới Hoa Nhân Sinh của xã hội hiện nay tạo được chẳng bao nhiêu hoa thơm quả đẹp nhưng hoa thúi, quả sâu được mùa nở rộ khiến cho miền địa đàng của ông cha tạo dựng bao năm nay đương trên đường sa đà, tuột dốc. Và mình thì cằn cỗi cái tâm do phản ứng vô cảm để được yên thân làm hóa mộc rồi hóa thạch từng ngày từng ngày một cái tâm trong sáng một thời của mình.”
Khán giả của Người Hát Rong vỗ tay khen ngợi nhiệt tình, chứng tỏ đất nước đã thoát nạn độc tài, nhưng những rơi rớt của chế độ cũ vẫn còn rất gần gũi với họ, đó là đảo Phú Quốc bấy giờ vẫn đang là một “đặc khu” của người Tàu. Vẫn còn cảnh “vượt biên” của người dân Phú Quốc chạy vào tị nạn trong đất liền…
***
Thông thường, những người theo con đường nghiên cứu, học thuật thì hầu như ít ai sáng tác văn chương. Trường hợp nhà văn Nguyễn Văn Sâm là rất hiếm hoi. Trước 1975 ông dạy tại các đại học miền Nam, viết các tác phẩm nghiên cứu về văn học. Chỉ sau khi qua Mỹ ông mới bắt đầu xuất bản sách truyện từ khoảng đầu thập niên 1980, và từ đó về sau chứng tỏ một năng lực sáng tác mạnh và đều đặn. Một số truyện của ông mang tính chất luận đề, điều đó không khó hiểu bởi vì ông là người nghiên cứu uyên thâm về nhiều vấn đề văn hóa. Dùng văn chương để chuyển tải triết lý là một nghệ thuật của riêng ông, truyện vẫn tươi tắn, tư tưởng vẫn được giới thiệu một cách đầy đủ và dễ hiểu.
Văn chương quốc ngữ bắt nguồn từ miền Nam từ giữa thế kỷ 19, đã được nuôi dưỡng và trưởng thành khắp nước trong thế kỷ 20. Nay tại hải ngoại, cây bút Nguyễn Văn Sâm đang tiếp tục phát triển truyền thống miền Nam ấy, theo đúng tuyên ngôn của Nguyễn Đình Chiểu từ gần hai trăm năm trước:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Little Saigon, 30 tháng Mười, 2020
Phạm Phú Minh
Liên lạc với tác giả [email protected] để nhận được sách có chữ ký.