Nguyễn An Bình – Nhà thơ của tình yêu và nỗi nhớ
Sáu tập thơ với hơn 500 bài thơ phổ nhạc – một con số kỷ lục của một người làm thơ được phổ nhạc bởi nhiều nhạc sĩ khác nhau, trong đó có người phổ nhiều như anh Mộc Thiêng, có người ít hơn như anh Huy Thọ hay Phan Bá Kiệt… Để có một cái nhìn đầy đủ về thơ Nguyễn An Bình chắc chúng ta phải có một công trình dài hơi và cần nhiều thời gian hơn. Trong bài viết này. chúng tôi chỉ có tham vọng khiêm tốn là đưa ra một lát cắt hay một cái nhìn lướt qua (a glimpse) dòng thơ Nguyễn An Bình để dừng lại ở một vài nhận định tổng quát.
Chúng ta hãy cùng nhau bước vào cõi thơ Nguyễn An Bình với tất cả sự trân trọng để khám phá xem Nguyễn An Bình đã duy trì và luôn giữ nguồn “thi hứng” ãnh liệt và tươi trẻ của mình như thế nào?
Chàng Peter Pan của thơ tình yêu
Peter Pan là một nhân vật của nhà văn James Matthew Barrie. Peter Pan mang hình hài của một thiếu niên biết bay, luôn muốn vui chơi và hưởng thụ cuộc sống, chính vì thế cậu luôn tìm cách không “già hóa” và mãi mãi thanh xuân. Nguyễn An Bình cũng có nét ấy.Tình yêu luôn tồn tại trong mọi bài thơ, luôn trẻ trung, luôn thao thức dù ở tuổi nào. Ta ngờ như tác giả vẫn “nuôi dưỡng” trong tâm hồn mình tình yêu ngày xưa ấy như chất liệu hay động cơ để viết thơ hôm nay hay là tình yêu ấy quá sâu lắng nên vẫn cứ lần khân ở lại cùng nhà thơ bất chấp năm tháng với tất cả cung bậc vui buồn:
Tôi ngẩn ngơ tìm cây hạnh phúc
Lang thang hoài hết tuổi thanh xuân
Mãi theo em, lên rừng xuống phố
Thưở yêu người ngậm ngải trầm luân
…
Chim, lạc núi đường bay thăm thẳm
Tiếng kêu buồn khắc khoải trong sương
Bóng em khuất trong đời lặng lẽ
Tôi thương người nước mắt rưng rưng.
(Phiến tình sầu cuối đông-2014)
Hãy thử so sánh hai bài thơ viết cách nhau gần 40 năm, chúng ta thấy dù có đi đâu hay làm gì, có trải qua bao nhiêu biến cố trong đời, tác giả khi khắc họa tình yêu luôn nồng nàn trong ký ức. Bài thơ anh viết năm 19 tuổi:
Cần Thơ có những ngày mưa bay
Là bóng em còn lại tháng ngày
Đường về chắc là buồn muôn thưở
Như cuộc đời này anh trắng tay
(Cần Thơ có những ngày mưa -1973)
Hay
Như nước xa nguồn sông Ngã bảy
Con tàu tách bến sẽ về đâu?
Như tình ta đã chia nhiều lối
Chờ đợi nhau cũng đến bạc đầu
(Dòng sông Ngã bảy -1973)
Và tâm tình ấy vẫn cứ thổn thức sau khi anh đi tròn một vòng hoa giáp đến 60 tuổi
Đời vẫn trôi hoài nước vẫn xuôi
Sông sâu bên lở nhớ bên bồi
Hạt nắng mùa xưa thành giọt lệ
Mất dấu tình sầu lệ vỡ thôi
(Hạt nắng mùa xưa – 2014)
Khi đang yêu năm 21 tuổi, anh viết
Lòng anh bão nhỏ
Một thưở yêu người
Tình xanh ai nhớ
E ấp môi cười
Cây như trốn gió
Trao em hoa đời
(Lòng anh bão nhỏ – 1975)
Và 40 năm sau anh viết tiếp bài thơ tình dang dở ấy
Nhỏ ơi nhỏ bốn mươi năm rồi đó
Cửa thời gian đóng mở thật vô tình…
… Thư của nhỏ nằm im trong ngăn tủ
Biết bao năm mực giấy đã phai mờ
Bông hoa tím ép nằm trong trang vở
Vẫn dịu dàng ôm ấp một vần thơ
(Bài cho nhỏ – 2013)
Phải chăng như ai đó nói nỗi cô đơn là bạn của nhà thơ hay những giấc mộng không thành là cội nguồn của thi ca và âm nhạc. Một mối tình dang dở phải chăng là thi hứng cho tác giả viết được những câu thơ như:
Em có còn nhớ anh
Như lá nhớ xa cành
Con sông dài nhớ biển
Chiếc thuyền nan nhớ bến
Dẫu lìa cội xa nguồn
Kiếp tằm còn tơ vương
(Phố mưa)
Em hóa thành ngọn gió
Gió chiều thổi qua sông
Tình tôi theo ngọn sóng
Sóng xô se thắt lòng
(Thu trên tay người)
Người tình ấy vẫn đi về trong thi ca hay tâm hồn nhà thơ để anh mãi hỏi câu hỏi ngày xưa một cách khéo léo, nhẹ nhàng
Xưa em chải tóc dưới trăng
Sợi thương rơi mất sợi buồn theo ai?
Để rồi giờ đây đáp số cho bài toán tình yêu ấy chỉ là:
Tóc thề một thưở hư hao
Em rưng mắt lệ cúi đầu xe qua
Thương em một giấc phù hoa
Hồn ta rong ruổi như là trăng phai
(Chút ngậm ngùi xưa- 2017)
Nhạc sĩ Vũ Thành An đã có lần hỏi người yêu “Này em hỡi/ Con đường em đi đó, Con đường em theo đó/ Đúng hay sao em?“ (Bài không tên cuối cùng) thì gần đây ông đã tự tìm câu trả lời “Này em hỡi con đường em đi đó/
Con đường em theo đó đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa/
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau“
(Bài không tên cuối cùng tiếp nối).
Nhưng Nguyễn An Bình thì không, dù người xưa giờ đây cũng đã chỉ còn trong mộng tưởng khi nỗi nhớ lãng đãng như mây trời, vậy đó mà dằn vặt, vậy đó mà thiết tha
Em giờ trong cõi sa mù
Tôi mang tình nhỏ thả thơ lên trời
Người quên tôi giữa cuộc chơi
Tôi quên người mất một đời bể dâu
(Tình nhỏ)
Những dòng thơ tình của Nguyễn An Bình cũng nằm trong dòng chảy những bài thơ tình ngày xưa, từ thời những tập san “Áo Trắng” hay “Mực Tím” hay xa hơn nữa là “Tuổi Ngọc” cùng “nòi tình “ như Nguyễn An Bình, chúng ta củng đã từng nghe những nhà thơ đương thời hay đàn anh của Nguyễn An Bình viết về nhữngkỷ niệm những hoài niệm một thời xa vắng. Có nhà thơ viết da diết tận cùng:
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Chim về góc biển. Bóng ra khơi
Lòng tôi lũng thấp tâm hiu quạnh
Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
(Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi – Du Tử Lê)
Có người mượt mà dịu dàng nhưng không kém phần chua xót:
Đêm biếc cành soan, thơm giấc mơ
Đầu hiên hoa trắng nở bao giờ
Em mười sáu tuổi trăng mười sáu
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa
Tôi dối lòng tôi đêm sắp tàn
Đêm tàn để lạnh giấc mơ em
Để bàn tay gối sầu trên ngực
Và gió thu đầy trong mắt trăng
(Khi em mười sáu – Trần Dạ Từ)
Có nhà thơ thì thầm thỏ thẻ kể lệ với người tình, “hăm dọa” đáng yêu:
Không có anh thì ai ve vuốt
Không có anh lấy ai cười trong mắt
Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong
Ai cầm tay mà dắt mùa xuân
Nghe đường máu run từng cành lộc biếc
(Cần thiết – Nguyên Sa)
Còn Nguyễn An Bình thì sao ở tuổi ấy, cũng mơ hồ lãng mạn một thuở yêu người:
yêu người một thưở trăng tan
tiếng chim vườn cũ người đành bỏ quên
lời thương chưa chớm môi hiền
yêu em nên để con tim dại khờ
để rồi hoa rụng chiều mưa
em trăng mười sáu tôi vừa tương tư
(2015)
Cái khác ở đây là Trần Dạ Từ viết bài thơ của mình năm 16 tuồi còn Nguyễn An Bình viết bài thơ về tuổi 16 khi đã 60 tuổi. Những rung động dường như vừa mới hôm qua. Những cảm xúc không trôi đi mà đọng lại, thời gian và không gian đặc quánh tình yêu vì khi yêu, người ta không có tuổi, mà chỉ có những rung động bao giờ cũng bồi hồi.
Tóc em thơm một rừng mai trắng
Chiều vàng nghiêng cánh nhớ mùa xưa
Hôn lên bờ vai em thắp nắng
Ngọt ngào hương cốm lá ngày mưa
(Tương tư tháng giêng)
Tuổi học trò với bao kỷ niệm, lưu luyến, e ấp, một chút bẽn lẽn, một chút hờn nhè nhẹ đủ để nhớ nhau
Gói ô mai giấu hoài trong chiếc cặp
Ai thèm ăn mà tôi lén để dành?
Mưa nặng hạt sợ người ta ướt áo
Sợ buồn vương làm bẩn gót chân son
(Còn lại chút mưa bay)
Mưa nắng hay thời tiết chỉ là cái cớ cho tác giả bộc bạch cảm xúc
Cảm ơn mưa nắng Sài Gòn
Cảm ơn em giữ được hồn phố xưa
(Sài Gòn một thời để nhớ – 2013)
Bởi lẽ người yêu luôn tìm thấy nhau mọi nơi mọi lúc như bài hát Phạm Duy
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ.
(Tìm nhau)
Thế nên chúng ta nghe Nguyễn An Bình băn khoăn trước sức mạnh thời gian, liệu có là cơn gió xóa mờ dĩ vãng không?
Cõi xưa hiên đời mưa nắng
Thời gian vai áo bạc màu
Hẹn hò một thời xa vắng
Biết còn nhớ để tìm nhau
(Còn mãi tìm nhau)
Nhưng tác giả vững tin vào năng lực mầu nhiệm của yêu thương vì nó luôn làm mới như Shakespeare từng viết
… Love is not love, which alters when it alteration finds…
Love is not Time’s fool…
Love alters not with his brief hours and weeks…
(Sonnet 116)
(Tình yêu sẽ chẳng phải tình yêu nếu nó thay đổi theo dòng đời, nghĩ là bị xói mòn theo năm tháng, nên chẳng phải tên hề của thời gian).
Và Nguyễn An Bình cho rằng phẩm tính tình yêu là bền bỉ và “kiên trinh“
Tình tôi màu giấy mới
Xanh bao mùa quả thơm
Tinh khôi từng nét chữ
Giấu bao điều ẩn hương…
Em bên bờ nhật nguyệt
Cánh chuồn khuất mưa sương
Tình vẫn thơm giấy mới
Một thưở chưa biết buồn
(Tình thơm màu giấy mới)
Vì quá khứ vẫn là khoảng thời gian ta sống và ta nhớ như Henry Miller nói “Sứ mệnh con người trên mặt đất này là nhớ” nên Nguyễn An Bình nhìn dòng sông trôi đi như thời gian gợi lên dư âm ngày tháng cũ
Ngồi lại bên cầu khua bao dòng nhớ
Con cá ngày về ngược nước mù tăm
Thương hạt phù sa ngàn năm vẫn đợi
Sao sóng trong lòng đợi mãi dư âm
Ta nghe có chút gì âm hưởng Hoài Khanh
Rồi em lại ra đi như đã đến
Giòng sông kia nước vẫn chảy sa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
(Ngồi lại bên cầu – Hoài Khanh)
Ngoài tình yêu đôi lứa, Nguyễn An Bình còn dành cho mẹ, cho quê hương, cho trường cũ tình yêu và nỗi nhớ cũng nồng nàn không kém
Sông dài đỗ mãi khơi xa
Tình yêu mẹ chảy lời ca dao buồn
Tóc người gột cả khói sương
Mẹ thành mây trắng suối nguồn trong tôi
(Mây trắng trong giấc mơ tôi)
Mười năm bóng người qua thềm cũ
Bạn đã xa tình cũng rất xa
Cuối năm uống rượu tìm hơi ấm
Mắt chợt cay theo khói quê nhà
(Mười năm bóng người qua thềm cũ – 2014)
Về qua trường cũ, nhà giáo, ông hiệu trưởng Nguyễn An Bình tự hỏi
Về đâu trong sương một tà áo mỏng
Nghe tím hoàng hôn nỗi nhớ vơi dầy
Cuối dãy hành lang âm thầm đưa tiễn
Chợt giật mình thấy tóc đã như mây
(Về lại mái trường xưa – 2015)
Rất nhiều nơi chốn đã đi qua tác giả còn ghi lại
Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử
Để biết mình còn có một quê hương
(Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử – 2014)…
Câu hò ngày ấy giờ đâu
Còn đau đáu nhớ chân cầu Hiền Lương
…
Mười năm mới về qua Vàm Cống
Mười năm ờ nhỉ chắc lâu hơn
Mười năm đời chỉ là giấc mộng
Muời năm sông cạn – núi cũng mòn.
- Nhạc tính trong thơ Nguyễn An Bình
Thơ Nguyễn An Bình giàu nhạc tính, những bài thơ của anh, vần điệu du dương, dễ gợi ý hay nhạc hứng trong lòng các nhạc sĩ, từ thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ…
Em tươi non như ngàn lá
Môi hồng thơm cánh lưu ly
Về ngang nhà thờ ngày nọ
Chuông mơ còn dấu tình si
(Mùa thu xuống phố)
Chúng ta đọc tiếp
Về đâu sông ơi
Sao đi mải miết
Đưa người xa người
Tháng năm biền biệt
(Về đâu sông ơi)
Bay về đâu nỗi nhớ
Cánh điệp vàng vừa rơi
Chia tay mùa hạ cuối
Có tình đầu của tôi
(Cánh diệp vàng)
… đến thơ tám chữ
Nghe ai hát bản tình ca say đắm
Khúc boléro chiều mượn chút men cay
Tôi và em tình một thời lận đận
Lan huệ thương hoài một sợi tóc mai
(Khúc tình sầu boléro)
- Thơ Nguyễn An Bình mang màu sắc tiền hiện đại và một chút hiện đại
Thủ pháp của anh phần lớn 90% là thơ có vần, thoảng hoặc có một hay hai bài tự do cũng mang đầy nhạc tính
Có lẽ nào chúng ta không còn nhớ được mặt nhau
Khi bao mùa lá sầu đông vẫn rơi hoài lặng lẽ
Đàn dơi ăn đêm đập cánh bay chỉ chao nghiêng rất khẽ
Cũng đủ làm giật mình những chú sóc nhỏ giữa khuya…
Chiều mênh mông mênh mông núi lạnh trắng mây ngàn
Đời cũng đành trôi xuôi lẻ loi như những cành củi mục
Nghe hơi thở mong manh tan trong làn sương mờ đục
Bay giữa đông người chợt hiểu thế nào là trái tim đau…
(Màu nắng cũ)
Ba hệ hình tiền hiện đại (THĐ), hiện đại (HĐ) và hậu hiện đại (HHĐ) biểu hiện từng đặc trưng thể loại, có sự đồng tồn của cả ba hệ hình trong văn chương Việt Nam. Thơ Nguyễn An Bình thuộc hệ hình tiền hiện đại. “Ở thơ thì cốt lõi là ngôn ngữ, mà cốt lõi của ngôn ngữ là quan hệ giữa chữ và nghĩa, nên ba hệ hình tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại của thơ là chữ – nghĩa (từ nghĩa đến chữ);
chữ-nghĩa (từ chữ đến nghĩa) và chữ = nghĩa (chữ nghĩa tương tác)“ (Đỗ Lai Thúy – Sống trải lý thuyết và lý thuyết hệ hình của tôi, trích trong Những cạnh khía của lịch sử văn học -2016).
Với tiêu chí nghĩa – chữ tức nghĩa/ ý tưởng có trước mới tìm chữ/ câu/ văn bản để thể hiện nó. Thơ Mới là đỉnh cao của tiến trình phát triển thơ THĐ còn thơ tự do là tiêu biểu cho thơ hiện đại với những cách tân của Thanh Tâm Tuyền.
Chúng ta biết mục tiêu của mỗi hệ hình là khác nhau: Mỹ học của cái Đẹp (tiền HĐ) Mỹ học của Siêu tuyệt (HĐ) và Mỹ học của cái Khác (HHĐ). Cái Đẹp ấy Nguyễn An Bình đã đi tìm gần trọn đời mình và anh đã may mắn nhận được sự đồng cảm của thời đại vì thơ anh đăng báo nào cũng được, trong nước hay hải ngoại, nó hiền lành như chính con người anh chỉ đau đáu một tình yêu long lanh như hạt sương đầu đời nhưng cái hay là anh còn giữ sự rung động đến bây giờ vì trong “ký ức long đong” ấy vẫn còn “một thưở biết buồn” giúp anh làm nguồn lực viết thành thơ. Hãy đi vào cõi thơ giàu nhạc tính ấy và nghe những bài thơ anh được hát lên.
Em mang đi giấc mơ thời trai trẻ
Ta mãi tìm trong ký ức long đong
Gió lênh đênh như chưa từng biết nhớ
Đời xanh rêu chạm một thưở biết buồn
Khi nhìn lại mình, dù “đời đã xanh rêu” (Trịnh Công Sơn) vẫn cố tìm trong đó chút nắng còn sót lại từ ngày xưa, chút tình trong sương khói thời gian chỉ thấy mình như bóng nhạn trên sông. Nguyễn An Bình chỉ ngậm ngùi
Ngôi nhà cũ không còn ai về nữa
Người tìm nhau như cánh nhạn phiêu bồng
Ta chỉ thấy bóng chiều rơi hấp hối
Khói quê nhà cay mắt gởi bên sông
(Thương sợi khói quê nhà)
Và anh lại tiếp tục làm thơ vì như anh nói
Hẹn hò một thời xa vắng
Biết còn nhớ để tìm nhau
Là anh đang rất nhớ dù có tìm nhau hay không. Chúng ta lại có cơ hội đọc những vần thơ mới của Nguyễn An Bình. Mong thay!
Nguyên Cẩn
Hi Hi! Lại được lên sóng ở Tống Phước Hiệp nữa kia. Cám ơn những người bạn TPH thân thương nhé.