CHUYỆN CỦA MỘT NHÀ THƠ

Ngày đăng: 15/08/2020 11:39:12 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Hồi đi học hắn viết văn dở lắm, được cái là ham đọc thơ văn nhiều, năm 1968 nhờ biến cố Mậu Thân nhà trường cho nghỉ dài hạn, hắn thuê truyện kiếm hiệp, truyện Quỳnh Dao về đọc, nhờ vậy mà trình độ văn có lên được tí nhưng ảnh hưởng sắt máu và tình cảm ướt át. Lớn lên, hắn yêu cô giáo dạy Anh Văn nên bày đặt làm thơ tỏ tình, trong những năm yêu đương ấy, hắn sáng tác được cả trăm bài, đa số đều là văn vần, còn bài nào nghe được thì là nhặt của người này hai câu, nhà thơ kia ba câu vậy mà người tình của hắn cũng mê mệt.

Anh thoáng mơ hồ trong khoảnh khắc

Thấy em đi rồi chợt mất giữa đường hoa

Ngày đã lỡ                                

Chiều không hẹn em ở quán 

Hay ở một bài khác

Ta chẳng đợi nhau

Sao mở máy

Những dòng tin nhảy múa

Đời sắp hết

Có gì đâu em nhỉ

Tình cho nhau xin vĩnh tận ngàn sau

(nhại thơ DTV)

Về sau tài làm thơ của hắn đổ bể, nàng đi lấy chồng, hắn đau khổ cả năm trời mới đi cưới vợ. Giờ thì con trai đầu của hắn cũng đã 34 tuổi, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật.

Là trưởng xưởng một công ty, có khi hắn cũng nhậu lai rai với bè bạn , lấy thơ tình tán em ngày xưa ra đọc , cả đám vổ tay khen thưởng vô vô, đầu óc hắn bắt đầu lên mây. Trong nhóm bạn có thằng Ất làm thợ xắp chữ bên nhà in, có ông anh làm dịch vụ xuất bản sách. Ất nói, thơ của ông hay lắm, nên in một tập đi. Hắn làm thơ dỡ nhưng cũng biết thơ mình hay cở nào nên khiêm nhường nói, thơ tao chưa “chín” lắm, có một số bài còn vay mượn của các nhà thơ. Ất nói, nhằm nhò gì chuyện đó, có người đạo văn còn vô Hội Nhà văn được kia, ông mượn một hai câu ai mà biết. Tôi bảo đảm tập thơ của ông in xong là nổi tiếng trong làng ngay. Việc này ông để tui.

Thế rồi hắn về nhà gom hết 108 bài thơ trong năm năm tình lận đận đưa hết cho bạn, đặt tên cho nó là hơ tình Vạn Niên.  Ất chạy đưa cho ông anh xin giấy phép. Từ lúc đưa bản thảo cho Ất , thay vì nhà thơ khác hối thúc thì hắn vái trời cho lâu có phép, bởi tiền dành dụm mới có được mươi triệu, mà anh của Ất đòi hai mươi ba triệu đồng, phải đi vay mượn các chiến hữu và xin thằng con trai tài trợ cho phân nửa.

Ngày tác phẩm in xong, hắn giao tiền đủ cho Ất, hai đứa vô nhà in lấy sách chỡ về nhà, mùi mực in và giấy làm cho hắn ngây ngất, đang khi dịch bệnh mọi người phải mang khẩu trang mà hắn cứ tháo ra để ngưởi lấy mùi mực in. Ở nhà hắn, lúc này các chiến hữu đã tới chúc mừng. Ban sáng hắn đã nhờ vợ ra đường Tạ Uyên mua con vịt quay, con to nhất và còn nóng hổi. Thằng Tám, thằng Bảy ( kêu vậy cho thân mật, chứ anh nào cũng có bút danh ) xin hắn một tập thơ , hắn khui thùng ra định lấy bút đề tặng nhưng thằng Ất đã ngăn lại. Sách mới chưa ra mắt mà tặng gì mấy cha, phải có buổi ra mắt hoành tráng tại Đường Sách cái đã. Ất quay sang hỏi hắn, ông đã đi khắc mộc chưa? Hắn nhớ lại , bạn bè, tiền bối của hắn những người làm thơ trước, ai cũng đều có cái mộc vuông, không –  cái triện đỏ chói đóng vào trang kế bìa, sau khi ký tặng. Hắn lớn tuổi rồi, nhà thơ lão thành đâu phải con nít mới tập tành làm thơ mà không có cái triện đỏ !

Ất nói với hắn, sáng ông ra đường Lương Hữu Khánh, quận 1 với tôi, đặt biếu ông cái mộc. Thằng Tám tỏ vể hiểu biết hơn nói, các kiot đó chỉ khắc dấu cơ quan, tên họ giám đốc, trưởng phòng, chứ không biết làm mộc cho nhà thơ, nhà văn đâu ! Hắn hỏi, vậy theo anh Tám thì ở đâu làm?

Tám uống một ngụm bia rồi nói nhỏ ra vẻ quan trọng, ông vô Chợ Lớn, đường Phùng Hưng, quận 5, tôi có quen với lão nghệ nhân này làm cho. Tên ông chữ Hán, chữ Nôm lão đó khắc được hết. Hồi năm rồi, tôi bảo lão khắc chữ thảo, anh Bảy biểu khắc “cổ tự”  đi , trông sang hơn, lão này còn bày cho tôi mộc chữ “âm dương” nữa kìa. Mấy anh có thấy mộc của tui không, bên trắng chữ đỏ, bên đỏ chữ trắng, độc chưa?

Hắn nghe qua, khoái quá, ngày mai phải đi làm gấp để tuần sau, rằm tháng bảy ra mắt tại quán Bạch Tuyết. Uống xong nửa thùng, tay Thuấn , bạn ở Long Xuyên lên, đề nghị cho xem trước tập thơ để còn phát hiện sai sót thì sửa , khi phát hành ra rồi thì muốn sửa cũng không được. Tập thơ dày 150 trang, trong đó  ngoài trừ các bài thơ tình cho em, có sáu bài thơ nịnh vợ, bốn tranh phụ bản vẽ bằng chì sáp của cháu nội vẽ tặng hắn nhân sinh nhật hắn năm rồi. Mấy bức tranh của cháu nội được khen trong

trường mẫu giáo, đưa vô thơ cũng được, không đưa cũng không sao nhưng ngặt nổi cha của họa sỹ nhí tài trợ tám triệu đồng mà không đưa vô thì không khí gia đình không vui vẻ !

Dù muốn hay không, các thân hữu cũng muốn có tác phẩm mới đem về, hắn bắt đầu lấy bút lông ký tặng, ai chờ có triện đầy đủ thì chờ vài hôm nữa. Bạn bè thân thiết , nhậu với nhau hàng tuần nhưng bây giờ viết gì trong tập thơ, hắn đâm ra bối rối. Lúc trước đi nhà sách, thấy cuốn nào hay mua về tặng bạn đề Thân tặng Tám nhân dịp đầu xuân. Bây giờ hắn là nhà thơ rồi, cũng là sách tặng nhưng sách của mình phải để đúng điệu tác giả : Bản dành cho Tám.  Vợ hắn ngồi kế bên lườm hắn, hắn vội vả lấy một cuốn nắn nót : Trìu mến gửi cho hiền nội Nguyễn Thị Mọng Dừa.

Buổi nhậu mừng tập thơ mới, sẳn dịp có mặt thi hữu họp bàn kế hoạch ra mắt sách. Ất liên hệ quán cà phê, lo ban nhạc  cùng nghệ sĩ ngâm thơ, thi sĩ Rạch Miễu Kiều đọc bài giới thiệu thân thế sự nghiệp tác giả và bút pháp mới của nhà thơ trẻ (dù hắn đã hơn 60 tuổi)

Không biết nghi thức ra mắt thơ này hắn cốp của ai , mà ngày ra mắt rằm tháng bảy trên sân khấu có cái thùng inox đốt vàng mã, mọi người cứ tưởng hắn cúng trả lễ các vong linh đã xúi giục khiến hắn làm thơ.

Nào ngờ, sau khi nhà thơ Rạch Miễu Kiều giới thiệu tác phẩm xong là hắn tuyên bố , tập thơ này đã in 1.000 bản, trong đó có 50 bản tặng thân hữu và người thân đánh số từ 01 TTVN đến 50 TTVN (Thơ Tình Vạn Niên). Quyển 01 ký tặng thi hào Nguyễn Du, quyển số 02 tặng thy sỹ Cao Bá Quát, người có hai bồ chữ trong thiên hạ.

Tuyên bố xong, hắn khấn như chủ tế cúng thần trong các dịp lễ trong đình, lấy hai quyển thơ đó đốt trong thùng inox để cho khói bay lên trời, giống như người ta đốt vàng mã gửi người cõi âm. Những quyển còn lại, hắn đã ký sẳn và đóng mộc sẳn, người nào nhận thì tự đề tên mình vào, ai nấy đều vui vẻ.

Xong buổi ra mắt sách, có người tiết lộ, nhìn lại, cả khán phòng chỉ có hai người biết làm thơ được gọi là thi sỹ, còn lại đều là công nhân lao động yêu mến thơ, đi dự lần đầu nên ít ai dám cười.

Lương Minh

Có 1 bình luận về CHUYỆN CỦA MỘT NHÀ THƠ

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bài hay ha, thực hư ảo diệu.

     

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác