HÃY GIỮ LẤY “DUYÊN ĐỜI ” CAO ĐẸP
Hôm sinh nhật trang nhà lần thứ 8, tôi gặp nhà văn Thúy Kiều tác giả tập truyện ngắn Duyên Đời, xuất bản quý 2/2020. Chị gặp anh chị em trang nhà và ngỏ ý muốn giới thiệu đến chúng ta, những đọc giả khác tỉnh nhưng ở gần bên. Đây là bài viết của nhà văn Lê Xuân viết về tập truyện ngắn này.(LM)
Nhà văn M. Gorky (người Nga) có nói: “Văn học là nhân học” thì định nghĩa này rất đúng với cô giáo Thúy Kiều. “Duyên đời” là tập truyện thứ hai của cô, sau tập “Những chuyến đò”. Cả 12 truyện của “Duyên đời” như hơi thở, như một mảnh đời của tác giả được ẩn giấu qua các nhân vật và hình tượng nghệ thuật chủ yếu viết về đề tài giáo dục. Tất cả đều thấm đẫm tình đời, tình người với những niềm vui và nỗi buồn của người giáo viên. Mỗi truyện ngắn ở đây là một lát cắt của đời sống rất chân thực của con người mà cô đã chiêm nghiệm, nó ánh lên vẻ đẹp nhân văn cao cả. Bởi văn chương của cô “không phải là ánh trăng lừa dối”, không phải là những “kiểu mẫu có sẵn”, mà cô luôn khơi nguồn chưa ai khơi và sang tạo những gì chưa có” như nhà văn Nam Cao đã dạy.
Thúy Kiều, Diệu Thanh là những bút danh của cây viết nữ Phạm Thị Thúy Kiều. Cô là hội viên hội nhà văn Cần Thơ và hội viên Câu lạc bộ Thơ Đường luật Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ. Cô đã thử sức viết của mình ở nhiều thể loại: thơ, ký, tản văn, truyện ngắn, ca cổ… nhưng thành công hơn cả vẫn là truyện ngắn. Cô có nhiều tài vặt hơn cả nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du. Là giáo viên dạy giỏi là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền của ngành giáo dục Cần Thơ. Cô còn là “kiện tướng” cờ vua, cờ tướng, đua xe đạp nữ, nấu ăn… đã đọat nhiều giải thưởng.
Với cô tình yêu môn văn chương nói chung và nghề dạy văn nói riêng luôn là niềm đam mê. Tình yêu ấy ngấm vào cô từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Và tới đâu cô cũng gặp được những người bạn tốt giúp đỡ khi phải đối mặt với những phiền toái trên dòng đời xuôi ngược.
Với truyện “Duyên đời”– truyện được đặt tên cho tập sách, in dấu ấn bút pháp của tác giả rõ nét. Với lối kể tâm tình, không kịch tính gay cấn mà tác giả vẽ nên bức tranh về số phận người quét rác rất đáng thương và đáng kính. Nhân vật chính là chị Ba – một phụ nữ đảm đang, là tổ trưởng mấy chị em quét rác. Chị chẳng may mắc bệnh phong (một trong tứ chứng nan y thời xưa: phong, lao, cổ, lậu), luôn bị người đời coi khinh, tránh xa. Chị bị chồng bỏ, đã xin gia đình ra ở riêng để tự cách ly, và hành nghề quét rác, là nhân viên của công trình đô thị- “cái nghề mà đi ra khỏi nhà lúc mặt trời lặn và trở về lúc mặt trời chưa mọc”. Song, chị rất lạc quan và có niềm tin: “Trời càng về khuya. Mọi người đã đắm chìm trong giấc ngủ say. Chị khe khẽ đọc bài thơ “Tiếng chổi tre” của Tố Hữu, bài thơ đã đưa chị gắn bó với nghề này”. Người phụ nữ tội nghiệp này sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ. Chị có một phòng trọ chỉ cho nữ ở thôi với giá rất rẻ cho vui, nhưng với cậu sinh viên khoa văn nghèo – tên Dũng, rất tốt bụng, chạy thêm honđa ôm, đáng tuổi em chị, thì chị phá lệ cho ở, mặc cho người ngoài dị nghị. Chị và Dũng có những sở thích trùng hợp, thích nghe nhạc Trịnh, hay hát karaoke, và lai rai. Chị âm thầm cảm thấy vui như tìm được một nửa của mình. Và cái gì đến cũng đã đến sau một cuộc nhậu: “Chị không nhớ đã ngã vào người Dũng từ lúc nào. Trong mơ màng chị chỉ ghi nhớ cái cảm giác của mười mấy năm về trước, khi mà chị ở nhà người yêu trong một đêm chỉ có hai người”. Và những trăn trở với niềm vui thầm kín: “Chị băn khoăn hình dung lại sự tiếp nhận của Dũng đối với thân thể chị trong cái đêm không quên kia. Cái đêm mà chị đặt tên là: Thiên đường và địa ngục”. Thúy Kiều viết về sex nhẹ nhàng như thế đó. Người đọc ngỡ ngàng bởi cách dẫn dắt chi tiết hình ảnh rất hợp tâm lý nhân vật. Nhân vật Dũng chết vì bệnh hở van tim hai lá và đã tình nguyện hiến xác cho y học, để lại lá thư “tuyệt mệnh” cho chị. Dũng đến và đi như một giấc mơ qua cuộc đời chị. Truyện kết thúc với tâm niệm: Mong sao thế gian này có nhiều tấm lòng rộng mở, mong sao cái xấu sẽ lui vào bóng tối, mong sao những rác rưởi trên thế gian này ngày càng vơi đi… Và điệp khúc “Tiếng chổi tre” cuối truyện lại vang lên như một lời tâm niệm thúc giục trong lòng chị – một con người bất hạnh nhưng không bị bão tố cuộc đời quật ngã. Tác giả luôn tìm được cái nhìn lạc quan và tiếng cười trong trẻo trong quá trình xây dựng nhân vật. Vì thế truyện rất đậm tính nhân văn cao đẹp.
Với năng khiếu về văn chương, và cuộc sống nhiều trãi nghiệm, những câu chuyện Thúy Kiều giãi bày rất chân thực được chắp cánh bởi ngôn từ, hình ảnh và giọng điệu riêng, đã trở thành những truyện ngắn mà theo tôi bước đầu là thành công. Người đọc có cảm giác như tác giả không cố ý làm văn chương mà chỉ thủ thỉ độc thoại nội tâm những điều đã ám vào cuộc đời mình. Tác giả đã hóa thân vào mỗi nhân vật để chia sớt những vui buồn của cuộc đời họ, và kết thúc ở mỗi truyện đều có hậu. Ở các truyện “Đông ấm”, “Cát bụi”, “Phải chi”, “Gia sư”, “Tình thơ”, “Viên phấn”, cô đều khắc họa được những nhân vật có cá tính rất đáng yêu, như: Dậu, Hận, Tý Đen, Tuấn, Loan, Ông Hai, cô Tư, cô Chủ nhiệm lớp, Bình Mập, bà Hai Ngọng, Út Tài, Tân, Lan, Thanh… Riêng truyện ngắn “Phải chi” và “Viên phấn” xem như lời tự bạch của cô về sự nghiệp “trồng người”: “Chủ nhiệm giống như người mẹ quản lý một bầy con, phải quan tâm đứa này, phải chăm sóc đứa kia, phải kịp thời phê bình, tuyên dương để nhắc nhở động viên. Chủ nhiệm lớp như vị “quan tòa” giải quyết những việc thưa gởi vặt vãnh, của đám học trò “già con nít, non người lớn” kia”.
Có những khi cuộc đời không lối thoát, nhân vật Thanh trong truyện ngắn “Hướng dương” sau khi ra tù đã làm lại cuộc đời. Song, điều đáng quý là phần lớn nhân vật của Thúy Kiều luôn vượt lên bĩ cực để giữ cho mình tấm lòng nhân hậu. Đó là cái nhìn rất vị tha của tác giả đối với những kiếp người bần cùng của xã hội. Cô thương cảm và đau nỗi đau của của những kiếp người bất hạnh ấy. Qua đó giáo dục các em học sinh bài học thật thà, biết vượt lên nghèo khó, trong hoàn cảnh nào cũng cần phải “đói cho sạch, rách cho thơm”. Một triết lý sống đẹp, yêu đời giúp ta đứng dậy nhìn về tương lai:
Giữa những ồn ào phố thị của thời hội nhập, đọc những truyện ngắn của Thúy Kiều ta được sống lại với những con người, những mảnh đời còn nhiều khó khăn, trăn trở, và những niềm vui khi xã hội đã sang trang mới với tiếng cười lạc quan hơn. Những mặt đối lập giữa dòng đời không bao giờ dứt, nhưng ta tin rằng cái cao cả, thiện lương luôn chiến thắng cái xấu, cái ác. Cô đã tuân theo quy luật “Cái đẹp là sự giản dị” nhưng có nghệ thuật. Và những truyện ngắn của cô luôn góp phần giáo dục con người nói chung và học sinh nói riêng vươn tới “cái thật và cái đẹp của những hình tượng nghệ thuật” ” (Séc-nư-sep-ky).
Bằng lối văn đôn hậu trong giọng kể và từ ngữ chọn lọc đậm chất Nam Bộ, tác giả đã để lại trong tâm trí người đọc những những nhân vật, những cảnh sắc thiên nhiên đầy ấn tượng. Với những thành công ở tập truyện ngắn này, tôi tin rằng Thúy Kiều sẽ tiến xa hơn, thành công hơn ở những tập tiếp theo. Xin trận trọng giới thiệu cùng bạn đọc “đứa con tinh thần” của Thúy Kiều – “Duyên đời”, sẽ rất có duyên với bạn đọc, và nhất là với những ai trong ngành giáo dục./.
LÊ XUÂN
Hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam