GIA HÁT CHO ĐỜI XANH KHÁT KHAO
Mỗi nhà thơ kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về chuyến phiêu lưu của cõi tinh thần. Thơ Thi Gia là những câu chuyện thầm thì không kết thúc trong trái tim một người nữ sẵn yêu và sẵn thơ:
Gia ơi, chừ em hát
Lời ngọt lành như mưa
Gia ơi, chừ em khóc
Thương ngày mình xuân xưa
(Gia ơi, đời xanh đấy!)
Chỉ là một câu chuyện dài về nỗi niềm xanh tươi của tuổi xanh tươi. Có mấy ai nuôi được màu xanh ấy, trong chính mình và trong cách nhìn đời. Bởi vậy, Thi Gia mới tự nhắc mình, rằng đời xanh đấy! Như chúng ta thầm nhắc nhau bằng câu hỏi: Đời vẫn xanh ư?…
Đời xanh, không phải vì đời rất vui, mà vì đời rất đáng sống!
Trong “cõi xanh” của Thi Gia, chúng ta đọc thấy một nguồn cảm hứng đầy đặn về tình ruột thịt, tình nhân gian, về tình ân ái, tình đa đoan… Mỗi bài thơ là một thiên truyện tí hon nhưng đầy sức gợi về nỗi phập phồng và hân hoan của con người trước những vui buồn, tai ương và hạnh phúc.
Nhà thơ chọn cho mình một giọng riêng ở mỗi thứ tình.
Trong tình máu mủ ruột rà, thơ Gia bình lặng và giản dị với điểm nhìn thơ dại về gia đình, về quê hương cố lý. Đó là nỗi ngơ ngác chân thành: “Đỏ mắt con tìm một câu chúc miền Trung” trong buổi sinh nhật xa quê (Tiếng quê), là lời mời tự nhiên “như không” mà rất thiết tha: “Quê mình đây nè bạn – Bữa mô buồn ghé chơi – Nắng hè trong leo lẻo – Biển còn xanh hơn trời” (Biết răng chừ quê ơi), là kỷ niệm dịu dàng sâu lắng về ánh mắt cha ngày con gái lấy chồng: “Vào nhà đi cha ơi thôi đừng đợi nữa! – Con gái cha đã lớn mất rồi – Đã biết… sống trên đời ai cũng phải có đôi” (Con gái theo chồng), là khúc tiêu dao ám ảnh dành cho kẻ tha phương:
Ta ra đi hề
giữa bốn bề gió lộng
Nhưng trái tim ta hề
đã ở lại quê hương
(…)
Quê cha đất mẹ
ai ra đi mà không nhớ không thương?
Ta ra đi mà mong quay trở lại
Về với mẹ ta, cha ta, Tam Kỳ ta, Quảng Nam ta hề
Quê ơi, quê ơi!
Lũy thừa nỗi nhớ
Dâng lên ngập trời!
Bài thơ Khúc ly quê được viết từ hơn mười năm trước đã bồi đắp cho thơ Gia một tâm tình nồng nàn có chút sang trọng cổ xưa. Thơ hiện đại mà có pha lẫn giọng tiêu dao tráng chí, âm vang lạ của loại ca ngâm vốn chỉ dành cho các bậc thượng căn.
Hoài vọng đất quê làm nền cho Thi Gia viết những vần thơ cảm động về mẹ cha. Bản tính hồn nhiên trong thơ Gia là một vũ khí “đắc địa” khi chạm đến tình mẫu tử, tình phụ tử:
Nghỉ tay thôi cha ơi
quấn điếu thuốc rê mà phì phà
đốt lên niềm vui từ những hàng mạ non xanh tít tắp
phì phà cơm no áo ấm
từ những vết chai
từ đôi mắt đăm đắm suy tư trong chiều
chứa đầy mẹ
chứa đầy con
chứa đầy những nỗi lo toan nhọc nhằn, những buồn vui hạnh phúc
Tuổi cha tôi như cây lúa chín vàng
Rồi sẽ như rơm rạ
Một chiều đốt đồng khói mịt mù bay
cay xè con mắt
Có đủ vô tư để đợi tuổi về không cha ơi?
Cuốc cày chi nữa cha ơi
ngồi xuống đây mà nhâm nhi cùng con ly rượu
Uống cho tuổi cha như ngọn lúa chín vàng
trĩu hạt đòng đòng bên đám mạ xanh non.
(Tuổi cha tôi như cây lúa chín vàng)
Hình ảnh “chứa đầy mẹ”, “chứa đầy con” là sáng tạo bất ngờ, làm nhoà đi bao nhiêu ranh giới tinh tế thường vẫn có trong mỗi gia đình. Ở đó, Thi Gia chia sẻ cho chúng ta một cảm nhận rất “thật thà”:
Em chẳng có gì ngoài thân thể mẹ cho
Thanh xuân trả dần cho năm tháng
(Chẳng có gì ngoài chính em thôi)
hay những lời tình tự về nỗi đau “nguyên bản” của đời người phụ nữ:
Mẹ!
Con đau khi rời mẹ
Và đau khi con làm mẹ con mình
(…)
Đau lần nữa, đau thêm ngàn lần nữa
Từ những cơn đau mà hóa phận người
(Từ những cơn đau mà hóa phận người)
Nỗi đau không thể là điều cắn xé chúng ta mãi được. Tấm lòng trong xanh sẽ làm nguôi những buồn đau trĩu nặng. Người bà trong thơ Gia khiến ta nghĩ như thế:
Bà nuôi cha tôi bằng những sớm sương dày
Bà gánh cả mảnh vườn xanh chân trần ra chợ bán
Từ đôi tay bà bó rau như xanh hơn
Cùng những bí bầu nuôi cha tôi lớn khôn
(Bà mãi còn trong giấc ngủ của đêm)
Tôi thích hình ảnh người bà gánh cả mảnh vườn xanh trên đôi chân trần. Hình ảnh đó nửa rất thực, nửa như là một ẩn dụ nao lòng về sức xuân mạnh mẽ trong cơ thể người nữ. Nó bất ngờ đạt tới một sự lấp lánh trong sự trộn lẫn giữa nét tươi giòn háo hức với sự tiếc nuối xa xăm. Chủ đề bài thơ rất quen thuộc, nhưng cách viết của Thi Gia tạo ra một hiệu ứng mới.
Thế giới của tình thân ruột rà trong thơ Gia còn mở ra những tứ thơ gây xúc động thực sự:
Con trai tắm cho cha
Tắm cho người đàn ông đã từng công kênh mình trên đôi vai
Bế bồng mình trên đôi tay… to bè, vạm vỡ
Đón mình vào nhân gian khi còn đỏ hỏn
Tắm cho người đàn ông năm xưa đã tắm cho mình
(Tắm gội cho cha)
Tình máu mủ và tình nhân gian dường như được gắn kết bằng hình tượng những em bé. Viết về em bé là biệt tài của Thi Gia. Cũng không có gì lạ, đó là một hồn thơ quá đỗi vô tư.
Lời ru của Gia có màu sắc riêng, dù đã được kết trộn với nhiều tầng cảm xúc từ dân ca người Việt.
Bé bỏng trên tay mẹ ơi
Em ngủ ngoan như hạt nắng yên lành trên lá me
(…)
Bé bỏng trong tim mẹ ơi
Có lũ kiến đen kiến đỏ kiến nhỏ kiến to xếp hàng men theo cọng rơm ra ruộng
Cõng thóc về kho cho ấm no
Lũ về theo mùa giăng giăng trắng đồng cá tép
Lời mẹ hát chiều nay nghe như âu lo.
(Cho mẹ được sinh ra)
Người thơ ấy cũng không quên để lại nhiều cảm xúc về những nghịch cảnh của nhân loại quanh mình; là câu thơ tiếc thương những em bé Hàn Quốc tử nạn trong vụ chìm phà Sewol năm 2016: “Đằng sau những nụ cười đã vĩnh viễn hết cười – Tôi mường tượng ra những đôi mắt sẽ vẫn còn khóc mãi (…) ;Trái tim trẻ thơ trôi đi cùng băng giá – Để lại những cuộc đời cũng đã hóa đêm sâu”, là câu chuyện thảng thốt của người bạn chân chất cùng quên: “Sống chẳng được cái nhà che sương gió – Chết phải được cái mồ cho ấm mẹ, mày ơi!” (Mẹ nát một đời trong cái thói bao dung), là bài thơ viết sau sự kiện xác em bé Syria trôi dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ khi cùng cha mẹ trong chuyến tị nạn hãi hùng: “Ta còn gì cho ngày mai – Ta để lại gì cho tương lai ngoài những hố sâu hun hút – Ngoài những linh hồn bé thơ lạnh lẽo kêu đau” (Ta là gì trong cõi chúng ta), là những mong ước rất kì lạ của người mẹ với con: “Muốn làm quả bóng dưới chân con, lăn tròn trên cỏ – Chẳng có góc cạnh nào nên chắc sẽ không đau?” (Rồi cũng sẽ hết đêm).
Với trích đoạn bài thơ dưới đây, tôi nghĩ Thi Gia có thể đã tìm thấy một vài đỉnh cao nào đó trong đời thơ của mình:
Nụ cười của chúng nhốt hồn vía tôi ở đấy
Tiếng khóc của chúng nhốt tình yêu tôi ở đấy
Tôi trở thành người tù vui vẻ an lành
Hân hoan trong chiếc lồng son mang tên Hạnh phúc
Kể từ ngày những thiên thần ấy đến chơi
Tôi biết tự do của mình đã ra đi mãi mãi
Mãi mãi…
Vì bởi chính tôi khao khát được giam cầm
Những đứa trẻ được sinh ra từ máu thịt của mình
Dạy cho tôi biết chẳng có nỗi đau nào là đáng sợ
Và có những thương yêu
Cả cái chết cũng chẳng thể nào xua tan được nó
Khi ta đã được duyên lành chọn để đến bên nhau
Và khi đời còn đầy rẫy đớn đau
Tôi ước tôi phi thường mạnh mẽ
Thật phi thường, mạnh mẽ
Sừng sững như non cao che chở đời con trẻ
Như mẹ đã từng che chắn đời tôi
(Tôi ước tôi phi thường mạnh mẽ)
Viết về con cái của mình như thế, tự nhiên, giản dị và thấm thía, là điều mà một nhà thơ không phải lúc nào cũng có thể đạt tới. Chúng ta chào đón những câu thơ thiện lương và tài hoa này!
Tạm biệt những câu chuyện thần tiên về em bé, chúng ta lại nghe câu chuyện khác nhọc nhằn hơn một chút: chuyện về tình ái ân và tình đa đoan.
Đọc thơ tình của Thi Gia, tôi tin rằng “một nhà thơ tình biết lay động” đã đến!
Gia không phải là nhà thơ của suy tư, khắc khoải. Chất thơ Gia không ứng với vị nồng rượu đậm. Giọng thơ này không sở hữu những mật ngữ sang trọng và cô đúc. Thơ Gia là một thảo nguyên trong xanh gợi tình. Thơ tình của Gia sẽ còn nhiều sức sống và ghi dấu ấn rất tự nhiên trong dòng thơ đương đại, bởi có gì dai dẳng và mênh mang hơn gió ở thảo nguyên, hơn cỏ xanh và trời xanh thay nhau xanh ở thảo nguyên?
Nàng thơ kể chuyện Từ ấy hồng hoang mới kết thành rằng: “Hồn ta từ dạo lan theo sóng – Rót biển cho đời xanh khát khao”, rằng “cả tin nghe gió lời ân ái – ai biết ngàn dương có thật thà”, đến nỗi “hồn bay qua đỉnh trời hoang dại – hai kẻ đùa chơi không áo manh”.
Thơ Gia không có ý khiến người ta nghĩ, mà giúp người ta thở! Đọc thơ Gia là để thở những khoảng không gian không bị giới hạn:
Kể từ chiều qua đây chập choạng
Tôi và thinh không đang lặng lẽ nhớ người!
(…)
Yêu như cơn giông trút xuống cánh đồng cháy khô giữa hạ
Yêu như đám mây đen thả mình làm mưa vội vã
Yêu đi cho nhau xanh mướt trong nhau
(…)
Mình như một hài nhi nhỏ dại
Trần truồng dưới ánh trăng xanh
Và da thịt tôi tươi mới mát lành
Tôi và người sinh nhau ra lần nữa.
(Tôi và người sinh nhau ra lần nữa)
Niềm vui thơ dại trước dư tình say đắm trong mỗi câu thơ mở ra những “cánh đồng hoa giữa trời” (những cánh đồng mà Xuân Quỳnh từng ca hát), dẫn người đọc bước vào những không gian khác lạ của tình yêu đôi lứa, được thở một sinh quyển nồng nàn của khách đa tình:
Em ngồi yên rồi
Yên như đêm vậy
Người rót tình đi, ta uống nhau.
(Người rót tình đi, ta uống nhau)
Thơ Gia là tiếng thơ của thiếu nữ nói nỗi lòng thiếu phụ, bởi vậy mà người đọc cứ thấy chênh chênh nhưng là một sự chênh chênh nghịch ngợm và rất có nghề. Thiếu nữ thì trinh thơ mà thiếu phụ thì lặng người trong cuồng nhiệt:
Tôi nhớ người tôi yêu tôi muốn hét
Tiếng hét từ châu thân thăm thẳm tột cùng
Tôi muốn giấu người sâu trong ấy
Của nhau rồi ai bận tính riêng chung?
(Tôi nhớ người tôi yêu tôi khóc!)
Thảo nguyên xanh gợi tình chưa dừng lại. Thi Gia khiến chúng ta ngạc nhiên và thoáng chút thẹn thùng khi viết những câu thơ, ý thơ “nhạy cảm” quá đỗi, như là: “Chờ khô giữa suối nhấp nhô – sóng tình” (Chờ khô), “trong đêm ướt sũng nỗi niềm cuộn lên – cuộn lên – cho đêm vỡ nát tan tành – Mà anh, anh vẫn vẹn lành trong em” (Vén nỗi nhớ đầy tim), “Em nhớ anh cả những lúc bên nhau, cuộn vào nhau thương nhớ – Thiếu anh cả những lúc đầy anh trong em ăm ắp đam mê” (Tia nắng cuối ngày có hong khô nỗi nhớ?).
Bóng đêm của thơ Gia bị nhà thơ mắng là “Đêm hư”, thế nó đã làm gì? Nó chỉ ghẹo tình: “Xiết bông cỏ dại – ghẹo đùa lưng ong – bên tai róc rách – mùa đang trổ đòng”.
Có sao đâu. Tình yêu cho chúng ta lạc thú, trên mọi thứ mà nó trôi qua.
Nhưng sau tất cả, sau những hồ hởi thiếu nữ là đôi mắt thiếu phụ:
Khi tình yêu ta không thể yên bình
Em thương anh chung gánh cùng em trên con đường dài thẳm sâu phía trước
Em thương người em yêu tất tả vụng về
Thương cái nhìn đầy nhau mà vờ như xanh ngắt
Sau mỗi nụ cười buồn là đôi mắt đầy mưa
(Sau mỗi nụ cười buồn là đôi mắt đầy mưa)
Vậy đó. Nàng thiếu nữ trinh thơ bỗng nhiên sương tuyết như kẻ bạc đầu. Chúng ta lại nghe một câu chuyện khác rất sâu:
Đôi khi giữa những tháng ngày bình yên giản dị
Không có chút sắc màu nên mình tưởng không vui
(…)
Giờ thì mình tập yêu những thứ thuộc về mình
Vì biết chẳng thể yêu những điều mình chưa từng có
(Hết buồn rồi thì mình sẽ hết đau)
Rồi nàng quyết liệt hơn, từng trải sững sờ:
Bởi lớn rồi nên em đã hiểu
Những bàn tay đâu thể nắm suốt đời
Khi mỏi quá cần buông nhau một lát
Cho cả hai người được phép thảnh thơi
(Chỉ cần có nhau ở chốn nhau về)
đến nỗi: “Thản nhiên mà đi qua nhau – Cái vẫy tay còn ở lại” (Thản nhiên). Và cái chết ngọt ngào hay sự thức tỉnh ngọt ngào xuất hiện: “Em học vầng trăng buông tim mình xuống đáy” (Gói lòng mình, gói cả bão giông), “Em chọn cách quay đi và khóc” (Có phải con đường quanh là con đường dài nhất).
Trăng đã chực chờ đắm
Rơi vào lòng suối sâu
(Em mơ)
Mọi thứ đang “chực chờ” để ái ân miên viễn. Trăng của Thi Gia giàu nhục cảm nhưng là thứ nhục cảm trong lành. Hãy “giải thiêng” bằng niềm vui ân ái (“tại đêm bày chuyện dập dìu – Nên ta ta cũng đánh liều giải thiêng”) – một đề nghị rất ngây thơ và đầy cảm hứng của nàng Thi Gia.
Tôi gọi Thi Gia là người “sẵn thơ”, từ tên gọi như là định mệnh cho đến những niềm thi hứng riêng tư. La Mai Thi Gia có thể biến thành “Mãi là thi gia” (mãi là nhà thơ) được chăng? Có thể lắm. Biết đâu tạo hoá chẳng vô tình.
Mọi chuyến phiêu lưu đều chứa đựng những kinh nghiệm, kì thú hoặc nhạt màu. Cũng có nhiều mất mát ở chặng cuối cùng. Cách chữa lành những vết thương phù du mà có thật là trả lại sự “như như” cho muôn tạo vật, cũng như cho chính mình. Hân hoan buồn và vui, đấy là quà tặng của trái tim hồn nhiên trước những vết xước của tâm hồn!
Từ Thơ Trắng đến Đời Xanh, miệt mài với chuyến phiêu lưu rất xa, Gia đã không quên hân hoan trả lại màu tự nhiên cho cõi tục:
Gia ơi, đời xanh đấy
Người còn thương lá vàng
Cho em mầm hoa biếc
Ươm tình chờ xuân sang.
Hãy đọc thơ Gia bằng niềm hy vọng; như cách chúng ta sống và hát trong hy vọng, dù hy vọng không đồng nghĩa với niềm vui; nó đồng nghĩa với sự sẵn lòng.
Đông kinh, Nhật Bản 02/ 2018
Lê Thị Thanh Tâm
h2 Nhà thơ La Mai Gia Thi