BA NGƯỜI QUẬN 5 TRONG VƯỜN TƯỢNG DANH NHÂN BẢO TÀNG MỸ THUẬT

Ngày đăng: 4/07/2020 10:47:33 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Ngày 5/7/2020 Q.5 TP.HCM nơi tôi đang kiếm sống bằng nghề dạy học, làm lễ đón nhân bằng di sản văn hoá phi vật thể – Lễ hội Nguyên tiêu rằm tháng Giêng. Thật vui! Xứng đáng quá đi! Có tới ba người dân từng thường trú ở đất này từng có “hộ khẩu” Q.5 đang có mặt trong vườn tượng danh nhân bảo tàng mỹ thuật TP.HCM. Về chuyện này tôi có viết trong bài dưới đây, bài được in trong sách bút ký;”Quận 5 trong tôi”;

1.Từ hơn 10 năm này tuần nào tôi cũng có ngày hành nghề, kiếm sống bên Q.5! Mỗi tuần một lần theo đường 3 tháng 2, đường Lê Hồng Phong, đường Ngô Gia Tự, men vườn hoa Văn Lang tới Nhà thiếu nhi. Tôi là ông giáo về hưu, tìm tới thiếu nhi để tự làm trẻ mình, xin một giờ đứng lớp mỗi tuần ở trung tâm giáo dục đặt trong ngôi nhà ngụy nga 3 mặt tiền 4 tầng lầu này. Cũng chỉ dám nhận một lớp dành cho các em muốn học kĩ lưỡng hơn về tiếng Việt, để có thể viết hay tiếng ta, nối dài văn chương Việt! Lớp tôi không dạy Anh hay Hoa văn đang ăn khách, nên khó tuyển sinh! Nhưng vì tiếng Việt, Nhà Thiếu nhi quận 5 vẫn giữ lớp này, đợi khi thành phố có phong trào về nguồn văn hóa, thì sẵn quân tướng để tham gia trường văn trận bút..Nhờ cách ém quân như thế, tôi và các bạn văn của mình, Bích Ngân, Thu Trân, Nguyên Hương, Hoàng Đình Quang, Nguyễn Khoa Đăng, Vũ Hùng… có dịp được về các sân trường dạy ngoài trời, ngay dưới cờ đỏ sao vàng; có dịp xuống tàu hải quân ngoài Vũng Tàu nói với học trò về chủ quyền biển đảo; có dịp lên rừng Mã Đà dạy về văn học xanh ngay khu dự trữ sinh quyển, ngay bên rừng xanh mà “sổ đỏ” đã thuộc về…loài voi; có dịp về với đồng bào ở miệt vườn Long Khánh dưới chân núi Chứa Chan, ngủ nhà sàn lộng gió, ăn với gia chủ bữa cơm sớm, kịp ra đồng, lên rẫy kiếm tìm đề tài văn chương!
Lại có dịp thầy trò chúng tôi, thong thả, từ tốn, tới học tiếng Việt ở trong một thư viện thiếu nhi chỉ có ở quận 5! Đó là thư viện 3 Đ – gọi theo tên gọi của nó, Đủng Đỉnh Đọc (57/21 Trần Nhân Tông), một phòng đọc yên tĩnh hẻm sâu, cô thủ thư Lê Thu Phương Quỳnh cùng các đồng nghiệp của mình dạy các độc giả nhí, cách đọc có thể chậm, nhưng phải chuẩn và nhờ vậy là chắc, là bền vững về văn hóa đọc! Ở thư viện này, sách trước hết phải đẹp để lôi kéo, phải đúng với sức đọc của độc giả (tính tới từng năm tuổi) và phải đủ tích hợp văn, nhạc, họa trong mỗi ấn phẩm các em cầm tay! Với thư viện kiểu này, là một quận nghèo về quỹ đất, người quận 5 ngay khi đang củng cố nền tảng văn hóa đọc, đã dám nghĩ tới đỉnh cao của thứ văn hóa quan trọng bấc nhất này!
Nhà thiếu nhi quân 5 nơi tôi tới đứng lớp mỗi tuần, đã liên tục trong nhiều năm duy trì cuộc thi sáng tác văn học Uớc mơ hồng! Các cây viết tuổi khăn hồng quân 5 đã theo các chú bác, anh chị nhà văn Việt Nam là người quận 5 nhà mình, Lý Lan, Khánh Chi, Ngô Ý Nhi, Hoàng Đình Quang, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Hữu Tá, Vũ Xuân Hương, Mạc Can…kể chuyện quận 5 mình, thành phố mình, non sông đất nước mình. Mới đây những truyện ngắn hay của bé lớp 6 Cát Tường trường Kim Đồng, của bé lớp 6 Mai Vân trường Hồng Bàng đã được vào tuyển tập;” Vì sao voi khóc?” của các hội viên hội nhà văn TP.HCM. Gốc văn lực lưỡng của quận 5 đã có mầm non!
2.Năm 2019, hưởng ứng cuộc thi sáng tác văn học Thành phố của em do thành đoàn TP.HCM tổ chức, những mầm non văn học ở các trường tiểu học và THCS quận 5 được mời tới câu lạc bộ BÚT MỰC TÍM của nhà thiếu nhi để tập huấn. Ban giảng huấn ra đề: Em hãy tưởng tượng và kể lại, buổi sáng Sài Gòn ngày ngày 5 tháng 6 năm 1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, từ nhà số 1- 2-3 Quai Testard Chợ Lớn, ( nay là số 5 Châu Văn Liêm) đi tới cảng nhà Rồng nơi con tàu Đô đốc Latouche-Tréville đang neo đậu chờ người vượt biển tìm đường.. Đề văn dẫn thày trò chúng tôi tới nơi “đôi dép bác Hồ” thứ dép 6 quai đơn sơ cắt ra từ một lốp xe quân dụng chiến bại của thực dân Pháp được bày trong tủ kính. Đôi dép phiên bản của một báu vật quốc gia trở thành hiện vật sinh động, thành đồ dùng dạy học cho các bé quận 5 muốn ngược dòng lịch sử.
Trên đường theo dấu dép đã in thành chữ Ho Chi Minh sandals; để chỉ những chiếc dép lốp trong từ điển tiếng Anh, đã thành 1800 câu thơ trong vở kich thơ viết bằng tiếng Pháp; Người đi dép cao su; của Kateb Yacine (1929-1989) thầy trò chúng rẽ vào bảo tàng mỹ thuật TP.HCM và gặp trong vườn tượng đẹp của bảo tàng này những ba người đã từng ở quân 5.
Ngoài Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh người đi dép cao su bước vào lịch sử, trong vườn tượng còn có Trương Vĩnh Ký ông thầy biết tới 26 ngoại ngữ, có tên trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ XIX, được vinh dang trong tự điển Larousse, người mà tên cha mẹ khai sinh đã thành tên ngôi trường nổi tiếng gần trăm tuổi Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, ở 235 Nguyễn Văn Cừ, phường 4, quận 5, (nay là trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong) người từng “Đêm ngày lo đặt sách này dịch sách kia cho kẻ hậu sinh dễ học”, trong đó có sách Vần quốc ngữ với lời nói đầu đầy tính khai sáng ;Sách nầy để cho con trẻ mới vô trường, học những điều đại lược mà phá ngu. Hai nữa là để tập coi, tập đọc, tập viết tiếng An Nam trong chữ quốc ngữ cho trúng tiếng, cho nhằm giọng, phân biệt ra cho rõ ràng.;.
Một trăm năm trước, Trương Vĩnh Ký chính là người thầy đầu tiên dạy chữ Quốc ngữ cho học sinh Nam Bộ. Ông phổ cập xóa mù chữ Việt, rồi tổ chức các chuyến du học nước ngoài để nâng cấp học sinh mình. Ông từng nói với các du học sinh: ʺ Hãy đi đi và hãy trở về, như những con chim, biết tha những cọng cỏ khô làm tổ hạnh phúc cho dân tộc mìnhʺ. Tổ hạnh phúc kết bằng sợi tri thực du học, ông thầy của người Nam bộ đã dạy như thế. Thầy trò chúng tôi lắng nghe, ngay dưới chân tượng danh nhân!
Trong vườn tượng bảo tàng, bên này là người quận 5, bác học Trương Vĩnh Ký, bên kia là tượng đại gia thương mại Quách Đàm cũng người quận 5. Ông là người xây dựng chợ Bình Tây, còn gọi là Chợ Lớn bề thế, rộng tới 25.000m2 nối từ quận 5 sang quận 6. Tượng ông Quách Đàm được làm bằng đồng theo lối tả thực tỉ lệ 1/1, và kể từ ngày 14/3/1930 tượng được đặt trên bệ cao đá hoa cương ngay giữa công trình ông có công xây cất, tay phải cầm bức trướng ghi các chữ Pháp;Écoles, marchés, oeuvres, assistance;, (Trường học, thị trường, việc làm, hỗ trợ), khái quát những mong muốn và thành tựu ông đóng góp cho xã hội! Trong các cống hiến ấy, trường được đặt trước chợ. Việc học được quan tâm trước tiên ở vùng đất buôn bán sầm uất này. Để có những ngôi trường, những khu chợ, những việc làm, sinh thời ông Quach Đàm, quang gánh trên vai, đi khắp hang cùng ngõ hẻm để mua bán ve chai. Cứ đi cả ngày, tối kiếm mái hiên ngủ qua đêm. Cần cù như thế cho tới khi tích lũy đủ tiền bạc để xây được khu chợ Bình Tây.
Tác giả bức tượng Quách Đàm là nhà điêu khắc người Pháp Paul Ducuing (1867-1949), người từng làm bức tượng vua Khải Định ngồi trên ngai vàng tại lăng Khải Định ngoài Huế. Ông Paul Ducuing đã giấu trong tác phẩm Quách Đàm của mình một bí mật nghệ thuật mà nếu không có những biến động lịch sử trong dòng chảy thời gian, thầy trò chúng tôi chưa chắc đã nhìn ra!
Số là, tượng ông Quách Đàm vẫn đứng trên bệ cao giữa chợ từ ngày khánh thành và vì thế, người chiêm ngưỡng không nhìn thấy ông đi giầy kiểu nào. Cho tới một ngày sau 1975 vật đổi sao rời, ông bị (hay được ?) hạ bệ chợ, tạm lánh vào bảo tàng mỹ thuật, đứng ngang tầm mắt khách tham quan.Và thầy trò chúng tôi nhìn thấy, đôi giầy ông mang, có 1 chiếc bị thủng lỗ!
Có phải tác giả bức tượng muốn nói với chúng ta một điều, như thi hào Bertolt Brecht người Đức từng nói về đôi giầy của một người lao động bình dị, đã cùng nhân dân mình làm nên cuộc cách mạng tháng 10 Nga:
LỖ THỦNG TRÊN ĐÔI GIẦY CỦA I-LÍCH
Này các anh, những người dựng tượng đài I-Lích Lê – Nin Cao hai mươi thước trước nhà công đoàn.
Khi tạc đôi giầy các anh đừng quên
Cái lỗ thủng được nhiều người chứng kiến
Vì tôi nghe nói:
Rất nhiều người đang sống ở phương Tây
Nhìn lỗ thủng đó
Và nhận ra I-Lích
Là một người của họ.
Thầy trò chúng tôi đã nhìn thấy lỗ thủng ấy, đã nhận ra, hiểu ra! Những cọng cỏ tri thức kia, đôi giầy thủng lỗ và đội dép cao su mòn gót ấy, đã từ quận 5 nối dài con đường cầu học của người Việt, tìm cách “làm tổ hạnh phúc cho dân tộc mình”.
    Trần Quốc Toàn

H1                                                                                 Tượng Truong Vĩnh ký

H2                                                           Lỗ thủng của tượng Quách Đàm

H3                                                                      Tượng Quách Đàm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác