KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI
Tờ mờ sáng, chúng tôi đã lên xe để đi phát quà từ thiện, mọi người vẫn còn chưa tỉnh ngủ, nhưng ai nấy đều vui vẻ, cùng chung tay đưa hành lý lên xe…Đồ đạt nào gạo, nước tương ,nước mắm, mì gói, quần áo..v..v.
Xe qua cầu Sài Gòn rồi rẽ ngã vào Thảo Điền để đón các bạn cùng đi phát quà từ thiện này. Tiếng cười nói ồn ào cả một góc xe….
Xe chạy bon bon trên quốc lộ 1 A, qua cầu Đồng Nai, rồi khu công nghiệp Amata, vào thành phố Biên Hòa. Khí trời mát mẻ, nhìn dọc hai bên đường những ngôi nhà nhấp nhô ánh đèn như những ngôi sao lúc tỏ lúc mờ..
Khi chiếc xe Mercedes rời quốc lộ, rẽ trái..chạy vào con đường nhỏ trải nhựa, rồi đậu ngay cạnh một quán cà phê lề đường. Tôi nhìn quanh quất, cảnh vật nơi đây yên tỉnh, tiếng hát đâu đấy vang lại, đó là lời của bài Hạ Trắng với giọng ca của Khánh Ly, trầm bỏng thanh thoát làm tâm hồn tôi xao động một nỗi nhớ nhung bạn bè. Tôi nhớ bạn tôi, những người bạn thân thương ở xa , ở gần và vì một lý do nào đó, hôm nay họ không có mặt trong chuyến đi này, mặc dầu các bạn đó có gởi những món quà mà đoàn chúng tôi hôm nay mang đi.
Xe chạy, tôi để thân mình nghiêng ngã, lắc lư theo sự nhồi nhịp của chiếc xe đang lăn bánh. Tôi nghĩ đến những mãnh đời bất hạnh, các bé mồ côi trong trại nuôi dưỡng, những người già neo đơn…
Các em ra đời không lựa chọn cho mình một hoàn cảnh tốt đẹp, có em sinh ra đã mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ không thuận hòa phải ly tán. Em bé kia khi phải chia tay cha mẹ qua một vụ tai nạn.. Nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng các em không biết khóc và có các em vào đời chẳng biết cha mẹ mình là ai!
Còn nữa những cụ già ốm nhom , không con cái chăm sóc lúc xế chiều.. Họ có con từ giả cõi đời đi trước mình trong cuộc sống vô thường. Đây là người cha bị bỏ quên vì đứa con nghiện rượu, nghiện ma túy và còn nhiều lắm những cụ già bị bỏ quên vì những đứa con bất hiếu.
Oan nghiệt nhứt những đứa em trai , em gái vì một phút muốn thử cho biết mà đã sa vào vòng nghiện ma túy, những người này sống như đã chết, họ chào đón ai, ai chào đón họ bây giờ. Tất cả nhiều điều nghiệt ngã.
Xe tới ngã ba Dầu Giây mà tôi vẫn còn miên man nghĩ ngợi. Các chị, có người đã ngủ lại từ bao giờ, xe tiếp tục lăn bánh, trên xe im lìm tỉnh mịch. Mặt trời đã lên khỏi ngọn cây, ánh nắng ban mai làm lòng tôi se lại..Tiếng Mai, một thành viên lo hậu cần nói làm tan bầu không khí im lặng: -Có ai uống cà phê không nào?
Mọi người giật mình tỉnh giấc, người này nhìn người kia, rồi lại bắt đầu những câu chuyện rôm rã.
Xe lên đèo Bảo Lộc, không khí thay đổi , chúng tôi cảm thấy mát hơn, chung quanh đồi núi chập chùng, cỏ cây hoa lá rợp màu xanh tươi, xe chạy ngoằn ngoèo như con rắn lượn quanh trên đèo cao. Nhìn xuống vực sâu, Phượng ngồi kế bên tôi nhắm mắt lại nói: -Em hồi hộp quá chị ạ! Đã hơn mười năm rồi em chưa tới Đà Lạt, không quen đi xe chạy trên đèo nên em không dám mở mắt. Tôi cười, ra dấu bảo Phượng đừng nói nữa. Phương như hiểu ý tôi nên im ngay.
Tới TP.Bảo Lộc, xe dừng ở tram dừng chân Trâm Anh, để chúng tôi có dịp thưởng thức món kẹo kiến, kẹo mè cùng nhâm nhi vài chung trà đủ mùi sen lài.
Tên Trâm Anh là tên con gái tôi và tôi, nên khi nhìn thấy cái bảng hiệu này, mặc dù không dính líu gì với tôi, nhưng trong lòng tôi tự dưng rộn ràng một niềm vui khó tả. Bổng chốc tôi thầm nghĩ tên Trâm Anh cũng đẹp làm sao !
Xã hội một ngày một phát triển, phương thức kinh doanh của các nhà buôn cũng có những điều rất hay. Một trạm dừng chân có kẹo bánh miễn phí như vầy cũng làm khách đi đường vui vẻ, ủng hộ lắm chứ.
Ba giờ chiều chúng tôi đến trạm đầu tiên, trời Đà Lạt đón chúng tôi bằng một trận mưa như trút nước. Khí trời mát mẽ, làm lòng người thoải mái dễ chịu, chúng tôi vui vẻ được đón chào trong bầu không khí trang trọng.
Các cụ già, những em bé đã tụ tập đông đủ, thế là cuộc viếng thăm được bắt đầu thắm đượm tình người. Chúng tôi không tránh khỏi sự xúc động đang dâng trào, việc chia sẻ này thắm đặm tình người qua những cái bắt tay, ánh mắt nhìn nhau.
Của ít lòng nhiều, chớ đợi ngày mai, những gì làm được hôm nay, xin hãy làm ngay, không đợi ngày kế tiếp. Chúng tôi bắt đầu phát quà cho trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi và những người già neo đơn cơ nhỡ.ở thành phố Đà Lạt.
Buổi tối, dừng chân nghỉ ở khách sạn HP, cả đoàn vui vẻ dao quanh bờ hồ Xuân Hương, ăn uống và mua sắm. Cứ mỗi lần đến thành phố hoa này, đoàn chúng tôi lúc nào cũng có mặt ở Trà quán Dương Tùng, thưởng thức hương vị cà phê đặc biệt của Đà Lạt. Trà quán ở một vị trí yên tỉnh, có chừng mươi mười bàn và chủ quán có tâm hồn nghệ sỹ. Ông dẫn chúng tôi giới thiệu từng bài ca, từng tác giả, rồi từng ca sỹ miệt vườn như tôi được cất tiếng, đó là những ca sỹ của Sai Gòn có gốc miền Tây lần lượt biểu diễn
Trong nhóm lão danh ca chúng tôi , ai cũng thích hát những bài của Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, dòng nhạc của những người U60 yêu thích.
oOo
Đi dạo trên bờ Hồ Xuân Hương cũng là một thú tiêu khiển của chúng tôi. Với tôi , nơi này cũng có rất nhiều kỷ niệm, tôi mơ màng nhớ về tuổi thanh xuân, những nét xinh xinh của những ngày tập bước chân chập chửng vào tình yêu đầu đời. Mỗi bước đi của tôi ở Đà Lạt bấy giờ là như thế…
Thúy – cô bạn nhỏ lườm tôi, khi tôi nắm tay nhỏ bộc bạch những kỷ niệm tôi đã từng có ở đây, nhỏ mắng : – Già dịch!
Tôi bật cười vang, và thầm cám ơn xứ sở này đã cho tôi ký ức đẹp !
Buổi tối, chúng tôi lang thang đã hết giờ, nên quay về khách sạn để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chương trình ghé điểm thứ hai trong ngày mai.
Qua một ngày ở thành phố Mộng Mơ, sáng hôm sau chúng tôi thức dậy thật sớm để tiếp tục hành trình đi Qui Nhơn. Lộ trình này dài , nên phải mất cả ngày đi và ngồi trên xe vất vả. Xe chúng tôi đi theo con đường mới nối Đà Lạt với Nha Trang, rồi mới trở ra quốc lộ 1A đi Qui Nhơn. Xe phải đi qua đèo ở độ cao năm trăm mét, không gian bao la bí ẩn, trong sương nhiều làn khói trắng lan tỏa, phất phơ trong gió mới thật đẹp làm sao! Tôi giữ im lặng nhìn mọi người trên xe, rồi lại nhìn những ngọn cây xanh chập chùng ẩn hiện trong làn sương phủ, Tôi lại nghĩ đến những con người mà chúng tôi sẽ gặp lại sau một năm chưa có dịp trở ra.
–oo—
Thủy- trại viên năm nay hai mươi tuổi, em có gương mặt trái son thật duyên dáng, bé thật dễ thương , nhưng mẹ em là người bị bênh phong, bà có nhiều năm sống trong trại phong để điều trị. Người ta bàn tán, đề chắc là em sẽ bị di truyền từ mẹ sang,làm cho Thủy thật sự lo lắng, bởi lẽ trong thực tế giờ đây em không có biểu hiện gì của một người bị bệnh. Lần đầu tiên gặp em năm ngoái, em tâm sự với tôi rất nhiều về những suy nghĩ của em. Em là học sinh giỏi của một trường trung học, em có nhiều điều mơ ước , nhưng cũng không ít những nổi niềm trăn trở. Em thích mình trở thành là cô giáo dạy môn sinh vật trong tương lai…nhưng hoàn cảnh của em và của cha mẹ em, khó có thể để em vượt lên số phận giữ vững ước mơ của minh.. Nhớ em, tôi lại liên tưởng đến bài thơ của ai đó:
Em như đêm tối mịt mờ/Héo trước trăm hoa bạc mệnh/Chúa Xuân nếu biết tình hoa thế/ Xin kiếp sau đừng ở thế gian…
Lúc mặt trời lên cao, xe đi qua Vịnh Cam Ranh, mọi người khe khẻ thức dậy, cùng với tiếng của Mai làm phá tan bầu không khí im lặng. Bác tài ơi, cho đi Karaoke đi (đi vệ sinh).
Dòng suy nghĩ của tôi bị ngắt, không gian còn giá buốt, nhưng tâm hồn mãi buâng khuâng, tôi cùng các bạn rời xe, lẹ làng làm những điều cần thiết cho cá nhân .
Biển trời bao la, núi non hùng vỹ, nói làm sao để diễn tả đủ vẽ đẹp nước mình. Con đường quốc lộ quanh co, lúc rộng , lúc hẹp, xe lên đèo Cả, màu trời ảm đạm, không bóng người qua lại, biển trời mênh mông, sóng vổ bùng lên. Ngắm dòng nước xanh trong, bổng nhiên tôi cất tiếng: -Nhớ những buổi trưa hè, có tiếng gà xào xạc, thôn nữ nằm lắc võng, ngủ thiu thiu. Ngạc nhiên Mai lên tiếng:
- Trời ! Chị làm thơ hay quá ta ! Biển động, biển gào mà thơ có tiếng gà xào xạc gáy, có cô thôn nữ nằm gác võng , mắt lim dim. Chị nhìn kia, gió đùa, sóng vổ, nước đục ngầu mà khen đẹp!
Tôi mỉm cười nghĩ trong bụng, chị là thế đấy, tình cảm đễ buồn , dễ vui mà!
Khác với moi người là tôi đi xe rất dễ thích nghi, không ói, đi đường trường không mệt , dù đoạn đường dài bao nhiêu cây số tôi vẫn bền vững ăn ngủ, nghỉ.. mơ mộng được .
Tới mười lăm cây số ăn chơi, cách Qui Nhơn hai mươi cây số, xe dừng lại rẻ vào khúc quanh, chúng tôi đi tim quán hải sản năm ngoái để cùng nhau thưởng thức hương vị ngọt ngào của cua, ghẹ, cá, gà, những món ăn dân dã mà ai là người Việt đều phải biết.
Ăn uống xong trở lại xe, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy mấy chú cảnh sát đứng trước xe của mình và đang lui cui viết giấy phạt..Mọi người xôn xao các ý kiến lệch lạc không giống nhau.
– Xe chở khách mà có hàng hóa nhiều quá là bị phạt đúng rồi.
– Mấy chú này kỳ quá, xe đi từ thiện mà cũng bắt lỗi chi hỏng biết.
– Tụi mình hùn tiền nhau đóng phạt đi cho rồi.
– Người ta có chịu thu phạt liền đâu mà đóng.
Tiếng nói này lẫn trong tiếng nói kia, ồn ào, náo nhiệt…Chạnh lòng tôi, tôi cũng buồn chắc lưởi: -Tự nhiên bị đóng phạt mấy trăm ngàn, uổng quá!
Một giờ sau đó chúng tôi mới được đi vì việc đóng phạt kéo dài lê thê ở đồn cảnh sát.
Đến trại phong trễ, chúng tôi thật sự tội nghiệp cho tất cả bà con ngồi chờ chúng tôi trong sân hàng hiên của trại. Mọi người mừng reo lên khi xe chúng tôi vừa mới dừng lại. Tất cả bắt tay vào việc khuân vác hàng hóa xuống xe, rồi phân công nhau theo thứ tự, đứng chuyền tay nhau phát. Ai cũng mở lời chào cùng những lời cám ơn!
Xong việc, tôi đi dọc con đường cát để đến nhà bé Thủy, nhưng không được gặp em. Cha mẹ Thủy cho biết em đã thi đậu vào Trường sư phạm Đà Lạt và đang theo học ở thành phố. Tôi nghĩ thế là em cũng trọn vẹn ước mơ, trong tương lai em sẽ là người bổ sung nguồn nhân lực giáo dục cho trại phong.
Có hàng ngàn người mắc bệnh phong đang điều trị và sống cùng gia đình họ ở đây, họ sống trong sự chăm lo của những tấm lòng nhân ái, cách biệt với bên ngoài, và điều kiện sống vô cùng khó khăn.
Một ý niệm mới, một lời nguyện chia sẻ cùng mọi người trong bất cứ lúc nào tôi có thể làm thì làm, không hứa hẹn, không chờ đợi ngày mai. Lòng tôi lắng lại và nghĩ mình thật sự hạnh phúc biết bao khi mà tôi biết mình đã thực hiện được những ước mơ nhỏ bé, cùng chung lo cho xã hội.
Quay trở về Sài gòn, xe chạy bon bon trên quốc lộ, tôi gởi tâm trạng của tôi theo cuộc hành trình này vui buồn lẩn lộn. Cám ơn các bạn đã đóng góp cho hành trình này chia sẻ chút ít vật chất cho những người khó khăn hơn chúng ta là phương châm sống của nhóm. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn nhé..!
Bài và ảnh Phạm Ngọc Anh