CHUYỆN TÌNH CỦA NỮ SINH TRƯỜNG TỐNG
Vừa qua, trên trang face book Bạn bè Tống Phước Hiệp có đăng loạt bài của chị Đoàn Kim Oanh, CHS lớp đệ nhất (NK69) Loạt bài này được bạn đọc hoan nghênh, nhưng vì bên FB, các like và com cũng như nhiều bài khác chen vô là những người xem sau, muốn đọc có thứ tự rất khó. Theo yêu cầu bạn đọc và tác giả, kể từ hôm nay , trang nhà dành hẳn một mục Nhật ký Luân phiên để đăng hết câu chuyện vừa này mỗi ngày một chuyện giống như ngày xưa các nhật báo đăng Phơi ơ tông hàng ngày. Mong các bạn ủng hộ bằng cách giới thiệu cho nhiều người đọc và góp ý. (LM)
NGÀY ẤY CHƯA QUÊN (bài 1)
Năm đó hổng nhớ đệ ngũ hay đệ tứ, nhưng cái gu đi vườn thì hoc sinh nào cũng thích. Mỗi lần được nghỉ tiết chót là tất cả đều hào hứng đạp xe chạy lang thang ra ngoại ô để nhìn cây trái trong vườn nhà người .Từ cây mận sai trĩu quả đến những cây ổi , cây xoài cây bưởi đều hấp dẫn và nhất là không khí yên tĩnh mát mẻ làm mọi mõi mệt tan biến sau một buổi học căng thẳng. Đến khi thấy mặt trời sắp lặn tất cả hối hả quay về, lúc đi thấy gần mà khi về thì chạy hoài không thấy tới. Từ xa thấp thoáng cây Cầu Lầu mới thấy nhẹ nhỏm và bàn chân đạp xe không còn nghe mỏi nữa.
Về tới nhà thì đường đã lên đèn, nhìn vô thấy má có khách mừng hết lớn . Nhè nhẹ dẫn xe vô sân rồi nhón gót vòng qua giường ông nội, ông không có nhà vì cô rước nội đi Sài gòn chơi rồi.
Vừa thưa má đi học về, vừa chào khách mà không nhìn xem khách mặt tròn mặt méo ra sao Má vui vẻ chỉ mình và nói: Chị nhớ con bé này không? Vị khách quay lại nhìn mình rồi cười : À, cô bé ăn chè đậu trắng mỗi đêm với thằng Tâm nè phải không? Thằng Tâm là “thằng nào “vậy kìa? Tôi không nhớ hắn nhưng nhớ vụ chè đậu trắng, liền lập tức trong ký ức quay về. Hồi ba đóng quân ở Thủ Thừa, cách nhà không xa là con sông khá lớn mà mỗi đêm có một cô bơi xuồng bán chè đậu trắng rất ngon.
Lần đầu, má dẫn mình ra bờ sông cầm theo cái tô nhỏ để mua chè đem lên nhà ăn cùng với mấy người vợ lính khu vực đó. Một chiếc xuồng và cái đèn đèn dầu để phía trước mũi thuyền có một con bé trạc tuổi mình cầm cây dầm chắc là để bơi tiếp mẹ nó. Những người đàn bà đang ăn chè bên khoảng đất rộng cạnh bờ sông, họ thấy má xuống liền gọi cô bán chè : bán cho bà hai kìa chị Tư. Bà hai là danh xưng các bà gọi má, vì lúc ấy ba là trung uý. Má vui vẻ đưa cái tô và tiền cho một bà gần đó. Cô bán chè toan bước lên lấy thì dì khoát tay,
– Ngồi đó đi để tui đem xuống cho!
Dưới ánh sáng mờ nhạt của các ngọn đèn từ các nhà chung quanh không nhìn rõ mặt nhau, nhưng động tác ăn thì họ tỏ ra quen thuộc. Về sau thì mình biết đêm nào mọi người cũng tụ tập đến đây vừa ăn chè vừa hóng mát, Má được giới thiệu và quảng cáo chè ngon nên đêm đó dẫn mình ra mua ăn thử. Đúng là chè ngon thật , nước dừa béo, hạt đậu mềm, nếp thơm dẻo càng ăn càng ghiền. Từ đó đêm nào mình cũng đòi má dắt ra mua để ăn, thành một thói quen không bỏ được Thời gian sau má không dắt mà nhờ bà giúp việc cho bà Ba (vợ Đại uý) sống trong toà nhà bên cạnh dẫn thằng con của bà Ba ra mua sẵn cho mình tháp tùng cùng đi. À, nhớ rồi đó là thằng Tâm ( con bà Ba mà mình quên tên nó mất tiêu rồi)
Câu chuyện với thằng bạn ăn chè hồi nhỏ để qua một bên, giờ thực tế là đang “đối phó” với bạn cũ của má đây. Thấy tôi ra vẻ bẽn lẽn ( làm bộ đó) bà khách cười dòn: Nhớ rồi phải hôn? Thằng Tâm nhà cô cũng nhắc con hoài. Hết hồn , mình mở to mắt ra nhìn bà chăm chú . Chuyện con nít xưa như trái đất dễ nhớ lắm sao?
Không để ý thái độ mình bà vui vẻ tiếp: Để ổn định nhà cửa rồi cô dẫn nó lại thăm con, hai đứa tha hồ nhắc lại chuyện hồi đó!
Khi khách về rồi, tôi mới tò mò hỏi má về nhân vật đặc biệt này. Má trả lời trong vui vẻ, hồi đó chồng của bà là cấp trên của ba, tôi và Tâm cũng có nhiều đêm ăn chè vui vẻ với nhau. Khi ba nó đổi đi, ba tôi mới dọn về ở toà nhà to lớn có một tầng lầu sang trọng mà ai cũng trầm trồ thèm muốn.
Rồi ba nó bị thương nên giải ngũ được biệt phái về làm gì đó ở Vĩnh Long . Biết mẹ con tôi đang sống tại đây nên lần dò tới thăm, kể ra cũng có tình có nghĩa.
Lý do sự có mặt được giải thích mà cũng nhờ đó má vui nên không truy cứu vụ về trễ của tôi hôm nay.
Thoát nạn , tôi leo lên mâm cơm trong trạng thái nhẹ nhàng và đầu óc đang toan tính chuyện đi chơi ngày mai. Mai là chủ nhật, là ngày nghỉ lý tưởng cho bọn học trò chúng tôi cũng như người lớn. Không lên kế hoạch đi chơi thì uổng phí cuộc đời nha! Số là bạn Chi khẩn khoản mời tôi và Tuyết Lệ tới nhà nó chơi vì thời gian này trái cây vườn nhà nó đang rộ chín. Sự nhiệt tình của nó cộng với bản tính khoái hái cây trái làm mình không thể từ chối. Tuyết Lệ đã nhận lời vì ngày mai má nó và em đi Sài Gòn đám giỗ chiều tối mới về . Chỉ còn tôi là chưa được cấp phép mà thôi!
Ăn nửa bữa cơm bỗng má xây qua nói với chị tôi: Mai má lại nhà cô Thu chơi xế mới về. Đồ ăn má nấu rồi chỉ cần hâm lại là mấy chị em ăn, chừng về má ghé chợ mua thêm thức ăn.
Ôi! Còn sung sướng nào hơn nữa , không cần ỉ ôi xin phép mà cũng được toại nguyện. Liếc thấy tôi tủm tỉm cười, chị tôi nhún vai như nói: Tôi biết cô có âm mưu gì rồi! Mình nhướng mắt không chối mà cũng không thú nhận. Để tỏ thành ý, ăn cơm xong tôi dọn bàn tiếp chị và chờ chị rửa chén xong đem úp . Đợi má đi lên nhà trên, chị hỏi liền: Mai “có mục” chớ gì !
Tôi chắc lưỡi rồi nói: phục chị sát đất, nhìn sơ là biết em gái muốn gì! Rồi tôi thì thầm : Nhà bạn em có nhiều trái cây, nó rủ tụi em tới chơi, khi về sẽ có phần cho chị để tạ ơn. Chị điểm mặt mình: nói là phải nhớ! Tao thèm ổi chua đó! Giấc ngủ đêm nay sao mà yên bình quá , tôi mơ thấy bờ sông cũ mấy người vợ lính ngồi ăn chè. Còn tôi và Tâm cầm tô lúp xúp theo chị giúp việc xuống bến sông tưởng tượng tô chè thơm ngát hương va ni.. mà chép miệng không ngừng. (Còn nữa)
Đoàn Kim Anh