BỜ GIẬU
1. Bờ giậu ở nhà quê chẳng qua là cái rào, nó ngăn nhà với lộ, chia ranh nhà nầy với nhà kia tránh con chó con gà chạy luông tuồng qua phá sân trước sân sau nhà hàng xóm. Bờ giậu làm hàng rào vừa khỏi tốn tiền xây dựng vừa giữ được màu xanh cho miền quê vừa giản đơn vừa tiết kiệm. Tui đã thấy bờ giậu nhà tui ở quê từ ngày mới bước chân về làng quê Tấn Mỹ làm dâu, đến giờ nó vẫn xanh tươi, nó là tâm huyết đầu tư thời gian và công sức của ba chồng tui hơn năm thập kỷ thời gian.
2..Còn biên giới giữa hai nhà thì là cái rào mồng tơi hay bông bụp . Dây mông tơi bò tự do lên cây gòn nhỏ hay bò nhởn nhơ trên vài ba sợi dây kẽm lơ phơ . Rau mồng tơi cũng là nguồn rau luôn xanh , có sẵn để có tô canh nấu với nắm tép mồng còn nhảy soi sói trong cái rổ tre mới mua dưới bến.
Mỗi lần tui về nhà , mở tung cái cửa phòng cho thóang nhìn qua cái sân hậu của nhà nường , dáo dác kiếm nường , cười chào một cái cũng là vui trong tình láng giềng, hàng xóm. Mùa trăng sáng tỏ, dù có nằm trong mùng trốn muỗi , tui vẫn có thể thưởng thức mặt trăng tròn treo trên đầu ngọn cây lê ki ma ở góc sân nhà và cái rộng rãi liền kề của khoảng trống nhà bên.
3. Tui hay lén nhìn láng giềng của tui lăng xăng công việc nhà sau giậu mồng tơi, khi thì đem cám đổ vào máng cho heo ăn , khi thì miệng túc túc gọi đàn gà, tay rãi thóc trên sân. Người phụ nữ nhà quê mà làn da trắng như bông bưởi, mặt trái xoan hồng hào với mái tóc bới thiệt cao, nói chuyện quê mùa quê trất quê trang. Tui mến thương nường như thương cục đất quê hương. Từ cục đất mà sinh biết bao tình làng nghĩa xóm . Buổi trưa nường hay ru em bé ngủ trong tiếng gà xao xác ngoài sân. Nường cũng thuộc lòng những bài thơ mới hồi giữa chừng cái thế kỷ 20, nường ru thơ mới bằng cái giọng Nam bộ rặt cái chất miệt vườn, không phải là giọng ngâm Hà Nội của bà Hồ Điệp tui vẫn thường nghe. Và tui nghe cũng thấy ngồ ngộ , sao sao !!!
” Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn…”
Ừ hén, cái giậu mồng tơi giữa hai nhà cũng là nơi tui hay chui qua sân sau nhà nường mà đi …ăn chực. Chẳng qua , nường thấy tui có một mình, tội nghiệp cảm thương ! Cứ đứng sau hè, cạnh cái chuồng heo mà thấy tui bên nầy , nường đưa tay ngoắc ngoắc ! Tui gật đầu vì quá hiểu cái ám hiệu từ nường . Thế là tui bèn xỏ dép nhựa lội vườn, chui rào chạy một mạch qua bên kia biên giới đi ăn chực đều đều !
Nhưng những ngày tiện lợi ấy sẽ không còn khi bức tường, tui gọi là Trump wall mới được xây lên . Nường thân ái của tui sẽ không còn thấy tui qua cái hàng rào mồng tơi xanh biếc. Vì anh chị tui quá quan tâm đến sự an toàn của tui khi về tổ đình chỉ có một mình, bèn dựng lên Trump wall lên để vổ yên tâm lý được bảo vê an toàn cho đứa em dâu góa bụa !
Trưa nay tui ngồi rửa chén bên nầy sàn nước sau nhà , tui vẫn còn quen cái thói nghía qua nhà hàng xóm , và tui chỉ thấy bức tường đang dần cao nghệu phía trên. Và văng vẵng bên kia bức tường Trump , giọng hàt ru cháu nội của nường làm tui cười phát mình ên !
“ Trồng trầu thì phải khai mương ,Làm thân hai vợ , anh thương vợ nhì !
Ôi nường của tui, nường sửa lại câu hát ngon ơ như khẳng định cái sự thật ở đời luôn thế ! . Đã gần 70 tuổi trên đầu mà trái tim của nường luôn thuộc cô thiếu nữ lâu năm, tích cực , chan hòa trong cuộc sống và sự dí dỏm của nường luôn làm người khác vui lây. .
4. Thế là từ đây muốn qua bển cùng làm ” bà tám” với nường tui phải đường hoàng đi bằng cổng chính, qua cái bờ giậu trà lâu năm trước cổng nhà tui, nhà nường. Sự đàng hoàng nghiêm trọng giữa khách chủ lại thấy mất vui, mất tiện.
Rồi buổi trưa , buổi tối nằm trong phòng nhìn ra cửa sổ, chắc tui phải ngậm ngùi mà ngâm hai câu thơ tui mới tự cải biên.
” Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
” cách nhau một cái… tường vôi cao nghều ! :
11/3/2020
Nguyễn Ngọc Hạnh
Bài viết hay lắm ,,giọng văn thật dí dỏm ,,Cảm ơn tác giả Ngọc Hạnh nhé ,,Chúc em vui nhiều trong cuộc sống nha.
Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C )