CAO THỊ HOÀNG, NHÀ VĂN “ĐỊA PHƯƠNG CHÍ, SINH VẬT – CÔN TRÙNG SÔNG NƯỚC NAM BỘ” (*)
Theo Tự điển Bách khoa toàn thư thì, người đầu tiên khai phá thể loại văn xuôi “Địa dư chí” là danh sĩ Nguyễn Trãi, nhà Hậu Lê; tác giả của tác phẩm Dư địa chí, biên soạn năm 1435, theo yêu cầu của vua Lê Thái Tông.Về tác phẩm Địa dư chí đầu tiên này, Wikipedia-Mở ghi nhận như sau:“Cuốn sách viết bằng chữ Hán, ghi chép sơ lược về địa lý hành chính và tự nhiên của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.“Căn cứ mục 1 trong Dư địa chí thì tác phẩm được làm vào năm 1435, đồng thời cũng đã xác định bờ cõi nước Đại Việt lúc bấy giờ. Tác giả viết: “ Năm thứ hai niên hiệu Thiệu Bình (1435, đời vua Lê Thánh Tông), đức giáo hóa của nhà vua đã lan xa, các nước chư hầu đều đến triều cống. Hành khiển là Lê Trãi (vốn họ Nguyễn, năm 1428, được ban quốc tính họ Lê) bèn làm sách Dư địa chí tiến lên vua”. Và nói rằng:“ ‘Nước ta mới mở gồm có sông núi, phía đông giáp biển, phía tây đến nước Thục, phía đông đến Chiêm Thành, phía bắc có hồ Động Đình…”
Cao Thị Hoàng – người bạn đồng hành với côn trùng sông nước Nam Bộ
Sau này, các tỉnh, thành thường có một cuốn Địa phương chí ghi lại nguồn gốc, ranh giới cùng những nét đặc thù về đất đai, thiên nhiên, văn hóa, phong tục… và, những đặc tính riêng của địa phương đó.Tuy nhiên, dù tác phẩm là công trình biên soạn của một hay nhiều người, thì cũng không hề nói tới thế giới sinh vật-côn trùng có ở địa phương ấy. Nói cách khác, cá nhân tôi chưa từng được đọc một bài viết nào đào sâu vào sinh hoạt của thế giới sinh vật, nhất là côn trùng trong thế giới cộng-sinh của đất nước Việt Nam.
Mãi gần đây, bất ngờ, nhà văn Cao Thị Hoàng đã mở rộng cánh cửa cho người đọc bước sâu vào thế giới sinh vật – côn trùng của đất nước; đặc biệt là sông nước miền Nam, bát ngát. (1) Qua những bài viết được đọc, với tôi, Cao Thị Hoàng không chỉ là một nhà văn của những trang “địa dư chí”, uyên bác như một nhà côn trùng học mà, kiến thức của Cao Thị Hoàng còn phong phú, giàu có ở cả khía cạnh lịch sử, truyền thuyết, ca dao, tôn giáo, văn học nữa…
Thí dụ, bài viết tựa đề “Nhện Chúa ở hậu liêu Chùa Nổi”, nếu Cao Thị Hoàng không viết xuống, cá nhân tôi sẽ vĩnh viễn không thể biết nguồn gốc Chùa Nổi ở đâu? Vùng đất này đã trải qua những giai đoạn đặc biệt nào dọc theo lịch sử đã có trên 200 năm thăng trầm của phần đất miền Nam xa xôi này. Đồng thời, tôi cũng không được biết sinh hoạt truyền giống của loài nhện – một sinh vật quen thuộc, có mặt khắp mọi nơi trong đời thường; cũng như trong ca dao của Việt Nam.
Mở vào bài viết của mình, sau khi xác định địa giới của Cánh đồng Tuyên Bình, Cao Thị Hoàng mượn truyền thuyết Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, để giải thích nguồn gốc “Chùa Nổi” như sau:
“… Tương truyền rằng, quân Tây Sơn truy đuổi và dồn Nguyễn Ánh vào bước đường cùng nơi bờ bắc sông Vàm Cỏ Tây. Nguyễn Ánh ngửa mặt lên trời than: “Ta đành gửi mạng nơi nầy!”. Bỗng một con cá sấu to kềnh từ dưới nước trồi lên, đưa lưng cõng Nguyễn Ánh vượt sông lẩn trốn vào Gò Nổi. Đương quang đãng, trời tối sầm; một trận cuồng phong dậy sóng, ngăn quân Tây Sơn truy sát. Sau khi thoát nạn, Nguyễn Ánh cho cất ngôi chùa trên nền Gò Nổi, dân sở tại và khách thập phương gọi là Chùa Nổi!” (2)
Để rồi ngay sau đó, Cao Thị Hoàng đã giới thiệu hai “nhân vật chính”: Nhện Chúa, và kẻ thù không đội trời chung, “Bọ cạp Chúa”một cách ngắn, gọn, bằng thủ pháp nhân cách hóa:
“… Nhện Chúa cùng bầy đàn không có bản địa riêng, không có quê hương; đất lành chim đậu. Vì, không có bản địa riêng nên Nhện Chúa chẳng lao tâm khổ tứ trong việc chống giữ, được mất. Tưởng vậy là ngon cơm, nào ngờ trời chơi nghiệt, dựng kẻ thù bất cộng đái thiên của Nhện Chúa là Vua Bọ Cạp. Nhiều trận chiến sinh tử đã xảy ra giữa Nhện Chúa và Vua Bọ Cạp trên vùng đất Gò Hàn, vùng đất có một thời rực rỡ nền văn hóa Ốc Eo. Mỗi lần thua, Nhện Chúa lui dần về phía Gò Nổi…”
Tuy phe “Nhện chúa” nhiều lần thất thế trước phe “Bọ cạp chúa”, nhưng cũng như con người, dù ở trường hợp nào thì, nhu cầu sinh tồn, truyền giống vẫn không thể lãng quên. Do đấy, ở phân đoạn 2 của truyện, Cao Thị Hoàng đã đẩy mạch văn của mình, (như những tơ nhện) qua sinh hoạt truyền giống giữa Nhện chúa và Tướng quân Nhện đực:
“… Men theo dây tơ khung, Nhện Chúa bất chợt nhìn bộ phận sinh dục của mình và của Tướng quân Nhện đực, cùng phát sáng huỳnh quang dưới ánh nắng buổi trưa. Lòng Nhện Chúa rạo rực, quên hết phiền não thua trận. Tướng quân chẳng kém gì Nhện Chúa, cơn động tình khiến chàng dang chưn, ưỡn bụng, giương và rung vòi… như ngầm tâu rằng: Bẩm Chúa, bề tôi sẵn sàng! Nhện Chúa không vội gì vào ngay cuộc mây mưa, nàng mở khúc dạo đầu ân ái: chìa bụng lắc qua lắc lại; cong chưn như múa…Chàng chịu hết siết, bốn cái ngàm hai bên miệng miết vào nàng, bốn cặp chưn hai bên đầu ngực bám quíu nhau, vừa híp vừa mở theo nhịp đưa và đẩy của chàng và nàng. Thời gian như chết trong cơn mê tình dục. Khoảnh khắc thăng hoa tràn đến, chàng còn đủ tỉnh táo sử dụng chiêu thức tuyệt kỹ: Tháo chạy, của quí ở lại! Nếu không muốn bị ăn thịt.
“Của quí chàng tách ra để lại nàng, nó có phận sự tiếp tục làm tình và bắn tinh vào lỗ sinh dục nàng như chàng đương giao phối.
“Tướng quân Nhện đực sống sót sau cuộc ái ân với Nhện Chúa. Cả đàn nhện chúc mừng và vui ra mặt. Bởi mất Tướng quân, cậy ai chống đỡ sự tàn sát của Bọ Cạp.
- Đạo lý trong ”địa phương chí ” Cao Thị Hoàng
Dẫn tàn quân rút về Chùa Nổi. Giữa giây phút thập tử nhất sinh, nhờ tiếng chuông Chùa Nổi, bất ngờ Nhện Chúa được cứu sống. Cao Thị Hoàng viết:
“…Nhện Chúa dẫn tàn quân chạy thục mạng về Chùa Nổi. Vua Bọ Cạp thừa thắng xông tới, quyết truy đuổi tới cùng. Tự dưng Vua Bọ Cạp và đoàn quân khựng lại, tất cả tiêu tan nhuệ khí chích độc vào kẻ thù khi nghe tiếng chuông chùa ngân nga từ Gò Nổi vọng tới. Nhờ vậy, Nhện Chúa chạy qua cổng chùa và ẩn mình ở góc mái hậu viên. Vua Bọ Cạp định vào chùa, chợt thấy tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đang đứng trên tòa sen, tay rưới nước Cam Lồ cứu nạn cứu khổ. Vua Bọ Cạp kinh sợ, cùng đoàn hùng binh hung hãn lặng lẽ rút lui qua ngõ Gò Ớt…”
Qua phân đoạn ngắn này, người đọc cảm nhận được chủ tâm của Cao Thị Hoàng nói về ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo – một trong những truyền thống văn hóa lâu đời của nếp sống tinh thần người Việt.
Tác giả cho thấy, tính chất siêu hình của niềm tin tôn giáo, cách gì, cuối cùng cũng thắng được cái ác. Dù cho cái ác đó, có là bản năng tiên thiên ở một số sinh vật…
Từ đường dẫn vừa kể, Cao Thị Hoàng đưa người đọc tới phần kết của bài viết. Một bài viết mang tính chất địa dư chí, nhưng lại phối hợp được một cách tự nhiên đời sống của loài nhện, côn trùng phổ cập, quen thuộc với hầu hết mọi địa phương, khí hậu và, tính hướng thiện… (cũng là một trong những căn tính thiên – lương của con người… nhất là với những người dân miền Nam mộc mạc, chất phác)…
Tác giả mượn lời Sư trụ trì, “khai thị” cho chú tiểu về bản năng “hiếu sát… dù với một sinh vật nhỏ bé như con nhện…
“Lời khai thị” của Sư trụ trì, không chỉ khiến chú tiểu “bừng tỉnh” mà, ngay Nhện Chúa cũng:
“…Kinh hãi nhận ra rằng thiện và ác, sinh và tử, tốt và xấu…chỉ cách nhau có một cái quay đầu. Bất giác, Nhện Chúa thấy cái Vô Thường của kiếp Nhện mong manh, đối lập hẳn với cái Thường Hằng của luật Nhân Qủa như một món quà Trời ban cho chúng sanh. Rồi, nhện phát tâm muốn cúng dường thân tứ đại cho chúng sanh để làm bài thuốc cứu khổ mọi loài…”
Tới đây, kịch bản phim truyện của Cao Thị Hoàng chuyển biến nhanh tựa một sát na (đơn vị căn bản đo thời gian theo giáo lý đạo Phật):
“- Bạch Tổ! Đệ tử xin cúng dường sanh mạng này…
“Nhanh như chớp, Nhện Chúa từ tay áo Sư phóng thẳng sang ngọn bạch lạp đang thắp sáng cúng dường trên bàn Phật.”
Với tôi, tác giả không chỉ cho thấy sự thấm hiểu lẽ đạo nhuần nhuyễn (ứng dụng vào bản văn, như một phản xạ tự nhiên) mà, hiển nhiên, tác giả còn muốn truyền cho người đọc thông điệp về ý nghĩa thực sự, cuối cùng của một kiếp đời, không có gì đáng kể hơn những hy sinh, đem hữu ích đến cho người khác!
Chưa hết, ở những dòng cuối của tiểu phẩm “Nhện Chúa ở hậu liêu Chùa Nổi”, Cao Thị Hoàng đã không quên đưa mạch văn của mình, trở lại với khung nền “địa phương chí” và, sự hiểu biết sâu rộng của tác giả về các bài thuốc gia truyền, môn thuốc dân tộc – một lãnh vực mà, không phải nhà văn, nhà báo hoặc chuyên viên nghiên cứu nào cũng có thể có được.
Tác giả viết:
“Dưới ánh bạch lạp lung linh, nơi chánh điện Chùa Nổi, Nhện Chúa thắp sáng tình thương của Bồ Tát. Lấy thân mình làm thứ thần dược cho con người. Từ đó, người trong vùng và nghĩa quân Đốc Binh Kiều biết lấy màng tơ nhện trị: vết thương, chảy máu, thổ huyết… , biết dùng thân thể nhện trị: sa tinh hoàn, sâu răng, trúng gió méo miệng, đái dầm, viêm amydal, trẻ em kinh giựt, nha cam tẩu mã và các vết thương do côn trùng cắn…
“Đại Hồng Chung Chùa Nổi theo gió chiều quê, ngân nga khắp miền sông nước Phương Nam: Nhắc nhở lòng thành Nhện Chúa đối với nhân gian, nhắc nhở con người mang nợ chúng sanh!”.
- Tính nhân bản trong ”địa phương chí” Cao Thị Hoàng
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.
(Ca dao)
Với tôi, bất cứ bài viết nào về côn trùng của Cao Thị Hoàng, đều không chỉ mang tính “địa phương chí” mà, còn chan chứa tính nhân bản. Tôi muốn nói, Cao Thị Hoàng (bút hiệu của một nhà văn) không chỉ nồng nàn một tình yêu ngây ngất với những sinh vật cộng sinh cùng con người, đất nước mà, Cao Thị Hoàng còn cho thấy, sự uyên bác của tác giả về các lãnh vực khác, như lịch sử, tôn giáo, nếp sống văn hóa cổ truyền, văn chương truyền khẩu, khoa học đương đại… Chưa kể, sự khác biệt giữa tính chuyên môn, lạnh lùng, của những nhà côn trùng học, trong các phòng thí nghiệm và tính nhân bản trong cõi-giới văn xuôi Cao Thị Hoàng.
Tôi cũng có những mùa-hè-tuổi-thơ (ít thôi) ở ao riêng khu vườn quê ngoại…
Những con chuồn xanh, chuồn nâu, chuồn ớt… từng là bạn thân thiết của tôi, bên cạnh những con dế cơm, dế trũi, dế cỏ, dế đá… Nhưng, nếu không được đọc bài “Chuồn chuồn điểm nước” của Cao Thị Hoàng thì, thủy chung tôi không biết gì về đặc điểm cơ thể các bạn chuồn chuồn của tôi.
Nhờ bài nghiên cứu công phu, tỉ mỉ của Cao Thị Hoàng, tôi mới được biết mắt kép của các “bạn tôi” vốn là 30.000 con mắt nhỏ tụ hội và, đôi cánh trước, sau của các “bạn tôi” bẩm sinh có thể hoạt động độc lập… Cũng từ bài viết này, của Cao Thị Hoàng, lần đầu tiên, tôi mới biết, trước khi là chuồn chuồn thực thụ, ở giai đoạn ấu trùng, chuồn chuồn có tên là “con Cơm Nguội”!!!
Khi đã vào tuổi “cổ lai hy”, tôi mới hiểu, tại sao hầu hết những cuộc rình bắt “bạn”, ở thời thơ ấu của mình, tôi thường thất bại; dù đã cố gắng không gây một tiếng động nhỏ, rón rén hay trườn, bò từ sau lưng “bạn mình”!
Mở đầu bài viết “Chuồn chuồn điểm nước”, vẫn với kỹ thuật nhân cách hóa một cách sinh động, chuyển biến thương yêu nhậm lẹ dành cho côn trùng, Cao Thị Hoàng viết:
“Nắng vàng vọt cuối năm.
“Tiểu Tử đứng một chân trên đầu bông cây Lác mọc ven đìa, mắt ngong ngóng về bờ Nam chờ Chuồn Tím. Chợt Tiểu Tử nghe tiếng trẻ con đùa giỡn, la hét vang dội ở góc đìa. Hình như chúng rượt đuổi bắt chuồn chuồn. Bằng mắt kép với 3 vạn con mắt nhỏ tụ thành, Tiểu Tử nhận ra Chuồn Tím sắp thọ nạn. Nhanh hơn gió, Tiểu Tử sử dụng thủ pháp Bích hổ du tường, lượn mình bay dựng đứng qua rào cứu bậu. Nhờ cánh trước, cánh sau có thể cùng lúc hoạt động độc lập, Tiểu Tử cụp đuôi xuống cho Chuồn Tím bấu vào, rồi thình lình quạt cánh bay ngược về phía sau; lũ trẻ lỡ trớn trố mắt nhìn theo ngơ ngác!…”
Đọc tiếp, tôi thấy như mình được sống lại những ngày thơ ấu, tưởng không cách gì có thể tái hiện:
“Chuồn Tím thút thít:
“- Bậu coi, chiều nào bọn trẻ trong xóm cũng kéo nhau ra bắt chuồn chuồn, xỏ đít bằng cọng rơm, bằng cọng cỏ chỉ… thả cho bay và mang theo những thứ khủng khiếp ấy, để chúng coi hứng chí vỗ tay. Sau đó, chuồn chuồn chết! Hồi nãy, bậu cứu không kịp, em sụm bà chè rồi chớ chẳng chơi!
“Mặt đìa nước lăn tăn, gió lao xao rừng Lác. Bầy chuồn chuồn đầy màu sắc bay đến hỏi han, đồng thời báo tin dữ:
“- Bọn trẻ rình tóm được một số anh chị bay không kịp, chúng bắt từng cặp cụng nhau lỗ đầu, sứt trán; gãy cánh, rớt đuôi… banh xác! Một số còn lại, chúng đè đầu bắt cắn lỗ rốn – cái lỗ rốn sâu quắm đen ngòm, bốc mùi nghẹt thở. Trẻ kháo nhau: ‘Chuồn chuồn cắn rốn mau biết bơi!’…”
Tuy không biết cách ‘xỏ đít’ các bạn chuồn chuồn của tôi, bằng cọng rơm hay cọng chỉ cỏ… nhưng những lần may mắn bắt được “bạn”, tôi cũng đã từng hành hạ “bạn tôi” bằng một sợi chỉ cột vào đuôi “bạn” hay, thu hết can đảm cho “bạn” cắn rốn” với niềm tin… mãnh liệt: Nhờ thế, tôi sẽ sớm biết bơi!!!
Có khi tôi kẹp cứng đôi cánh trong suốt, mỏng như giấy quyến, xong lật ngược “bạn” lên, thích thú nhìn chiếc đuôi dài của “bạn” uốn cong lại, trong lúc chân “bạn” vò nhau, và những chiếc răng nghiến lại, như muốn cảnh cáo, chỉ cần một chút sơ sẩy thôi, “bạn tôi” sẽ nhai sống nuốt tươi tôi lập tức!
Cũng nhờ đọc bài Cao Thị Hoàng, tôi mới vỡ nhẽ, hiểu biết của tôi về hoạt động tính dục, cũng như bộ phận sinh dục của chuồn chuồn cái không nằm ở phần cuối đuôi mà, ở giữa bụng:
“…Động vật trên toàn thế giới, đều bái chuồn chuồn đực là ‘sư phụ cưỡng dâm’. Vì vậy, ông Trời cấu tạo bộ phận sinh dục nằm ở giữa ngực chuồn chuồn cái; hẳn là ngăn chặn phần nào sự cưỡng dâm ấy. Có lẽ cũng phải thôi, bởi quỹ thời gian sống của chuồn chuồn quá ngắn ngủi, sau ba bốn năm làm thân con Cơm Nguội trên mặt nước và phải trải qua đớn đau chí ít trên mười lần lột xác; con Cơm Nguội mới biến thành Chuồn Chuồn trưởng thành. Thế mà, trời không thương chỉ cho chuồn chuồn ngót nghét sống chưa đầy 2 tháng; hỏi sao nó chẳng gấp gáp ”Yêu đi em, chiều hôm tối rồi!”…”
Nhưng, Cao Thị Hoàng cũng đã mau mắn “giải oan” cho các “bạn chuồn đực” của tôi, khi biện giải rằng:
“Thật tình, chuồn chuồn cái dâm đãng hơn bội lần chuồn chuồn đực. Sợi chỉ xỏ qua lỗ kim, nếu lỗ kim nhúc nhích thì sợi chỉ mần sao xỏ? Chuồn chuồn cái không thuận lòng, đố cha chuồn chuồn đực nào cưỡng dâm được. Cớ sự là vậy, thiên hạ xấu mồm xấu miệng gieo tiếng ác nói nó cưỡng dâm. Đôi khi, ngược lại thì có.
“Chuồn Tím lồ lộ phơi bày 10 đốt chạy theo đuôi, mỗi đốt có lỗ khí ửng hồng khiêu khích. Tiểu Tử lao tới, Chuồn Tím uốn cong thân bụng và ưỡn ngực về phía trước, bộ phận sinh dục nở rộng để cơ quan giao cấu của Tiểu Tử đút sâu vào bên trong. Tiếng vo ve phát ra theo đường bay lượn lên xuống mùi mẫn. Thời điểm đạt đỉnh, thân bụng Chuồn Tím cong như cánh cung; đôi cánh trước, đôi cánh sau căng cứng; những lỗ khí phát hơi như làn sương mỏng, cũng là lúc Chuồn Tím nhận dòng tinh từ túi tinh Tiểu Tử bắn cực mạnh vào tận chốn thâm cung, toàn thân run rẩy chao nghiêng và cả hai dìu nhau sà xuống mặt đìa điểm nước. Cú điểm nước ấy, Chuồn Tím đẻ trứng. Vòng đời chuồn chuồn con bắt đầu: Trứng – Ấu trùng (con Cơm Nguội) – Chuồn chuồn trưởng thành!…”
Tác giả đã rất thâm thúy khi đề cập tới bản năng sinh tồn của các “bạn tôi” (như con người) và, qua lăng kính đạo Phật, Cao Thị Hoàng cũng không quên gửi một thông điệp chung cho người đọc:
“…Bọn mình chỉ sống theo bản năng trong cái khung thời gian định sẵn. Chẳng hiểu “cái ta và cái không phải ta” là cái quỷ quái gì, thì hiện tượng của khách quan kia cũng chỉ là hư ngụy. Phật nói từ bi với mọi loài, trong đó có bọn mình; nhưng từ bi mần sao mà vòng đời bọn mình chưa đầy hai tháng? Từ bi mần sao mà để bọn mình quên mất cái chỗ trở về nguyên quán của mình?
“- Bọn mình gắng tu nhiều kiếp, có thể đến muôn kiếp – tùy duyên – mới họa hoằn thành người. Thành người, Trời mới ban cho cánh cửa mở vào trí tuệ, có trí tuệ thì có suy nghĩ và ý thức về cuộc sống. Nói chính xác hơn: Kẻ có trí mà rời xa thực tại, kẻ đó không thể có huệ. Tau với mầy thuộc về con vật không phải con người, đừng rờ mó vào cái tinh hoa của con người mà Thượng Đế đã ban cho…”
Mở đầu phân đoạn tiếp, bằng câu:
“Trời gom nắng un khói để chuyển chiều” đầy thi tính, Cao Thị Hoàng cho tôi nhớ lại những câu ca dao, tích lũy kinh nghiệm nhiều đời của tiền nhân, về phương diện thời tiết mà các “bạn tôi” đã đóng góp cho vùng nông thôn, giới làm ruộng, Cao Thị Hoàng viết:
“Gió đồng nội thổi liu riu, Chuồn Tím thức giấc và nằm nướng. Cánh mỏi và ngực ê ẩm, rang nhức như muốn vỡ ra. Chợt có tiếng người ru con văng vẳng: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa / Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm. Chuồn Tím nghe lòng ấm lại. Hóa ra, chuồn ta sống trong cõi nhân gian nầy không phải là loại vô tích sự. Chuồn chuồn dự báo thời tiết giúp con người và tất nhiên, giữa Trời với chuồn chuồn có sự giao cảm liên thông nhất định nào đó. Chỉ dấu mưa nắng của Trời đất từ cánh bay chuồn chuồn. Có khi, điều nầy làm cho chuồn chuồn gần gũi Thượng Đế hơn cả con người?…”
Từ kho kiến thức uyên bác của mình, Cao Thị Hoàng còn đề cập tới mặt khác của sự gán ghép loài chuồn chuồn vào những hoạt động đời thường, từ kinh doanh tới hủ tục trọng nam, khinh nữ:
“Nhưng chẳng thiếu những điều trái khuấy, khi kẻ nghèo khó ít vốn để đi buôn, người đời thường gọi vốn chuồn chuồn; nhà nào sinh toàn con gái, gọi rằng tổ chuồn chuồn. Thật ra, chuồn chuồn đâu có tổ – chuồn chuồn thích du tử, rày đây mai đó khắp bốn phương. Đời chỉ có thế: Ngắn ngủi, cần chi xây tổ để buộc ràng? Như khách lữ, coi mái nhà chỉ là quán trọ qua đêm, chớ không phải tổ ấm cuộc đời. Chuồn chuồn gần gũi với người, tự coi mình bạn thân tuổi thơ của trẻ. Ở miền quê, có trẻ con nào chẳng gắn tuổi thơ êm đềm của mình với chuồn chuồn. Vậy mà, con người – nhất là trẻ thơ – đối xử với chuồn chuồn nhẫn tâm, độc ác. Nghịch lý ấy mãi mãi tồn tại, chẳng ai lý giải và quan tâm…”
Trở ngược thời gian, Cao Thị Hoàng nhắc tới hình ảnh chuồn chuồn trong lịch sử văn hóa cổ truyền của tổ tiên và, ứng dụng “diện mạo” của loài côn trùng này trong lãnh vực kỹ nghệ chế tạo phi cơ; lãnh vực quân sự:
“Rồi Chuồn Tím nhớ liệt tổ khi xưa truyền lại: Hình dáng chuồn chuồn giúp con người nghĩ ra mũ cánh chuồn trong định chế xiêm y, triều phục thời phong kiến, nhằm phân biệt văn quan võ quan. Mũ cánh chuồn thuộc về quan văn từ khoảng thời nhà Tiền Lê nước Đại Việt. Còn vì sao con người chọn cánh chuồn chuồn làm biểu tượng mũ cánh chuồn, thì liệt tổ không nói. Có lẽ, để tôn vinh cái tánh linh của chuồn chuồn, bởi loài vật nầy có thể hiểu được tâm ý Thượng Đế khi ban phát mưa nắng cho loài người ở cõi trần gian chăng?
“Về sau, con người dùng trí tuệ trời ban, tiến hành nghiên cứu hình dáng và đặc tính của chuồn chuồn và đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ chế tạo máy bay hạng nhẹ – vinh danh máy bay chuồn chuồn – sản xuất ra các thiết bị do thám trong dân sự và quân sự; cứu người và giết người…”
Vẫn khởi từ ngọn hải-đăng-nhân-bản-tiên-thiên của mình, Cao Thị Hoàng viết tiếp:
“Trị vì khó mà dễ, cai trị dễ mà khó. Từ chuồn chuồn phát minh và ứng dụng công nghệ khó mà dễ, sử dụng ứng dụng công nghệ ấy nhằm mục đích gì, cho ai? Dễ mà khó! Bản năng con người vốn vô cùng phức tạp, trí tuệ con người càng vô cùng phức tạp hơn. Con người ỷ mình có trí tuệ mà vạn vật không có, đã cuồng phá và thay đổi quy luật sinh thái, tạo biến đổi khí hậu từ hiệu ứng nhà kính…Khát vọng muốn nội soi, banh trời để tìm hiểu. Một số việc muốn thay trời cai trị trần gian. Một số loài biến mất, sắp biến mất… trong đó có chuồn chuồn, do bàn tay con người!”
Với phong cách của một nhà văn có tay nghề cao, hiểu theo nghĩa kiểm soát được mạch văn, không để xung động tình cảm lôi cuốn chữ, nghĩa lạc xa chủ đề, Cao Thị Hoàng trở lại với khung, nền địa lý, sử ký, dã sử, văn hóa ẩm thực, tướng mệnh học, nhắc nhở người đọc về truyền thống đạo lý của dân tộc:
“Chuồn biểu tượng cho sự bình yên, cho không gian đa sắc màu vũ trụ, chứ chẳng phải chuồn theo kiểu ‘’Tam thập lục kế…’’. Hỏi rằng trên hành tinh nầy, có nơi nào hình thành được cái làng Chuồn độc đáo, cái đầm Chuồn mênh mông và thơ mộng? Chỉ có Huế của Việt Nam. Chẳng biết từ lúc nào, một bộ phận dòng tộc chuồn chuồn đã tụ về sinh sống trong cái đầm thuộc quần thể phá Tam Giang. Người thấy dễ ăn dễ ở, dắt díu nhau theo gót chuồn chuồn đến đây lập làng. Từ đó, làng Chuồn – tên chữ An Truyền – nổi tiếng họ Đoàn, triều Nguyễn gọi ‘Đoàn giặc’, ý ám chỉ cuộc nổi dậy của Đoàn Trưng, Đoàn Trực. Và, họ Hồ Đắc đã nở sắc khai hương lan tỏa khỏi làng. Điều thích thú về ẩm thực không chi bằng ‘Rượu làng Chuồn’ mà hương vị làm mê lòng bao đấng mày râu. Đầm Chuồn ngoài vẻ đẹp thiên nhiên điền dã, người khoái khẩu về thực không chi bằng món cá Kình cá Chuồn thịt thơm lừng… Chuồn là vậy, Chuồn của chuồn chuồn hữu ích cho người vô số kể. Bạn chưa tin? Thử một lần đến Huế, rồi một sớm rời Huế khoảng hơn 10 cây số, đi qua Quốc lộ 49 rẽ về hướng An Truyền, hẳn bạn sẽ rõ và tin Chuồn Tím chẳng xạo sự chút nào.
“Nhớ có lần theo Chuồn Đỏ Tía sang gặp Chuồn Ớt, nhờ coi mấy cái mụt ruồi mắc dịch mọc lùm xùm trong mình. Chuồn Tím chăm chú nghe Chuồn Ớt giảng giải: Mụt ruồi mọc ra như núi mọc cây cỏ, đất nổi gò. Nếu núi đẹp, ắt sẽ mọc cây cỏ đẹp. Nếu đất xấu, ắt mọc gò đồi xấu. Có chi mà băn khoăn lo lắng? Rồi Chuồn Ớt dặn dò kỹ lưỡng, rằng mụt ruồi son ẩn quý tướng, nhưng phải là son đỏ như chu sa thì mới tốt; nếu không sẽ là ngược lại. Mụt ruồi đen nếu lồ lộ là hung, nếu ẩn nơi kín là kiết, nhưng phải là đen nhánh, đen tuyền; nhược bằng chẳng được vậy, ắt gặp tai ương. Chuồn Tím đâm rầu, vì ở thành mép chỗ bộ phận sinh dục của mình có mọc một mụt ruồi to tổ bố màu xám tro. Trên đường bay về đìa, Chuồn Đỏ Tía thấy Chuồn Tím đăm chiêu nên nói: Mầy để bụng chi những điều bá láp; coi là coi vậy thôi, chứ thiên cơ bất khả lậu!
“Dẫu rằng bạn nói cứng, nhưng Chuồn Tím vẫn đắn đo: Nào tự nhiên, đâu ngẫu nhiên mà mụt ruồi mọc chỗ nầy, không mọc chỗ khác. Như chuồn chuồn Bạc, ba con mắt đơn và ba mắt hình lục giác tụ thành con mắt kép; trong lòng mắt kép mọc mụt ruồi thì y như rằng, tình duyên lao đao lận đận. Kẻ thứ ba chen vào tan nát ”hôn nhân”. Bạn mình nhiều đứa thay ‘người yêu’’ như thay áo. Nhìn kỹ, đứa nào đứa nấy đều có mụt ruồi mọc ở vành tai… Thật ra, mọi sự vật, mọi động hoặc tịnh trong trần gian đều có ứng chứng; cái ứng chứng đó gọi là “điềm”; cái “điềm” ấy gần như là hiện tượng báo hiệu. Bọn con nít, bắt chuồn chuồn thường dùng các ngón tay chúm lại, tõe ra. Người sắp chết, các ngón tay tõe ra chúm lại, bàn dân thiên hạ gọi “bắt chuồn chuồn” như là muốn níu kéo lại cuộc đời, nhưng không qua nổi mệnh Trời! Sự đời, thôi thì ”Có cúng có thiêng, có kiêng có lành” vậy!
“Miên man nằm nghĩ lung tung, Chuồn Tím không để ý bọn trẻ đang rình và rắp tâm chúm ngón tay bắt bất ngờ. Chuồn Tím thúc thủ và đành thân ”chim lồng, cá chậu”, chờ sáng mai bọn trẻ hành hạ bằng những trò chơi chúng thích.
“Tiểu Tử và Chuồn Đỏ Tía bay trong tâm trạng thảng thốt, cố moi mọi ngõ ngách tìm Chuồn Tím trước khi trời sụp tối. Sương là đà khắp mặt đầm, những con Cơm Nguội nhai ngấu nghiến Bọ Gậy, âm thanh phát ra rào rạo. Cả hai bay gần rã rời cánh, vẫn không tìm được dấu vết của Chuồn Tím…”
Bằng vào ngọn hải-đăng-nhân-bản tự bản chất tiên thiên, qua một đoạn văn mang tính ẩn dụ về tử / sinh, thắng / bại…, trường hợp nào thì, kết cục, vẫn là cái chết – Chân lý bất biến cho tất cả mọi sinh vật: Côn trùng hay con người, Cao Thị Hoàng nhấn mạnh:
“Những tia nắng ban mai xuyên qua chuồng trâu ngả màu vàng lốm đốm mặt sân. Bọn trẻ đứa ngồi chồm hổm, đứa đứng chỏng khu đít, vỗ tay hò reo kích động giúp Chuồn Tím cụng lộn với Chuồn Lửa. Tiểu Tử và Chuồn Đỏ Tía đậu trên chái lá, mấy lần định nhào xuống cứu Chuồn Tím nhưng không thành. Cả hai rơi nước mắt và bất lực nhìn Chuồn Tím đuối dần giữa đấu trường nghiệt ngã và sinh tử. Bọn trẻ nhìn thấy hai con chuồn chuồn đa sắc màu rực rỡ, vội lấy vợt chụp lên chái lá. Cả hai hú hồn bay trối chết. Khi quay lại, Tiểu Tử và Chuồn Đỏ Tía thấy con gà mái dầu đang mổ xác ăn Chuồn Tím và Chuồn Lửa. Than ôi! Kẻ thắng, người bại đều chết thảm như nhau!
“Ba hôm sau, người ta rút bọng tháo đìa bắt cá. Nước cạn dần và đìa chắt khô nước. Một cú đánh chí tử vào đời sống của chuồn chuồn. Bởi, nước là nguồn sống, là nơi sản sinh, nuôi dưỡng Cơm Nguội lớn lên và trưởng thành chuồn chuồn.
“Chuồn Đỏ Tía ôm Tiểu Tử vào lòng, lẩm nhẩm:
– Chuồn Tím ơi! Tau mượn và xài tạm Tiểu Tử một lần, duy nhất một lần – lần đầu cũng là cuối!
“Cái bụng thon dài của Chuồn Đỏ Tía rướn cong như vành thúng. Tiểu Tử vào cuộc, toàn thân Chuồn Đỏ tía run bắn lên. Cả hai móc sát nhau, đảo mấy vòng trên thành đìa, giữa bầu trời trong xanh và mây trắng, bay lang thang về nơi vô định.
“Chợt Chuồn Đỏ Tía dùng toàn lực còn lại, đẩy Tiểu Tử lên cao rồi bổ nhào xuống mặt đìa điểm nước đẻ trứng. Không thể và tuyệt vọng, cả hai cắm phập xuống đáy đìa giẫy chết trong bùn sình.
“Không còn nước, chuồn chuồn chết!”
Với riêng tôi, bài viết “Chuồn chuồn điểm nước” của Cao Thị Hoàng, không chỉ bổ túc cho kiến thức khiếm khuyết của mình mà, tác giả còn cho tôi nhiều bài học nhân sinh, quý báu nữa.
(còn nữa)
Du Tử Lê
_______
Chú thích:
(1) Cách đây hơn một năm, chúng tôi nhận được bài viết thứ nhất (và nhiều bài sau đó), của một người ký tên Cao Thị Hoàng – viết về thế giới sinh vật – côn trùng. Vì nội dung đặc biệt của những bài viết có tính… địa dư chí của Cao Thị Hoàng, nên chúng tôi rất muốn liên lạc với tác giả… Nhưng, bất khả. Vì tác giả không ghi lại cho chúng tôi địa chỉ Email hoặc số điện thoại!Cuối năm 2015, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, viếng thăm bằng hữu ở miền Nam Cali. Bằng vào tình thân riêng, ông tiết lộ cho chúng tôi biết Cao Thị Hoàng là bút hiệu của nhà văn TBĐ.Dù sẽ mãi ghi nhớ thiện ý của bạn, nhưng không vì thế mà, chúng tôi cho phép mình tự tiện đổi tên tác giả Cao Thị Hoàng, thành một tên khác! Trừ phi chúng tôi có được sự xác nhận chính thức của nhà văn TBĐ…
(2) Tất cả những trích đoạn của nhà văn Cao Thị Hoàng, trong loạt bài này vẫn được lưu trữ trên web-site dutule.com; cũng như trên Tự điển Bách khoa toàn thư – Mở (Wikipedia), ngay sau khi chúng tôi đăng tải.