Thư cảm ơn của Nguyễn Các Ngọc trong đợt sách tái bản

Ngày đăng: 6/01/2020 01:41:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Kính thưa Quý độc giả, Lời đầu tiên, chúng tôi xin chân thành gửi lời cảm ơn đến Quý độc giả đã dành những tình cảm đặc biệt yêu quý cho cuốn sách “Lặng thương đến hoàng hôn”.

Tháng 10 năm 2017, “Lặng thương đến hoàng hôn” ra mắt độc giả trên khắp cả nước. Cuốn sách đã được Quý độc giả đón nhận nồng nhiệt. Ngay trong tháng đầu sách được phát hành, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ suy nghĩ, đồng cảm của độc giả về câu chuyện những người khai sanh, nuôi dưỡng và làm rạng danh thương hiệu “Bột Bích Chi” – một thương hiệu thuần Việt.

Vô cùng cảm động khi nhiều cô, chú, anh, chị và cả các bạn trẻ cho biết đã tạm gác lại mọi việc khác để “đọc một hơi cho bằng hết cuốn sách”, và không ngăn được cảm xúc nên “phải gọi ngay để chia sẻ với tác giả và Nhà xuất bản”.

Nhà văn – Đạo diễn Nguyễn Hồ (hãng phim TFS) dành buổi tối đọc sách đến đêm, là người đầu tiên chia sẻ ngay qua tin nhắn: “Văn phong tác giả giản dị, chân thực, xúc động. Câu chuyện rất hay, độc đáo. Hình ảnh nhiều nhưng nhỏ quá. Nếu tái bản nên trình bày đẹp hơn nữa”.

Nhà báo Lương Minh (nguyên phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam) viết: “Khi đọc tựa sách “Lặng thương đến hoàng hôn” của Nguyễn Các Ngọc có lẽ nhiều người không biết sách có nội dung gì. Đọc hết thì đây là sách viết về ông Trần Khiêm Khánh (Tư Khánh), chủ thương hiệu bột rất quen thuộc với người tiêu dùng ở miền Nam: Bột Bích Chi. Ông Tư Khánh, một nhà tư sản dân tộc đã đem hết tâm huyết để xây dựng thương hiệu bột gạo lứt Bích Chi, ông rất có lòng với làng nghề bột gạo Sa Đéc. Viết về một nhà tư sản dân tộc có lòng với xứ sở thật khó khi câu chuyện về ông ít ai biết rõ. Có lẽ tác giả muốn cho mọi người biết đến cái tâm và sự làm việc quên mình của ông Tư Khánh, chứ không phải để “PR” cho ông vì ông đã “rửa tay gác kiếm” từ năm 1991 và ra người thiên cổ hồi cuối tháng 9 năm 2017. Người đọc có thể tìm thấy trong sách bài học của một người cống hiến cho sản phẩm từ nông dân trồng lúa được nâng tầm, cho dù công lao chưa được công nhận. Đọc sách để nhớ lại một thời đa số trẻ con ở miền Nam dùng sản phẩm rẻ tiền của Việt Nam mà cơ thể vẫn khỏe mạnh, thông minh, người già bệnh tật vẫn mê dùng”.

Bà Lê Thị Thu Vân (nguyên nhân viên Công ty Du lịch OSC ở Vũng Tàu đã nghỉ hưu, nay là tiểu thương tiệm hải sản Huỳnh Ký ở chợ 30/4 – Rạch Giá, Kiên Giang) bày tỏ: “Cuốn sách làm tôi chạnh lòng vì tôi đã sống trong giai đoạn mà bột Bích Chi ra đời và được phát hành khắp miền Nam trước năm 1975, cũng là những năm tháng mà nhiều nhà tư sản đã lặng lẽ hy sinh, hoạt động cách mạng, chịu đựng những hoài nghi. Người thân của gia đình tôi là chủ tiệm bánh Trần Thượng (đường Trần Hưng Đạo, quận 5), một tiệm bánh lớn ở Sài Gòn những năm trước 1975, cũng là cơ sở cách mạng. Toàn bộ người làm đều là bà con ruột rà tận Sóc Trăng, Cần Thơ đùm bc nhau lên cùng phụ giúp làm lụng. Tôi đã chứng kiến biết bao gian truân của người chủ phải giữ cái vỏ bọc, phải khôn khéo để việc kinh doanh làm bức bình phong an toàn cho cơ sở và rồi họ chất chứa trong lòng bao nỗi niềm khi vừa mới vui ngày thống nhất đất nước, lại phải một lần nữa hy sinh, đưa cơ nghiệp mình gầy dựng vào “hợp tác hóa” mới được tiếp tục sản xuất, nhưng sản xuất cứ đi xuống dần, tiêu tan một thương hiệu của những người lao động tự khởi nghiệp từ mồ hôi nước mắt nhiều thế hệ ông bà, con cháu làm nên. Điều đáng trân trọng là cho dù bị thiệt thòi, nhưng họ vẫn tiếp tục mang hết tâm sức phục vụ công cuộc xây dựng đất nước”

Em Trần Lê Bích Thủy (26 tuổi, tốt nghiệp  Khoa Du lịch Đại học Tây Đô), con gái bà Thu Vân tâm sự Em Trần Lê Bích Thủy (26 tuổi, tốt nghiệp  Khoa Du lịch Đại học Tây Đô), con gái bà Thu Vân tâm sự rằng: “Cháu thấy mẹ đọc say sưa cuốn sách quên cả ăn tối, cháu thắc mắc không biết sách viết gì, nên lấy xem. Cháu cũng đã bị cuốn hút bởi những câu chuyện, trong đó có tình yêu gia đình, tinh thần dân tộc, tấm lòng với xã hội; có sự suy nghĩ, nghiên cứu, sáng tạo rất khoa học từ sản xuất đến kinh doanh, quyết tâm làm rạng danh hàng nội địa; có cách đối nhân xử thế. Tất cả đều là những bài học hữu ích cho giới trẻ. Tầm nhìn xa của ông Tư Khánh về bột gạo lứt, bột các loại đậu và rau củ là những sản phẩm dinh dưỡng thật đúng, đó đang là trào lưu tiêu dùng vì sức khỏe của thế giới. Cháu mong sao ban lãnh đạo Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi hiện nay nhận ra rằng họ đã được thừa hưởng trí tuệ, tầm nhìn mà thế hệ các ông bà tạo dựng thương hiệu Bột Bích Chi đã để lại, nhưng họ đã làm ngưng trệ dòng sản phẩm này và sẽ nhanh chóng khôi phục để thực hiện sứ mệnh đưa Bột Bích Chi thành sản phẩm dinh dưỡng tốt nhất đến khắp cả nước và vươn ra thế giới”.

Nhà báo Nguyễn Kim Toàn (bút danh Cao Kim – đã công tác tại báo Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng) từ thành phố cảng Hải Phòng gửi lời động viên: “Cuốn sách được viết kỳ công lắm, trong đó có sự góp sức của nhiều người, tôi rất hoan nghênh. Mới đọc qua, cảm nghĩ đầu tiên là thấy tác giả nhiệt huyết, lao vào tìm hiểu công phu về tư liệu.  Đọc kỹ lại thấy cách viết không trau chuốt văn chương như các nhà văn, nhưng từ ngữ chân thực, dễ đọc, dễ hiểu. Cuốn sách rất có ích cho giáo dục thế hệ trẻ về nhân cách của những doanh nhân thời chiến, những nét đẹp của con người vùng sông nước Nam bộ. Cuốn sách kể về những nhân vật rất thật, toát lên rằng họ đều là những người khi còn rất trẻ đã yêu nước một cách bình dị nhưng quả thật vĩ đại, tính cách của họ gần gũi, hiền hòa rất Nam bộ, rất Sài Gòn và rất Việt Nam nhưng hành động rất anh hùng đi trong trận tuyến mà bên cạnh họ là lực lượng toàn dân. Tôi đã giới thiệu cho anh em khác đọc sách này”.

Cũng thật cảm động khi chính người “có liên quan trong cuộc” với câu chuyện “Lặng thương đến hoàng hôn” thổ lộ tâm tình khi đọc sách. Đó chính là chị Đỗ Như Phương Hồng, con gái út của bà Đoàn Thị Bích Hoàn. Khi chị từ Hungary về, cùng chúng tôi xuống Sa Đéc thắp nhang viếng ông Trần Khiêm Khánh, chị Phương Hồng bộc bạch: “Có những quá khứ của ba mẹ mà mình không biết. Đọc sách tôi biết rõ ràng hơn những câu chuyện kinh doanh và hoạt động cách mạng của ba mẹ và các cô chú. Tôi đã kể cho con trai nghe về câu chuyện này. Con trai của tôi đang học y ở Anh, cháu nói người ta rất chú ý đến thực phẩm dinh dưỡng. Có lần cháu bị viêm ruột, bác sĩ không cho uống sữa, chỉ cho uống ngũ cốc, mà ngũ cốc bên Tây rất đắt tiền. Tôi mới nói với con trai: “Những thứ ngũ cốc này ông bà ngoại đã từng là người tham gia sản xuất, kinh doanh cách nay hơn 50 năm ở Việt Nam”. Khi đọc sách, tôi thấy ngày trước nhà máy Bích Chi đã chứng minh trình độ khoa học cao ở thời  điểm chú Tư Khánh sản xuất bột gạo lứt. Bây giờ lớp trẻ cần phải biết để tiếp nối, chứ không phải bắt đầu lại từ đầu, và các bạn trẻ cũng phải hiểu nếu hiện nay có những ai đang làm như thế thì cũng chẳng phải phát minh gì mới, mà cách nay hơn 50 năm, các ông bà của chúng đã  từng làm, từng hiểu về khoa học và ứng dụng sản xuất sản phẩm dinh dưỡng tốt như vậy”.

Trân trọng hơn, nhiều cô, bác, anh, chị sống trong cùng giai đoạn lịch sử mà cuốn sách nói đến, có thời gian cùng hoạt động hay được làm việc với ông Trần Khiêm Ninh, ông Trần Khiêm Khánh, bà Đoàn Thị Bích Hoàn, ông Đinh Sanh Nghiệp đã cung cấp thêm cho chúng tôi nhiều thông tin, tư liệu, hình ảnh có giá trị. Những thông tin, tư liệu, hình ảnh này chúng tôi sử dụng bổ sung vào từng chương của sách tái bản lần này.

Như nghệ sĩ violin (Đoàn Văn công Giải phóng – Trung ương Cục miền Nam) Hồ Thị Kim Tuyến mới đọc xong Lời tựa cuốn sách đã nói cho chúng tôi biết: “Ông Hồ Văn Phiến chính là chú ruột của tôi, là người cùng hoạt động với cô Bích Hoàn, là chủ quán ăn Mỹ Xuyên – nơi cô Bích Hoàn đưa bột Bích Chi ra quán để giới thiệu”. Từ thông tin này chúng tôi đã trao đổi lại với ông Đinh Sanh Nghiệp và ông đã xác định ông Hồ Văn Phiến chính là người chủ quán mà ông nói trước đó nhưng không nhớ tên.

Đặc biệt, có những chuyện được các bác, các anh chị sau khi đọc cuốn sách này đã kể thêm cho chúng tôi biết nhiều chi tiết đáng quý mà do trước đây chúng tôi không có điều kiện tiếp cận nên đã để thiếu sót. Những lời kể ấy chúng tôi xin phép được ghi riêng lại đầy đủ, nối thêm vào chương kết trong lần tái bản này như một sự tri ân các bác, các anh chị đã giúp cho câu chuyện “Lặng thương đến hoàng hôn” thêm đầy đặn.

Chúng tôi một lần nữa chân thành cảm ơn:

– Gia đình bà Trịnh Thị Hiển

– Bà Đoàn Thị Bích Hoàn và gia đình

– Gia đình ông Đinh Sanh Nghiệp

– Bà Nguyễn Ngọc Mai

– Ông Kiều Xuân Long

– Anh Bùi Hữu Lộc

– Anh Lý Ngọc Lợi và chị Võ Ngọc Hương

– Gia đình ông Hồ Văn Phiến

– Ông Dương Cao Nguyên

– Nhà báo Nghi Anh

đã giúp chúng tôi hoàn thành việc tái bản sách.

Để thực hiện cuốn sách “Lặng thương đến hoàng hôn”, chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm của quý ông bà, anh chị đã sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm tư liệu, thông tin, hình ảnh, giới thiệu gặp gỡ các nhân vật một thời gắn bó cuộc đời với thương hiệu Bích Chi, cũng như góp ý những thiếu sót giúp chúng tôi hiệu đính chính xác trong lần tái bản.

Thực hiện cuốn sách tái bản này, chúng tôi bồi hồi nhớ đến bà Trịnh Thị Hiển và ông Đinh Sanh Nghiệp, trước khi về cõi vĩnh hằng đã kịp đọc sách in lần đầu, chia sẻ niềm vui và cố gắng tìm kiếm thêm những hình ảnh tư liệu xưa tặng lại cho chúng tôi để dành khi tái bản. Chúng tôi xin thành kính chia buồn cùng gia đình bà Trịnh Thị Hiển và gia đình ông Đinh Sanh Nghiệp.

Chúng tôi tin hương hồn của các ông Trần Khiêm Khánh, Trần Khiêm Ninh, Đỗ Như Công, Đinh Sanh Nghiệp và bà Trịnh Thị Hiển an vui ở cõi vĩnh hằng vẫn theo dõi câu chuyện bột Bích Chi đang và sẽ tiếp tục được kể, vẫn luôn mong thương hiệu Bích Chi hiện nay được yêu mến và mong giới trẻ khởi nghiệp với tầm nhìn xa để cống hiến hữu ích cho đất nước, cho xã hội.

Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn Ban giám đốc, anh chị em cán bộ, nhân viên của Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đã nhiệt tâm cho các công việc biên tập, thiết kế hình ảnh, trình bày nội dung, in ấn, phát hành để cuốn sách được đưa đến độc giả nhanh chóng, tròn vẹn.

Tuy cố gắng nhiều, nhưng chắc chắn việc thực hiện cuốn sách vẫn còn thiếu sót. Chúng tôi hy vọng sau lần tái bản này tiếp tục nhận được thêm những bổ sung, cũng như chỉ ra những thiếu sót từ độc giả. Trân trọng cảm ơn sự đón nhận sách “Lặng thương đến hoàng hôn”.

                                                                                                                               Kính thư

                                                                                                                 Tác giả Nguyễn Các Ngọc

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác