Tết về nhớ bóng người xưa

Ngày đăng: 24/01/2020 12:08:04 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

Ở trên vùng đất mới, có lẽ những dòng kênh, con rạch là chứng nhân tồn tại lâu đời, bền vững nhất thay vì những đền đài, thành quách như các vùng đất khác. Cụ nói mỗi khi Tết về lại cồn cào nhớ bóng người châu thổ khi xưa…

1. Thủa đó, đồng ruộng mênh mông, dân cư thưa thớt, môi trường tự nhiên còn hoang sơ, sông rạch, ao hồ ít bị ô nhiễm nên các loại tôm, các, lươn, ếch, chim cò, chuột, rắn, rùa… sinh sôi nảy nở rất nhiều. Cũng nhờ nguồn lợi tự nhiên dồi dào này mà cuộc sống dân nghèo có phần dễ dãi hơn.
Tuổi thơ của tôi gắn bó với kỷ niệm trên cánh đồng quê. Cứ sau những đám mưa lớn đầu mùa, chúng tôi rủ nhau đi bắt quạ. Quạ thủa ấy nhiều lắm, có bầy hàng chục con, gặp mưa lớn chúng ẩn núp trong vườn. Lũ trẻ chúng tôi rủ nhau rượt đuổi, quạ bung chạy ra đồng trống, dính mưa ướt cánh bay không nổi, có khi bắt được vài 3 con, cũng có khi không bắt được con nào. Đi rượt quạ cho vui, cho khỏe, chớ thịt quạ ăn không ngon. Thật không may, có lần đi rượt quạ mà người bạn ở cùng xóm bị sét đánh chết. Sau lần đó, chúng tôi bị cấm ngặt, không cho đi rượt quạ nữa.
Đã nhứt là mùa mưa. Đêm xuống nước nổi lênh láng nhưng cánh đồng nào cũng sáng rực ánh đèn khí đá, bập bùng đuốc lá dừa khô. Cả xóm ra đồng bắt ếch, ếch nhiều vô số kể. Bắt ếch vui lắm, cứ canh khoảng 2-3 giờ sáng, lúc ếch gom lại “bắt cặp”, ta rọi đèn chúng “trơ mắt ếch” nằm yên tại chỗ, tha hồ bắt; tụi tui chỉ bắt ếch lớn, mập. Người bắt giỏi một đêm cũng trên chục ký, đem về rộng lại để ăn chớ bán ít người mua. Thịt ếch ngon, thơm, dân quê kêu “gà đồng”.
Mùa mưa là mùa cá kéo thành bầy lên đồng, bắt đầu sanh sản. Ta dùng cái nơm hoặc dao mác chọn con nào lớn thì xiên bắt mang về. Ngoài ra, còn giăng câu, giăng lưới, đặt lợp, câu nhắp, câu thược… Mỗi lần như vậy mang về 5 – 10 ký cá là thường, có những con cá lóc, cá trê nặng tới 1 – 2 ký.
Mỗi năm tết đến nôn nào nhất là tát đìa. Khi tát tụi nhỏ rắn mắt thường “xuống trước, lên sau”, tha hồ chụp cá. Tát xong, gia chủ đãi chòm xóm sang giúp bữa nhậu “ngoắc cần câu”, khi về lại dúi thêm xâu cá dài thượt. Gia đình tôi đào được 3 – 4 cái đìa, có cái dài hơn 20m, ngang 2,5m, sâu 1,5m; khi nước phân đồng thả chà xuống mồi dụ cá đến ở. Đìa lớn thu hoạch được vài trăm ký cá, nhiều nhứt cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc rằn (có người gọi cá bối)… Cá lóc lựa khoảng 3 con/ký trở lên, đào hầm rộng lại, ăn dần; những loại cá khác làm mắm (mỗi năm nhà tôi làm cả trăm ký) riêng cá sặc rằn làm khô ăn cả năm.
Đến mùa hạn, cá, rắn (rắn ri tượng, rắn ri cá…) rúc xuống kinh mương, ao hồ trú ẩn, ta làm chĩa 3 mũi cán dài 1m đi xiên một buổi được cả chục ký. Rắn cái có trứng ăn rất ngon, rắn hầm sả là món ăn đồng quê thú vị, người nhậu rất ghiền món ăn nầy.
Đồng quê thủa ấy chim, chuột rất nhiều. Mưa xuống cỏ non mọc xanh đồng, chuột con nào cũng mập, vàng ươm, mỡ rất nhiều, cứ đến mùa anh chị em tôi cùng nhau đi dậm cù bắt chuột. Dậm cù cần đông người, cứ chọn chỗ nào năn rậm rạp thì căng tay nhau đi, chuột bị gom vào cù, ta vạch năn ra bắt; con nào chạy ra ngoài có chó chực sẵn, ít con nào thoát khỏi. Về nhà lựa con lớn, mập đem thui hoặc lột da, bằm thịt xào với lá cách hoặc nướng ăn rất tuyệt. Đây là món ăn phổ biến trong nông thôn hồi đó. Số chuột còn lại bỏ vào chảo lớn nấu cho rã, mỡ chuột nổi trên mặt ta hớt đổ vào chai hoặc lu, khạp để dự trữ đốt đèn thay dầu lửa (có khi phải đốt rơm thay đèn ăn cơm tối). Nhà tôi năm nào cũng có mỡ chuột dự trữ…
Những món ăn mộc mạc đậm đà hương vị đồng quê như cá lóc nướng trui gói với rau vườn; cá lóc, cá rô, cá trê vàng nấu canh chua với cơm mẻ, với bông súng so đũa; mắm kho ăn với đọt choại hoặc dưa bồn bồn; rắn hầm sả, khô cá đuối đen, khô cá khoai chấm nước mắm me… lặn sâu tâm thức người châu thổ.

2. Ở trên vùng đất mới, có lẽ những dòng kênh, con rạch là chứng nhân tồn tại lâu đời, bền vững nhất thay vì những đền đài, thành quách như các vùng đất khác. Cư dân châu thổ sanh ra bên những dòng sông, sống chung cùng con nước, gắn đời mình với ghe xuồng, kênh rạch sẵn cá tôm. Nước xuôi thì chèo mái chài, nước ngược lại chèo mái cuốc, nước xoáy thì nạy hay chèo mái một. Cả trăm kiểu dáng ghe xuồng cùng cách thức khai thác, phương tiện sinh sống trên sông nước đa dạng, phong phú cũng đủ thấy sự thích nghi, sáng tạo tuyệt vời của cư dân miệt sông nước. Tính cách khoáng đạt, rộng mở, ưa kết giao… của người đồng bằng cũng nhờ môi trường sống, không gian sống rộng mở, hòa đồng, thân thiện như con sông con rạch trước hiên nhà vậy đó…
Tôi chưa quên những buổi trưa hè rong ruổi trên lưng trâu; những đêm ra đình coi tuồng cùng đám bạn; những câu thơ hào sảng, nhân nghĩa về Lục Vân Tiên…
Tôi vẫn không nguôi nhớ bến sông, bến nước, sàn nước, cầu nước… nép bên rặng bần rặng dừa hay cây chuối nước. Nơi đó có chiếc xuồng ba má cột trong con mương con rạch nhỏ; có chị Ba chị Tư rửa chén vo gạo, lụi cụi giặt áo quần và cả hẹn hò lứa đôi; có những đứa trẻ rủ nhau phóng xuống dòng kênh mát rượi bóng dừa sau một ngày rong ruổi lưng trâu trên những cánh đồng xa…
Kể lại câu chuyện của ông nội để nhắc nhở lớp cháu con sau này luôn phải biết trân trọng, khắc ghi công lao to lớn của cha ông thửa trước. Biết bao người lưu dân bỏ xứ ra đi tìm một chân trời mới nơi vùng đất châu thổ sông Cửu Long này. Thủa đầu, những người đi khai hoang mở đất phải đối mặt với không gian hoang dã, xa lạ, bí ẩn, chất chứa bao hiểm nguy khôn lường. Cùng với đó còn là nỗi bất an, lo sợ càng tăng lên khi tận mắt chứng kiến những cảnh mà họ chưa từng thấy bao giờ nơi quê hương, cố quán. Muốn tồn tại trên vùng đất mới, họ phải luôn đồng lòng, hòa thuận, đoàn kết; phải biết mở lòng, sẻ chia, quan tâm tới người khác. Nét phóng khoáng, chân tình, cương trực khảng khái, trọng nghĩa nhân, ghét xu nịnh, vòng vo giả dối… cũng bắt nguồn phần nào từ môi trường thiên nhiên hào phóng nhưng cũng vô vàn khắc nghiệt đó.
Đã 5-6 thế hệ gia đình tôi gắn bó với “Nắng mưa miền cố thổ” này. Những “giọt sữa đầu đời” thanh mát cứ theo tôi mãi, xuyên qua suốt bao thế hệ đến tận bây giờ, giữa nơi phố thị ồn ào sôi động hôm nay. Và lạ lắm, sao tôi vẫn như nghe vọng về tiếng phảng cha tôi chặt lau rẽ sậy trong cơn mưa xối xả giữa rừng hoang, tiếng dầm chèo má khua rổn rảng khi con nước vỗ ì oạp đầu vàm, mùi khói đốt đồng xa, khói lam chiều toả ấm chái bếp quê, những bữa ăn thanh bần thủa trước…
Tôi cứ thầm mong sẽ có một bộ phim coi cho đã cái thời chim trời cá nước ông cha mở đất khai hoang, lập ấp cõi phương Nam…
Tết rồi nhớ mái nhà xưa
Tết về nhớ bóng người xưa
Về nhà đi con…

Vũ Thống Nhất

Có 1 bình luận về Tết về nhớ bóng người xưa

  1. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay lắm ,,thời trước khi dân số ổn định, không tăng vọt như ngày nay , điều kiện sống của người dân  nghèo  khá dễ  chịu , họ có thể lường trước nồi cơm của mình khi nước ròng nước lớn , khi nắng hạ , lúc mưa tuôn …Ngày nay ,,,oái oăm thay ,,cái gì cũng đổi thay theo chiều hướng xấu , dân lương thiện khó  bề sống  yên ổn  ,,người càng  đông  điều kiện giữ vệ sinh chung càng thấp, Thuở thái hòa nay còn đâu ,,,? Cảm ơn  tác giả với bài viết thuở xa xưa  khiến  người đọc lòng buồn vô hạn  nhất là dịp xuân về !
    Hoành Châu ~Châu Lãng Uyển ( Gia đình C  )

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác