Nhận thức luận Phật giáo trong thời kỳ Phật giáo Phát triển (kỳ 3)

Ngày đăng: 7/01/2020 09:38:17 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

    Phật giáo Đại thừa:

       Mặc dầu Phật giáo sơ kỳ (Early Buddhism) đã phát khởi ngành nhận thức luận, nhưng việc tìm hiểu về “nhận thức” một cách tinh vi và sâu sắc hơn phải đợi tới khoảng thế kỷ thứ nhất Công Nguyên mới được các triết gia Ấn độ khai triển. Trường phái Nyaya (trường phái Chính Lý, Av. Nyaya school) được triết gia Aksapada Gautama đúc kết trong các tác phẩm: Nyaya Sutras (các Kinh Chính Lý) vào thế kỷ thứ hai, Nyaya Sutras có nội dung thảo luận về Luận Lý Học (Av. Logic), Phương Pháp luận (Av. Methology) và Nhận Thức Luận (Av. Epistemology).[Xem lại: Nhận thức luận của trường phái Nyaya ở Phần II],

Rồi triết gia Vasubandhu (khoảng thế kỷ 4 CN) [Tàu dịch là Thế Thân], cùng với em là Asanga [Tàu dịch là Vô Trước  無著 ], đã giới thiệu nhận thức luận của trường phái Nyaya. Các Ngài đã khai triển môn Nhân Minh Luận/ Luận Lý Học và đem vào thực hành mang đậm sắc thái Phật giáo. Sau này Ngài Dignaga (khoảng 480 – 540 CN) [Tàu dịch là Trần Na], là một học trò của Vasubandhu, đã sửa đổi và bổ xung Nyaya Sutras của trường phái Nyaya; Dignaga đã làm đổi mới nhận thức luận xưa, nhất là Ngài đã sửa đổi cấu trúc của suy luận làm khuôn mẫu cho các nhà Luận Lý học Phật giáo về sau. Cuối cùng Ngài Dharmakirti (khoảng 600 – 650 CN) [Tàu dịch là Pháp Xứng], đã sửa đổi và mở rộng ra các công trình của Dignaga mà tất cả các nhà Nhận thức luận Phật giáo sau này đã lấy đó làm khuôn mẫu.

Sau đây chúng ta lần lượt tìm hiểu Nhận thức Luận của Vasubandhu,  Dignaga và Dharmakirti.

I.-Nhận thức luận của Vasubandhu:

Vasubandhu (Tàu dịch là Thế Thân 世親) đã sáng tác quyển “Luận thức” (Srt. Vada-Vidhana, Av. A Method for Argumentation), bản dịch chữ Hán của quyển sách này hiện còn lưu truyền.  Vada-Vidhana đã quãng diễn phương pháp lý luận căn cứ vào Nyaya Sutras, và tiếp nối truyền thống “Luận Lý Học Hình thức (Av. A Formal Logic) trong truyền thống luận lý-nhận thức luận của Ấn độ (Av. Indian Logico-Espistemological Tradition).

Tác phẩm “Luận thức” (Srt. Vada-vidhana) đã khai đường dẫn lối cho việc phát triển Luận Lý Học Phật giáo của Dignaga và Dharmakirti.

Vasubandhu đã chấp nhận 4 nguồn nhận thức như chủ trương của trường phái Nyaya. Ngài cũng đã chấp nhận “luậnthức có-5-bước” (a formal five-step argument) như đã trình bày ở phần II. Lập lại thí dụ đã cho ở phần II:

1.- Tôn: Trên núi kia có lửa.
(lập thuyết, giả thuyết, luận đề, điều phải chứng minh)

 

2.-Nhân: Vì thấy có khói.

(nguyên nhân chính để chứng minh giả thuyết)

 

3.-Dụ: Hể thấy có khói thì có lửa như trong bếp lửa ;   còn nếu không                                                       thấy lửa tức là không có khói như trong ao hồ.

(thí dụ để dẫn chứng, để đối chiếu với nhân)

 

4.-Hiệp: Trên núi kia cũng thấy có khói.

(tổng hợp nhân và dụ)

 

5.-Kết: Nên biết trên núi kia có lửa.
(kết luận: lập thuyết (tôn) là đúng)

 

II.- Nhận thức luận của Dignaga:

               1.-Dẫn nhập:

             Dignaga (khoảng 480 – 540) [Tàu dịch là Trần Na  陳那], là học trò của Vasubandhu (Thế Thân). Ngài là một luận sư Phật giáo nổi tiếng đã cải cách và phát triển ngành Nhân Minh Học (Srt. Hetu Vidya)/ Luận Lý Học Ấn độ (Indian Logic) nói chung, và đã đặt nền tảng cho Nhân Minh Học Phật giáo (Buddhist Logic) nói riêng.

Dignaga có hai tác phẩm rất quan trọng về Nhân Minh Học là:                     1.-Nhân Minh Chính Lý Môn Luận (Srt. Nyayad Varatarka Sastra) đã được Ngài Huyền Trang dịch ra chữ Hán, Ngài Nghĩa Tịnh cũng đã dịch ra chữ Hán.

2.-Tập Lượng Luận (Srt. Pramana Samuccaya, Av. Compendium of the Means of True Knowledge) là quyển sách tóm lược về Nhân Minh Luận của Dignaga. Tác phẩm này rất quan trọng về Nhân Minh Luận của trường phái Phật giáo Dignaga.

Dignaga (Trần Na) đã kế thừa Nhân Minh Luận của trường phái triết học chính thống Nyaya; và Ngài đã kết hợp quan điểm của Duy Thức Tông (Srt. Vijnaptimatravadin) / hay Du-già Hành Tông (Srt. Yogacarin)  với trường phái Kinh Lượng Bộ (Srt. Sautrantika) để tạo thành một nhánh của Duy Thức Học là Nhân Minh Học để đưa ra các phương pháp tranh luận bằng luận lý: “Yogacara Sautrantika”, còn gọi là Luận Lý Học Phật giáo (Buddhist Logic).

Phái Sautrantika (Kinh Lượng Bộ) chủ trương rằng mọi hiện tượng thì hiện hữu tạm thời trong một thời gian cực ngắn/ hay sát-na (Srt. Ksana), và mỗi một quá trình là một sự tiếp nối những khoảnh khắc đó. Trong khi phái Yogacara (Du-già Hành Tông / Duy Thức Tông) chủ trương chỉ có ý thức / ấn tượng (Av. Impression) mới hiện hữu. Triết học Dignaga không chấp nhận một quan điểm siêu hình nào của hai triết thuyết đó. Do đó, phái “Yogacara – Sautrantika” ra đời với mục đích tránh sự tranh cải giữa “” của Yogacara và “hữu” của Sautrantika. Điều này có nghĩa là triết học Dignaga không trả lời một vấn nạn quan trọng về thực tại là cái gì? Và con đường của Phật giáo để đi đến Niết-bàn không đặt trên bản tính của thực tại (Av. the nature of reality). Điều này không có nghĩa là trường phái Dignaga không quan tâm tới Niết-bàn, tới giải thoát; cũng không có nghĩa là Dignaga không liên quan tới hành trình đạt Niết-bàn. Triết thuyết này quan niệm rằng những tranh cãi về một số vấn đề siêu hình như sự hiện hữu của thế giới sẽ không bao giờ đem đến sự thỏa mãn của con người, triết lý vẫn có thể đóng góp cho hành trình đi tìm giải thoát để đạt niết-bàn, nhưng tốt hơn là triết lý nên giúp cho chúng ta thành lập được những phương tiện cho nhận thức/ những suối nguồn của nhận thức. Từ đó, trường phái Dignaga đã phát triển triết học Phật giáo trên nền tảng nhận thức luận của trường phái Chính Lý (Nyaya epistemology). Điều đáng lưu ý là các triết gia của trường phái Nyaya không phải là các triết gia Phật giáo (non-Buddhist philosophers).

Ở đây chúng ta nhận thấy có 3 điều:

1.-Yogacara-Sautrantika không có giảng dạy con đường đặc biệt để tiến tới Niết-bàn.

2.-Siêu hình học của Yogacara-Sautrantika  được giảng dạy từ các quan điểm nhận thức luận (epistemological views) của thuyết này.

3.-Nhận thức luận của Yogacara-Sautrantika   có thể được chấp thuận bởi các học giả và hành giả Phật giáo bất luận quan điểm của họ như thế nào về một số vấn đề siêu hình.

                    2.-Nhận Thức Luận của Dignaga (Trần-Na):

  Như đã nói trên, Pramana Samuccaya (Tập Lượng Luận) là một tác phẩm chính của Dignaga (Trần- Na) về Nhân Minh Học. Trong chương một, Dignaga đã viết rằng nhận thức luận của Ngài chỉ chấp nhận có hai nguồn của nhận thức xác thực (Srt. Pramana, Av. Sources of Knowledge) là: – Tri giác (Srt. Pratyaksa, Av. Perception), và Suy luận (Srt. Anumana, Av. Inference/ Reasoning). Trong chương một, Ngài viết:

Tri giácSuy luận là hai phương tiện để đạt được nhận thức, bởi vì hai biểu tượng này có thể hiểu được; không có một đối tượng nào có thể biết được ngoài hai biểu tượng: một là đặc thù, một là tổng quát. Tri giác có biểu tượng đặc thù như là chủ đề của nó; trong khi Suy luận thì có biểu tượng tổng quát như là chủ đề của nó.

           Tri giác là sự nhận biết về các tính đặc thù của đối tượng không có khái niệm bởi vì tri giác do luật nhân quả tạo ra, trong khi suy luận là lý lẽ, ngôn ngữ và khái niệm tạo ra.

Quan niệm về nhận thức luận của Trần Na thì có chỗ khác với quan niệm về nhận thức luận của trường phái Nyaya (trường phái Chính Lý). Trường phái Nyaya đã chấp nhận 4 nguồn của nhận thức, nhưng trường phái Dignaga  chỉ chấp nhận có 2 nguồn của nhận thức: Tri giác và Suy luận. Tương tự, trường phái triết học chính thống Vaiseika [Tàu dịch là Trường phái Thắng Luận], cũng đã chấp nhận có 2 nguồn của nhận thức là Tri giác và Suy luận. Các trường phái này cho rằng “Lý luận Loại suy” và “Lời chứng” đã được chứa đựng trong “Suy luận”, hai nguồn nhận thức này chỉ là 2 trường hợp đặc biệt của Suy luận mà thôi.

Quan niệm nhận thức luận của Dignaga, chỉ chấp nhận có 2 nguồn của nhận thức, đã được truyền thống Nhân Minh Luận Ấn độ tiếp nối.

2.1- Tri giác (Srt. Pratyaksa, Av. Perception):

Như đã nói trên, tri giác là loại nhận thức thâu nhận những thông tin, những dữ kiện từ những đối tượng đặc thù một cách trực tiếp, và thông tin này hiện lên trên một trong các giác quan.

Cũng trong chương một của Tập Lượng Luận, Dignaga viết: “tri giác là dữ kiện của giác quan có trước lời nói (Av. pre-verbal), trước khái niệm (Av. pre-conceptual), và không có một cấu trúc nào (Av. unstructured)”.

 

Trong chương hai, Ngài viết: “Tri giác thì không có cấu trúc. Sự nhận thức này chỉ là do cảm giác, không có một sắp xếp nào cả”.

Theo Dignaga, tâm thức chúng ta thâu nhận dữ kiện sơ khởi hay đặc thù từ giác quan, và giải thích chúng hoặc tập hợp chúng với nhau với những cách thức phức tạp. So sánh chúng với những trải nghiệm trong quá khứ, đặt tên chúng và sắp xếp chúng theo những biểu tượng tổng quát, và vân . . .vân…Ngài đặt tên cho trình tự này là Kalpana, tiếng Sanskrit, có nghĩa là sắp xếp (Av. arranging), cấu trúc (structuring). Trình tự nhận thức này khác xa với cảm giác lúc đầu; đây là nhận thức đơn giản chỉ căn cứ vào một dữ kiện hiện tại ngay lúc đó. Như vậy, tri giác chỉ là nhận biết về dữ kiện đặc thù của giác quan.

Theo Dignaga, tri giác không thể diễn tả được, không thể truyền đạt được, và tri giác là cái riêng tư của chủ thể nhận thức.

Trong các sách Nhân Minh Học/ Luận Lý Học Phật giáo tiếng Hán việt thường dịch chữ  “Pramana” là lượng có nghĩa là so đo, tính toán (Av. measuring); còn chữ “Pratyaksa”Hiện lượng (Av. Perception) có nghĩa tương đương với tri giác (Av. perception) hay trực giác (Av. intuition). Như định nghĩa về tri giác ở trên, hiện lượng/ tri giác/ trực giác là một sự nhận biết đối tượng một cách trực tiếp không qua một trung gian của suy luận. Hiện lượng có hai loại:

a.-Chân hiện lượng là nhận thức một đối tượng một cách xác thực như là chính nó. Thí dụ: Thấy hoa hồng liền biết là hoa hồng. Thấy con người liền biết là con người. Thấy núi biết là núi. Thấy cây biết là cây. . .

                       b.-Tợ hiện lượng là nhận thức về một đối tượng nhưng lại không xác thực, không như là chính nó. Thí dụ:1.-trong đêm tối, tôi thấy sợi dây thừng, tôi nghĩ là con rắn. Trong bóng đêm, một người nhìn cái cây chết mà cho rằng đó là người đàn ông, nhận thức này thì không xác thực (the cognition is therefore inaccurate) 2.-Thấy mây bay tưởng là khói bay. 3.- vì bị loạn giác, một người thấy hoa đớm ở trong hư không.4.-Ngồi trên thuyền đang chạy mà cảm thấy bờ sông đang chạy ngược chiều với mình. 5.-Vì say rượu mà tôi thấy mọi vật thay đổi khác và tôi bị mất thăng bằng.

                               (Còn Nữa)

                           GS Nguyễn Vĩnh Thượng

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác