Đặng Châu Long – Sống để viết và viết để sống

Ngày đăng: 6/09/2019 06:14:45 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Gặp gỡ ngoài đời , anh Long là một người nhỏ nhẹ , điềm đạm . Bạn bè gọi anh là “ nhà văn thông tấn “ vì anh có biệt tài viết rất nhanh, chi tiết, về những sự kiện hay những cuộc hội ngộ, dù chỉ là ngồi quán cà phê vỉa hè, dưới tay anh, cũng có một bài báo với đầy chất thông tin, khúc chiết, lớp lang theo tuyến tính. Anh lại có năng khiếu nhiếp ảnh nên bài đến đâu hình ảnh đến đấy, và luôn có thêm những suy lý văn chương hay bình luận . Thế nên tôi ngạc nhiên khi Đặng Châu Long ( DCL) khởi đầu tác phẩm của mình bằng câu nói của Henry Miller “ Để vượt qua đau đớn và khổ sở , vượt qua đấu tranh , con người phải học nghệ thuật của người làm xiếc trên dây .” và trích William Saroyan “ Sự thù ghét , sự tham quyền lực không phải là sống.

Những nhà đạo đức , luân lý những kẻ hèn nhát và những hiền nhân thánh nhân hiền triết ko phải là sống …Hãy cố gắng tập thở cho nồng nàn khi ăn cho ra ăn ,khi ngủ thì cho ra ngủ , hết sức cố gắng trọn vẹn và khi cười , cứ cười ầm lên và khi giận cứ giận điên lên . cố gắng sống , chẳng bao lâu anh sẽ chết “
Nếu hiểu về Phật pháp ta hiểu đấy là “ chánh niệm “ , một trong Bát Chánh đạo , con đường đưa đến giải thoát .
Anh kết cuốn sách bằng bài viết về người em ra đi khi vừa tròn hoa giáp với tùy bút “ Thõng tay vào chợ “. Câu cuối của bài :”… tài hoa làm gì ? Biết nhiều làm gì để khi cuộc tình gãy đổ tung hê cả cuộc đời và xé vụn tương lai mình . Em đã làm chi đời em ?
sắc thọ tưởng hành thức
không vẫn chỉ hoàn không ?
Và một lần nữa lại thấy ở đây câu kinh “ Sắc tức thị không , không tức thị sắc “ hiện ra .
Vậy đó ĐCL không nói nhiều về Phật pháp , trong những câu chuyện hàng ngày bên tách cafe , anh chỉ nói chuyện đời , chuyện quá khứ . Tất cả lãng đãng , một chút hận thù , một chút oan khiên , một chút cay đắng , lóe lên rồi tan biến , cuối cùng là một nụ cười hiền hậu mang âm hưởng “ thõng tay vào chợ “.
Anh viết nhiều cuốn tựa là ‘Viết để nhớ’ nhưng theo tôi anh viết để sống và sống để viết.
Anh không viết thuần lý hay tự sự mà anh mô tả , tường thuật .
Rung nhẹ tơ văn (RNTV) có hai phần : phần đầu là Cảm Văn ghi nhận những rung cảm từ nhẹ …đến không nhẹ và rất nặng , bộc bạch nỗi lòng và sự rung động của anh trước những tác phẩm của bạn bè , quen phần lớn và một số không quen . Phần 2 viết về những ngày tháng sinh hoạt với Quán Văn (QV) những chuyến đi với anh chị em QV, viết về những chuyến đi đó đây , về cảm xúc trước những địa danh, những nơi chốn …
Trong phần Cảm Văn , anh thể hiện là nhà phê bình văn học theo khuynh hướng ấn tượng hay “ tâm cảm “ do có lợi thế là hiểu biết sâu về tác giả . Như một nghệ sĩ nhiếp ảnh ,anh chỉ ‘ chụp “ những góc cạnh , cảm xúc mạnh mẽ đọng lại qua tác phẩm hay tác giả .Anh nhận xét và phân tích tác phẩm theo phương pháp “ nội soi “ , chứ không nhìn từ bên ngoài .
Một vài ví dụ :khi anh đọc Vỡ màu ký ức của Nguyễn Ngọc Thơ “ Tôi xếp lại sau khi đọc xong bài thơ chót để nghe lại tiếng ngậm ngùi chất ngất của một thân thể đầy bất trắc cùng cõi đời .”
Xả hết trong lòng bao vướng bận
Đêm soi mình
Nghe thác vọng mây trăng (VMKU)
Lời thơ như một dự cảm buồn về cuộc đời vắn số của Ngọc Thơ và anh đã chia tay chúng ta .
Về Trò chuyện với thiên thần của anh Trương Văn Dân (TVD) , anh ngậm ngùi “ Những dòng an ủi của một em bé chưa từng sống trong một thế giới đầy bất trắc dù chỉ một ngày để nếm trải những cảnh báo đến từ cha mẹ .Em đã lụi tàn từ lòng mẹ lúc chưa mở mắt nhìn cõi nhân sinh Có lẽ đây là chọn lựa đớn đau và hợp lý nhất để thức tỉnh nhân gian .”Và ĐCL ‘ gấp sách lại ,”lòng xao xuyến không nguôi “
Dù tôi biết nếu để anh viết thì thiên thần kia sẽ vào đời để sống và tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống , cách giải quyết của anh sẽ khác anh TVD ,
Cứ thế mỗi người anh chỉ dành khoảng 4 trang nhưng anh cô đọng cảm xúc ngay từ tựa đề như khi viết về Lê Phương Nguyên “ Tứ tuyệt của nỗi chờ đợi và niềm nhớ “Anh nhận xét “Những vần thơ bốn câu của anh đọng hương vị nhớ nhung và chờ đợi , anh đã quen sống cô độc giữa đời , sống và níu hương thời gian xa để còn chút nghị lưu đời .
Thế là lá gió cành chim
Ngủ hoang suốt sáng thâu đêm đứng đường
Nát lòng giấc mộng hoàn lương
Dám xin dăm tấc thiên đường mai sau
Theo cách viết ấy anh viết về những người bạn văn khác , trong số đó có tôi , có Mang Viên Long , Nguyễn An Đình ,Nguyễn An Bình … Riêng Hạc Thành Hoa (HTH) .. chỉ cần 2 trang ĐCL cũng đã phác họa chân dung cuộc sống nhà thơ bằng bài thơ Khói tóc của chính HTH
Em về khói thấm từ chân tóc
Suốt một ngày đùa với lửa than
Bông dưng chợt thấy cay đôi mắt
Bên chồng hôi khói vẫn chưa tan
Chúng tôi nghe anh đọc , thấy những dòng nước mắt nghe dường như đâu đó có mùi bếp nồng khét cay xè trên mắt chị . ..Hạnh phúc vẫn quanh đây đâu đó rất gần .” Có khi ĐCL viết về con người qua tác phẩm,như bài Một đời như khói như sương , anh viết về anh Nguyên Minh (NM) với nhận xét “ Con mắt xanh của anh NM chưa bao giờ trắng.Sự hồn nhiên , tinh tế cộng thêm niềm đam mê văn chương , nhất là làm báo khiến anh có điều kiện giao tiếp nhiều cùng văn giới , anh vẫn dùng y một cặp mắt xanh để hành xử với đời .” Và kết luận “ …có hai mảnh tình dang dở , có hai cuộc trùng lai và cả hai cùng như khói như sương trong tuổi xế tà , cuối cùng con mắt còn có đuôi , liếc xong nhau xong rồi đi..
khói thì mãi lên trời, sương cũng thăng hoa thành hơi ,chỉ còn mối tình trầm đọng mãi nơi tim…”
Trong dòng thẩm văn ấy , anh đã đọc từ Dòng sông trơ đáy cho đến Giấc mơ của cỏ , Vàng trên biển đá đen …. Về chị Elena anh nhận xét “ có cái nhìn sắc bén về những mệnh đời quanh mình “Đọc Dòng sông trơ đáy của Nguyễn Châu , anh lựa ra 2 truyện và kết luận “ Ghi nhận hình ảnh và lặng thinh nghe tiếng dội của hư không .Một viên sỏi ném trong nước sẽ dội loang từng con sóng , âm loang dần, dần loang không thôi trong tâm tưởng những người đồng cảm và những người đang ngồi lặng lẽ ngắm đắy trơ đời .Đôi khi không nói thêm gì cũng là cái ta muốn nói .Và ĐCL không nói thêm nhiều như ý anh muốn vậy .
Chỉ cần đọc tựa sẽ hiểu phần nào nội dung như Tiểu Nguyệt “ Khúc hát yêu thương và khúc hát đau thương ;Nguyễn An Bình – Tiếng chuông gió nhẹ nỗi niềm …Ngay khì bình Lục bát điên của Kiệt Tấn , anh cũng lựa mấy câu thơ nhẹ nhàng “ , kết luận bất ngờ “ Vần thơ anh như chiếc lá chiếc lá thả từ đầu sông . cứ trôi ,cứ trôi
Thơ xanh mấy lá theo dòng
Đầu sông anh thả cuối sông biệt mù
ĐCL còn có tài dịch thơ khá hay , anh dịch bài thơ Tôi đến từ những đám mây của Tôn Nữ Đông Hương , câu kết nhẹ nhàng
Et mon coeure pleure
la pluie qui tombe chez nous
n’est que ces larmes
Anh dịch :
Và tim tôi khóc
mưa rơi vào em
giọt em nước mắt
Chữ “ giọt em “ thật lạ !
Trong phần 2 (Tâm văn) anh viết về tình bạn , về những người bạn. Anh nói “ Tình bạn bè , bằng hữu những cung bậc của một tình cảm và có lẽ chỉ khi ta đứng tuổi mới thấy sức mạnh của nó “… May mắn cho tôi đã có những người bạn , nhiều người bạn để cùng nắm tay vượt qua ..” Rồi anh viết về những câu chuyện cà kê bè bạn với giọng điệu hóm hỉnh tưng tửng nhưng đầy nghĩa tình , nhất là kỷ niệm hay ký ức về những chuyến đi với anh chị em Quán Văn . Anh vui vì
“Hôm nay người vẫn còn người
Nhìn nhau toàn vẹn ơn trời cứ vui
Anh viết tùy bút cũng “ tưng tửng” , lan man và rất “ duyên “ , có chút gì của Võ Phiến hay Thạch Lam .
Nói như Tịnh Thy , ĐCL không cố gắng trau chuốt câu văn ,m không cần xác định phong cách văn học hay nghệ thuật , anh đi thẳng vào chân như của tình cảm . Anh “ chụp “ lại cảm xúc như thể sợ nó tan biến đi nếu dụng công gò ép . Nhưng nói như thếkhông có nghĩa anh viết thiếu “ phong cách “ vì tùy bút có những nét tùy hứng như nhà phê bình Thụy Khuê từng nhận định :” Trong văn chương quốc ngữ, kể đúng tùy bút, viết theo lối ngẫu hứng phóng bút, thì có lẽ phải đến Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường, chúng ta mới thật sự có tùy bút. Tùy bút khác hẳn các lối truyện ký ở chỗ gặp đâu viết đấy, nếu có luận cũng là luận phiếm, nói phiếm, không có cớ mà cũng chẳng cần bằng (Võ Phiến). Tùy bút thường không có chủ đề, nói đúng hơn, nếu có chủ đề thì cũng chỉ để làm vì vì tác giả luôn luôn đi lạc, tính chất cơ bản của tuỳ bút là phóng túng, tản mạn, tứ tán gần như lạc đề. Ví dụ cái tựa Hà nội băm sáu phố phường của Thạch Lam đã ẩn trong “tiềm thức” ý muốn “lạc đường” lắm rồi: ông ghé nhìn “những biển hàng” ở phố Hàng Đào một tí, bàn phiếm về loài vật một tí, rồi chạy sang chuyện “người Ta viết chữ Tây”, chuyện dốt mà hay chơi chữ, rồi lại táp vào “hàng quà rong” nếm phở, bún sườn, canh bún, mìn páo, giầy giò, vv…Và ngay trong các “chủ đề” canh, bún, miến, mìn páo… cũng có sự chạy rông, vì chúng không chỉ nói về món ăn, mà còn đi lang thang sang con người, tình cảm, sống, chết, đói khổ… Tuy Thạch Lam không gọi sách của mình là tuỳ bút thì nó vẫn cứ là … tùy bút, tức là linh tinh, linh động, “lạc đề” một cách nghệ thuật…. Võ Phiến “lạc đề” trong lúc luận, đi từ hũ mắm Bình Định, sang Quang Trung, sang áo dài, sang bánh tráng, sang tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi… Nhưng lại rất lạ là cả hai nhà văn này đều ít nhiều chịu ảnh hưởng Nguyễn Tuân.
( Thụy Khuê – Tùy bút Nguyễn Tuân )
Bút ký và tùy bút của ĐCL cũng phần nào mang những tính chất đặc trưng với những góc nhìn sắc nét .Anh cũng mô tả hình ảnh mang nặng tâm tư. Khi viết về Măng Đen ( Kontum ) , anh ghi nhận :
Xe chở chúng tôi hối hả theo cơn mưa chiều nặng trĩu hạt . cả một trời mù sương che kín vùng cao nguyên vắng vẻ lặng lẽ như muốn kéo chùng thêm vẻ thâm u vốn đủ đầy chỗ nguyên sơ này,…. những dãy lều tạm như những chiếc lều xưa kia tôi dựng cho những người dân tản cư trong mùa chinh chiến tang thương …
Trước tượng Đức mẹ , anh viết :
Với những chiếc áo mưa mong manh , chúng tôi ngỡ ngàng trông thấy dáng Mẹ. Đôi tay cụt ,khuôn mặt ko thể buồn hơn, ngơ ngác như xót thương cho kiếp nhân sinh.( Lắng đọng một chuyến đi )
Nhưng đặc biệt trong chuyến đi Hà Nội , anh tung tẩy ngòi viết từ mô tả hình ảnh như một họa sĩ phác thảo những nét chấm phá , đúng chất tùy bút :
Trong xe taxi tôi đón cơn mưa bất chợt của Hà Nội buổi chiều . Ánh đèn, sự hối hả kèm theo cơn ngái ngủ trong mưa của người phu cyclo đạp sau ca chạy , trong chiếc áo mưa vùi giấc lạnh lùng .Giữa lòng phố là con phố cũ , quanh ngoại ô la là những mái lô nhô be bé như lồng chim treo lơ lửng đủ kiểu kiến trúc lao xao . Nhìn lên cao những khu đắc địa là những cao ốc hoành tráng g đường bệ phô dáng kiêu sa như những sắc màu nhào trong bức tranh một sáng ngày mưa .Nơi này muốn xem tồi tàn hãy tìm về phố cũ hay những vùng ven , muốn thưởng lãm tân kỳ hãy ra vùng đất vàng đất bạc. Tất cả đều có giá của mồ hôi và nước mắt của dân cố cựu Hà Thành …(Không cần những giấc mơ lớn )
..Rồi cũng bài bút ký ấy lan man bàn về Tây tiến khi lên Mai Châu , thấm đẫm kiến thức lịch sử khi nhắc đến đền thờ Ngô Quyền, Bố Cái đại Vương khi về qua Đường lâm ,đến nỗi oan Lê VănThịnh quanh pho tượng con rồng “ miệng cắn thân chân xé minh “..
Rồi khi vào Sơn Trà, anh lại tả cảnh đường lên núi :” Một cành cây rung , một rồi hai chú voọc với chiếc mũ beret đen trên đàu trước mắt nhảy chuyền . Duyên tôi đã tới và tôi cứ mê mải dõi theo đàn voọc chuyền cho đến khi tất cả mất huút rên cao …Và chúng đang âu lo một ngày mai
Rất nhiều bài trong phần 2 là những gặp gỡ bè bạn ví như anh từng thích hát bài Tìm Nhau của Phạm Duy
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời

Gặp nhau trong Nhân tình đầy bác ái , ơi người ơi …
Khi nhân loại trùng tu
Ở đây chúng ta , anh chị em QV tìm nhau qua cuộc chơi văn chương , qua chữ nghĩa qua cùng một đam mê , một giấc mơ , một tâm tình chung cần chia sẻ .
Nếu đọc hết RNTV , sẽ có sự ghen tị trong ngoặc kép vì anh nhắc hơi nhiều những buổi sum họp QV. Nhưng cũng qua đó để thấy khi người ta đến với nhau đừng vì danh vọng hay địa vị đừng vì những hòa nhoáng bên ngoài thì chữ tình luôn đọng lại như anh đã cảm nhận
Trên đường đến QV sáng nay , tôi cảm nhận cái ấm áp giữa ngày đầu năm trời trở lạnh choàng sương và những đốm lửa nồng nàn như đang nhảy múa trong tôi theo con đường huyên náo . Nhửng nhỏ nhoi lửa tuổi thơ , những tia mắt nồng ấm sẽ chia trong đời đã làm tôi dịu lại cái lạnh ngày sắp trở mùa.
Anh nhắc câu chuyện cùng anh NM , Chuyện văn chương như những đốm lửa đời nếu văn chương đã xa rời nhân gian thì cũng như than đã tàn chẳng cỏn giá trị nhân bản . Anh vui vẽ nhắc lại niềm tự hào của anh . QV có riêng tính nhân bản trong từng bài viết như một sự cám ơn đời dồng hành cùng nhân sinh . ..

Để kết luận , ĐCL đã từng viết
Tôi dặn lòng phải viết , viết để trần tình cùng các bạn phương xa. Phải chăng tất cả chúng ta không còn là kẻ xa lạ trong cõi thế này Chúng ta đã là một từ khi hiểu và bước lại cùng nhau , nắm tay đi hết khoảng đường còn lại dù mông lung vô định một phương xa.
Vâng cuộc hành trình trước mắt chúng ta còn dài, rất dài. Hãy cùng ĐCL bước vào cuộc hành trình ấy với tất cả hứng khởi cùng Rung nhẹ tơ văn .

                      Nguyên Cẩn
( Nói chuyện tại Cà phê Lọ Lem nhân ra mắt Quán văn số 67 , 1/9/2019)

                                                          Nhà văn Đặng Châu Long

                                                               Sách  mới xuất bản

h3                    Nhà văn Nguyên Cẩn nói chuyện tại buổi ra mắt sách Đặng Châu Long

Có 3 bình luận về Đặng Châu Long – Sống để viết và viết để sống

  1. Kiều Phương nói:

    Anh Đặng Châu Long là một gương mẫu tôi noi theo để sống và viết
    Cám ơn anh Nguyên Cẩn  đã cho đọc bài viết rất hay

  2. Thu Vàng nói:

    Đừng gồng mình để gánh vác phong ba bão táp cuộc đời. Có một chút đắng, một chút cay, một chút tức giận… đến với ta rồi sẽ trở thành mây khói, hãy để “chợ đời thỏng buông *” và chỉ để lại ta một nụ cười thật mềm mỏng cho chính mình, cho người đối diện, cho những người chung quanh và đủ để cho đời Rung Nhẹ Tơ Văn
    Điều này, có lẽ tôi học được từ Đặng Châu Long.

    Cảm ơn và trân quí những chân tình, những kiến thức trong ngòi bút của anh Đặng Châu Long.

    Cảm ơn thật nhiều bài viết trên của anh Nguyên Cẩn, khiến cho người đọc như vừa ra bản chỉ dẫn con đường mà mình đang đi tới.

    Mến chúc hai anh luôn vui khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.

    * Trích thơ ĐCL

  3. Zulu DC nói:

    Ở nhóm Quán Văn, Hoàng Kim Oanh, Nguyên Cần, Đặng Châu Long, Trương Văn Dân, Nguyễn Châu ….. mỗi người một tính cách, nhưng rất gần nhau !
    Trong đời sống thân thiện, trong văn chương họ tương tác, kích thích nhau làm cho từng ngày có ý nghĩa và cao cả hơn.
    Theo tôi, họ là những người sống để viết mà thôi !

Trả lời Kiều Phương Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác