VỀ THĂM THALA XÓM ĐẠO

Ngày đăng: 9/07/2019 10:24:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Được chị Bạch Huệ gọi lên chơi, tôi thu xếp đi bởi lời mời thân tình và tha thiết. Từ Saigon đến Trảng Bàng giữa trưa nắng, tôi đến nơi nhà hàng NS ở lúc đầu giờ chiều. Chị đón tôi vồn vả như đón đứa em xa quê mới về, thật cảm động !
Sân để xe khách ngay cổng rất rộng, lối vào bên phải có một tủ trưng bày những tổ yến, bên trái là tủ kính giới thiệu rau củ quả của một Công ty Nông sản TSC. Tôi đi vào trong quán trên con đường lát sỏi có hàng cau thẳng tấp, được những dây trầu trồng cập theo quấn quanh tạo nên một bức tường thiên nhiên mát rượi. Đây là một nhà hàng- cafe rất lớn, như những khu resort ở Nha Trang nhưng không có phòng cho khách ở qua đêm. Mấy hòn non bộ nằm sát bờ hồ nước chảy róc rách, hệ thống phun sương bắt trên cao chạy dọc khắp quán rộng hơn hecta, dưới hồ thấp thoáng mấy con cá rồng rất lớn bơi quanh nhà thủy tạ.
Tôi đi giáp vòng hết các khu nhà đủ mỏi chân. Có một phòng cafe máy lạnh cửa kiếng đóng kín, địng vào cho mát nhưng  khách trong đó đông toàn giới trẻ nên chị Huệ không đưa tôi vào. Bên trái nhà Thuỷ Tạ chỗ tôi ngồi bên trong là một bar có sân khấu.  Chị Huệ nói trước đây có vài danh ca hải ngoại đã về trình diễn ở đây.

Để vuốt ve bao tử, tôi dùng cơm chiên dương châu và uống ly rau má. Hai món này quán làm nhanh và chất lượng đặc biệt dành cho tôi. Món nào cũng rất ngon, nên tôi ăn gần hết dĩa.

Sau khi tạm ổn phần xác, tôi hỏi chị Trảng Bàng có  danh lam thắng cảnh chi không. Chị cho biết gần đây là Tha La xóm đạo, khiến tôi muốn đi thăm cho biết. Chị nói để lấy xe đưa tôi đi, sẳn dịp giới thiệu cho tôi địa giới Trảng Bàng và huyện Đức Hòa của Long An.

Giáo xứ Tha La bây giờ đông hơn ngày xưa, nhà cửa san xát nhau, đường đi đã tráng nhựa. Trong sân nhà thờ có vài giáo dân đang chăm sóc cây kiểng. Giáo đường đóng kín vì chưa đến giờ hành lễ.
Ngước nhìn lên ngọn tháp chuông,  chị  kể về thời thơ ấu của mình. Kìa là ngôi nhà chung dành cho quý cha ngụ khi xây dựng, trong buổi lễ chị là đứa bé đặt viên gạch đầu tiên. Ngôi nhà nguyện kế bên đã mấy lần tu sửa lại. Tuy không có đạo nhưng lúc nhỏ chị thường đến đây chơi đùa. Thảo nào lớn lên, chị hiền lành và đầm thấm như soeur trong nhà thờ ! Nhà thờ Tha La ngày trước là một trong những nhà thờ lớn nhất tỉnh Tây Ninh có lịch sử lâu đời hơn 180 năm, giờ đây tuy giáo dân có đông hơn nhưng sự di chuyển của giới trẻ về đô thị làm cho vai trò nhà thờ Tha La bị giảm đi.
Ngày trước, tôi đã từng nghe và mê mẫn bài Hận Tha La: ” Đây Tha La đây xóm đạo tiêu điều.” đến bây giờ tôi mới thật sự đặt chân lên nền đất Giáo xứ Tha La. Có chút gì rung động trong tôi. Tôi chụp vài tấm hình lưu niệm rồi đi, anh bạn tôi, người lính đã từng sống nơi đây,  giờ ở nơi xa khi thấy hình nhà thờ do tôi gửi đã vội than, còn đâu nét đẹp và cổ kính của giáo đường. Ngày nay, người ta xây lại nhà thờ cái nào cũng giống nhau mà không tôn trọng nét đẹp xưa !
Chị cho xe chạy thẳng về phía trước, cuối con đường là cầu Hàn bắc ngang nhánh sông Vàm Cỏ Đông. Chị chỉ cho tôi nhà người bạn học ngày xưa hiện nay còn ngụ tại nơi này nhưng sống khép kín đến nổi chị muốn đến thăm cũng khó khăn.
Khi đi cặp theo nhánh sông, về phía huyện Đức Hòa, tôi có gặp một bến đò Lộc Giang. Đứng trên bờ sông nhìn con nước chảy, đám lục bình rất lớn bị dòng nước cuốn mạnh trôi rất nhanh, chạnh lòng nhớ quê những ngày hè được về thăm ngoại. Ôi ! sao yên bình quá !
Xe đưa tôi đi ngược về hướng sông Vàm Cỏ Đông ngang chiếc cầu Ân Ái, tên chiếc cầu ngày xưa do vị tỉnh trưởng Hậu Nghĩa đặt, tương truyền câu chuyện đặt tên cầu cũng có liên quan đến mối tình người lính với cô gái xóm đạo Tha La mà thiếu nữa ở Tha La rất đẹp đã làm bao chàng trai thời chiến chinh nghiêng ngữa.
Cuối con đường giáp ranh Tây Ninh với Long An thuộc Thị Trấn Đức Hòa là khu vực “vùng sâu vùng xa” của tỉnh, ở đây có một cây cầu bắc ngang nhánh sông như Cầu Hàn ở đầu bên kia .
Trên đường về tôi đi đường quốc lộ lúc ra hết đường làng tôi đi ngang xã An Ninh Tây thấy chùa Phước Trường, nghe đâu vị trụ trì chùa là sư cô được tín đồ yêu mến.  Tôi ghé vào chùa đi một vòng bởi tò mò, sân chùa có nhiều tượng Phật bà với xiêm y đủ màu và lôi cuốn nhất ở cổng vào có bốn tượng rồng vàng rất đẹp. Rời chùa, xe đưa tôi trở lại nhà hàng, điểm đến đầu tiên của chuyến đi, ngồi uống nước để chị cho xem hình, những bức ảnh tuyệt đẹp mà chị chụp cho trong chuyến đi. Mới một vòng du lịch nửa ngày mà sao chia tay với chủ nhân lòng vẫn bịn rịn. Tôi hứa với chị sẽ trở lại lần nữa vào cuối năm này.

bài và ảnh Nguyễn Kiều Phương

h1

h2

h3                                            chùa Phước Trường ở An Ninh Tây (Long An)

h4

h5

h6

h7                                                            Tác giả và Lý Bạch Huệ

 

 

 

 

Có 2 bình luận về VỀ THĂM THALA XÓM ĐẠO

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đã đọc bài Kiều Phương, đã nghe Lý Bạch Huệ hát: rất hay!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác