ĐI THĂM CHÙA TIÊU

Ngày đăng: 13/06/2019 01:26:19 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Tâm lý người già khác trẻ, cũng cùng đi du lịch, nhưng người già lại thích đi chùa. Miền Bắc thì có nhiều chùa cổ và kiến trúc đẹp hơn chùa miền Nam nên mọi người đua nhau đi viếng chùa, ngành du lịch tâm linh xuất phát từ đó. Hôm đầu tháng tư,  nhóm bạn tôi rủ đi ra Bắc viếng các chùa nổi tiếng như Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng những chùa có quy mô lớn nhất miền Bắc , thậm chí có chùa được xem là lớn nhất Đông Nam á, còn tôi có tâm hồn hoài cổ có lẽ vì vậy may mắn được thăm chùa Tiêu.

 Đường lên Tiêu sơn

Khi hay tin tôi đi viếng cảnh chùa, ni cô Trí Giải- trụ trì thiền viện Trúc Lâm An Tâm liền mời tôi lên thiền viện. Sư cô nói, anh Minh thích đi chùa thì Giải giới thiệu một chùa mà những người  theo ngành lịch sử rất thích, đó là chùa Tiêu ở huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc. Đây là chùa mà thiền sư Vạn Hạnh làm trụ trì ở đó có lịch sử hàng ngàn năm. Sư Vạn Hạnh là  người  đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, thành lập triều đại nhà Lý, do vậy mà nơi đây là Trung tâm thuyết giảng và đào tạo tăng tài lớn nhất Việt Nam, dưới thời quốc sư Vạn Hạnh.

Từ Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc muốn đến chùa Tiêu phải trở lại Hà Nội và đến thị xã Từ Sơn , tỉnh Bắc Ninh.  Đoạn đường khá dài nhưng xe không phải leo núi. Chùa Tiêu còn gọi là Thiên Tâm tự, nằm trên ngọn đồi cao, lưng đồi có nhiều bảo tháp an táng quý trụ trì nhiều đời trước.

Chùa có ba gian dài, quy mô chùa không lớn, giữa là ngôi chính điện, bên trái là nhà cho sư cụ trụ trì ở, bên trái nữa là nhà kho. Tuy không có tăng sinh hay ni cô tu tập nhưng đối diện nhà sư trụ trì là một nhà khách dành cho các tu sĩ đến viếng bái, tu tập có nơi nghỉ dưởng.

Đến chùa vào giờ Ngọ, chúng tôi không dám quấy rầy sư cụ,  tự đem lễ vật lên chính điện thắp hương bàn thờ Tổ.

Trên bàn thờ hai bên là nhị vị trụ trì tiền bối, một là thiền sư Vạn Hạnh- Tổ thiền đời Lý; hai là thiền sư Như Trí, vị trụ trì chùa này vào cuối thế kỷ 17. Nhìn tượng của Thiền sư  Như Trí trong khung kính và hình chụp nhục thân của ông, tôi chợt nhớ lại cách nay gần hai mươi năm báo chí đăng tin ngôi chùa này có một vị thiền sư đã mất hơn 300 năm, nhưng thân xác không bị tiêu hủy. Ni trưởng Thích Nữ Đàm Chính, vị sư trụ trì chùa này suốt hơn 60 năm cho biết, khi mới về chùa thì khu vườn tháp hoang vu ít ai dám đến, trong các tháp có một tháp rớt ra viên gạch, sư cụ nhìn vào trong thấy có người ngồi tham thiền mà không ngã, sư cụ sợ quá lấy gạch trám lại lỗ hỏng mà không dám nói với ai. Biết không thể dấu kín chuyện này mãi, sư cụ đem kể cho hòa thượng Thanh Từ , trụ trì thiền viện Trúc Lâm Đà lạt khi ông ra Bắc tìm lai lịch dòng thiền Trúc Lâm để phục hồi và xây dựng các thiền viện ở các tỉnh phương Bắc.

Năm 2004, sau khi viết xong dự án “Tu bổ và bảo quản nhục thân thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu Sơn” và được phê duyệt, nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường xem xét nhục thể thiền sư Như Trí thấy giống như nhục thân thiền sư Khắc Minh ở chùa Đậu. Thiền sư Như Trí cũng tịch trong tư thế ngồi thiền và được các đệ tử đấp bên ngoài bằng một lớp hồ gồm đất tổ mối, bột sơn, mùn cưa…

Điều khác biệt là trong lớp hồ không có thếp vàng, thếp bạc, nhưng có những miếng đồng mỏng, nhằm đỡ cho nhục thân ngài qua nhiều năm không bị gục xuống. Giờ đây tượng của thiền sư được phục chế, tô đấp lại để trong lồng kính cho người người chiêm bái. Sư Như Trí là vị trụ trì đời thứ 15 của chùa Tiêu, ông có công khắc bản in quyển Thiền Uyển tập anh, sưu tập các quyển Kế đăng lục, Khoá hư lục, Thánh đăng lục, Thượng sĩ ngữ lục….truyền lại cho hậu thế. Tượng thiền sư Vạn Hạnh đặt bên phải, cao năm tấc bên cạnh có bài vị : “ Lý triều nhập nội, Quốc công tề tướng Thiền sư Vạn Hanh”.
Bước ra, khỏi nhà tổ, chúng tôi leo lên núi, trên đó có tượng Thiền sư Vạn Hạnh đang ngồi trên lưng cọp, bên phải có con khỉ lớn theo hầu. Vì sao một nhà sư lại ngồi trên lưng hổ giống như vị tướng ra trận tiền? Tương truyền vào thời đó có một số người có ý xuyên tạc đức độ của nhà sư, nói ông là cha của Lý Công Uẩn.  Sư Vạn Hạnh biện minh nổi oan của mình  bằng cách chỉ tượng con hổ đất bên bàn thờ thề rằng: “Thân này, tâm này đã tu hành không vọng tưởng, nếu tâm không thanh tịnh, còn vướng đường tà dâm thì xin ơn trên trừng phạt, con hổ kia vẫn là con hổ đất, ngược lại nếu thân tâm giữ được giới luật thì cho con hổ đó biến thành hổ thật cho mọi người thấy.  Vừa nguyện xong, con hổ đất rùng mình biến thành hổ thật nằm xuống để nhà sư cưỡi. Từ giai thoại đó mà người đời sau lấy chuyện đó mà tạc tượng cho Vạn Hạnh.

 Sư bà Thích Nữ Đàm Chính 

Trước đây, tôi có đi Bắc vài chuyến, thăm vài chùa và tôi có thành kiến chùa ở các tỉnh phía Bắc vì nghĩ đa số là kinh doanh, nhiều chùa không có sư, không đủ tam bảo. Vậy mà khi đưa tôi đến đây, ni cô Trí Giải cho biết, ở chùa Tiêu không có đặt hòm công đức, việc trùng tu hay sửa sang vị trụ trì cũng kêu gọi Phật tử đóng góp khi đủ kinh phí thì ngưng. Không để dành tiền lập quỹ để chi dùng cho mai hậu.

Vào đảnh lể sư Đàm Chính, vị sư bà trụ trì năm nay đã 91 tuổi, tu ở chùa này từ năm 1957 khi chiến tranh còn đang ác liệt. Lúc đi đường, sư cô Trí Giải nói về sự thanh bạch của sư cụ, nào là sống đơn giản, hàng ngày chỉ ăn rau khoai ấy vậy mà đến nay vẫn khỏe mạnh. Nghe có đệ tử từ thiền viện Trúc Lâm An Tâm đến thăm, sư bà Đàm Chính dùng cơm xong nằm nghỉ, đến khi đệ tử đưa chúng tôi vào thăm thì sư bà ngồi dậy trò chuyện vui vẻ. Sư bà cho biết, ban sáng tụng niệm xong còn đi lên núi để luyện đôi chân, hôm nay trời có mưa nên lên xuống hơi mệt. Những câu chuyện về  thiền sư Như Trí, sư bà đã kể nhiều, báo chí đăng cũng lắm nên cũng không có gì là bí mật, chúng tôi không hỏi nữa.

Buổi trưa, chùa vắng, có Phật tử đem hiến cho chùa một bộ ly tách kiểu, sư bà từ chối bảo ở chùa có rồi còn đang dùng mấy năm chưa hư, nên con đem về nhà mà dùng. Cứ như tình hình này thì thấy Phật tử chung quanh chùa cũng mộ đạo, có hoa quả gì cũng đem cúng chùa, nhờ vậy mà quý sư ở chùa không đến nổi thiếu thốn. Trò chuyện hồi lâu, chúng tôi cáo từ sư bà ra về. Sư bà sai đệ tử lấy quầy chuối hương trồng trong chùa gửi cho chúng tôi nói là lộc chùa, đồng thời sư bà còn phát lộc cho chúng tôi mỗi người hai tờ năm chục gọi là chút lộc tổ ! Sư cô Trí Giải không dám nhận vì biết nhà chùa nghèo, nên nói tụi con cũng ở chùa xin cụ miễn cho. Sư Đàm Chính cười mà rằng: “Tôi ở đây có tổ nên có lộc tổ, còn mấy cô có tổ đâu mà có lộc. Nhận đi !”

Cuối cùng chúng tôi cũng nhận “Lộc tổ” cho sư bà vui, nhưng lòng chợt nghĩ, chùa không có hòm công đức thì chùa có tiền đâu mà chia sẻ lại cho chúng tôi. Đem ý nghĩ hỏi sư cô Trí Giải thì được giải thích. Tuy chùa không đặt hòm công đức buộc tín đồ phải đóng góp , nhưng Phật tử ở ngoài này cũng có thói quen để tiền cúng Phật, cúng Tổ, do đó sư bà gọi đó là lộc Tổ.

Trên đường xuống núi, nhớ lại giọng nói hiền hòa của sư cụ, quảy buồng chuối hương không có gì to tát, nhưng cảm thấy tấm lòng san sẻ rộng mở của sư Đàm Chính với tất cả hàng đệ tử và khách thập phương.

Bài và ảnh Lương Minh

h1

h2

h3                                                               gian thờ chư vị Tổ

h4                                                             đường lên đỉnh 

h5                                                                   Tượng sư Vạn Hạnh

h6                                                      Sư bà Thích nữ Đàm Chính và Lương Minh

h7

h8                                        Nhận lộc tổ từ sư bà

 

 

 

 

 

 

 

 

Có 2 bình luận về ĐI THĂM CHÙA TIÊU

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Lương đạo hữu đi khắp trong Nam rồi, nay ra tới Bắc, khâm phục !

    Viếng được chùa cổ, lại gặp được bậc chân tu, quý báu, phước đức quá đó Lương Minh.

  2. Phong Tâm nói:

    Rất hay, Lương Minh có điều kiện hãy tiếp tục viết mảng nầy giới thiệu cho mọi người biết rõ hơn về những điều có lắm người cần biết. Đất nước ta có lắm điều hay “kỳ bí” mà đâu phải ai cũng  đã tường tận, đâu phải ai cũng có cơ hội tìm tòi để hiểu biết hết tiềm ẩn đẹp của đất nước mình. Tôi rất hoan nghinh cái thú “đi chơi” mở rộng kiến thức cho mình và cho người của Lương Minh.

Trả lời Phong Tâm Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác