HÀNH TRÌNH CỦA SÁCH
Tôi là một con mọt sách nhỏ. Gần như từ khi biết chữ, tôi đã trót đam mê đọc sách, đọc bất cứ quyển nào có in chữ viết trên đó. Những con chữ là bạn đồng hành trên bước chập chững vào đời của tôi. Khi vào lớp Đệ Thất ở trường Đặng Đức Tuấn, tôi mới có điều kiện định hướng lại, chọn lọc lại thú đam mê đọc sách của mình. Các sư huynh dòng Giu Se đã chuẩn bị cho tôi và các bạn những tủ sách cổ điển, những tủ sách học làm người…. nói chung là những quyển sách đủ giúp cho tôi có một tầm nhìn khái quát về giòng văn học thế giới và nước nhà, trong đó không quên những tri thức cần thiết cho nghệ thuật giao tiếp quần chúng
Dù vậy, mãi đến lớp Đệ Ngũ, lúc đang học tại trường La Salle Bá Ninh tôi mới bắt đầu xây dựng tủ sách cho riêng mình. Gần như tất cả những khỏan tiền có được từ tay ba má cho, tôi đều bỏ ra mua sách. Tự Lực Văn Đoàn là chọn lựa của tôi vào thời gian đó. Những quyển sách cứ tăng thêm mãi cùng thời gian, đều đặn, đều đặn…
Tôi là người yêu sách, nhưng luôn sẵn sàng chia sẻ, hoặc thậm chí tặng lại cho những bạn bè cần đến nó. Trừ phi người mượn sách là kẻ vô tâm, chuyển sách mượn qua tay kẻ khác, hay thiếu cẩn trọng với sách mượn .
Hành trình của các quyển sách cũng thật thú vị. Ngày thành lập Đoàn quán Thanh Niên Hồng Thập Tự Khánh Hòa cũng là ngày tôi gởi gắm lại tủ sách đầu tiên của mình cho Đoàn quán. Rồi những quyển sách khác lại thay vào chỗ trống trên kệ sách nhà.
Sư huynh Alexandre Lê Văn Ánh cũng là một nguồn tài trợ cho tôi trong thú đam mê này. Những bộ Tintin , Spirou, Lucky Luke, Marsupilami…là đường dẫn tôi vào thư viện Hồng, thư viện Xanh, Đen của văn hóa Pháp. Mỗi đợt frere Alexandre đi Sài Gòn về, tôi lại có thêm những quyển sách ngoại văn từ nguồn biếu tặng của Cơ quan Văn Hóa Á Châu, sau này đến lượt frere Trung Hiền, nhưng đó lại là những quyển ngoại văn về khoa học.
Năm 1975 , khi nhắc lại , tôi vẫn còn xót xa khi toàn bộ tủ sách của tôi ở nhà bị ba tôi mang đốt đi. Mà tôi còn biết phải làm gì hơn khi mình không có mặt trong thời điểm đó, và cuộc sống của chính mình cũng chưa biết ra sao giữa cảnh đời biến động đó.
Và tôi lại gầy dựng từ đầu, nhưng không phải từ những nhà sách. Hàng ngày, sau thời gian làm việc tại Hợp tác xã Điện Biên, hoặc đôi lúc là giờ sớm lúc chuẩn bị vào làm, tôi lại lang thang các sạp bán giấy cũ trong Chợ Đầm. Tôi lùng sục chọn từng quyển sách đã xé bìa, mua lại với giá giấy phế liệu.
Nghe nói mua bằng giá giấy phế liệu, ai cũng có thể hình dung thật dễ dàng để mua được những “phế liệu”đó. Nhưng không phải.Ngoài cái duyên gặp sách mình ham thích, còn phải có sẵn tiền nữa. Còn nhớ lần tôi và Hạnh cùng vào chợ Đầm, tạt qua bà bán giấy xem qua, chợt tôi nhận ra bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, bản gốc năm 1896, tim tôi chợt nhói lên, hồi hộp như không tin vào mắt mình. Hai quyển không bìa, nhưng còn quá hoàn hảo, giấy couché dày, nét chữ sắc sảo hơn hẳn những quyển sách ra đời trong những năm 1980. Tôi vội ôm hai quyển bỏ lên dĩa cân, 4,2 ký , giá 21 đồng. Tôi lục lại túi thấy chỉ có 15 đồng, ngần ngừ, tiếc rẽ, mình lại không thể gởi lại để lấy sau, vì biết đâu rồi sẽ như giấc mơ…Hạnh đứng cạnh bên biết tôi thích sách đó dù chưa biết giá trị vô giá của bộ sách đó, hỏi tôi còn thiếu bao nhiêu,may mà Hạnh cũng chỉ có đủ ngần ấy tiền để gom trả cho bà bán giấy. Ôm bộ sách hai đứa ra khỏi chợ, vì dù sao cũng không còn rủng rẻng để mua sắm ngắm nhìn. Bộ sách đó mấy năm sau tôi tặng lại cho Út Đông vì tôi nghĩ tôi chỉ có nó là tặng phẩm tốt nhất để ghi nhớ những chu đáo của vợ chồng Út Đông dành cho gia đình tôi trong những ngày tháng đó.
Sau này, tôi còn nhiều cơ may khác, nhưng nhớ nhất vẫn là bộ sách không bìa của Kim Định, tác giả tôi yêu thích. Một bộ trọn vẹn trong đống giấy vụn, ngạc nhiên chưa. Buổi sáng thật dễ chịu, tôi ôm chồng sách “phế phẩm” ra về, bỏ luôn ngày làm việc ở xưởng Điện Biên. Đó là cách tôi tận hưởng sự thú vị khi gặp gỡ Kim Định qua bà bán giấy vụn.. . Bộ sách cũng chẳng ở với tôi lâu, do hứng khởi , tôi giới thiệu nó với mấy bạn mọt sách, Nguyễn Toàn mượn đọc, sau đó Toàn lại cho một người bạn ở Bình Tân mượn đọc. Tôi cùng Toàn đi đòi lại, nhưng lại tiếp tục lưu lạc về nơi khác. Sau lần đó, tôi rất giận Nguyễn Toàn vì chuyền tay một bộ sách không phải là sở hữu của mình.
Cũng vì tính hay thương tiếc sách nên có lần vào sạp, tôi nhận ra một quyển Thánh Kinh mạ vàng. Tôi ngỡ ngàng vì vị trí nó không phải là ở đó. Nhưng tôi không phải là người Công giáo, dù học trường dòng. Tôi có thỉnh về cũng vô ích, chưa nói khả năng tài chính thời đó lại có giới hạn.. Tôi nhét quyển Bible đó tận dưới cùng chồng giấy vụn, chạy vội đi làm. Vào xưởng, tôi gặp Hồ Việt Hùng, bạn thân cùng trường Bá Ninh, bảo Hùng cố gắng mua lại quyển Bible đó về để khỏi “mang tội”. Trưa hôm đó, Hùng đã nghe tôi và đi “giải cứu” quyển kinh thánh đó. Tôi cũng thanh thản hơn khi hay tin tốt lành đó. Sách nào cũng có định mệnh riêng của nó.
Bạn mọt sách của tôi cũng nhiều, có lẽ do thiếu sách quá nên phải “liên kết” mới đủ “gặm” trong giai đoạn tối om tri thức đó, trong đó có người thày và cũng là đồng nghiệp của tôi, thầy Nguyễn Cư, dạy Sử Địa trường Bá Ninh. Nhà thày là tiệm Nam Sanh Đường ở đường Thống Nhất (Nha trang), từ nhà thày đến nhà sách ngoại văn cũng gần. Thời đó, nguồn sách tiếng Anh và tiếng Pháp ở Ngoại Văn là được săn lùng nhiều nhất vì nhiều sách có giá trị văn học, lại rẻ như cho, nhưng mua không dễ.
Thày làm quen được với cô bán sách, mỗi lần có sách mới thày lại rủ tôi cùng đi để được mua theo diện “quen biết”. Sau này thày đi Mỹ theo diện ODP, ngày trước khi đi, thầy gọi tôi đến, chia sẻ cho tôi một số sách cũa thầy, trong đó có bộ Sông Don êm đềm.
Tôi vẫn miệt mài săn tìm những tài sản tinh thần đang bị chối bỏ, vùi lấp trong đống phế tích thải ra, và trong hành trình ấy tôi đón nhận lại từ những con người cùng sở thích, những quyển sách bị vùi dập trong cơn điên đảo một thời
Thời bao cấp là một thời ngưng nghỉ, ngoại trừ việc làm chính ở Hợp Tác Xã, mọi người chẳng còn việc chi làm, hầu như tất cả hoạt động mua bán , kinh tế đều xuất phát từ quốc doanh.
Những thời gian còn lại sau giờ làm việc hay ngày nghỉ, chúng tôi hẹn gặp gỡ bạn bè thân, rủ nhau lên xe đạp đi bất kể nơi đâu có thể đạp tới. Bây giờ không thể rồi, mỗi gia đình là một vũ trụ riêng, vận hành theo nhịp hối hả của cuộc sống. Tôi vẫn mê chữ , nhưng chọn lọc hơn, vì giá sách ngày càng đắt đỏ, nguồn từ giấy phế phẩm cũng không còn khi quá nhiều người biết nhìn lại giá trị của văn chương.
Nhớ lại những chặng đường đã qua, tôi bùi ngùi nhớ lại hành trình của từng quyển sách trên kệ. Sách vẫn lặng thinh nhưng tôi vẫn thấy từng ký ức sống động hiện về,
Những năm cuối thập niên 80, tôi thường bệnh, đôi khi không còn đủ sức để còng lưng đạp mỗi ngày 30km đi về. May một điều tôi còn có những người bạn. Tôi có người bạn vong niên, nhỏ hơn tôi khoảng mười mấy tuổi . Nhà Trương Minh Đài giáp lưng nhà tôi. Đài cũng làm chung HTX Điện Biên. Hàng ngày Đài vẫn qua nhà rủ tôi cùng đi làm, hôm nào tôi mệt thì Đài lại đèo tôi đi. Bây giờ nghĩ lại còn thấy ngán dùm Đài, 30km đi về còn phải đèo cục nợ.
Đài cũng ham đọc sách và cũng chìu tôi lang thang kiếm tìm sách mới cũ. Một lần, thấy tôi cứ cầm lên, bỏ xuống quyển Docteur Jhivago của Pasternak , Đài hỏi: Anh thích sao không mua ?Tôi cười nói: Bây giờ tìm một quyển viết hay và trung thực khó lắm, chẳng dễ gì quyển này được cho phép in, nhưng mắc quá nên thích cũng đành chịu.
Đợt lãnh lương tháng đó, Đài lặng lẽ tìm mua quyển sách đó mang về tặng tôi, giản dị như không. Phải nhớ sao cho hết những tấm lòng của người bạn nhỏ?.
Rồi những bạn khác như Hồ Việt Hùng, Trần Xê, mang trao đổi cùng tôi những quyển sách hay của Remarque, Solzenitsine , Vivakananda…có khi Xê quảng cáo là sách gối đầu giường, tôi mỉm cười nói : Coi chừng nghe, tận tín thư bất như vô độc thư. Hai đứa cùng cười.
Cánh cửa sắt rồi cũng từ từ mở, bạn bè, bà con lần lượt về thăm lại quê nhà, tôi lại có thêm nguồn cung cấp sách từ phương xa, không nhiều, nhưng cũng ấm lòng.
Tôi vốn lấy thường tâm làm trọng, không đòi hỏi, không yêu cầu đích danh quyển nào, nhưng dường như ai cũng biết nhu cầu đọc sách của tôi nên quyển nào đến tay tôi cũng là một quyển đáng xem. Tuấn, con cô Bảy thường mang về cho tôi những tập san văn học, những sách đang là cơn sốt như dạng The Boat của Nam Lê, có khi là Bùi Giáng, Hợp Lưu.. Dù vai em, nhưng Tuấn là người bạn sách đáng gờm vì chàng ta đọc nhiều và nghiền ngẫm thấu đáo sự việc. Tôi và Tuấn lại cùng gout trong các tác phẩm triết học. Còn nhớ có lần Tuấn về, tôi mua tặng Tuấn quyển Tâm Bất Sinh cũa Bankei, Tuấn xem rồi thích thú quá đi lùng hết các nhà sách được trên dưới 20 quyển để làm quà cho các con mọt sách khác, thú vị chưa.
Một bạn cũ trong Thanh Niên HTT Khánh Hòa lại thường chia sẻ với tôi những quyển văn học như: Scarlett, Le Prophète, Les oiseaux se cachent pour mourir, Pour qui sonne le glas. Les cygnes sauvages, Gone with the wind…
Nhưng nhớ nhất lại là một người bạn bán sách cũ trên đường Hoàng Hoa Thám. Gần nhà cũ thời niên thiếu của gia đình tôi nơi 7c Phan Thanh Giản.
Tôi chỉ là người mua bình thường như bao người yêu sách khác, Hùng cũng chỉ là người bán sách cũ bình thường như bao người bán sách cũ dọc vệ đường Hoàng Hoa Thám khác, nhưng dường như trong Hùng là một thế giới riêng. Nhưng lúc vắng khách, Hùng cắm đầu vào đọc sách, như thể một gã nhàn nhã.
Hùng ít nói, bán sách phải chăng và thường sốt sắng tìm giúp tôi những quyển sách tôi thích, dù nhiều khi không phải trong đống sách của Hùng, mà của những người bán sách cũ bên cạnh như thể tương lân vì bạn đồng một bịnh.
Một buổi chiều, vui miệng Hùng hỏi tôi: Hồi xưa anh có học trường Bá Ninh không ?, Tôi ngạc nhiên, nhìn kỹ lại Hùng, có vẻ quen quen, nhưng chắc chắn không phải là cùng lớp, vì tôi và Hùng cách nhau cũng ba, bốn tuổi. Tôi xác nhận đã học ở Bá Ninh suốt giai đoạn Trung Học, lúc đó Hùng mới hỏi tiếp: Anh có biết anh Hoàng Như Phổ không? Tôi lại thêm ngạc nhiên, Phổ là bạn thân cùng lớp, Phổ nhà ở Phan Thiết, vào Nhatrang học. Thì ra Hùng và Phổ biết nhau thời đi học do Phổ trọ học trong nhà Hùng ở Trần Quí Cáp, Nhà tôi ở Gia Long cũng gần và thường lui tới chơi với Phổ. Hùng coi Phổ như ông anh của mình , bây giờ gặp tôi, Hùng ngờ ngợ nhưng không nói ra, bây giờ…cóc mới mở miệng,
Từ đó tôi và Hùng càng gần hơn, Hoàn cảnh Hùng cũng như lớp tuổi chúng tôi, chật vật, lao đao, chỉ còn mỗi điều là lòng tự trọng còn mãi đuổi đeo trong cuộc sống ngán ngẫm này.
Hùng biết tôi mê sách nhưng không nhiều tiền nên thường bảo tôi cứ mang về đọc rồi đưa lại Hùng bán. Từ đó, tôi lại có “nhà tài trợ”, mướn sách miễn phí. Cuốn sách cuối cùng Hùng đưa tôi là quyển trinh thám Nhánh Lan trong Giông Bão.
Hôm đến trả sách cho Hùng, chẳng còn thấy Hùng và đống sách cũ, người bán sách kể cho tôi về sự ra đi đột ngột của Hùng. Tai biến mạch máu não đã cướp đi sinh mạng Hùng trong tuổi còn quá trẻ, chưa đủ tứ tuần.
Tôi và anh bạn bán sách ấy ghé nhà Hùng thăm hỏi. Vợ Hùng nghẹn ngào kể lại lúc sắp mất có dặn lại vợ khi nào tôi đến, thích sách nào thì mang về như món quà kỷ niệm. Tôi nghẹn không nói lên lời, nhìn nhà lạnh lẽo đơn sơ, nghĩ khi sắp mất vẫn nhớ bạn mọt sách sơ giao.
Tôi được vợ Hùng dẫn vào kho sách cũ của Hùng, lựa đúng 100 quyển, nài nỉ vợ Hùng nhận tiền xem như trả lại tiền Hùng đã mua mớ sách ấy. Tình tri giao biết bao cho đủ. Hôm cúng 3 tháng 10 ngày, tôi và Hạnh mang nhang đèn đến nhà Hùng ở tận Phước Đồng để viếng người bạn nhỏ vắn số. Âu cũng đành một kiếp nhân sinh. Khổ nghèo cũng kịp lưu tình, lan rừng giữa bão vẫn đinh ninh lòng.
Tháng ngày trôi, cuộc sống chưa lấy gì làm vui, tôi nhờ những thư hữu khuây khỏa cuộc sống. Sau này, dù có những quyển sách hay nhưng tôi chưa từng quên những quyển sách đã đến cùng tôi thông qua những trái tim nồng hậu, đơn sơ
ĐẶNG CHÂU LONG