TƯỜNG THUẬT CỦA MỘT “TIÊN NỮ”
Chị Vân Hồng, cựu HS lớp đệ nhất C (NK69). Năm đó nhà trường Tống Phước Hiệp có tổ chức văn nghệ và chị là một diễn viên quan trọng được chọn đi tập dượt để trình diễn. Năm nay, đúng nửa thế kỷ, chị nhớ lại thời xa xưa oanh liệt của mình với câu chuyện trình diễn trên sân khấu Phòng Khánh Tiết: Tuân thủ theo lời dặn đi, dặn lại của thầy cô, đúng ba giờ tôi có mặt ở trường. Sau khi đội múa tập trung đầy đủ các cô dẫn chúng tôi qua tiệm làm tóc. Bạn nữ nào học ở Vĩnh Long đều biết hai tiệm uốn tóc Nam Hiệp và Mỹ Hiệp. Nhà trường đã đặt sẵn hai tiệm nầy là đúng ba giờ bới tóc cho bọn tiên nữ chúng tôi. Thế là mười nàng tiên nữ được các cô dắt đến hai tiệm. Mỗi nàng tiên được hai thợ bới tóc theo kiểu tiên nữ trong các bức tranh cổ điển. Xong xuôi, thầy hiệu trưởng cho xe đến đón về nhà thầy và các cô bắt đầu trang điểm. Lúc nầy chúng tôi chưa được thoa son vì còn phải ăn chiều nữa. Xong đâu đó chúng tôi bắt đầu được thoa son, các cô còn dạy bập bập cái miệng cho son đều trên môi. Đứa nào đứa nấy cảm thấy vừa ngại ngùng vừa mắc cở vì lần đầu được trang điểm. Không dám nói cười vì sợ bay son môi.
Ngoài cổng trường học sinh mỗi lúc một đông nhưng không được vào xem. Quan khách bắt đầu từng tốp lần lượt vào cổng trường.
Tiếng nhạc vang lên lúc trầm, lúc bổng, hoà lẫn tiêng pháo đì đùng của những ngày cuối năm làm cho tôi cảm thấy rộn rã trong lòng cộng thêm sự hồi hộp vì màn múa sắp tới mà nhà trường rất kỳ vọng vào đám học trò nầy làm cho tôi có một cảm giác kỳ lạ khó tả.
Các cô đã bỏ ra biết bao công sức để may từng chiếc áo kymono, thầy trò đã vất vả tập luyện kỳ công, mình phải cố gắng hết mình mới được. Càng nghĩ, càng lo, càng hồi hộp. Rồi khi khoát chiếc áo kymono lên người, cài vương miện thắt nơ xong, cả đám bắt đầu run, các cô phải luôn miệng động viên. Sau đó theo một con đường bí mật chúng tôi được đưa lên sân khấu ngồi theo đội hình sau cánh gà.
Sau phần giới thiệu về ý nghĩa và mục đích của buổi ca nhạc kịch, lời phát biểu ngắn của người đứng đầu tỉnh là tiết mục đơn ca. Trong khi bên ngoài đơn ca, cách tấm màn nhung bên trong ban múa của chúng tôi chuẩn bị đội hình trong sự im lặng tuyệt đối. Màn đơn ca vừa dứt, chúng tôi bắt đầu run. Lời giới thiệu về màn múa nghe thật hấp dẫn. Câu cuối cùng tôi nghe một cách rành rọt:
Vũ điệu “Giấc mơ người nghệ sỹ” xin được bắt đầu. Bức màn nhung được kéo qua hai bên, trên sân khấu dưới ánh đèn mờ ảo, người hoạ sỹ đang ngồi ngủ gụt bên bức tranh. Trong tranh một cô gái y phục màu vàng , tóc dài đang ngồi thổi sáo. Trong giấc mơ chàng hoạ sỹ thấy mình và nàng tiên đang khiêu vũ. Tiếng đàn tranh vang lên bản Bến Xuân nhẹ nhàng, chậm rãi theo điệu slow: Chiều nay trên chiếc cầu soi bóng, em đến tôi một lần. Chim non….
Nàng tiên từ trong bức tranh bước ra và chàng hoạ sỹ đứng lên hai người dìu nhau theo điệu nhạc….tang tang tang tinh…. tang tang …..nhạc càng lúc càng dìu dặt, người càng lúc càng say sưa. Bỗng điệu nhạc bất chợt thay đổi: là la la lá la là là lá la của bản Hồ lãng bạc với điêu vale trầm bỗng và đàn tiên từ trong bức tranh bước ra nhịp nhàng theo điệu vale. Một tràng pháo tay vang dội.
Đàn tiên trong bộ kymono trắng nhịp nhàng bươc ra theo tiếng nhạc của điệu vale chéc chéc bùm, chéc chéc bum…. Là la la lá la là là lá la. Là la la lá la la là. Đến lúc điệu vale vang lên dồn dập : nào sóng vỗ thuyền đi lên, có điều chi nhớ thương. Triền sóng tới,ầm sóng vỗ…..nào én đến vèo bay đi ngắm mình trong ánh dương…..các nàng tiên vừa múa vừa quay vòng tròn quanh mình vừa di chuyển bao quanh chàng hoạ sỹ và nàng tiên nữ, tiếng vỗ tay vang lên không dứt.
Sau một hồi dồn dập quay cuồng tiếng nhạc chậm lại từ từ, các nàng tiên biến mất dần dần. Khi đèn bật sáng, trên sân khấu yên lặng, chỉ còn lại chàng hoạ sĩ ngủ gụt bên bức tranh. Khung cảnh kéo dài khoảng mười giây để người xem cảm nhận: Chỉ là giấc mơ thôi. Khi cảm xúc dâng đầy, một tràn pháo tay thật dòn thật lớn vang lên. Cánh màn nhung từ từ khép lại.
Thầy Thọ không ngăn được cảm xúc, bỏ ghế chạy lên ôm chầm từng đứa và nói mãi một câu; Các em giỏi lắm.
Sau khi múa xong, các bạn lẹ làng xuống ngồi hàng ghế dành cho đội múa để thưởng thức các tiết mục tiếp theo, còn tôi thì được phân công bưng mâm trái cây cho tiết mục kịch hài của thầy Lạc. Sau tiết mục múa là tiết mục đơn ca, hình như là ca khúc Ngày trở về, tôi cũng muốn ra xem lắm nhưng sợ trở lại sân khấu trễ nên đành ngồi tạm gần cánh gà. Các thầy lo chuẩn bị bàn ghế cho màn hài kịch. Thầy Ngô Quang Vỹ ngoắc tôi và chỉ mâm trái cây, tôi gật đầu tỏ ý là nhớ rồi và mò xuống bưng sẵn. Sau khi giới thiệu tiết mục hài kịch, cánh màn nhung kéo ra, tôi theo dõi gần đến đoạn thầy Lạc khấn nguyện gì đó là bưng mâm trái cây từ trong cánh gà đưa ra thôi, tôi chờ thầy Vỹ ra hiệu, nhưng khổ nỗi lúc tổng duợt tôi đâu có mặc kymono, giờ lại vương víu. Tôi vừa bước lên sân khấu, chân lại dẫm lên tà áo, thế là tôi bị chúi nhủi, tôi vận hết nội công để gượng lại và mong sao mâm trái cây đừng đổ. Nhưng từng trái, từng trái phũ phàng rơi xuống lăn đi vòng vòng. Tôi nghe phía dưới khán giả ồ lên một tiếng và tiếp theo là một trận cười vang dội. Khi tôi bình tinh lại thì trên mâm còn lại một trái cam nằm chổng chơ, tôi bưng đưa thầy Lạc và nói : Còn nhiêu cúng đỡ đi thầy. Thầy Lạc hỏi: Em có sao không?
Khi tôi tuột xuống đất thầy Vỹ bèn ghẹo: Đúng cái con nhỏ nầy là tiên mắc đoạ mà.
Sau khi buổi biễu diễn chấm dứt, các cô dặn về nhà nhớ ngủ nằm sắp cho đừng hư tóc để còn biễu diễn tối ngày mai nữa và nhớ tập trung đúng giờ. Thầy Thọ nghe dặn như vậy thì bảo: Các em cứ ngủ tự nhiên, gội đầu sạch chiều mai bới tóc lại. Cô Hai giám thị theo xe đưa từng đứa về nhà…….
Các thầy cô ơi trên năm mươi năm rồi, kỷ niệm xưa vẫn còn sống mãi trong tim của những đứa học trò trường Tống Phước Hiệp. Giờ trường xưa không còn nữa, các thầy cô cũng đã đi xa: Thầy Võ Văn Lạc với giọng ngâm sa mạc: Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt…..
Thầy Ngô Quang Vỹ lúc nào cũng gần gủi và hay bông đùa với học trò. Thầy hay gọi tôi là “gà bới “vì tôi viết chữ xấu. Mỗi khi muốn hỏi tôi viết xong chưa, thì thầy hay nói: Bới xong chưa gà? Đặc biệt là thầy hiệu trưởng Đào Khánh Thọ, chuẩn mực trong từng lời ăn tiếng nói , tế nhị gần gủi thương yêu học trò. Tất cả giờ chỉ còn là kỷ niệm.
Các thầy cô ơi giờ nầy thầy cô đang ở đâu?
Vân Hồng
Đệ nhất C (NK69)
Cảm động lắm chị Vân Hồng , như quang cảnh ngày ấy dưới mái trường TPH sống lại trong em