NHỚ LẠI BAN KÍCH ĐỘNG NHẠC SẦM UẤT

Ngày đăng: 30/03/2019 06:54:03 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Trưa nay vừa nấu cơm vừa nghe nhạc, những bài ca những giọng hát thân yêu mà tôi đã từng nghe từ thời áo trắng học trò, đến nay mỗi lần nghe lại tôi vẫn thấy rất hay và rất xúc động, nhất là giọng ca của ca sỹ mãi là tuổi học trò Thanh Tuyền, một giọng ca chắc khoẻ vượt thời gian đã đi sâu vào tuổi học trò của chúng tôi.
Hôm nay nghe Thanh Tuyền cất giọng với “Nỗi buồn hoa phượng”, tôi như thấy cả ngôi trường Tống Phước Hiệp với những tà áo trắng tung bay, với những nam sinh thanh lịch trong bộ đồng phục quần xanh, sơ mi trắng, phù hiệu chỉnh tề. Thời của “ Nỗi buồn hoa phượng” là thời chúng tôi học đệ tứ, đệ tam, tuổi bắt đầu biết buồn, những nỗi buồn không tên, những nỗi buồn vô cớ( la tristesse sans cause) lâu quá không viết lại tiếng Pháp, chắc viết trật lất quá nhờ bạn Mỹ Châu chỉnh dùm nhen.
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Màu hoa phượng thắm như máu con tim……người xưa biết đâu mà tìm”. Giọng ca lanh lảnh, cao vút, từng lời ca như chạm vào trái tim làm tôi cảm thấy rưng rứt trong lòng. Từng gương mặt bạn bè xuất hiện trong tâm trí, bạn nào cũng trẻ trung, nhí nha, nhí nhảnh chọc phá nhau: Bạn Sĩ, bạn Hương, Mui, Tuyết Nga, Xuân Mai, Như Hoa, bạn Nô, bạn Hạnh, Ngọc Hoa, Đoàn Kim Anh.
Các thầy cô thân thương, đặc biệt là thầy dạy tiếng Anh, người Mỹ mà tôi vừa có dịp gặp lại năm rồi, nói chuyện với thầy mà mỏi cả tay cùng những kỷ niệm lần lượt hiện về trong tâm trí tôi.
Tôi thấy ngày xưa mình cũng thuộc dạng học sinh ngoan hiền, không bao giờ có chủ ý phá phách hay choc ghẹo ai nhưng sao cứ bị nạn hoài. Ngày đó, năm đệ tam, nhà trường tổ chức văn nghệ để gây quỹ Cây mùa xuân.Tất cả các màn kịch, cải lương, đơn ca các thầy cô đảm nhận hết, học trò chỉ góp phần màn múa duy nhất của chương trình, màn múa nầy cũng được tuyển chọn rất kỷ, một lớp chỉ một vài học sinh và được tập duợt rất kỳ công. Màn múa có tên: “Giấc mơ người nghệ sĩ”do thầy Võ Văn Lạc tuyển chọn, thầy Hạnh đạo diễn, tập duợt, thầy Ngô Quang Vĩ phụ trách chung.
Ngày đó tôi rất mê cây đàn guitar điện, mỗi lần tập múa thì tôi hay để ý xem gắn điện chỗ nào, điều chỉnh ra sao để khi nào có dịp mình sẽ đàn thử một câu thôi xem nó đã như thế nào. Nhưng chờ hoài không có lúc nào được ở lại một mình trong phòng khánh tiết, cứ tập xong học trò ra hết, thầy mới khoá cửa. Thế là tôi kiên trì chờ đợi. Rồi dịp may cũng đến. Còn trên một tuần nữa đến ngày tổng dợt nên ban múa phải tập suốt ngày, chỉ nghỉ hai giờ buổi trưa thôi, vì tầm quan trọng của hai đêm biểu diễn là gây quỹ, khán giả là những người có vị trí trong tỉnh, học sinh không được đi xem nên nhà trường rất tập trung lo cho màn múa duy nhất nầy.

Khi nghe thầy Hạnh dặn ngày mai các em về ăn trưa xong là trở vô trường tập cho tốt nhé, ráng tập duợt cho ngon lành, múa cho đẹp nhé, các em là tiên nữ giáng trần đó!  Nội dung màn múa là một chàng hoạ sĩ đang vẻ tranh cảnh non bồng tiên giới. Trong tranh có cảnh một nàng tiên đang ngồi thổi sáo, vì mệt mỏi nên chàng hoạ sĩ ngủ gụt bên bức tranh và nằm mơ. Trong mơ chàng  thấy mình lạc trên cõi tiên và cùng nàng tiên thổi sáo đang khiêu vũ thì, Trong bức tranh một đàn tiên xinh đẹp bước ra theo điệu vale vang lên kết hợp với bài Bến Xuân và Hồ lãng bạc. Đàn tiên bước nhịp nhàng theo điệu vale, lúc xoay tròn, lúc nhanh, lúc chậm trong bộ áo kymono Nhật Bản rất đẹp mắt.
Nghe thầy Hạnh dặn dò, tôi như mở cờ trong bụng. Thế là tôi chuẩn bị đồ ăn trưa và rủ rê thêm mấy bạn nữa. Khi tập xong buổi sáng, thầy Hạnh bảo cả đám về hết, thầy khoá cửa phòng khánh tiết. Đợi các thầy đi khuất bọn tôi vô phòng giám thị bắt cái thang gỗ lên một cái bục cao và leo lên phòng khánh tiết, con đường bí mật nầy học trò không ai biết, do có lần thây hiệu trưởng nhờ tôi chuyển đồ lên phong khánh tiết nên tôi mới biết thôi.
Khi lên đến nơi rồi tôi tranh thủ phân công việc cho các bạn: Sau khi tôi đàn dứt một câu thì một bạn đánh một hồi trống “ tùng tùng” . Bạn đánh chập chả đánh một cái”xèn”. Thế thôi.
Ngày đó tôi đàn nghe cũng dỡ nhưng tôi rất tự tin và chọn bài” Thuỷ thủ và biển cả”. Tôi bắt đầu
“Với biển cả anh là thuỷ thủ u u”, tùng tùng tùng xèng.
“Với lòng nàng anh là hoàng tử ư ..ư, tùng tùng tùng xèng”
“ Nhớ chuyện ngàn đêm xứ Ba Tư…
Một bầu không khí im lặng bao trùm, mấy bạn biến đâu mất, trước mắt tôi là thầy hiệu trưởng Đào Khánh Thọ mặc pyjama. Thầy bảo : Mấy đứa chui ra hết đây. Thì ra các bạn chui xuống sân khấu và đang lò mò chui ra. Mặt mũi bạn nào cũng đầy váng nhện, còn mặt tôi lúc đó chắc là thảm lắm nên thầy Thọ không nỡ rầy. Thầy hỏi sao em biết chỗ mà leo lên đây. Tôi lí nhí, lần trước thầy chỉ em chuyền đồ lên nên em biết. Thây hỏi tiếp: Sao em không chỉnh âm thanh cho nhỏ lại, em ra nhìn xem ồn quá thầy cô không dạy được. Thế là cả đám bèn xin lỗi thầy.
Thầy Thọ đang xử lý thì thầy Võ Văn Lạc, thầy Hạnh, thầy Ngô Quang Vỹ mở cửa đi vô, thầy Vỹ bảo : Cái đám khỉ nầy làm mấy thầy không kịp uống hết ly nước mía phải vội vàng chạy vô, rồi thầy hỏi tiếp: Đứa nào bày đầu cái vụ nầy? Mấy bạn chỉ mình, thầy phán tiếp: Đúng là trưởng ban kích động nhạc sầm uất mà.
Mấy thầy còn định rầy thêm nhưng thầy Hiệu Trưởng nói: Thôi được rồi, nghỉ ngơi để còn tập duợt tiếp. Ráng nghen mai mốt làm cho tốt. Thế là tôi có cái biệt danh dữ dằn là Trưởng ban kích động nhạc sầm uất, trong khi tôi hiền khô hà. Đúng không mấy bạn?

Vân Hồng

Lớp đệ nhất C (NK69)

ẢNH TÁC GIẢ

Có 2 bình luận về NHỚ LẠI BAN KÍCH ĐỘNG NHẠC SẦM UẤT

  1. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay , vui ,,không hổ thẹn  dân ban C  Hihi
    Hoành Châu ~ Lãng Uyển Châu ( Gia đình C  )

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đọc 2 lần rùi đo nhen bà bạn Hồng, ở Fb và ơ trang nhà, ở không viết tiếp tục đi nhen Trưởng ban nhạc sầm uất!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác