TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN 33)
Thời gian trôi qua nhanh, tôi lại càng phải làm cấp tốc hơn tất cả mọi việc mà tôi phải hoàn thành.
– “Con chó này đẹp quá”, Genevieve nói, cô ta đã gọi điện thoại, trả lời cho quảng cáo mà tôi đăng để tìm chỗ ở mới cho Basil. Cô ta cúi xuống để vuốt ve và Basil nhìn cô một cách thân thiện.
– “Trevor, anh nghĩ sao?”
– “Anh thấy tuyệt quá”, Trevor nói, nâng đầu Basil bằng hai tay và nói khẽ với nó.
– “Mời quý vị vào nhà để chúng ta có thể nói chuyện với nhau yên tĩnh hơn”, tôi nói và cả ba đều theo tôi. Chúng tôi ngồi xuống.
– “Tôi sợ Basil thường có phản ứng hơi ngờ vực với phái nam”, tôi nói với Trevor. “Nó quen thuộc với phụ nữ hơn.”
Trong khi tôi nói điều này thì dường như nó muốn trừng phạt tôi nên đi về phía Trevor, đặt đầu trên gối của ông và nhìn ông ta một cách say đắm.
– “Hmmm! Thật sao?” Trevor nói. “Nó có chống đối tôi chút nào đâu?”
Từ mấy ngày nay tôi bị dày vò vì muốn tìm một chỗ ở thích hợp cho Basil. Nhiều người đã đến gặp tôi nhưng tôi chưa chọn được đúng người. Cặp vợ chồng này thì lại khác, tôi có thể tin được là họ sẽ nuôi nấng Basil tử tế. Chúng tôi thoả thuận là một lát nữa tôi sẽ đem Basil đến cho họ.
Basil là bạn đồng hành thân thiết của tôi từ hai năm nay. Nó là người đồng hành tuyệt hảo, nhẹ nhàng nhưng còn ham chơi, trung thành và dịu dàng, một con chó tuyệt vời. Làm sao tôi có thể cho nó đi được!
Tôi xếp giỏ nằm của nó, chăn, bàn chải lông, dây buộc, chén ăn, dĩa Frisbee lại và đem tất cả ra xe.
Vào lúc năm giờ chiều tôi gọi nó và đây là lần cuối nó nhảy lên chỗ ngồi phía sau xe một cách vui vẻ. Khi chúng tôi vừa đi ngang cửa cổng thì sấm nổ vang. Bầu trời tối mù thật nhanh, cơn mưa đổ xuống. Tôi phải lái mười lăm cây số để đến nhà Genevieve và Trevor. Cơn mưa đã từ từ bớt dần, tò mò Basil đánh hơi chỗ ở mới của mình. Nó chạy xuyên qua các phòng rộng rãi và sáng sủa rồi ùa ra sân đang còn ướt đẫm nước mưa, nơi đó nó gặp một con chó khác cùng giống Collie lần đầu tiên. Cả hai đánh hơi nhau và chẳng bao lâu đuổi nhau quanh các bụi hồng trong khi trời mưa trở lại.
“Tạm biệt Basil”, tôi nấc lên, cúi xuống ôm nó lần cuối, nó liếm khắp mặt tôi trước khi tôi quay người và đi như chạy trốn.
Tôi lái xe về nhà, cơn mưa bão đã làm cho việc giao thông như ngừng trệ. Những tia chớp loé sáng trên bầu trời, cơn bão hoành hành suốt đêm. Bốn ngày liên tiếp tôi thường bật khóc, khi tôi kể cho anh nghe, anh cũng khóc theo.
Về phía Basil, mọi việc đều yên ổn, đêm đầu tiên nó hơi rên rỉ, những ngày kế tiếp nó ăn uống ngon miệng và chơi đùa với con chó kia cùng hai con của Genevieve và Trevor. Nó quen dần và sống an vui với cuộc đời mới. Tôi cố vui vẻ khi nghĩ đến thời gian mà nó là một phần cuộc sống của tôi.
Việc sợ mất anh vẫn còn ám ảnh tôi trong những tuần cuối và rồi lên đến tuyệt đỉnh vào một buổi chiều cuối tháng năm. Lúc đó là nửa đêm ở San Francisco và ba giờ chiều ở Fremantle.
Sau khi chấm dứt cuộc điện đàm, anh lái xe vào nhà để xe trước khi lên giường. Sáu giờ sáng bên đó tức là chín giờ đêm bên tôi, anh sẽ gọi cho tôi.
Chín giờ rồi mà chưa thấy anh gọi, tôi tự nhủ, có thể anh ngủ quên để không phải lo lắng, nửa giờ trôi qua, vẫn không có gì dù tôi biết, sáng sớm nay anh có một cái hẹn công việc. Anh không nhấc máy dù chuông reo liên tiếp, tôi gọi lần nữa, cũng không ai nhấc máy. Sự hoảng sợ trong tôi càng ngày càng gia tăng, miệng tôi nhạt nhẽo, sự sợ hãi chen lẫn với nỗi đắng cay, chua chát.
Dĩ nhiên chuyện phải xảy ra sau bao nhiêu tuần lễ mà tôi tin tưởng là chúng tôi sẽ được gặp lại nhau. Lần này tôi mất anh vĩnh viễn. Tôi gọi anh nhiều lần, gọi đi, gọi lại để rồi tôi nhận ra được là mọi chuyện đã chấm dứt. Chuyện đã xảy ra như tôi vẫn lo sợ hàng ngày từ khi chúng tôi từ giã nhau ở Frankfurt. Tôi bị ám ảnh hay là sự việc đã được an bài ngay từ đầu.
Nắm chặt mấy tấm hình cùng cái áo T-Shirt của anh tặng ở Đức, tôi chạy quanh trong nhà, khóc lóc, kêu gào như con thú bị thương. Nỗi đau trong lòng xé nát tôi, cơn đau trong lồng ngực dâng cao làm tôi như nghẹt thở. Tôi tin chắc là anh đã chết, một lần nữa, tôi lại mất anh, tôi biết trước mà, mọi việc sẽ kết thúc như thế.
– “Trời ơi, anh ở trong nhà, nằm trong giường thì sao mà có chuyện gì xảy ra được?” Anh ngạc nhiên hỏi khi anh gọi cho tôi để xin lỗi, anh ngủ quên hai tiếng đồng hồ và đêm qua anh quên không đem theo điện thoại vào giường.
Câu hỏi của anh là đúng, một người bình thường sẽ tự hỏi như vậy nhưng một người đang yêu mà tâm thần bấn loạn thì có thể tưởng tượng ra đủ thứ chuyện, chẳng hạn anh đi ra khỏi nhà và bị cướp; anh bước ra đường thì một chiếc xe vòng qua khúc quanh quá nhanh rồi cán lên anh; cửa nhà để xe đập trúng đầu anh; anh bị vấp bậc tam cấp và té gẫy cổ. Nếu không bị như thế thì sau khi đem xe vào và trên đường đi đến phòng ngủ, anh gặp một tên ăn trộm và bị bắn chết. Ít nhất thì sự việc cũng có thể xảy ra là anh lên giường rồi bị tai biến mạch máu não hoặc bị tim.
– “Trời ơi”, anh nói. “Anh đâu biết là mình sống nguy hiểm như thế!”
Tôi nhận ra được sự bấn loạn tinh thần khủng khiếp của mình nên đâm ra hoảng sợ.
– “Có thể trong tiềm thức, em muốn anh mất dạng”, anh nói đùa nhưng tôi cười không nổi. “Anh nghĩ, mọi việc sẽ qua đi khi chúng ta thực sự gặp lại nhau.” Anh nói dịu dàng và thông cảm hơn.
Anh có lý, chúng tôi phải vượt qua mọi chuyện xảy ra cho cuộc tình kể từ khi chuyện tình của chúng tôi bị chấm dứt trong quá khứ. Có như vậy sự ám ảnh mới được hoá giải và rồi nỗi lo sợ sẽ tan biến, nhờ đó chúng tôi mới đương đầu được với sự bất định.
Những tuần đầu của mùa đông thời tiết thật bất thường. Ánh mặt trời rực rỡ được thay thế bằng những cơn mưa tầm tã, những cơn gió mạnh một cách nhanh chóng.
Người ta có thể đứng dưới ánh nắng để quan sát những đám mây gây giông bão đang cuồn cuộn từ biển lên. Cơn bão làm các cuộn sóng sủi bọt, các đám mây đen chạy vùn vụt vào đất liền, sau đó mọi người bị ướt như chuột lột và cố hết sức để không bị gió cuốn đi. Sau cơn bão, bầu trời trong xanh và mặt trời xuất hiện trở lại.
Cảm xúc trong tôi phản ảnh điều đó. Nỗi vui mừng bị gián đoạn bởi sự ly biệt.
Một tia nắng chiếu vào bình hoa thuỷ tinh màu xanh làm tôi nhớ lại khoảng thời gian quý báu trong căn nhà này; một buổi chiều mùa hạ nơi hàng hiên với Jan trước khi lên đường sang Bồ Đào Nha; buổi điểm tâm chủ nhật với Sue và John; bữa ăn trưa với các bạn kéo dài tới tối…những ngày dài nơi bàn viết; những buổi sớm mai của mùa hè với ánh sáng êm dịu; những đêm đầy sao nóng hầm hập, không một ngọn gió.
Vùng đất này đã là quê hương của tôi từ mười tám năm nay, nơi đây có rất nhiều điều mà tôi yêu mến nhưng cũng có những điều mà tôi khó chịu. Nước Úc quá tốt với tôi, tôi yêu mến nơi này như yêu quê hương của mình.
Dĩ nhiên trước kia tôi cũng rời nước Úc nhưng lần này lại khác hẳn. Khi ra đi, bao giờ tôi cũng nghĩ là sẽ trở lại chốn cũ. Lần này tôi không biết bao giờ mình sẽ trở lại và sẽ trở lại trong trường hợp hoặc trong trạng thái nào, liệu tôi có trở lại và sống trong căn nhà này nữa không? Liệu anh và tôi sẽ chung sống tại đây không? Chúng tôi có nằm cạnh nhau mỗi đêm để ngắm mây, ngắm sao qua khung cửa sổ trên mái nhà không? Chúng tôi có ngồi với nhau nơi hàng hiên để bàn xem có nên cắt các bụi oải hương ngắn bớt, hoặc cắt bỏ những đoá hoa hồng đã héo úa không? Liệu tiếng dương cầm có vọng xuống dưới nhà hay không?
Bất định! Có ai biết trước được!
Ở đây, trong thành phố này, trong tiểu bang này, tôi rất thông thạo cũng như mọi người đều biết đến tôi. Tôi là người lạ đến đây và cố gắng làm việc; công sức của tôi đã được đền đáp. Tôi có tên tuổi, được nhận nhiều đặc quyền, tại nhiều nơi còn được thiên vị. Ở những nơi khác nhờ tên của tôi mà công việc được tiến triển. Người ta bắt chuyện với tôi ở ngoài phố, nói là họ nhớ những bài viết của tôi trên báo, nhớ giọng nói của tôi trên đài phát thanh. Đôi khi cũng có người nói, họ mừng vì không phải nghe tôi nói hoặc phải đọc những bài báo có ý kiến của tôi nữa. Dù đó là điều không tốt nhưng vẫn cho tôi một cảm giác an toàn.
Ở đây tôi được che chở, bảo bọc, vậy mà bây giờ tôi đang sửa soạn rủ bỏ tất cả để đến một nơi khác mà tôi chưa bao giờ thấy, một nơi mà tôi chẳng quen ai, một nơi mà tôi phải làm lại từ đầu ở tuổi năm mươi lăm.
Tôi chỉ thấy nơi đó trong các giấc mơ. Tôi nhìn thấy một người đàn ông đang leo trên một con đường dốc mà hai bên là những căn nhà nhỏ, xe cáp điện đang hì hục trên đường. Hậu cảnh là biển lấp lánh trải dài cùng chiếc cầu Golden Gate.
Ba mươi bảy năm tôi thường nằm mơ, tôi gọi tên anh trong khi anh đang đi xuống dốc, nghe tiếng gọi, anh dừng và xoay người lại, giống y như anh đã làm khi nghe tôi gọi anh ở bãi biển Brighton.
Trong giấc mơ, anh cười và đưa tay cho tôi, “Lại đây, em yêu!”, anh gọi và tôi chạy đến anh, chúng tôi tay trong tay cùng đi lên đồi.
Nhưng rồi giấc mơ cũng thay đổi và San Francisco lại là nơi chốn mà anh quay lại vì một tiếng gọi khác, không phải là của tôi. Thành phố dễ mến, đầy sức sống trở thành buồn tẻ và hoang vu.
Ngày nay, tôi sẽ làm quen với thành phố này. Khuôn mặt của người gọi tôi đã nằm trong tim tôi biết bao thập niên, cái giá mà tôi phải trả là tôi phải xa cách cuộc sống của tôi tại Úc một thời gian.
Tất cả đều có giá của nó và với tôi thì giá đó không quá cao.
– “Ngày mai con đi mẹ ạ”, tôi nói.
– “Ừ”, bà nói. “Cứ hưởng một thời gian thật đẹp!”
Từ nhiều tuần nay bà suy nghĩ về việc ra đi của tôi cũng như việc tôi sẽ đi trong bao lâu. Lúc nào bà cũng hỏi: Karl ở đâu? Con đi bao lâu? Ở bao xa?
– “Con mà đi xa một tháng là mẹ sẽ chết”, bà nhắc đi, nhắc lại. “Nhưng mà đừng nghĩ đến mẹ. Đó là cuộc đời con, mẹ muốn con được hạnh phúc.”
Tôi biết mẹ tôi thật lòng nhưng cuộc nói chuyện đè nặng tâm trí tôi, trong năm tháng, đề tài này được nói đến nhiều lần trong tuần. Bây giờ là lần cuối và bà không còn quan tâm nữa. Bà đang chú ý đến căn phòng mà bà mới dọn tới trong viện dưỡng lão để nói chuyện với Mark. Mấy tháng trước Mark đến thăm bà nhưng bà nói, bà không gặp cháu từ khi cháu mười hai tuổi.
Tôi sợ cuộc chia tay đầy nước mắt và đầy lời than nhưng bây giờ tôi được phép ra đi mà không bị lương tâm cắn rứt. Khi ôm mẹ để từ giã, tôi có cảm giác là bà đã tự lìa xa tôi trước khi tôi để bà ở lại, phải chăng đó chỉ là ước muốn của tôi.
Bạn bè giúp tôi xếp đặt, gói ghém tất cả sách vở, viết ra một danh sách đồ đạc trong nhà. Trong khi các thùng các tông chất đầy thì căn nhà càng ngày càng trống và chỉ chờ chủ nhân cho người mới vào ở.
Tôi sẽ tạm trú những ngày cuối ở nhà Jan và sẽ giã từ tất cả tại đó.
Trong cơn mưa tầm tã, tôi chất hành lý vào cốp xe trong một đêm cuối tháng sáu. Đưa mắt nhìn lần cuối ngôi nhà, nơi mà tôi đã trải qua quãng đời cuối cùng của mình, nơi mà tôi sống ẩn dật để viết lách và kiểm soát được cuộc sống trong tương lai của mình.
Ngôi nhà là tất cả những gì mà tôi đã ra công thực hiện: tự chủ, tự lập, an toàn và yên bình. Nó phản ảnh cuộc sống của tôi, cuộc sống của người phụ nữ đơn độc, một người quyết định cuộc sống độc thân của mình mà bạn bè, người quen ai cũng rõ.
Tôi tắt đèn lần cuối, khoá cửa lại, bước lên xe. Nhìn lần cuối cột kèo trên mái nhà và lái xe ra cổng.
Một phần cuộc đời của tôi đã trôi qua.
(Còn tiếp)
Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt
từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf
Hình ảnh: nguồn net
Không có gì khổ tâm bằng lúc mình phải rời xa nơi chốn mình cứ ngở là sẽ ở nơi đây suốt cuộc đời còn lại..Tôi đã từng sống qua thời gian nầy…
Cô ơi, em đang rất hồi hộp nóng lòng muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, cô ạ.
-Phải rời xa nơi mình đang sống an bình là một điều đáng buồn, tuy nhiên ở đây Liz vì tình yêu mà đã quyết định như thế. Hơn nữa Karl cũng đã hứa là sau khi thu xếp xong mọi việc của mình ở California, sẽ cùng Liz về sống tại Úc để Liz không vì Karl mà phải xa người thân cũng như bạn bè thân thiết.
-Đức Tính cứ kiên nhẫn, đoạn kết sẽ đến. Đây cũng là điểm thành công của cuốn truyện tự thuật này vì người đọc khó đoán được những gì sẽ tiếp tục xảy ra….
(Xin lỗi đã phải phản hồi chung vì không hiểu tại sao từ vài tuần nay không thể trả lời riêng cho từng người một như mọi lần. Lỗi kỹ thuật của trang web hay của máy tư nhân?)
–
Những ngày cuối chuẩn bị cho cuộc sống chung với những tình tiết thật cảm động và những hồi hộp, bất ngờ. Em rất mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với Liz và Karl như dự định đó Cô.