TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN 32)

Ngày đăng: 24/02/2019 10:04:14 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

– “Tuyệt vời!” Neil nói trong điện thoại. “Con mừng cho mẹ, con tin là mẹ đã quyết định đúng.”

-“Con nghĩ sao về mọi chuyện hả Mark?” 

Tôi hỏi Mark trong khi hai mẹ con nhìn Sam và Jamie đang nhào lộn với con lừa nhồi bông lớn như con lừa thật.

– “Con thấy tuyệt vời. Shelly và con có chung một ý kiến.”

Mark cười vì  thấy khôi hài khi tôi hỏi như vậy.

– “Mẹ tin là các con sẽ mến Karl”, tôi ngập ngừng nói.

-“Con tin chắc là vậy nhưng mẹ ạ, cho dù chúng con có không thích thì cũng không thành vấn đề. Đó là cuộc đời của mẹ.”

-“Nhưng mẹ không cho đó là việc thường tình.”

-“Phải như vậy mẹ ơi, quan trọng là mẹ thấy như thế nào.”

Tôi biết Mark nói đúng, không thành vấn đề nhưng với tôi lại không phải như vậy. Sam té xuống từ con lừa nhưng lại đứng lên được. Jamie lợi dụng cơ hội để chiếm chỗ tốt. Cả hai chưa được hai tuổi, tôi sẽ đi xa chín tháng và khi gặp lại, chúng sẽ có nhiều thay đổi.

 “Em mong các con hiểu em”, sau đó tôi nói với anh qua điện thoại.

– “Anh tin là anh sẽ chiếm được sự thương mến của các con em, con dâu cũng như các cháu nội”, anh nói. “Anh hứa sẽ cư xử đàng hoàng đúng với tư cách của một người ái mộ mẹ và bà của chúng.”

Vào một buổi sáng thứ năm trong sáng và mát mẻ, tôi lái xe dọc theo con sông Swan đến Perth để tham dự buổi họp mặt ăn sáng của quý bà. Tôi sẽ nói chuyện về cuốn sách mới nhất của tôi tại đó. Gian phòng đầy mầu sắc và mùi nước hoa, vang động bởi năng lực, giọng nói cùng tiếng cười của quý bà. Tôi đã quen với những cuộc họp mặt như thế này nhưng con người của tôi ngày nay không còn như xưa nữa. Từ hơn mười năm, tôi là người tranh đấu cho nữ quyền, phê bình những vấn đề xã hội, tôi là nhà văn, là xướng ngôn viên của đài truyền thanh. Là người hoạt động tích cực, tôi không để cho ai ngăn cản, bây giờ tôi vẫn vậy nhưng đã có nhiều thay đổi.

Những buổi họp như thế này cũng giống như một cuộc giao chiến, tôi tự hỏi, làm sao tôi có thể thực hiện được mọi việc với con người mới của tôi. Chúng tôi ăn sáng, tôi nói về cuốn sách của tôi, trả lời các câu hỏi. Mọi việc diễn tiến như thường lệ cho đến khi phần chính của buổi họp mặt trôi qua.

Các bà đứng dậy, chia ra từng nhóm chuyện trò với nhau hoặc trở về với công việc. Một nhóm khác tụ tập chung quanh bàn nơi tôi ngồi uống ly cà phê mà lúc thuyết trình, tôi không có thì giờ để uống. Họ đã đọc “Gặp em tại Frankfurt” nên họ đưa ra biết bao nhiêu câu hỏi: Tất cả mọi việc đã ảnh hưởng ra sao với cuộc sống của tôi? Tôi có dự tính gì? Liệu tôi có làm một chuyện liều lĩnh khi sang sống tại California hay không?

– “Bà cùng tuổi với tôi”, một nữ luật sư nổi tiếng nói. “Ở đây bà nổi tiếng, tại sao bà có thể bỏ liều những gì bà đã xây dựng được? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi việc không thành?”

– “Tôi không tin là tôi có đủ can đảm”, một nghị viên thành phố nói. “Bà đã tạo nên sự nghiệp cao ở đây và bây giờ bà lại từ bỏ hết sao?”

– “Thật là tốt cho bà”, một nữ bác sĩ hưu trí nói. “Nhưng bà có rõ là chỉ sau chừng một năm là mọi sự chấm dứt không?”

Những người khác lạc quan lại ngưỡng mộ quyết định của tôi dọn về với anh ở California. Xúc động vì chuyện tình của chúng tôi nên tuy thấy quyết định như thế là hơi vội vã nhưng họ đều ủng hộ.

Thật là kỳ lạ, những lời cảnh báo, những ngờ vực chỉ làm tôi thêm tin tưởng quyết định của mình là đúng. Dĩ nhiên họ cũng có lý khi cho là một khi tôi vì một người đàn ông mà thay đổi thì tất cả những dự tính của tôi trong tương lai sẽ đi ngược đường. Tôi phải tiến sâu vào nội tâm để nhận ra bao nhiêu phần trăm là của chính tôi trong quyết định này; chính trị, giáo điều đã đóng vai trò gì và vấn đề tự bảo vệ tham dự bao nhiêu phần.

Chủ nghĩa nữ quyền không phải là một truyền thống và cũng không phải là một sự chuyên chế, nó liên quan đến quyền tự do của phụ nữ, giúp phụ nữ tự mình phát triển cũng như tự mình quyết định trong cuộc sống thực tại. Cũng vì thế mà phụ nữ được công nhận và tôn trọng.

Mục đích của nữ quyền không phải để chối bỏ tình yêu mà là trải nghiệm tình yêu theo một phương cách khác, tự do hơn trước. Không ai có thể nói trước được, chúng ta sẽ phản ứng như thế nào trước những thử thách, những cơ hội mà chúng ta gặp trên đường đời.

Tình yêu chứng nhận chúng ta là gì, là ai, điều kỳ diệu của tình yêu là quyền lực và sự biến đổi.

Sự trớ trêu của định mệnh đã làm thay đổi trạng thái nguyên thuỷ của tình yêu. Một số tình yêu bị mất đi, nhiều số khác lại nhận được thêm, tuy nhiên các quá trình phải trải qua không phải là không đau đớn.

 


– “Một số phụ nữ đã ngạc nhiên và hoảng sợ”, tôi nói với Carolyn trong bữa ăn trưa.

 “Hmmm!” Cô ta trả lời trong khi thưởng thức những thìa súp một cách ngon lành. “Bạn biết không, như vậy đó, với tuổi mười tám, chúng ta bị lôi cuốn một cách dễ dàng, chúng ta tin tưởng vào tình yêu với bất cứ giá nào. Khi chúng ta lớn tuổi hơn, chúng ta vẫn tin và vẫn mơ đến tình yêu nhưng đồng thời chúng ta cũng ngờ vực về cái giá của nó.” 

Trong khi chiếc muỗng súp đang đưa lên nửa chừng, tôi bỗng như đông cứng lại.

– “Tại sao bạn lại nhìn tôi ngạc nhiên như vậy?” Cô ta hỏi một cách kinh ngạc.

– “Chúng ta nghĩ như vậy sao?”

– “Nghĩ cái gì?”

– “Chúng ta ngờ vực, tình yêu có giá của nó!”

– “Tất nhiên rồi! Là phụ nữ ở lứa tuổi giữa năm mươi, chúng ta biết điều đó quá rõ mà. Là nhà văn, chúng ta cũng biết đó là một món quà sáng tạo của sự bấp bênh.

Hồi ký không phải là một sự tháo gỡ để đưa đến một kết cục bi thảm hay hạnh phúc. Đặc tính của cuốn hồi ký là sự thuật lại, như bạn biết, truyện vẫn diễn biến nhưng không ai biết là nó sẽ tiếp tục ra sao. Sự bấp bênh này đã tạo nên sự mê hoặc sự quyến rũ đối với người đọc.

– “Sự bấp bênh?”

– “Dĩ nhiên! Bạn ăn súp đi. Đó là sự bấp bênh mà các bà tìm kiếm trong truyện của bạn.”

– “Tốt hơn hết tôi sẽ viết truyện của tôi theo hình thức của tiểu thuyết.”

– “Hãy nghĩ đến giới hạn”, cô ta báo động. “Bạn thường nói là bạn ghê sợ khi các tác giả xoá đi ranh giới giữa thơ ca và sự thật.”

– “Đó là lời của người ký giả trong tôi”, tôi nói, vò chiếc khăn ăn và nhét xuống dưới dĩa đựng bánh mì. “Đó lại khác.”

Cô ta lắc đầu. 

– “Không, ít nhất bạn cũng phải biết ranh giới nằm ở đâu ngay cả khi bạn quyết định để vượt qua ranh giới đó. Tuy nhiên sự bấp bênh, bất định mới chính là tất cả.”

– “Tôi tin chắc là Karl yêu tôi và tôi cũng tin chắc là tôi cũng yêu anh ấy. Trong suốt những năm tháng đó dù bị chia cách chúng tôi vẫn yêu nhau. Tôi cũng tin là chúng tôi được ơn trên chỉ định cho nhau.”

– “Tôi biết, tôi biết”, cô nói. “Rõ ràng rồi, đó là sự thật, mọi việc đều đã xảy ra. Chuyện yêu đương, sự mất mát, và dĩ nhiên là việc tìm lại được nhau, tất cả đều phù hợp cho một cuốn tiểu thuyết. Lãng mạn, đam mê, căng thẳng, hiến dâng, một nhân vật nam, một nhân vật nữ- tất cả là một truyện tình thật sự và tuyệt vời. Nhưng trong truyện, hai người gặp nhau tại Frankfurt và cả hai đều mãi yêu nhau, cả hai đều mê say nhau hoặc cả hai lại yêu nhau như người ta muốn diễn tả.”

– “Chúng tôi đã làm như thế mà!”

– “Nhưng trong tiểu thuyết”, cô nói, nhấn mạnh và chậm rãi như thể để gạch dưới ý nghĩa của câu nói. “Trong tiểu thuyết thì coi như truyện đã chấm dứt. Hai người gặp nhau, hai người mê nhau. Quá khứ không những đã được khôi phục lại mà còn được ăn mừng, được tôn vinh. Bản năng của hai bạn đã không lừa dối hai bạn, đó là tình yêu đích thực, bị cản trở, phá hỏng cùng chà đạp nhưng cuối cùng đã tìm lại được. Hai người được kết hợp và bây giờ chỉ cần sống hạnh phúc bên nhau đời đời và nếu họ không qua đời thì….”

 “Đúng”, tôi cười và cảm thấy nhẹ lòng. “Thật là đúng!”

Carolyn ăn xong dĩa súp và dựa lưng về phía sau của ghế một cách thoải mái

– “Đó là tiểu thuyết. Hồi ký thì khác hẳn, chúng ta không biết truyện sẽ ra sao. Cuộc sống vẫn tiếp tục và mỗi ngày đều có những sự kiện mới. Ai biết được mọi việc sẽ kết thúc như thế nào? Bất định, chính là vậy. Bạn không còn sợ là Karl sẽ bỏ rơi bạn như xưa nữa nhưng bạn vẫn lo sợ.”

Tôi im lặng và tự hỏi, tại sao cô ấy lại biết, cô ấy biết nhiều như thế nào?

-“Tôi lo sợ một cách bịnh hoạn là anh ấy sẽ qua đời trước khi chúng tôi còn gặp lại nhau.”

Carolyn với qua bàn để nắm lấy tay tôi.

– “Ai cũng nói là hai người gặp nhau ở Frankfurt và sẽ  sống chung hạnh phúc bên nhau mãi mãi ở California, bạn bè ai cũng ganh tị. Ở đây chúng ta nói về sự khác biệt giữa tiểu thuyết và hồi ký. Trong tiểu thuyết, bạn là tác giả, quyết định tất cả những gì xảy ra. Hồi ký giống như cuộc sống, bất định và không thể kiểm soát được. Cuộc sống không thể tính trước được.”

– “Có thể chỉ có tình yêu là không tính toán được và vì thế mới tạo ra sự bất định”, tôi thốt ra.

Carolyn lắc đầu. 

– “Không, có nghĩa là cả có lẫn không. Tình yêu không tính toán được vì nó là một phần của cuộc sống. Sự chính xác và an toàn chỉ là ảo tưởng.”

Tôi có quan niệm khác hơn, trong cuộc sống, nhiều sự việc có thể xếp đặt được và một sự chắc chắn cũng có thể thực hiện.

– “Khi tôi rời khỏi đây, tôi có sự an toàn”, tôi nói. “Tôi thu xếp cuộc sống của tôi hoàn hảo. Tôi biết tương lai sẽ đem lại những gì.

– “Hả? Có thật không?” Cô cười thách thức.

– “Vâng, đúng vậy, bạn biết mà. Chúng ta đã nói về chuyện đó trước khi tôi ra đi mà.”

Một cơn gió nhẹ thổi từ biển vào, cô ta kéo chiếc áo ở thành ghế để khoác lên vai.

– “Tôi biết vì bạn đã nói đi, nói lại mà. Tôi tin là trời bắt đầu mưa nhưng tôi vẫn thích ngồi ở bên ngoài. Đó là một ảo tưởng.”

– “Không”, tôi phản đối. “Tôi sống một cuộc sống mà tôi muốn. Tất cả đều dưới sự kiểm soát của tôi. Tôi có được sự chắc chắn.”

– “À”, cô nói. “Bạn muốn sống ở Fremantle để viết lách và bạn không muốn có một mối liên hệ tình cảm nào nữa. Bây giờ, chỉ một cú điện thoại mà thôi là bao nhiêu chương trình, bao nhiêu dự tính đều bị bãi bỏ hết, có phải thế hay không? Chúng ta không thể nào vay mượn sự chắc chắn. Đó là ảo tưởng mà định mệnh đôi khi cho chúng ta vay mượn. Cái hạn vay mượn của bạn đã chấm dứt khi bạn đến nước Anh và nhận được cú điện thoại.”

Tôi bẻ vụn mẫu bánh mì và vo ruột bánh thành những viên nhỏ.

– “Nhưng mà sự chắc chắn sẽ trở lại, sự chắc chắn cùng an toàn.”

– “Ảo tưởng sẽ trở lại một ngày nào đó. Chúng ta phải biết gạt bỏ ảo tưởng, đó chính là vấn đề phải đương đầu. Phải bỏ đi tất cả dự tính cố định, phải đánh giá những gì không có sẵn, phải để cho sự căng thẳng gặm nhấm. Đó là ý kiến của tôi về trạng thái lý tưởng nhất để viết lách.”

– “Nhưng còn để sống thì sao?”

-“À, đó mới thực là sự đương đầu! Hãy ăn thử món bánh mì nướng này đi. Bạn nghĩ sao?”

(Còn tiếp)

 

Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt 

từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf

Hình ảnh: nguồn net

Có 5 bình luận về TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN 32)

  1. Em vẫn nghĩ cuối cùng Karl và Liz sẽ không được sống bên nhau lúc cuối đời, cô ạ.

  2. Trầm Hương Ptt nói:

    Có câu hỏi ..Sao Liz cứ để cho người khác xen vào chuyện của mình hoài vậy ? Sao cô cứ thích chia sẻ chuyện riêng tư của mình trên public ? Có phải đây là đặc tính của phụ nữ?

  3. Cuộc đời là bất định mà tình yêu cũng là một phần của cuộc đời nên với thời gian, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra mà không ai biết trước được (lời của Carolyn, bạn của Liz).

    Phải chăng các nhà văn là những người “nhiều chuyện” vì vậy họ mới viết truyện, in sách để công chúng cùng đọc, cùng chia sẻ.

    Thông thường khi chúng ta tâm sự hoặc kể với ai về một điều gì, bao giờ chúng ta cũng nhận được ý kiến của người ấy, chẳng khác gì khi bạn đưa một một câu chuyện trên fb, bạn sẽ nhận được phản hồi với những ý kiến khác nhau, vấn đề là bạn phải có lập trường vững chắc và đừng để cho mình dễ bị chi phối.

  4. My Nguyễn nói:

    Dù được sự đồng tình của các con nhưng qua nhiều lập luận của người khác và suy nghĩ của chính mình, liệu có làm Liz băn khoăn lo sợ…về một cuộc sống chung trước mắt?

  5. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Người ta nói tính cách tạo số phận.

    Tính cách bà Liz không đơn giản, nên số phận ắt phải đa đoan , nhiều rối rắm đây, Cô ạ!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác