TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH: TRỞ THÀNH SỰ THẬT (PHẦN XXIII)
– “Rồi, ông ta lại gọi lần nữa sao?” Ngày hôm sau Neil hỏi.
– “Ông ta lại gọi lần nữa sáng sớm hôm nay”, Irene giải thích cho Neil. “Lúc đó cháu còn ngủ, gọi tới ba lần trong vòng mười hai tiếng đồng hồ.”
Cả hai nhìn tôi. Trong khoảnh khắc tôi thấy mình đang ở trong bếp của Smugglers Cottage, nơi mà mẹ tôi thẩm vấn về những nụ hôn mà mẹ của Joan đã kể lại.
– “Thế”, Neil nói. “Rồi sẽ tiếp tục ra sao?”
– “Mẹ không biết. Thực sự mẹ không biết ra sao.”
– “Mẹ bay sang San Francisco để thăm ông ta!”
– “Anh ấy nói, anh ấy sẽ sang Perth.”
– “Mẹ nên đi sang thăm ông ấy. Đúng là cuộc phiêu lưu mà mẹ đang cần.”
– “Mẹ cũng không biết thế nào là đúng.”
– “Ồ, xin lỗi!” Irene nói và chạy nhanh đến máy CD khi Nat King Cole đang lấy nhịp để hát bài “Too young” trong khi nước mắt tôi dàn dụa trên má. Cô ấy bỏ dĩa CD vào vỏ và đặt dĩa nhạc hoà tấu dương cầm của Beethoven mà không biết là dĩa nhạc này gợi lại trong tôi những kỷ niệm còn đau đớn hơn.
– “Bạn thấy thế nào?”
Tôi lắc đầu và nhìn ra phía ngoài, nơi những cánh đồng bị gió thổi rạp xuống ở sau nhà. Những đồng cỏ này tôi thường đi qua cùng anh và đứng lại để hôn nhau dưới cây sồi. Ngày xưa cành cây cũng trơ trụi giống như hôm nay.
– “Thật lạ, tôi vừa tới đây thì anh ấy tìm được tôi. Đây là lần thứ hai tôi trở về Anh trong vòng mười tám năm. Tôi không nghĩ là dựa vào đó mà tôi có thể viết được một cuốn tiểu thuyết vì chẳng có ai tin vào việc tình cờ này.” Irene cất bánh mì đi, dọn lại chỗ làm việc, đổ các mảnh bánh mì vụn vào thùng rác.
– “Có thể đó không phải là sự tình cờ mà là định mệnh.”
Cô ta làm tôi ngạc nhiên. Irene không phải là mẫu người tin vào định mệnh, cô ta rất thực tế, đa nghi, một người làm ăn thành công, độc lập và có cá tính mạnh mẽ.
– “Tuần vừa qua, ông ta cũng gọi, ngay trước khi mẹ con bạn đến. Ông ta có vẻ dễ mến, sợ bạn không chịu tiếp chuyện ông ta. Bạn thấy sao?”
– “Tôi cũng không biết nữa”
Chúng tôi quyết định làm một cuộc du ngoạn tới Brighton và Neil lái xe trên con đường ngang qua Three Bridges Station.
– “Mẹ và ông ta gặp nhau lần cuối ở đây và nói lời tạm biệt.”
Với Neil, điều này không có gì đáng để chú ý trong khi cậu ta lái xe trong giòng xe dầy đặc. Còn tôi, tôi được sống lại kỷ niệm cũ. Trước đây ba mươi bẩy năm mắt Karl u tối vì đau khổ về việc phải bỏ tôi lại đây.
– “Mẹ thực sự muốn có người khác trong cuộc đời mẹ nữa sao?” Neil hỏi. “Con tưởng là mẹ thích sống một mình. Cuộc sống đơn độc thích hợp với mẹ mà, mẹ vẫn quả quyết như vậy.”
– “Ngày hôm qua mẹ còn tin chắc như vậy, mẹ không muốn có ai cả , mẹ chỉ muốn một mình, nhưng bây giờ thì lại khác.”
– “Vậy thì mẹ muốn gì?”
– “Mẹ cũng không biết nữa.”
Tôi không biết gì hơn nữa, tôi như bị tê liệt, bị lôi cuốn? chấn động? bối rối? lo sợ?
Chuyện gì xảy ra khi tôi tự cho phép mình được cảm nhận lại; chuyện gì sẽ xảy ra khi tôi thay vì cho phép mình đeo món nữ trang của ký ức thì chỉ đứng nhìn một cách âu sầu, buồn bã. Tôi đã tự tạo cho mình một hệ thống phòng thủ rất hiệu nghiệm. Liệu bây giờ tôi có nên đặt chướng ngại trên đường đi hay hạ chiếc cầu treo xuống cho dễ dàng. Tôi có nên giải bày hay chờ đợi những gì sẽ xảy ra. Tôi chờ đợi và tôi phải chờ đợi…..
Trong giây phút này tôi không thể làm được việc gì khác hơn.
– “Làm ơn hiểu dùm anh”, Karl nói. “Anh không chờ đợi gì cả, anh phải tìm được em, giải bày tất cả với em, nói với em là anh ân hận nhiều về cách đối xử của anh.” Anh ấy lặng thinh, tôi nghe tiếng thở của anh, anh khóc. “Anh chỉ muốn nói là anh thực tình yêu em, em là tình yêu, là cuộc đời và anh không bao giờ quên em được. Anh đã yêu em và vẫn mãi mãi yêu em.”
Tôi không dám trả lời. Tôi không thể nào nói với anh những gì tôi cảm nhận bởi vì tôi không thể thốt nên lời, bởi vì tôi quá ngạc nhiên. Suốt cả cuộc đời, tôi yêu anh ấy và bây giờ tôi ở trong trạng thái, không thể nào nói ra được. Tê liệt đi vì lo sợ những hậu quả có thể xảy ra. Hoảng hốt vì sự cởi mở của anh ấy cũng như những tình cảm hoàn toàn không thay đổi nhưng tất cả đều khác lạ.
Vào ngày thứ ba kế đó, tôi nhận được hoa, không biết bao nhiêu là hoa. Hai người đàn ông mang hoa vào chứ nếu chỉ có một người thì không xuể. Hoa lan, hoa ly ly, hoa cẩm chướng, hoa hồng, hoa uất kim hương. Mầu hồng, trắng, vàng kem, tím và xanh lá cây nhạt.
– “Trời ơi”, Irene nói. “Tôi chưa bao giờ thấy như thế này. Chúng mình đâu có đủ bình để cắm.”
– “Xe không đủ chỗ để chứa thêm hoa”, người bán hoa nói và lái xe đi.
Chúng tôi tìm bình cắm hoa và các bình khác trong tủ, trong kho, dưới hầm. Chúng tôi cắm hoa vào bình và đem chưng trong tất cả các phòng. Cả nhà trông giống như phòng thay y phục và trang điểm của một nữ danh ca nhạc kịch nổi tiếng trong buổi tối trình diễn đầu tiên.
“Anh muốn khi em đến nơi sẽ có một biển hoa chờ em”, anh giải thích. “Một biển hoa với tấm thiệp của anh đính kèm. Anh nghĩ, nhờ đó mà em bằng lòng nói chuyện với anh khi anh gọi cho em. Tiếc là chẳng nơi nào chịu giao hoa vào ngày thứ nhì của lễ Giáng sinh cũng như vào thứ hai.”
– “Hoa đẹp quá”, tôi nói. “Tuyệt đẹp, cám ơn anh.”
– “Anh hy vọng, những đoá hoa đã nói lên được chút gì, còn anh, anh không đủ chữ để nói.”
Những giọt lệ đông thành khối tận cùng trong tôi vẫn còn lạnh giá và nặng nề và đang che chở tôi. Một khi nó còn đó, tôi tin là tôi có thể quay lưng lại và đi mất. Tôi có thể gác máy, có thể xếp hành lý để trở lại Úc và làm như thể không có chuyện gì thay đổi. Tất cả vẫn y như cũ, an toàn, rõ ràng và nguyên vẹn.
Sáng thứ tư chuông điện thoại kêu vào lúc bảy giờ. Sau mấy ngày lễ, Irene đi làm trở lại. Neil lái xe đi Luân Đôn. Còn ngái ngủ, tôi chạy trong bóng tối để đến chỗ điện thoại. Tôi choàng một cái mềm quanh vai và ngồi bệt xuống dưới sàn nơi hành lang.
– “Em rất thích khi anh đánh đàn dương cầm cho em nghe”, tôi nói.
– “Thật sao?”, anh nói. “Anh đâu biết điều đó, em có bao giờ nói cho anh nghe đâu.”
Tôi hoảng sợ khi biết là mình chưa bao giờ thổ lộ với anh về cảm xúc của tôi khi nghe anh đàn, về sự rung động khi thấy tay anh lướt trên phím ngà. Có thể còn rất nhiều điều tôi chưa nói cho anh nghe. Tôi đã cho anh biết là tôi yêu anh thật nhiều chưa? Có phải vì sự e dè của nữ giới đã ngăn cản, không cho tôi thổ lộ tình cảm của mình cho anh biết chăng? Có thể lắm…
– “Anh còn nhớ anh đánh bài Wooden Heart không?”
– “Muß i denn? Anh còn nhớ chứ.”
– “Em vẫn còn giữ mãi bài hát này trong tim. Mãi mãi và mãi mãi”, tôi nói.
– “Em yêu!” Anh nói và chỉ những chữ này, những chữ duy nhất đã làm vỡ tan khối băng trong tôi. Tôi trở lại tuổi mười tám, tôi trở lại công viên ở Northumberland Crescent, trở lại hồ nước, trở lại chiếc giường trong nhà của Bobby, trở lại Smugglers Cottage, trở lại buổi sáng ướt át của tháng bảy, cơn mưa làm nhoè những chữ trong lá thư, lá thư đã làm cuộc đời tôi vỡ đôi trước mắt. Anh đã xâm nhập vào tim tôi, xuyên thủng lớp vỏ tự vệ của tôi, bắt tôi phải tỏ bày cảm xúc. Ngay cả ảo tưởng về sự an toàn nơi tôi cũng biến mất. Trong nước mắt, tôi kể cho anh nghe những điều mà đáng lẽ tôi phải kể trong điện thoại từ ba mươi bảy năm về trước.
– “Em yêu anh, em mãi mãi yêu anh và chỉ có mình anh mà thôi.”
Mỗi ngày anh gọi tôi hai lần, hai lần mỗi ngày chúng tôi nói chuyện hàng giờ với nhau. Công ty điện thoại hầu như không biết được sự may mắn của họ nên đã đề nghị cho anh một giá biểu đặc biệt để gọi sang Anh. Mỗi ngày hai buổi chúng tôi tiêu phí để trao đổi ý nghĩ, nhảy tới, nhảy lui giữa các đại lục cùng giữa những năm tháng. Chúng tôi lấp đầy những lỗ hổng của ký ức, nối liền những vực thẳm của thời gian. Từng mảnh một, chúng tôi làm lại bức tranh với kỷ niệm của ngày tháng chúng tôi đã từng trải qua, kể lại cho nhau nghe khoảng quá khứ bị bỏ quên. Qua các cuộc trò chuyện, chúng tôi khám phá lại được những gì mà vì hối hận lẫn tiếc nuối đã trộn lẫn vào nhau nên đã bị trí nhớ bỏ quên.
– “Prospect of Whitby”, anh nói. “Đó là đêm quan trọng nhất trong đời anh.”
– “Anh nói gì?”
– “Prospect of Whitby, quán rượu. Quán rượu nơi mà chúng ta đã hôn nhau lần đầu tiên.”
– “Chúng ta có đến đó hay sao?”
– “Có, quán rượu ở phía dưới Dock, Prospect of Whitby! Quán đó thì sao em quên được.”
Tôi tự thú về cái hố đen trong trí nhớ của tôi. Mọi việc bắt đầu khi anh bước vào nhà và cũng chấm dứt tại đó khi Jock canh chừng chúng tôi nơi nhà bếp.
Anh giống như bị thất thần và làm như thể tôi vừa phá nát một vật gì quý báu nhất của anh. Giọng của anh nghẹn lại, anh gần như muốn tin là tôi cố ý. Tôi biết tôi đã làm anh bị thương tổn biết chừng nào.
– “Có thể em quên vì chuyện đó đối với em vô nghĩa.”
– “Không, không phải vậy đâu.”
– “Có lẽ đối với em, việc hôn nhau trong quán rượu chỉ là chuyện thường tình.”
– “Anh nhìn xem, em tin chắc là không phải như anh nói và cũng không phải tự dưng mà em quên. Em quên bẵng đi cả buổi tối hôm đó.”
Anh không bằng lòng với lời giải thích của tôi và cũng không bỏ qua được bằng một nụ cười hay một cái nhún vai. Anh bị thương tổn, việc này làm tôi nhớ lại là anh quá nhạy cảm cũng như cảm nhận một cách quá mãnh liệt, đóng một dấu ấn thật nhanh, thật chắc về những câu nói, những sự việc xảy ra bằng sự diễn đạt của anh. Tôi lo sợ khuynh hướng này của anh, xây dựng lại quá khứ theo những gì hiện hữu trong ký ức của anh. Tôi sợ vì tôi không là người giống như người anh đã tạo ra trong tim anh.
Dù có cố gắng cách nào đi nữa, buổi tối ở Prospect of Whitby cũng không thể nào hiện hữu trong ký ức của tôi. Trong khi chuyện trò, người này bổ khuyết cho người kia những kỷ niệm đã quên. Nhiều kỷ niệm trở lại một cách sống động nhưng Prospect of Whitby là một khoảng trống trắng xoá trong tôi.
Đây là sự căng thẳng đầu tiên giữa chúng tôi, một đám mây đen nhỏ kéo qua nhanh, che mặt trời đang chiếu rực rỡ. Những đám mây khác chỉ ghé qua, một số ít ở lại đã làm giảm đôi chút sự rực rỡ nhưng hầu như tất cả đều tan biến trong ánh dương ấm áp.
(Còn tiếp)
Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt
từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf
Hình ảnh: nguồn net
Tâm hồn của Karl và Liz đều thật nhạy cảm nên dễ bị tổn thương, cô ạ. Em nghĩ tốt hơn là hai người không nên tìm gặp lại để có thể giữ mãi những ký ức đẹp về nhau.
Nếu có được một tình yêu sâu sắc và lãng mạn đến vậy , tuy rằng mộng ước không thành…tui cũng ” tình nguyện ”
Liz vẫn như xưa, không quyết đoán khi trả lời con trai về việc gặp hay không gặp lại người xưa…nhưng với Karl , …chắc là vì nói chuyện qua điện thoại, hay tuổi đời ? nên cô thỗ lộ tình yêu của mình mà không cần dấu diếm.
Cô (Trầm Hương Ptt) và trò (Đức Tính NTN) ai lãng mạn hơn ai?
Hãy tiếp tục theo dõi để thấy một tình yêu tuyệt diệu của “một người dành cho người mình yêu”.
Cám ơn tất cả các anh chị em trang nhà cùng quý vị bạn đọc đã kiên nhẫn theo dõi chuyện tình của Liz và Karl cho tới hôm nay.