TRẦN ĐỀ DU KÝ
Hôm rồi tôi theo người bạn đi Sóc Trăng thăm đứa cháu ở đây. Do không biết phải đi đâu nên tôi có nhắn với bạn bè là đi Sóc Trăng, nào ngờ nơi đến không phải là Sóc Trăng mà là Ngan Rô một vùng quê thuộc huyện Trần Đề.
Ngan Rô –vùng đất cũ xưa
Ngan Rô là một địa danh xưa dù nay người dân địa phương vẫn còn dùng nhưng tên hành chính ở đây gọi là xã Đại Ân 2 thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Chợ Ngan Rô rất trù phú, tuy xã Đại Ân là xã nghèo của huyện Trần Đề nhưng hình như đây là nơi sinh ra các thương gia khá giả ở thị trấn Lịch Hội Thượng. Theo anh Trần Minh Trí, doanh nghiệp địa phương thì xã Đại Ân 2 có khoảng 14.000 dân, nhưng đa số người trẻ đều đi làm ở các khu công nghiệp Bình Dương, số người đi chợ này khoảng bốn ngàn người. Chợ có hai trăm hộ kinh doanh , trong đó có chừng hai mươi doanh nghiệp. Ở đây có một nhà thờ, một chùa ông của người Hoa, chùa Phật tên Hưng Ân tự và một thánh thất Cao Đài. Hưng Ân tự thuộc Tịnh Độ cư sĩ Phật học Việt Nam, tín đồ ở đây tu tập theo Đức Tông sư Minh Trí lấy 6 quyển kinh, luật, luận làm căn bản. Trong đó có quyển lễ bái Lục phương, Phật học vấn đáp được nhiều tín đồ lấy làm kinh nhật tụng. Ngoài việc tu hành, ban y tế phước thiện của chùa còn sưu tầm cây thuốc, hốt thuốc chữa trị cho người dân quanh vùng.
Tại đây cũng có một Phật tử thành lập Nghĩa trang Từ Thiện giúp những người không có đất được chôn cất được an nghỉ mà không đóng góp một chi phí nào.
Do người dân tộc chiếm khá đông nên xã còn có chùa Đơm Pô (Lâm Dồ). Anh Minh Trí bảo con anh là Minh Khoa dẫn tôi qua nhà thờ vì ở đó từ Ngan Rô còn được lưu dụng trên cổng nhà thờ Ngan Rô, thuộc giáo phận Cần Thơ. Nhà thờ mới được tu sửa lại phần mặt tiền, bên trái khuôn viên là ngôi đền nhỏ thờ cha Trương Bửu Diệp, một linh mục nổi tiếng khắp miền tây, mà đa số xe khách, tàu khách nào cũng có treo trước mặt tài xế hầu mong sự bình an trong khi di chuyển. Minh Khoa nói với tôi, hồi nhỏ con học ở đây, các dì không phân biệt trẻ con bên lương hay bên giáo, vẫn chăm sóc như nhau. Ngay cả kiến thức về nhạc lý con cũng được các linh mục nhà thờ chỉ dạy.
Cách Ngan Rô chừng 5 cây số là thị trấn Trần Đề, trung tâm hành chính của huyện Trần Đề, ở đây có chợ nhưng chưa có tầm vóc tương xứng với chợ huyện đó là chợ Kênh 3 nằm gần trục lộ 91 C đường đi Cần Thơ- Bạc Liêu và nằm trên cảng nước sâu Trần Đề. Ở cảng Trần Đề dạo này rất sung túc, du khách khắp nơi, đông nhất là TP.HCM xuống đây để đi Côn Đảo. Cứ chiều cuối tuần là bà con các tỉnh đến đây để đi tàu cao tốc ra Côn Đảo tham quan du lịch. Theo người dân ở đây thì khách đi du lịch có, đi xin số của Cô Sáu có, nên rất đông. Hai con đường ra cảng dọc theo kênh 3 là đường 30 tháng 4 và đường 19/5, có rất nhiều nhà lầu, hỏi ra toàn là của chủ tàu cá.
Thị trấn Lịch Hội Thượng
Nếu như Chợ kênh 3 là chợ thị trấn thì chợ Lịch Hội Thương cũng là chợ thị trấn nhưng nhà cửa và việc buôn bán lớn hơn nhiều. Thị trấn này có một thời là quận lỵ của Lịch Hội Thượng từ năm 1953 đến 1975 thuộc tỉnh Ba Xuyên thời VNCH. Tại chợ Lịch Hội Thượng có nhiều thương gia gốc Hoa kinh doanh vàng bạc, ngủ kim, vải vóc. Trong khu vực chợ có một chùa ông Bổn, thờ Trịnh Ân, một vị quan trung thần đời nhà Tống; một trường dân lập Quốc Cường và một Hội người Hoa. Chùa Ông Bổn là tên gọi thường còn chính danh là Phước Đức cổ miếu, được thành lập năm Dân quốc thứ ba (1915). Trong miếu này có thờ Thần Nông và bà Thiên Hậu, phía trước có trống và đại hồng chung như các chùa Phật của người Việt, trên tường là tranh vẽ bát tiên.
Tôi đến miếu lúc chín giờ sáng, một vài vị phụ trách miếu còn đang uống trà trò chuyện, trong đó có ông Đào Pho- cố vấn miếu, các ông Huỳnh Khánh Đức, Quách Vĩnh Lâm, Trần Hồng. Ông Đào Pho cho biết miếu này là một trong ba chùa Hoa ở thị trấn Lịch Hội Thượng và cái này lớn hơn hai chùa kia. Ngày cúng lớn nhất là 24 tháng chạp, đưa ông Bổn về trời, mùng 4 tháng giêng rước ông Bổn về miếu, ngoài ra cũng có cúng thượng điền, hạ điền giống như các lễ cúng đình tại địa phương. Trong năm, miếu còn có 6 ngày cúng thần tài, đáp ứng nhu cầu tâm linh cho bà con tiểu thương. Có hai ngày cúng thần nông vào rằm tháng 6 và rằm tháng 10.
Chợ Lịch Hội Thượng có hai nhà lồng, một cái bán mỹ phẩm thời trang, một cái bán hàng tạp hóa. Hai bên chợ là những tòa nhà lầu kinh doanh vàng, thuốc tây và những hàng tiêu dùng nhu yếu. Anh Huỳnh Khánh Đức cho biết đồ ăn ở chợ này ngon hơn ở Sóc Trăng (?)những mặt hàng tép đất (tép xẻ) lạp xưởng, bánh pía cũng vậy. Tôi định khi về ghé chợ mua các đặc sản này dùng thử xem có đúng như lời đồn đãi hay không, nhưng rồi lúc về thì đi đường khác.
Anh Trần Hồng bán cháo lòng ở chợ, trên 25 năm, má anh là bà Vĩnh năm nay 86 tuổi bán cháo tiếng vang đi xa. Ngày nào cũng chưa tan chợ mà nồi cháo đã hết. Theo anh cho biết, cháo bán chạy là do giá khá mềm: Mười ngàn đồng một tô, tối đa là mười lăm ngàn đồng hợp với túi tiền dân địa phương.
Một di tích của đồng bào Hoa còn lại là Trường Dân lập Quốc Cường, nằm trong thị trấn, cách chợ chưa đầy một cây số. Sân trường còn lại một sân bóng rổ, loại hình thể thao mà người Hoa ưa chuộng.
Thăm nhà thờ Bãi Giá
Giáo xứ họ đạo Bãi Giá trước đây thuộc huyện Long Phú, nay địa danh hành chính đổi lại là huyện Trần đề. Theo lịch sử nhà thờ thì họ đạo này đã có từ 1894 đến nay đã 124 năm. Nhà thờ cũ có nét đẹp cổ kính, còn nhà thờ mới đáp ứng được sức chứa giáo dân. Đến đây gần hết giờ làm việc buổi sáng, tôi ngỏ ý muốn gặp cha xứ, ông sẳn sàng tiếp tôi.
Linh mục phụ trách họ đạo tên Phêrô Nguyễn Văn Thọ, vui vẻ trò chuyện với một người lạ và không thắc mắc gì về sự hiện diện của người khách này. Khi hỏi về lịch sử nhà thờ, ngài cho biết là không quan tâm lắm những vấn đề không thuộc về con người . Do đó, ngoài việc rao giảng đức tin, ngài còn tạo ra nắm gạo tình thương để giúp người neo đơn, giúp giữ trẻ cho các gia đình khó khăn. Trong nhà thờ chưa có thư viện, nhưng tôi đã thấy một phòng đọc sách dành cho thiếu nhi , ai muốn mượn về nhà đọc cũng được. Trò chuyện với linh mục Thọ, tôi nghe được nhiều câu chuyện lý thú. Có bà lão hỏi ông, con tôi có thể học làm linh mục được không? Linh mục trả lời, bà cứ nhìn vào mặt tôi, xấu xí như vầy, kém thông minh như vầy , vậy mà tôi cố gắng vẫn làm được. Gương mặt xấu xí của ông là do Chúa tạo nên, nếu ai chê ông xấu là chê khả năng tạo hình của Thiên Chúa.
Thay lời kết
Nhìn chung, huyện Trần Đề là một vùng đất cũ, có tên mới , có những chợ cũ phồn thịnh như Lịch Hội Thượng, chợ mới như chợ kinh Ba trên đường phát triển nằm sát với cảng cá có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ, ngoài ra còn có nhiều hộ nuôi yến có thu nhập cao sẽ đẩy việc kinh doanh của chợ này thành chợ thị trấn Trần Đề.
bài và ảnh Lương Minh
hi chùa theo phái tịnh độ cư sĩ
h2 đường xuống bến tàu đi Côn Đảo
h3 Bến tàu đi đánh cá biển ở Trần Đề
Là ở 1 cửa sông của sông Cửu Long phải không anh Minh.
Trần Đề là 1 huyện mới của Sóc Trăng, 9 cửa sông Cửu Long chỉ có Tranh Đề. Như Bạch Lộ cho biết đi Côn Đảo qua cửa Trần Đề là gần nhât. Huyện này cũng có nhiều cái hay. Đi phượt là nhất.
Cảm ơn anh đã giải thích cho em biết thêm thông tin hữu ích.
Khoảng tháng Tư em cũng có đến cảng Trần Đề để đi Côn Đảo tham quan, có đến viếng mộ Cô Võ Thị Sáu mà quên khong xin số vietllot anh Minh ơi!
Tôi có đến nhà thờ Bãi Giá, có gặp cha Thọ mượn sách ở thư viện này. Tôi không phải dân địa phương, cha vẫn cho mượn mà không sợ mất. Tháng sau xem xong tôi gửi cháu tôi trả. Nghĩ trong lòng, khi nào gom được sách cũ của bạn bè tôi sẽ gửi về cho thư viện
Tác giả Đời chợ viết cái gì cũng đề cập chợ trong đó. Nghe tưởng chán nào ngờ có nhiều cái hay