ĐÊM TRĂNG NGÀY MÙA

Ngày đăng: 13/12/2018 10:04:00 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Về đồng quê Nam Bộ,tôi thích nằm võng đong đưa, tiếng kẻo kẹt của cột nhà hòa với bài ca vọng cổ rỉ rả trong đài phát thanh. Hồi sáng, theo mấy anh chị ra đồng nghe giọng ê a ca khúc trử tình dài theo bờ ruộng, chắc hồi hôm anh chàng đi Karaoke đây. Ngay trước sân nhà nam nữ phơi lúa. Nhắc đến phơi lúa ngày mùa tôi nhớ lần về quê những năm trước, khi tôi được nghỉ hè. Chúng tôi có dịp hò với nhau rất vui. Hò là điệu hát bình dân từ ngoài đồng về đến sân nhà. Người ta hò cốt để vui miệng, vui tai… “hò buông rơi” ấy mà. Khi ai đó nghe được, họ cảm thấy thích, họ không thể không cất tiếng hò nối theo. Cứ thế mà luân phiên suốt, y như sự hàn huyên của những người bạn thân tâm đầu ý hợp lâu ngày mới gặp lại. Nếu họ hò đối đáp xung quanh một chủ đề, cũng có thể gọi là cuộc hò. Tôi dự vào một “cuộc hò” với một chàng người gốc Huế đa tài. Kể lại đây như một kỷ niệm . Chàng trai cất tiếng trước như nói bâng quơ, nhưng mang ý thăm dò: Hò ơ… Anh hỏi  rằng thương anh không, Cậy nhờ mai mối vợ chồng nên duyên …. Trông anh bữa nớ rất hiền Mà em nghịch dại ..ơ… Hò ơ…Mà em nghịch dại, trêu liền: Dạ! Không…Hò ơ…

Bên này mấy cô gái cười ồ lên. Thấy được sự chú ý, chàng trai Huế tiếp, Hò ơ… Nào ngờ trời đất mênh mông/ Anh đi biền biệt chẳng trông ngày về/ Em buồn em nhớ rất ghê /Đêm đêm ru những…ơ… Hò ơ…Đêm đêm ru những cơn mê gọi tình…Hò…ơ

Thấy anh chàng ” đậm đà ” quá, mới mấy câu mà đã vô đề, các cô đang do dự… Tôi tiếp: Hò…ơ… Lỡ đùa chỉ có một câu/ Mà anh mang vạn nổi sầu ra đi /Em nay đến độ xuân thì /Tìm anh năn nỉ…ơ… Hò…ơ…tìm anh năn nỉ, Chi đâu mà hờn …Hò…ơ

Được lời như mở tấm lòng, anh chàng làm tới… Hò…ơ… Bởi anh ốt dột hồi hôm Bỏ đi không nói dỗi hờn đến nay/ Ái tình nào có ai hay Bữa mới nói lại…ơ… Hò…ơ…Bữa mới nói lại lòng quay quắt buồn…Hò…ơ.. Đàn ông con trai mà dẻo miệng, nói đi nói lại…ghê gớm chưa…

Tôi tiếp: Hò…ơ… Con gái thì phải…đẩy đưa /Em chưa nói hết là anh tin rồi /Anh đi em dạ bồi hồi /Về thôi dắt má…ơ Hò…ơ…Về thôi dắt má qua” coi ” em liền…Hò…ơ Xem chừng tưởng cá cắn câu anh chàng hót liền, Hò…ơ… má khen em rất ngoan hiền /Ai cưới được nó là tiên trên trần/ Em làm anh cứ phân vân/ Nửa đi nửa ở…ơ Hò…ơ…Nửa đi nửa ở bâng khuâng đêm dài…Hò…ơ…

Tôi “bỏ ngọt” trả miếng, Hò…ơ Cưới vợ thì cưới liền tay/ Anh để lâu ngày em trốn mất tiêu/ Nhiều người hay gọi Em yêu/ Em chỉ có liều…ơ Hò..ơ…Em chỉ có liều nên mới chọn anh… Hò…ơ

Anh chàng bắt đầu hứa hẹn… Hò…ơ Anh đây tình cảm chân thành /Đẹp trai học giỏi hiền lành tận tâm/ Mắt xanh em thật không nhầm/ Cuối năm đám hỏi…ơ… Hò…ơ…Cuối năm đám hỏi sang năm rước về…

Trăng đã lên ngọn tre, đống lúa đã dọn xong, đến lúc phải dừng, tôi kết một câu thật thà… Hò…ơ… Em về tô điểm phấn son/ Chờ ngày anh đón mẹ cha qua nhà/ Em còn phải tập pha trà /Vì Em quen thói …ơ Hờ…ơ…Vì Em quen thói khát là cà phê…!

Đám bạn tôi và cả bên nhóm chàng trai cười ồ lên Điệu hò Đồng Tháp khác các điệu hò xứ khác ở những tiếng “hò ơ” hay “hò hơ” được thay bằng “hòa ơ” hoặc “hòa hơ”… Làn hơi phải mượt mà và tròn tiếng, đặc biệt nhất là sự luyến láy sao cho thật ngọt tai. Có thể nói, tất cả những câu thơ, ca dao thuộc loại trữ tình đều biểu diễn được dưới dạng “hò”. Ta chỉ cần bắt đầu bằng những tiếng Hò hơ (hay Hòa ơ…), và thêm tiếng đưa hơi “ờ” ở giữa câu cuối (để lấy hơi), xong, lại bắt đầu bằng tiếng “Hò ơ” khi ngâm câu cuối, và tất nhiên tiếng cuối của câu cuối ấy cũng có tiếng “ơ”. Vậy là ta đã hoàn tất một câu hò, để nhường lời cho đối tượng đang hò đối đáp với mình. Rồi sau đêm đó, tôi trở lại Sài Gòn, tôi không biết chàng trai còn lưu lại nơi đó bao lâu. Nhưng ít ra điệu hò đó cũng lưu lại trong tôi một cảm tình với người xứ Huế…

Nguyễn Kiều Phương

 

* Bài có sử dụng mấy câu thơ của anh My Lê ở chỗ hò của người con trai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác