CHỢ CÁ LONG XUYÊN
Tôi theo mẹ đi chợ, qua đò gần cầu Duy Tân bây giờ, bên kia sông là khách sạn Đông Thành. Mẹ con theo đường cặp bờ sông, có những cửa hàng bán lưới, chén dĩa . . . để đến chợ cá. Đó là một kiến trúc được xây dựng ven sông, giống như nhà sàn nhưng bằng bê tông. Mới sáng mà sinh hoạt nơi đây thật nhộn nhịp, tấp nập. Cặp cầu cá là những chiếc ghe, thuyền san sát nhau, những thùng đựng cá có đục lỗ nhỏ chảy nước ròng ròng, được khiêng lên trên chợ. Tôi nhìn thấy không biết cơ man nào cá, đủ loại, đủ cỡ. Những con cá lóc, cá trê vàng . . . thì quá tầm thường, tôi thấy những khứa cá to, hỏi mẹ đó là cá gì, mẹ trả lời : Cá hô đó con, vẩy nó to như đồng xu và cứng lắm. Cá nhỏ thì có rô đồng, rô biển, he, mè vinh, lưỡi trâu, lòng tong, thiểu . . . Có một chỗ bán lươn, những con lươn vàng ươm trườn quanh chậu bằng nhôm tròn, tôi thì không thích loại này lắm. Thời đó toàn là cá đồng tự nhiên, không có loại cá nào được nuôi, trừ cá vồ; chất lượng ngon và đầy hương vị đồng quê. Nay không thể nào tìm được những loại cá như vậy nữa, toàn là nuôi và không an toàn.
Mẹ chọn mua một khúc cá bông lau để nấu canh chua, cá rô đồng để kho, cá lưỡi trâu để chiên. Tôi mường tượng ra tô canh chua thơm ngát, hấp dẫn, cá rô kho nồi đất mặn mà, cá lưỡi trâu chiên dòn. Nhìn quanh thấy chợ vẫn còn đông người mua bán, điều đặc biệt là chợ sát mé sông nên nước được dội liên tục trên sàn, vì vậy không thấy mùi tanh hôi như những chợ khác mà mình biết qua. Giỏ đã nặng chĩu, hai mẹ con khệ nệ xách về, mồ hôi đổ ra nhễ nhại nhưng vui vì được đi chợ với mẹ.
Thoắt mà đã hơn 50 năm, bồi hồi khi đi ngang chợ cá nay không còn. Tôi vẫn nhớ dáng mẹ ngày ngày đến nơi đây để đi chợ, nghe như tiếng mua bán xôn xao vẫn còn đồng vọng quanh đây. Bỗng dưng buồn man mác trước cảnh cũ giờ đã không còn.
Ngô Lâm Viên