ĐI BỮA GIỖ BỔ THÊM TƯ LIỆU

Ngày đăng: 23/10/2018 07:23:08 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Tôi được may mắn quen với nhà văn Sơn Nam từ năm 1983, khi ông xuống Vĩnh Long dự trại văn do Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh tổ chức. Biết ông có thâm tình với anh nhà thơ Phong Tâm trước 1975 nên tôi có nhắc người bạn quê với ông. Kết thúc trại văn tôi đưa ông về Cái Mơn để thăm bạn hiền, sau đó có điều kiện đi thăm làng nghề làm cây giống ở Vĩnh Thành, Chợ Lách.
Lên Sài Gòn viết báo, tôi thường gặp ông ở Nhà truyền thống Gò Vấp vào ngày thứ bảy, chủ nhật để tán gẩu cùng với nhiều bạn già của ông là thầy giáo về hưu, bác sĩ, nhà báo , nhà văn. Nhờ lân la với ông mà tôi biết được nhiều chuyện trong làng báo, làm liên lạc viên của các tòa soạn báo với ông để đặt bài mỗi lúc xuân về.

Hôm đầu tháng bảy, TS Hoàng Kim Oanh hỏi tôi đi đám giỗ ông Sơn Nam không ? Nhớ lại, từ hôm đưa tiễn ông về Bình Dương đến nay , tôi chưa gặp những người bạn của ông, thậm chí có người tôi còn mất cả số điện thoại, thôi thì nhờ dịp xuống thắp cho ông cây nhang, hy vọng gặp lại lớp bạn già của ông ngày trước, những tư liệu sống về ông già Nam bộ.
Vừa bước chân xuống xe, tôi đã gặp anh Đào Tăng người lúc nào cũng giới thiệu mình là anh của nhà văn Đào Hiếu, đã từng chung sống và nhậu nhẹt với Sơn Nam (SN) trong những ngày ông sống xa gia đình ở Gò Vấp. Đào Tăng là nguời tốt, thuờng chở ông đi đến các tòa soạn để nộp bài, thỉnh thoảng về chiều thù tạc với ông tại quán bia Sáu Linh trên đường Nguyễn Thái Sơn.
Nhớ hồi tôi mới vào làng báo viết phóng sự, báo Doanh Nhân Sài Gòn đặt bài viết về nghề đạo tỳ, tôi hỏi Sơn Nam thì ông giới thiệu với tôi anh Đào Tăng bởi anh có nhiều quan hệ với giới đạo tỳ, đình chùa. Thế là qua môi giới của anh Đào Tăng, tôi được gặp trưởng đội đạo tỳ ở Gò Vấp hỏi về phong tục khi đưa linh cửu đi an táng. Sau đó, Đào Tăng có uống cà phê với tôi đôi ba lần, vậy mà khi gặp lại sau hai mươi năm, anh lại có một cuốn sách Mười năm đi & sống với Sơn Nam dày 180 trang, ghi lại chuyện đời thường của ông già Nam bộ, quả là một bất ngờ!
Hôm nay, anh Đào Tăng đem xuống 5 cuốn “10 năm vắng bóng liêu xiêu”Ông già Nam bộ” , lấy từ cuốn cũ bổ sung thêm vài truyện mới. Anh nói sách anh hay lắm , em đọc đi!
Tháng trước, Đào Tăng gặp tôi tại tiệm chụp hình, có đưa tôi cái danh thiếp nhà văn Đào Tăng. Tôi kể cho bạn tôi nghe, anh cười vui nói rằng: Gần đèn thì sáng, ở chung nhà văn Sơn Nam nên Đào Tăng cũng trở thành nhà văn là phải rồi. Tôi nghĩ, có người gặp Sơn Nam vài ba giờ mà viết được bài báo, huống hồ gì anh Đào Tăng sống với SN từ 1995 đến 2005 thì một cuốn sách là ít. Theo tôi, muốn biết về đời thường của SN tìm đọc cuốn này là có nhiều tư liệu nhất.
Bước vào nhà truyền thống , tôi gặp nhà báo Lê Phú Khải, anh từng là phóng viên thường trú Đồng Bằng Sông Cửu Long của Đài tiếng nói Việt Nam, anh chơi với Sơn Nam khá thân , do vậy mà anh có cuốn sách viết về Sơn Nam sớm nhất.
Ngồi ở hành lang cùng với những người trẻ là nhạc sĩ Hà Phương, hầu hết những bạn chung quanh đều gọi anh bằng thầy. Anh là người phổ nhạc bài thơ Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam. Anh cho biết anh quen với Sơn Nam qua nhà thơ Kiên Giang- Hà Huy Hà, người phụ trách trang văn nghệ của báo Điện Tín. Vì vậy những lần Sơn Nam về Mỹ Tho đều có gặp anh. Tôi không có kiến thức về âm nhạc nên tên Hà Phương rất lạ đối với tôi, nhưng khi nghe Hà Đình Nguyên nói anh là tác giả của bản Hai sắc hoa ti gôn, Mưa đêm tỉnh nhỏ thì tôi lại nhớ. Nhất là bản “Mùa mưa qua mau” thời học sinh tôi rất mê: Tôi dìu em về đường về nhà em qua phiến đá xanh xao, con đường mòn hun hút mắt em sâu …(ký tên Du Uyên) thì bấy giờ tôi thấy rất gần gủi với anh.
Hà Đình Nguyên , phóng viên báo Thanh Niên chuyên viết về văn nghệ sĩ có viết trong cuốn “60 bóng hồng trong thơ nhạc ” có bài viết về anh và cho rằng Hà Phương tuy không viết nhiều, nhưng tác phẩm của anh được người ta nhớ đời.
Hà Đình Nguyên lật quyển sách trong tủ ra chỉ cho mọi người là tấm ảnh đó do anh chụp. Anh còn kể chuyện đã từng làm phó tế cho SN tại Lăng Ông Bà Chiểu. Trước đây SN có kể cho tôi nghe chuyện ông làm chức sắc tại Lăng Ông, SN còn chỉ cho tôi mua quyển nghi thức cúng bái của ông Nguyễn Văn Rỡ mà ông xem như là bậc thầy trong việc cúng bái trong đình làng. Hà Đình Nguyên kể , anh cùng với Quốc Định, phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng hai người phải mặc áo dài đen , trong khi ông SN mặc áo thụng bông để làm chủ tế. Ông dặn “hai ông phải làm theo tui”.
Anh Võ Văn Lê, con của nhà văn Trang Thế Hy thấy tôi rất mừng vì không ngờ gặp tôi ở đây sau hơn hai mươi năm xa cách. Anh nói SN là bạn thân của cha anh, mỗi lần đi Bến Tre , SN đều có ghé thăm chú Tư (tên NV Trang Thế Hy), có khi nghỉ lại đó. Mấy năm nay, cứ đám giỗ của SN là anh đi thắp nhang thay cho ông già !
Anh Tần Hoài Dạ Vũ gặp tôi cũng vui vì sau lần anh xuống Chợ Lách dự sinh hoạt CLB Văn học với huyện đoàn năm 1983 đến nay mới gặp lại. Năm đó anh phụ trách trang văn nghệ của báo Thanh Niên đi cùng anh Dương Phú Lộc xem phong trào vui chơi của thanh niên miệt vườn. Mấy năm sau đó , tôi cũng có cộng tác báo Thanh Niên, đến tòa soạn thường nhưng anh đã thôi làm ở đó. Anh nói , SN rất tin tuởng anh, hể anh đặt bài là “Ông già” mới viết. Anh còn kể nhiều chuyện vui khi đi nhậu với Sơn Nam khiến cả bàn cơm cười ồ.
Một lão già râu tóc, nhìn như vị tiền bối trong tiểu thuyết kiếm hiệp đã cặp tay sư huynh Lê Ký Thương đi chụp hình. Đây là những bạn già văn nghệ của SN từ lúc ông làm báo Điện Tín. Lão huynh đó là nhà văn Mặc Tuyền, đàn em của nhà thơ Kiên Giang trước năm 75 phụ trách mục Tuổi lá mạ còn SN thì phụ trách mục Non nước Quê hương. Sơn Nam trước đây cho tôi biết, Mặc Tuyền là người đa tài : vẽ, làm thơ, viết tiểu thuyết, sáng tác vọng cổ, diễn kịch đều được tuy không xuất sắc lắm.
Ăn giỗ xong về Long An gặp nhà thơ Cao Thoại Châu. Nghe chúng tôi đi đám giỗ Sơn Nam về, anh nói Sơn Nam là một nhà văn để lại cho anh nhiều dấu ấn thời đó, nhất là câu chuyện Mùa Len Trâu. Sài Gòn bây giờ văn nghệ có ba khuynh hướng, viết theo hiện sinh, viết theo lối bình dân , viết với chủ đề chiến tranh, nhưng Sơn Nam viết mang âm huởng tình tự quê hương. Nhân vật có phát triển vươn lên, không tiêu cực thở than trong bối cảnh quê hương tan rả.
Tác phẩm Mùa len trâu được đạo diễn Nguyễn Võ Nguyên Minh, một nguời Việt ở nước ngoài đầu tư môt triệu đô để thực hiện. Kết quả, phim đã đem về cho đạo diễn giải đặc biệt ở Liên hoan phim Locarno (Thụy Sỹ), giải đạo diễn xuất sắc nhất ở LHP Chicago (Hoa Kỳ), giải cao nhất của LHP Amiens (Pháp) và giải đặc biệt của LHP Amazonas (Brasil). Có lẽ vì vậy mà ngoài nhuận bút chính thức, năm 2005 nhà làm phim còn tặng thêm cho Sơn Nam món tiền khá lớn. Ông già vui vẻ nói, phần lì xì này còn nhiều hơn gấp mươi lần nhuận bút truyện ngắn ở các báo trong nước!

Nghĩ lại câu: đi bữa giỗ lổ buổi cày với mình hôm nay trật lất. Mình đi bữa giỗ hốt thêm nhiều tư liệu sống về ông già Sơn Nam, để dành đó cho ngày mai.
bài và ảnh Lương Minh

h1                                            Nhà báo Hà Đình Nguyên

h2                         Nhà báo Lê Phú Khải (3) TS Hoàng Kim Oanh (bìa phải)

h3                         anh Võ văn Lê (con nhà văn Trang Thế Hy) và Lương Minh

h4 Ái nữ nhà văn Sơn Nam, TS Hoàng Kim Oanh, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ

h5                                                     Nhà thơ Cao Thoại Châu

h6

Có 3 bình luận về ĐI BỮA GIỖ BỔ THÊM TƯ LIỆU

  1. My Nguyễn nói:

    Nhờ anh Lương Minh đi đám giỗ nhà văn Sơn Nam mà bạn đọc được xem một bài viết hay, đầy thú vị với nhiều tư liệu quý báu. Đúng là đi ăn giỗ như anh LM thì không lỗ bao giờ…

     

  2. Kimthuan Trinh nói:

    Năm tới có đi dự cho hay…rủ thêm chồng cô Phà Ca, rễ của Kiên Giang Hà Huy Hà cùng đi

  3. Thu Ha Dao nói:

    ái nữ của nhà văn SN, LM biết tên gì khg vậy, lâu quá tôi khg nhận ra nguoi than nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác